Năm 2023, Ngày Nước thế giới với chủ đề: “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới: “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”, và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 và chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái. Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc gia Ngày nước thế giới năm 2023
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Võ Tuấn Nhân phát biểu tại sự kiện

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: Việt Nam nằm trong Nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng... đang đối mặt trước những thách thức của thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự đoán.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Namcho rằng: Nước là sự sống, chúng ta cùng có trách nhiệm sử dụng nước có hiệu quả tránh ô nhiễm nguồn nước. 

Là thành viên của nhóm toàn cầu về nước, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang phối hợp với các đối tác để giúp Việt Nam ứng phó với hạn hán và mất an ninh nguồn nước. Cụ thể, UNDP đang thực hiện một dự án trị giá 30 triệu USD tại 5 tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ đối phó với hạn hán do khí hậu và thiếu nước phục vụ sinh kế.

Tại sự kiện đại diện UNDP đồng thời chia sẻ ba gợi ý chính. Cụ thể, Một là thúc đẩy các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng ít nước: tại các vùng khô hạn như Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc khan hiếm nước. Theo UNDP điều này là cần thiết cho việc áp dụng chuyển đổi các mô hình cây trồng có khả năng chống chịu biến đổi và triển khai các công nghệ tiết kiệm nước sáng tạo như tưới nhỏ giọt.

Hai là: Ưu tiên triển khai các dịch vụ Khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực: Dịch vụ cảnh báo sớm và thông tin chính xác có thể hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau tránh thiệt hại và mất mát, đồng thời đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn.

Ba là: Đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi của Việt Nam được nhận định là có những lợi thế cần được đánh giá tốt, triển khai và gia tăng trong cơ cấu năng lượng...UNDP tự hào được hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam xây dựng các dự án và đánh giá tiềm năng nhằm thúc đẩy việc triển khai điện gió ngoài khơi.

Tại sự kiện lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết là tỉnh miền núi phía Bắc, được dự báo sẽ chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu. Theo đó các cấp chính quyền và nhân dân Hòa Bình cũng luôn “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, Ứng phó thông minh với khí hậu”.

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể…triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng rộng rãi sự kiện quan trọng này.

Sau lễ phát động Tọa đàm vai trò của Khí tượng Thủy văn, Tài nguyên nước trong thích ứng với Biến đổi khí hậu phục vụ phát triển đất nước đã đồng thời được tổ chức.

Tại đây các chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận vai trò của công tác thông tin khí tượng thủy văn trong việc xây dựng, vận hành các công trình hồ chứa, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng sử dụng tài nguyên nước tại Việt Nam hiện nay đồng thời đề xuất những khuyến nghị về chính sách và giải pháp để sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả.