TÓM TẮT:

Nghiên cứu các yếu tố tác động đến tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười nhằm mục đích hiểu rõ ý định tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động quản lý du lịch cộng đồng tại vùng nghiên cứu. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát cộng đồng địa phương tại vùng nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến tham gia quản lý du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười hiện nay. Nghiên cứu đồng thời đánh giá sự tác động lẫn nhau giữa các nhân tố này thông qua phân tích cấu trúc tuyến tính SEM và đã khám phá các yếu tố, gồm: động lực để tham gia vào du lịch cộng đồng, kiến thức môi trường, nhận thức về kinh tế, nhận thức về tác động văn hóa và nhận thức về du lịch cộng đồng đối với ý định của cộng đồng tác động đến tham gia vào quản lý du lich cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười.

 Từ khóa:  Du lịch cộng đồng, quản lý du lịch, ý định tham gia, vùng Đồng Tháp Mười.

1. Lý do nghiên cứu

             Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) là lãnh thổ có sinh cảnh ngập nước nội địa với hệ sinh thái rừng Tràm, Bàu Sen - một trong 3 sinh cảnh đất ngập nước tiêu biểu nhất tạo nên cảnh quan “sông nước” là hình ảnh điểm đến vùng du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhận thức được vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch và lợi ích của du lịch mang lại cho cộng đồng, thời gian qua loại hình du lịch cộng đồng tại vùng ĐTM, được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ lại và sinh hoạt cùng gia đình của du khách khi đến tham quan du lịch tại địa phương. Các hộ dân tại vùng cũng đã chủ động đầu tư phát triển mô hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả mong đợi, tạo được sự chú ý của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong quá trình thu hút và gửi khách du lịch đến vùng. Vì vậy, vùng cần xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ cho người dân địa phương làm du lịch, đảm bảo lợi ích thỏa đáng giữa cộng đồng địa phương với các thành phần khác tham gia vào hoạt động du lịch; có chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch vùng ĐTM;… Ngoài ra, việc tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng nhằm phát triển du lịch cộng đồng cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo thu nhập cho người dân, hướng tới xóa đói giảm nghèo. Tác giả nghiên cứu Các yếu tố tác động đến ý định tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng của người dân địa phương: Nghiên cứu điển hình tại vùng Đồng Tháp Mười”, nhằm hiểu rõ ý định tham gia vào du lịch cộng đồng của địa phương, đồng thời thúc đẩy người dân địa phương tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Du lịch cộng đồng

            Trần Thị Mai (2005) nhận định: “Du lịch cộng đồng là hoạt động tương hỗ giữa các đối tác liên quan, nhằm mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ được môi trường và mang đến cho du khách kinh nghiệm mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Bùi Thị Hải Yến (2012) nhận định du lịch cộng đồng có thể hiểu là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch. Cộng đồng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; của chính quyền địa phương cũng như Chính phủ và nhận được phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nhằm phát triển cộng đồng, bảo tồn khai thác tài nguyên môi trường du lịch bền vững, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong phú, có chất lượng cao và hợp lý của du khách”. Du lịch cộng đồng là hình thái du lịch trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích có được từ du lịch sẽ được đọng lại nền kinh tế địa phương”. (Hausler và Stradas, 2000). Vì vậy, Chu Huy Thành và ctg (2013) kết luận du lịch cộng đồng được hiểu là loại hình du lịch, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào việc cung cấp sản phẩm du lịch và được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn sinh sống của họ.

2.2. Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng và tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng

               Kalsom (2009) nhận định “khả năng tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch là điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các loại hình du lịch”. Theo Điều 7, Luật Du lịch (2017), “Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường để tạo sự hấp dẫn du lịch. Đồng thời, Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống; sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương”. Vì vậy, để khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào du lịch cộng đồng, cần nghiên cứu tìm hiểu ý định tham gia của cộng đồng và minh chứng những lợi ích thiết thực đến cộng đồng khi họ tham gia vào hoạt động du lịch.         

3. Mô hình nghiên cứu đề xuất và các giả thuyết nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

                Nghiên cứu này nhằm đánh giá mức độ tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười. Mô hình nghiên cứu nhận thấy rằng các yếu tố gồm: động lực để tham gia vào du lịch cộng đồng, kiến ​​thức môi trường, nhận thức về kinh tế, nhận thức về tác động văn hóa và nhận thức về du lịch cộng đồng đối với ý định của cộng đồng tác động đến tham gia quản lý du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, để hiểu được ý định tham gia vào du lịch cộng đồng, nghiên cứu đã xây dựng mô hình nghiên cứu gồm: động lực tham gia với du lịch dựa vào cộng đồng; kiến thức môi trường để quản lý bền vững; tác động kinh tế của du lịch cộng đồng; nhận thức tác động xã hội của du lịch cộng đồng; và nhận thức tác động văn hóa của du lịch cộng đồng là các biến độc lập trong khi ý định tham gia vào du lịch cộng đồng là biến trung gian và biến tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng được coi là một biến phụ thuộc như trong Hình 1. 

Hình 1: Tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng

                                                                                              tham_gia_vao_quan_ly_du_lich_cong_dong Nguồn: Masud và ctg, 2017; Menon, 2019

3.2. Các giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết nghiên cứu:

  • H1: Kiến thức môi trường cho phát triển bền vững tác động cùng chiều đến Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng
  • H2: Động cơ tham gia vào du lịch cộng đồng tác động cùng chiều đến Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng
  • H3: Cảm nhận tác động kinh tế của du lịch cộng đồng tác động cùng chiều đến Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng
  • H4: Cảm nhận tác động xã hội của du lịch cộng đồng tác động cùng chiều đến Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng
  • H5: Cảm nhận tác động văn hóa của du lịch cộng đồng tác động cùng chiều đến Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng
  • H6: Ý định tham gia vào du lịch cộng đồng tác động cùng chiều đến Tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng 

3.3. Mẫu nghiên cứu

            Hiện nay, theo nhiều nhà nghiên cứu, kích thước mẫu càng lớn càng tốt (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Hair và ctg (2006); Nguyễn Đình Thọ (2012) cho rằng để sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA), kích thước mẫu tối thiểu phải là 50, tốt hơn là 100 và tỉ lệ quan sát/biến đo lường là 5:1, nghĩa là 1 biến đo lường cần tối thiểu 5 quan sát. Ngoài ra, theo Tabachnick và Fidell (1991); Nguyễn Đình Thọ (2012), kích thước mẫu phải thỏa mãn công thức tính kích thước mẫu: n ≥ 50 + 8 p. Trong đó, n là kích thước mẫu tối thiểu và p là số lượng biến độc lập trong mô hình. Cụ thể, trong mô hình nghiên cứu, tác giả đề xuất có 6 biến độc lập tương đương 21 biến quan sát có thể được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá. Ta tính được số mẫu tối thiểu cần thiết của nghiên cứu là 21*5= 105. Nếu dựa theo công thức n ≥ 50 + 8 p ta tính được n ≥ 50 + 8 x 6 =98. Do EFA luôn đòi hỏi kích thước mẫu lớn hơn nhiều so với dùng hồi quy nên ta chọn kích thước mẫu tối thiểu n =105. Như vậy, số liệu được thu thập đảm bảo thực hiện tốt mô hình nghiên cứu.

3.4. Xây dựng thang đo

            Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường các khái niệm nghiên cứu trong mô hình phân tích nhân tố với mức độ từ 1 đến 5 (với 1: Hoàn toàn không đồng ý đến 5: Hoàn toàn đồng ý).  (Bảng 1)

Bảng 1. Các yếu tố sử dụng trong mô hình

cac_yeu_to_su_dung_trong_mo_hinh

Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2019

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

            Tổng số phiếu phát ra 550 để cộng đồng địa phương vùng Đồng Tháp Mười đánh giá, thu về 490 phiếu trả lời, trong đó có 46 bảng trả lời còn để trống một số câu hỏi nên đã loại bỏ. Vì vậy, tác giả tiến hành phân tích và xử lý số liệu trên 444 (90,61%) bảng câu hỏi được trả lời hợp lệ.

4.2. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis)

            Từ kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các biến quan sát trong thang đo đều có hệ số alpha lớn hơn 0.6. Không có biến nào nhỏ hơn 0.3 sẽ không bị loại bỏ (Nunnally & Burnstein, 1994; Nguyễn Đình Thọ & Nguyễn Thị Mai Trang, 2007). Nghiên cứu sử dụng phương pháp rút trích (Principal Axis Factoring) với phương pháp xoay nhân tố (Promax). Dựa vào kết quả phân tích EFA, các nhân tố rút trích ra của các giả thuyết nghiên cứu chính đều đạt yêu cầu (Bảng 2). Do đó, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tham gia du lịch cộng đồng được hình thành như kì vọng ban đầu của tác giả. Tác giả tiếp tục phân tích nhân tố CFA.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố EFA

ket_qua_phan_tich_nhan_to_efa

Nguồn: Kết quả phân tích, 2019

4.3. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA (Confirmation Factor Analysis) và kiểm định mô hình lý thuyết

Hình 2: Kết quả nghiên cứu

ket_qua_nghien_cuu

Nguồn: Kết quả phân tích, 2019

            Sau khi phân tích CFA, các trọng số chuẩn hóa của các thang đo đều lớn hơn 0,5 nên các thang đo đạt được giá trị hội tụ. Mô hình có 236 bậc tự do, chỉ số TLI (Tucker & Lewis index) = 0,943>0,9, chỉ số thích hợp so sánh CFI (comparative fit index) =0,951 > 0,9 (Bentler & Bonett, 1980); Chỉ số GFI (Goodness-of-fit index)= 0,920 > 0,9 (Hair và ctg, 2006); các thành phần Chi-square/df = 2,002< 3 với giá trị p = 0,000; (Carmines & McIver, 1981); chỉ số RMSEA (root mean square error approximation) = 0,048< 0,08 (Steiger, 1990) nên có thể nói là mô hình này phù hợp với dữ liệu thị trường (Hình 2). Sau khi chạy mô hình SEM, các mối quan hệ giữa các khái niệm trong mô hình nghiên cứu chính thức này là cùng chiều dương và đều có ý nghĩa thống kê (p< 0,05). (Bảng 3).

Bảng 3. Kết quả kiểm định mối quan hệ nhân quả giữa các khái niệm

trong mô hình nghiên cứu

ket_qua_kiem_dinh_moi_quan_he_nhan_qua_giua_cac_khai_niem_trong_mo_hinh_nghien_cuu

Ghi chú: Estimate: giá trị ước lượng; S.E.: sai lệch chuẩn; C.R.: giá trị tới hạn

 Nguồn: Kết quả phân tích, 2019

5. Kết luận

            Mục đích chính của nghiên cứu là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng du lịch Đồng Tháp Mười. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng để xây dựng, đo lường các thang đo và kiểm định mô hình bao gồm 2 bước: nghiên cứu sơ bộ sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính là thảo luận nhóm và nghiên cứu chính thức sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng gồm phân tích hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, CFA, và phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Tổng mẫu điều tra đưa vào phân tích là 444 phiếu điều tra khảo sát người dân địa phương kinh doanh du lịch homestay, du lịch cộng đồng, nhằm khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười. Kết quả nghiên cứu khẳng định các giả thuyết đề ra là chấp nhận và các yếu tố tác động đến tham gia vào quản lý du lịch cộng đồng tại vùng Động Tháp Mười là: động lực để tham gia vào du lịch cộng đồng, kiến thức môi trường, nhận thức về kinh tế, nhận thức về tác động văn hóa và nhận thức về du lịch cộng đồng đối với ý định của cộng đồng với độ tin cậy 95%.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Thị Hải Yến (2012). Du lịch cộng đồng, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2. Chu Huy Thành và Trần Đức Thanh (2013). Đề xuất mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại các di sản thế giới ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 109(09): 161- 166.
  3. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Tập 1 và 2, NXB Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2007). Nghiên cứu khoa học Marketing- Ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. NXB ĐH Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
  5. Quốc hội (2017), Luật Du lịch năm 2017.
  6. Trần Thị Mai (2005). Du lịch cộng đồng - Du lịch sinh thái: Định nghĩa, đặc trưng và các quan điểm phát triển. Tài liệu hướng dẫn của tổ chức Panda và WWF Greater Mekong, Huế.
  7. Hair & ctg., (1998). Multivariate Data Analysis, fith edition, Prentice-Hall.
  8. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R. and Black, W. (1995). Multivariate Data Analysis. 4 th ed. Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall.
  9. Hausler, N. and Strasdas, W. (2000). Community Based Sustainable Tourism. InWEnt - Capacity Building International, Germany.
  10. K. (2009). Community Based Tourism in Developing countries. Proceeding of International Seminar on Community Based Tourism.
  11. Masud, M. M., Aldakhil. A. M., Nassani, A. A., Azam, M. N., (2016). Community-based ecotourism management for sustainable development of marine protected areas in Malaysia. Ocean & Coastal Management. 136 (2017) 104-112. http://dx.doi.org/10.1016/j.ocecoaman.2016.11.023.
  12. Menon, K. S. (2019). Community Participation in Ecotourism Management with Special Reference to Athirappilly and Vazhachal. Asian Review of Social Sciences. 8 (S1), 4-9.
  13. J.C and Burnstein, I. H. (1994). Psychometric theory (third edition). New York: McGraw Hill.

 

A STUDY ON FACTORS AFFECTING THE PARTICIPATORY INTENTIONS OF LOCAL RESIDENTS IN COMMUNITY-BASED TOURISM MANAGEMENT: CASE STUDY OF DONG THAP MUOI REGION

Master. NGUYEN THI KIM THOA

Nguyen Tat Thanh University

Ph.D student BUI TRONG TIEN BAO

Faculty of Tourism and Hospitality Management,

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

This study is to identify and measure the factors affecting the participatory intentions of local communities in community-based tourism management at Dong Thap Muoi Region. This study also measure the interplay among these factors by using the Structural Equation Modeling analysis and  the Exploratory Factor Analysis (EFA). Measured factors are the participatory intentions in community-based tourism, environmental knowledge, economic awareness, cultural impact awareness and community-based tourism awareness.

Keywords: Community-based tourism,  participatory intentions, Dong Thap Muoi Region.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 16, tháng 7 năm 2020]