TÓM TẮT:

Đo lường và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố tác động đến cảm nhận của du khách và cộng đồng địa phương về phát triển bền vững du lịch Bến Tre nhằm mục đích xây dựng các chiến lược phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre cho các thế hệ tiếp theo. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát các du khách và cộng đồng địa phương về cảm nhận của họ trong hoạt động phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre hiện nay. Nghiên cứu về cơ bản đã khám phá các yếu tố các hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, các hoạt động môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng tác động đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về phát triển bền vững du lịch.

Từ khóa: Phát triển bền vững du lịch, cảm nhận, du khách, cộng đồng địa phương, du lịch, tỉnh Bến Tre.

1. Lý do nghiên cứu

          Bến Tre là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có vị trí địa lý, địa hình, nguồn tài nguyên thuận lợi cho khai thác và kinh doanh du lịch với dòng sản phẩm đặc trưng là trải nghiệm cuộc sống người dân sông nước miệt vườn. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như bờ biển dài 65 km; lãnh thổ được bao bọc bởi 4 con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên; cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều bãi bồi, cồn nổi thích hợp cho việc phát triển du lịch biển. Tỉnh Bến Tre đã thu hút được gần 840.000 lượt khách du lịch, tương đương tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017, với tổng doanh thu đạt được trên 676 tỷ đồng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bến Tre, 2019). Sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh Bến Tre đã góp phần vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" về du lịch của tỉnh Bến Tre đang đứng trước những thách thức không bền vững và bộc lộ nhiều hạn chế như: tốc độ và mức độ ổn định của tăng trưởng du lịch, đóng góp của du lịch cho GRDP còn thấp so với các tỉnh trong vùng; hoạt động du lịch gây không ít tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch, tới môi trường tự nhiên, xã hội, tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; một số ngoại ứng tiêu cực từ du lịch tới cộng đồng, số ngày lưu trú, hệ số quay trở lại và chi tiêu của khách du lịch thấp. Trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu sự phát triển bền vững du lịch nhằm cân bằng giữa khai thác du lịch hiện tại và giữ gìn sự phát triển cho thế hệ sau, đảm bảo phát triển bền vững, tạo ra các giá trị kinh tế cho cộng đồng địa phương, hạn chế hủy hoại môi trường và tài nguyên du lịch trong quá trình khai thác tài nguyên du lịch vào hoạt động tham quan du lịch của du khách. Đồng thời, nâng cao ý thức của du khách có trách nhiệm hơn đối với môi trường, văn hóa xã hội và nền kinh tế địa phương. Chính vì vậy, “nghiên cứu các yếu tố tác động đến cảm nhận của du khách và cộng đồng địa phương về phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre” đang trở thành vần đề cấp thiết nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội - văn hóa, môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng sông nước miệt vườn để du lịch Bến Tre trở thành nền ngành kinh tế du lịch mũi nhọn và hướng đến phát triển bền vững du lịch. Đồng thời, nghiên cứu cũng góp phần nâng cao nhận thức của cả du khách lẫn người dân địa phương về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế bền vững cho địa phương và định hướng những hành động của người dân theo chiều hướng có lợi cho bảo vệ thiên nhiên (Đồng Thanh Hải, Phùng Văn Phê, 2015)

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Du lịch bền vững

           Machado (2003) định nghĩa “Du lịch bền vững là cách thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ sau”. Mục tiêu của du lịch bền vững là bảo vệ tài nguyên và môi trường, tăng cường bảo tồn và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng, đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch nhằm đạt đến sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường (Đào Thị Bích Nguyệt, 2012).

2.2. Phát triển du lịch bền vững

          Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu (2001) nhận định rằng “Phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác môi trường tự nhiên và văn hóaa nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn, đồng thời tiếp tục duy trì các khoản đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”. Vũ Văn Đông (2014) nhận định: “Phát triển bền vững du lịch là phát triển những hoạt động du lịch với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho xã hội và cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch... trên cơ sở khai thác các nguồn tài nguyên; đồng thời có ý thức đến việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn và duy trì tính nguyên vẹn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo môi trường trong sạch; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Theo Luật Du lịch (2017), "Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai".   

2.3. Các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững 

          Theo Nguyễn Mạnh Cường (2015), muốn phát triển du lịch bền vững, chúng ta cần phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững sau đây: Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, Giảm thiểu các chất thải ra môi trường, hạn chế việc tiêu thụ quá mức, Phát triển gắn liền với nỗ lực bảo tồn tính đa dạng, Quy hoạch phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế, Chú trọng việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương vào các hoạt động phát triển du lịch, Thường xuyên trao đổi tham khảo ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan trong quá trình phát triển du lịch, Chú trọng đào tạo nâng cao nhận thức về tài nguyên, môi trường, Tăng cường tính trách nhiệm trong hoạt động xúc tiến du lịch, Thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu. Những nguyên tắc trên đây nếu thực hiện đầy đủ sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, phát triển bền vững chính là chìa khóa cho sự thành công lâu dài của ngành Du lịch.

3. Mô hình nghiên cứu đề xuất và giả thuyết nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

          Trong nghiên cứu này tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu của Vũ Văn Đông (2014), Bùi Trọng Tiến Bảo (2018) gồm các biến: các hoạt động kinh tế, các hoạt động xã hội, các hoạt động môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng tác động đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về phát triển bền vững du lịch.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo-hinh-nghien-cuu-de-xuat

3.2. Các giả thuyết nghiên cứu

          H1: Các hoạt động kinh tế tác động cùng chiều đến cảm nhận về các hoạt động phát triển bền vững du lịch  

          H2: Các hoạt động xã hội tác động cùng chiều đến cảm nhận về các hoạt động phát triển bền vững du lịch  

          H3: Các hoạt động môi trường tác động cùng chiều đến cảm nhận về các hoạt động phát triển bền vững du lịch  

          H4: Sản phẩm du lịch đặc trưng tác động cùng chiều đến cảm nhận về các hoạt động phát triển bền vững du lịch  

3.3. Thiết kế thang đo

          Dựa vào cơ sở lý thuyết, các thang đo từ nghiên cứu của Vũ Văn Đông (2014), Bùi Trọng Tiến Bảo (2018) đã được chứng minh có độ tin cậy và có ý nghĩa trong các nghiên cứu. Các biến quan sát trong bảng câu hỏi được sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, cụ thể như sau: (1) - hoàn toàn không đồng ý (2) - không đồng ý (3) - bình thường (4) - đồng ý (5) - hoàn toàn đồng ý. (Bảng 1)

Bảng 1. Tổng hợp thang đo và các biến quan sát

tong-hop-thang-do-va-cac-bien-quan-sat

 4. Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu

4.1. Nghiên cứu định lượng

          Nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp định lượng và số liệu thu thập được bằng cách gửi 450 bảng câu hỏi khảo sát để khách du lịch và cộng đồng địa phương đánh giá. Nghiên cứu này được thực hiện chủ yếu tại khu du lịch Cồn Phụng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2019. Từ dữ liệu thu được, tác giả tiến hành phân tích thông qua các bước như thống kê mô tả, phương pháp kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA bằng phần mềm xử lý số liệu thống kê SPSS thế hệ 20. Sau khi kiểm định thang đo, các biến quan sát đạt yêu cầu sẽ được đưa vào phân tích tương quan Pearson’s nhằm phân tích các mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa các biến trước khi đưa vào phân tích hồi quy bội.

4.2. Mẫu nghiên cứu

          Hair và ctg (2006); Nguyễn Đình Thọ (2012) cho rằng, để sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA), kích thước mẫu tối thiểu phải là 50, tốt hơn là 100 và tỉ lệ quan sát/biến đo lường là 5:1, nghĩa là 1 biến đo lường cần tối thiểu 5 quan sát. Ngoài ra, theo Tabachnick và Fidell (1991); Nguyễn Đình Thọ (2012), để phân tích hồi quy đạt được kết quả tốt nhất, kích thước mẫu phải thỏa mãn công thức tính kích thước mẫu: n ≥ 50 + 8 p. Trong đó, n là kích thước mẫu tối thiểu và p là số lượng biến độc lập trong mô hình. Cụ thể, trong mô hình nghiên cứu, tác giả đề xuất có 4 biến độc lập tương đương 18 biến quan sát có thể được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá. Ta tính được số mẫu tối thiểu cần thiết của nghiên cứu là 18 x 5 = 90. Nếu dựa theo công thức n ≥ 50 + 8 p ta tính được n ≥ 50 + 8 x 4 = 82. Do EFA luôn đòi hỏi kích thước mẫu lớn hơn nhiều so với dùng hồi quy nên ta chọn kích thước mẫu tối thiểu là 90. Như vậy, số liệu được thu thập đảm bảo thực hiện tốt mô hình nghiên cứu.

5. Kết quả nghiên cứu

          Tổng số phiếu phát ra 450, thu về 430 phiếu trả lời, trong đó có 18 bảng trả lời còn để trống một số câu hỏi nên đã loại bỏ. Vì vậy, tác giả tiến hành phân tích và xử lý số liệu trên 412 (95,81%) bảng câu hỏi được trả lời hợp lệ.

5.1. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA

          Các biến quan sát của nhóm các hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, hoạt động môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng tác động đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về các hoạt động phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre đều có hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha > 0,6, nên tất cả các biến quan sát được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha và phân tích

nhân tố khám phá EFA 

 ket-qua-kiem-dinh-cronbachs-alpha-va-phan-tich-nhan-to-kham-pha-efa

Nguồn: Kết quả phân tích, 2019

5.2. Phân tích hồi quy bội

          Nghiên cứu tiến hành phân tích hồi quy bội với từng mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đưa vào một lượt (phương pháp enter) khi phân tích hồi quy bội. Cụ thể: (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy bội

ket-qua-phan-tich-hoi-quy-boi

Kết quả phân tích cho thấy tất cả các biến đều có ý nghĩa về mặt thống kê, vì có mức ý nghĩa là 0,000 nhỏ hơn 0,05. Ngoài ra, ta cũng thấy rằng, hệ số phóng đại phương sai < 10 chứng tỏ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Phương trình hồi quy thể hiện cảm nhận của người dân địa phương, du khách về các hoạt động phát triển du lịch bền vững:

Phát triển du lịch bền vững = - 0,063 + 0,307 (Hoạt động kinh tế) + 0,255 (hoạt động xã hội) + 0,236 (sản phẩm du lịch)+ 0,222 (hoạt động môi trường)

          Kết quả cho thấy 4 biến gồm: các hoạt động kinh tế, các hoạt động xã hội, các hoạt động môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng đều có mức ý nghĩa < 0,05 nghĩa là 4 biến này đều có ý nghĩa thống kê. Cả 4 biến này đều tác động cùng chiều đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre. Do đó, nghiên cứu chấp nhận 4 giả thuyết đặt ra. Ngoài ra, tác giả thấy rằng biến biến hoạt động kinh tế có hệ số b là 0,307, hoạt động xã hội có hệ số b là 0,255, biến sản phẩm du lịch đặc trưng có hệ số b là 0.236, biến hoạt động môi trường có hệ số b 0,222. Từ hệ số b, tác giả thấy rằng biến hoạt động kinh tế có tác động mạnh nhất đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về các hoạt động phát triển bền vững du lịch tỉnh Bến Tre. Điều này cho thấy hiện nay cảm nhận về hoạt động về môi trường vẫn chưa được đánh giá cao bởi du khách và cộng đồng địa phương  

5.3. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu

          Để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy, ta dùng 2 hệ số là hệ số xác định R2 hiệu chỉnh và kiểm định F. (Bảng 4)

Bảng 4. Chỉ tiêu đánh giá sự phù hợp của mô hình

chi-tieu-danh-gia-su-phu-hop-cua-mo-hinh

Nguồn: Khảo sát năm 2019.

          Qua Bảng 4, hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,529. Hệ số R2 hiệu chỉnh nhỏ hơn R2, vì vậy dùng hệ số R2 hiệu chỉnh để đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ an toàn hơn vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình chứng tỏ mô hình hồi quy là phù hợp để giải thích các nhân tố các hoạt động kinh tế, các hoạt động xã hội, các hoạt động môi trường và sản phẩm du lịch đặc trưng tác động đến cảm nhận của người dân địa phương, du khách về phát triển du lịch bền vững. Ý nghĩa của hệ số R2 hiệu chỉnh là 52,9% sự biến thiên giá trị cảm nhận của người dân địa phương, du khách về phát triển du lịch bền vững được giải thích bởi 4 biến độc lập đưa ra trong mô hình.

          Từ kết quả kiểm định độ phù hợp của mô hình (Bảng 3), ta thấy giá trị F là 116,630 và có mức ý nghĩa rất nhỏ 0,000 nhỏ hơn 0,05 nên giả thiết H0 bị bác bỏ với độ tin cậy 95%. Hay nói cách khác, mô hình đưa ra là phù hợp với dữ liệu và các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích được sự thay đổi của biến phụ thuộc.

6. Khuyến nghị

          Dựa vào kết quả nghiên cứu trên, tác giả nhận thấy, thực tế sản phẩm du lịch tại Bến Tre còn trùng lặp với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, do đó cần có chiến lược lâu dài trong việc nghiên cứu và tập trung khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng thay vì liên tiếp mở rộng khai thác các sản phẩm mới để tạo ra sức cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững. Tỉnh Bến Tre cần có những giải pháp, cơ chế và chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và du khách tham gia các công tác bảo vệ môi trường tại các điểm, khu du lịch, tôn tạo, bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng địa phương, du khách về phát triển du lịch bền vững sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, du lịch sông nước miệt vườn có thể là các loại hình chính tạo nên hình ảnh riêng của du lịch tỉnh Bến Tre.  

7. Kết luận

          Nghiên cứu cơ bản đã xác định các yếu tố và mức độ tác động của các yếu tố các hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội, hoạt động môi trường, sản phẩm du lịch đến cảm nhận của du khách và cộng đồng địa phương về phát triển bền vững du lịch.

          Hạn chế của nghiên cứu chỉ khảo sát du khách và cộng đồng địa phương tại Cồn Phụng và số lượng mẫu khảo sát chỉ có 412 mẫu còn ít so với một nghiên cứu định lượng. Nên mẫu sẽ không mang tính đại diện. Do đó, nghiên cứu sẽ tốt hơn nếu mẫu được chọn theo xác suất, thay vì thực hiện chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Hải Yến. (2007). Tài nguyên du lịch. NXB Giáo dục.
  2. Bùi Trọng Tiến Bảo (2018). Nghiên cứu các yếu tố tác động đến nhận thức của du khách và cộng đồng địa phương về phát triển bền vững du lịch vùng Đồng Tháp Mười. Tạp chí Công Thương. ISSN: 0866-7756. Số 12. Tr. 136 - 144.
  3. Đào Thị Bích Nguyệt (2012). Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững. Luận văn thạc sĩ. Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Đồng Thanh Hải, Phùng Văn Phê (2015), Đánh giá đa dạng sinh học, cảnh quan và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tỉnh Bắc Cạn, Tạp chí KHLN 4/2015 (4084 - 4094).
  5. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, tập 1 và 2, NXB Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
  6. Hà Văn Hội, Vũ Quang Kết. (2010). Du lịch Hà Nội: Hướng tới phát triển bền vững. Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và kinh doanh, 26, trang 144-153.
  7. Nguyễn Đình Hòe và Vũ Văn Hiếu. (2001). Du lịch bền vững. NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội Nguyễn Văn Mạnh, Báo cáo Hội thảo: Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
  8. Nguyễn Đình Hòe (2005). Du lịch bền vững. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  9. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2009). Nghiên cứu khoa học
    NXB Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
  10. Nguyễn Đình Thọ (2012). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động - Xã hội. Hà Nội.
  11. Nguyễn Mạnh Cường (2015). Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Bình. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hà Nội.
  12. Vũ Văn Đông (2014). Phát triển du lịch bền vững. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
  13. Machado A. (2003). Tourism and Sustainable Development, Capacity Building for Tourism Development in VietNam, VNAT and FUDESO, VietNam.
  14. Hair & ctg., (1998). Multivariate Data Analysis, fith edition, Prentice-Hall.
  15. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R. and Black, W. (1995). Multivariate Data Analysis. 4 th ed., Prentice Hall, Upper Saddle River, NJ.
  16. Nunnally, .J.C., and Burnstein, I. H. (1994). Psychometric theory (third edition). New York McGraw Hill.

 

RESEARCHING THE FACTORS AFFECTING THE PERCEPTION

OF TOURISTS AND LOCAL COMMUNITIES

ON SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF TOURISM IN BEN TRE

Master Student. BUI TRONG TIEN BAO

Faulty of Tourism & Hospitality Management,

Ho Chi Minh City University of Technology(HUTECH)

ABSTRACT:

This study aims to identify and measure the factors impact on tourists and local residents’ perception on sustainable tourism development at Ben Tre. The data have been collected from 412 current tourists, and local residents through a well-designed questionnaire. The research methods include statistics, comparison, description, syntheses; Cronbach’s Alpha coefficient, Exploratory factor analysis (EFA) and Regression. Research results show that 4 considered factors have affected on sustainable tourism development. These are i) economic activities, (ii) socail activities, (iii) environtment activities, (iv) tourism product. The study also suggests some implications for sustainable tourism development Ben Tre.

Keywords:  Sustainable Tourism Development, Ben Tre.