Ngày người tiêu dùng xanh thế giới

Ngày Người tiêu dùng Xanh Thế giới được công nhận trên toàn thế giới kêu gọi sự chú ý của mọi người đến hoạt động tiêu dùng và tác động của nó đến môi trường.

       Thế giới lấy ngày 28/9 hằng năm giúp các cá nhân tìm hiểu cách sử dụng túi tiền của mình để chi cho những doanh nghiệp, dịch vụ và sản phẩm có tính bền vững đối với môi trường, mục tiêu là để tăng nhận thức về các lựa chọn mua hàng bền vững và cách để kết hợp vào các thói quen hàng ngày.

          Tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp Quốc tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992, chủ đề “sản xuất và tiêu dùng bền vững” được đánh giá là hướng đi quan trọng để kết nối các vấn đề phát triển và môi trường. Hội nghị này đã chỉ ra nguyên nhân lớn nhất của sự suy thoái môi trường toàn cầu là do sản xuất và tiêu dùng thiếu bền vững. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất được nêu ra là: “Để đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng cao hơn cho mọi người, các quốc gia nên giảm dần và loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng không bền vững.” 10 năm sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi), đã nêu vấn đề khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khuôn khổ chương trình 10 năm hỗ trợ các sáng kiến khu vực và quốc gia, nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thông qua cải thiện hiệu quả và tính bền vững trong sử dụng các nguồn lực và quy định sản xuất và giảm thiểu suy thoái tài nguyên môi trường, ô nhiễm và lãng phí. Bên cạnh đó, vấn đề tiêu dùng xanh còn được đưa vào các Chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế như UNEP, UNESCAP, tổ chức EU.

      Những năm vừa qua, sáng kiến mua sắm xanh trong khu vực công đã được nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới đã tự nguyện ký kết thực hiện. Sáng kiến này được Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) nêu ra, yêu cầu chính phủ các nước tham gia ủng hộ đưa ra các nguyên tắc mua sắm xanh vào các hoạt động chi tiêu của chính phủ. Qua đó, thay đổi phương thức tiêu dùng theo hướng xanh là chủ đề được quan tâm rộng rãi hiện nay, bởi nó liên quan tới nhiều chủ thể (cá nhân, hộ gia đình, nhóm, doanh nghiệp, và nhà nước), nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ và quốc tế), nhiều khía cạnh (kinh tế, xã hội và môi trường).

 

          Việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa giảm thiểu lượng tài nguyên và nguyên liệu độc hại sử dụng, cũng như giảm phát thải và ô nhiễm trong suốt vòng đời sản phẩm/dịch vụ để không làm ảnh hưởng đến những nhu cầu của các thế hệ tương lai. Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), hệ sinh thái trên trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2050 với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như hiện nay cộng với đó là sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm tới ngưỡng 9,6 tỷ người, chúng ta sẽ phải cần tới 3 Trái Đất mới có thể đáp ứng được thói quen tiêu dùng truyền thống và mức tiêu dùng hiện nay.

          Sản xuất và tiêu dùng bền vững có nghĩa là thúc đẩy năng lượng và tài nguyên hiệu quả, thúc đẩy cơ sở hạ tầng bền vững, và tạo điều kiện cho tất cả mọi người được tiếp cận với với những dịch vụ xanh và một cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Việc đồng thời thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng bền vững giúp đạt được các kế hoạch phát triển nói chung, giảm chi phí về kinh tế, môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế và giảm nghèo. Một trong những mục tiêu chính của sản xuất và tiêu dùng bền vững là tách rời tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường bằng cách tăng tính hiệu quả của việc sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng hàng hóa, hướng tới giữ năng lượng, vật liệu và ô nhiễm của quá trình sản xuất và tiêu dùng trong khả năng tái tạo của hệ sinh thái. Giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người, vì vậy việc người tiêu dùng thực hiện tiêu dùng xanh và biến nó thành một xu hướng mới là điều tất yếu. Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng chiếm ưu thế khi người tiêu dùng trên khắp thế giới đang ủng hộ những công ty biết tích cực chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đặc biệt là những giá trị bảo vệ môi trường sống. Tuy vậy, việc này đòi hỏi phải có sự thay đổi triệt để ở nhiều khía cạnh, từ cách sản xuất và tiêu thụ cũng như các giá trị cấu trúc nền tảng của xã hội, tạo ra các sản phẩm xanh là cách giảm ô nhiễm môi trường tốt nhất hiện nay.

          Theo trung tâm Nghiên cứu thị trường bán lẻ châu Âu dự đoán, doanh thu mà các thương hiệu xanh tạo ra tăng từ 10,3 tỷ euro (tương đương 12,6 tỷ USD) tại thời điểm năm 2000, lên 56 tỷ euro trong năm 2009 và ước đạt 114 tỷ euro vào năm 2015, tương đương khoảng 5% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Ngày Người tiêu dùng Xanh Thế giới là lúc để suy nghĩ và nhớ lại những gì chúng ta mua, tác động của việc mua hàng đó đến chúng ta và đến môi trường chung. 

          Tiêu dùng xanh cùng với kinh tế xanh đã, đang và sẽ trở thành vấn đề trung tâm trong các nỗ lực hướng tới phát triển bền vững của nhân loại. Một số điều cần ghi nhớ cho người tiêu dùng xanh như đi bộ hay đi xe đạp đến chợ (siêu thị); Tìm hiểu nguồn gốc của thực phẩm. Đọc, Nghiên cứu, Điều tra!; Luôn mua hàng địa phương; Khi mua, hãy thực hiện sự lựa chọn thông minh với ý thức bảo vệ sinh thái; Chỉ mua khi (và mua những thứ) bạn thực sự cần đến. Cách tốt nhất để làm một người tiêu dùng xanh là không phải mua gì cả!; Giảm mua, Tái sử dụng và Tái chế. 

          Tiêu dùng theo cách hiểu đơn thuần là giai đoạn tiếp nối của quá trình sản xuất, nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người, theo đó tiêu dùng luôn gắn bó chặt chẽ và được xem xét trong mối tương quan với thu nhập, tiết kiệm và vốn. Hiện nay, quan niệm về tiêu dùng không chỉ là đối tượng kinh tế, mà còn mở rộng ra cả xã hội và môi trường.

Đỗ Trang