Cách đây hơn 10 năm, những người đan bội kẽm tại xã Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre sản xuất chủ yếu theo nhu cầu của các hộ chăn nuôi gà tại địa phương. Về sau, khi thị trường mở rộng, bội kẽm có mặt ở khắp nơi, và nghề đan bội kẽm của huyện cũng phát triển kể từ đó.

Nếu như 10 năm trước, nơi đây chỉ dừng lại ở con số vài ba hộ tham gia, đến nay toàn xã Long Thới có hơn 1/3 trong số hơn 4.000 hộ dân tham gia nghề đan bội kẽm. Bình quân một ngày mỗi hộ gia đình (2 lao động) đan từ 4 - 10 cái bội, 1 tháng có thêm thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng.

Từ đây, nghề đan bội kẽm tiếp tục phát triển và lan rộng ở khắp nơi trên địa bàn huyện Chợ Lách. Các hộ dân ở xã Hòa Nghĩa, Vĩnh Thành, thị trấn Chợ Lách, giáp ranh xã Long Thới cũng nhận hàng gia công về làm.

Họ nhận nguyên liệu từ các cơ sở về thực hiện gia công. Tùy vào công việc ở gia đình, mỗi lao động có thể đan được từ 3 - 7 cái bội kẽm một ngày, được trả công từ 50.000-120.000 VNĐ. Không kén chọn tuổi tác già hay trẻ, đàn ông hay phụ nữ và không khắt khe về kỹ thuật đó là tất cả những gì chúng tôi biết được qua tiếp xúc với những người làm nghề đan bội kẽm ở huyện Chợ Lách.

Chị Hồ Thị Phượng - Ấp Long Khánh, xã Tân Thiềng vừa chăm sóc con nhỏ vừa tham gia đan bội kẽm, mỗi ngày đan được 5 - 6 cái bội, nhận công 13.000đ/cái chị có nguồn thu nhập 65 - 75 ngàn đồng.

Được biết, để hoàn thành một cái bội kẽm bán ra thị trường phải có nhiều công đoạn khác nhau, và tùy vào điều kiện của mỗi người có thể nhận một công việc thích hợp từ ra dây, làm nắp, đan bội và quấn chân.

Nghề đan bội kẽm đang phát triển mạnh tại Chợ Lách, Bến Tre.

Về kỹ thuật tuy không khó nhưng để có một cái bội hoàn chỉnh đạt yêu cầu của chủ cơ sở, người đan bội phải tham gia các lớp tập huấn hay đến cơ sở để học nghề, thời gian khoảng 01 tuần.

Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Chợ Lách ngoài tập trung mở các lớp đào tạo nghề truyền thống của địa phương như kỹ thuật uốn, sửa kiểng bonsai; kỹ thuật trồng cây ăn trái, còn quan tâm mở các lớp đào tạo nghề quay chậu xi-măng, đan bội kẽm, đan bội tre, thu hút hàng trăm học viên.

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, đa số học viên đều có tay nghề, có được việc làm ổn định nâng cao thu nhập gia đình. Qua đó, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Ngoài ra, thanh thiếu niên địa phương có việc làm ổn định đã góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.