Nghị định 116 “tốt” cho ngành ô tô

Nghị định 116 đã góp phần lớn trong sự “khởi sắc” của ngành ô tô, từ đó kéo theo sự phát triển của hàng loạt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Trong đó, đề xuất ưu đãi thuế nhập khẩu 0% trong vòng 5 năm 2019 – 2023 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhằm phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Nhiều Chính sách đưa ra để hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
Nhiều Chính sách đưa ra để hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Đề xuất sửa đổi này dự kiến sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong nước.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 đã góp phần lớn trong sự khởi sắc của ngành ô tô, góp phần tạo dung lượng thị trường, từ đó kéo theo sự phát triển của hàng loạt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng được 30-40% và đến năm 2030 đáp ứng trên 50% nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thiết yếu cho sản xuất ô tô, các Bộ ngành đã và đang tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp này.

Mục tiêu của các Bộ, Ngành là tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất ô tô
Mục tiêu của các Bộ, Ngành là tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất ô tô

Hiện tại Việt Nam có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan ô tô. Trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, đối với xe con, tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn khiêm tốn ở mức 15-25%.

Tỷ lệ nội địa hóa của THACO đạt 35-45% đối với xe tải và 60% đối với xe bus. Doanh nghiệp khác là Toyota đã đạt mức 37% đối với dòng xe Innova.

Thời gian tới, ngành ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi chính sách nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng miễn khoản thuế này với phần giá trị tạo ra trong nước trong vòng 5-10 năm.

Thời gian tới, ngành ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi chính sách
Thời gian tới, ngành ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi chính sách

Đồng thời, khái niệm "lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và một số linh kiện ô tô" cũng đang được xem xét điều chỉnh trở thành "ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao".

Những chính sách này nếu đi vào thực tiễn, sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, từ đó giảm chi phí và giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.