Nghiên cứu giải pháp đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình xây dựng các dự án đầu tư sử dụng vốn tại Bà Rịa - Vũng Tàu

TS. VŨ VĂN ĐÔNG (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu) và TRẦN GIÀU (Phó giám đốc Ban quản lý Dự án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu giải pháp đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình xây dựng các dự án đầu tư sử dụng vốn tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tiến tiến độ và chất lượng công trình trong và ngoài nước thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác giả trình bày bài viết với các mục: (1) Đặt vấn đề, (2) Khái niệm về các lý thuyết dự án đầu tư, (3) Phương pháp nghiên cứu, (4) Đánh giá hiện trạng dự án đầu tư, (5) Các giải pháp, (6) Kết luận.

Từ khóa: dự án, chất lượng, vốn, đầu tư, công trình, dự án đầu tư, công trình xây dựng.

1. Đặt vấn đề

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở cửa ngõ các tỉnh miền Đông Nam bộ, có ý nghĩa chiến lược về đường hàng hải quốc tế, có hệ thống cảng biển lớn là đầu mối tiếp cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, là tiềm năng để phát triển nhanh và toàn diện các ngành kinh tế như: dầu khí, cảng và vận tải biển, sản xuất - chế biến hải sản, du lịch,… Ngoài ra địa phương còn có giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không phát triển khá đồng bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển, thương mại và hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Hàng loạt các công trình đã được triển khai xây dựng với công nghệ ngày càng tiên tiến, các giải pháp công trình ngày càng thiết thực, tiện lợi, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình đạt chất lượng, cũng còn không ít các công trình chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư.,Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, hạn chế dẫn đến tình trạng gây lãng phí vốn đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu. Vì vậy tiến độ và chất lượng công trình xây dựng là vấn đề cần được hết sức quan tâm, có tác động trực tiếp tới sự phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế, đời sống và con người.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm về quản lý dự án

Theo lý thuyết hệ thống: “Quản lý dự án là điều khiển một quá trình hoạt động của hệ thống trong một quỹ đạo mong muốn, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là tạo ra các sản phẩm như mục tiêu đề ra”. Như vậy, theo cách này quản lý dự án là điều khiển một hệ thống đã có trước, với một loạt các điều kiện ràng buộc, các nguyên tắc, các phát sinh xảy ra trong quá trình sản xuất.

Theo TS. Ben Obinero Uwakweh (Trường Đại học Cincinnati - Mỹ): “Quản lý dự án là sự lãnh đạo và phối hợp các nguồn lực và vật tư để đạt được các mục tiêu định trước về: Phạm vi, chi phí, thời gian, chất lượng và sự hài lòng của các bên tham gia. Đó là sự điều khiển các hoạt động của một hệ thống (dự án) trong một quỹ đạo mong muốn. Với các điều kiện ràng buộc và các mục tiêu định trước”. Như vậy, quản lý dự án là sự ứng dụng các kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện kỹ thuật trong các hoạt động của dự án nhằm đáp ứng những yêu cầu của chủ đầu tư và những mục tiêu của dự án trong các ràng buộc về thời gian, nguồn nhân lực, vật tư và xe máy… Tất cả các công việc trong hoạt động của dự án đều cần có sự giám sát.

Tóm lại, quản lý dự án là sự vận dụng lý luận, phương pháp, quan điểm có tính hệ thống để tiến hành quản lý có hiệu quả toàn bộ công việc liên quan tới dự án dưới sự ràng buộc về nguồn lực có hạn. Để thực hiện mục tiêu dự án, các nhà đầu tư phải lên kế hoạch tổ chức, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, khống chế và định giá toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc dự án.

2.2. Cách đánh giá hiệu qủa dự án đầu tư xây dựng

Cách đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng không chỉ dựa trên giám sát công trình xây dựng mà còn về hiệu quả của công tác xây dựng.

- Hiệu quả đầu tư của dự án:

Hiệu quả đầu tư là một phạm trù phản ánh khả năng đảm bảo việc thực hiện có kết quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhất định, cùng mức chi phí thấp nhất, Dựa vào mục đích và cấp độ quản lý để tính hiệu quả. Vì vậy, cần phân biệt rõ đó là hiệu quả kinh tế - xã hội hay tài chính. Cách đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng được phản ánh ở góc độ sau:

+ Góc độ hiệu quả vĩ mô: Là sự chênh lệch giữa chi phí bỏ ra và doanh thu. Đây là lợi nhuận mà dự án đem lại cho chủ đầu tư.

+ Hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản: Là tỷ lệ giữa thu nhập quốc dân so với vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật chất hay đáp ứng được nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

- Những chỉ tiêu để đo hiệu quả:

+ Hiệu quả kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô: hiệu quả kinh tế - xã hội được đánh giá dựa trên giá trị gia tăng ròng (NVA). Đây là mức chênh lệch giữa giá trị đầu ra và đầu vào.

NVA= O - ( MI + Iv ).

O: giá trị đầu ra.

MI: chi phí thường xuyên.

Iv: vốn đầu tư ban đầu.

+ Chỉ tiêu lao động có việc làm: Tính theo công thức số lao động trực tiếp trong dự án (+) số lao động tăng thêm của những dự án có liên quan (-) số lao động bị mất việc làm tại dự án.

+ Mức tiết kiệm ngoại tệ: Cần tính được những khoản thu chi ngoại tệ của dự án cũng như dự án liên đới. Ngoài ra, cũng phải tính số ngoại tệ tiết kiệm được; Sau đó, quy tiền về cùng mặt bằng thời gian để biết số ngoại tệ tiết kiệm được từ dự án là bao nhiêu.

+ Chỉ tiêu giá trị gia tăng của mỗi nhóm dân cư: Phản ánh được tác động điều tiết thu nhập của nhóm dân cư và vùng lãnh thổ.

+ Chỉ tiêu khả năng cạnh tranh quốc tế: Cho phép đánh giá khả năng cạnh tranh sản phẩm của dự án trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cũng đánh giá tác động của dự án tới các vấn đề khác như môi trường, kết cấu hạ tầng.

Cách đánh giá trên cho thây, một dự án đạt được các tiêu chí hiệu quả đầu tư gồm mức đóng góp cho ngân sách nhà nước, mức tiết kiệm ngoại tệ. Cùng với đó là số lao động của dự án có việc làm trực tiếp. Cũng như mức tăng năng suất lao động của người làm việc trong dự án và mức nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật sản xuất.

3. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

3.1. Cơ sở lý luận

Tiếp cận và ứng dụng các Nghị định, Thông tư, Luật Xây dựng, Luật Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng,... của Nhà nước vào nhu cầu của người dân. Tiếp cận các thể chế, các chính sách quy định trong ngành Xây dựng, tiếp cận các thông tin dự án, nghiên cứu lý thuyết về cơ sở khoa học (Quản trị dự án và Quản trị chất lượng) và cơ sở pháp luật của quản lý chất lượng trong công tác thi công công trình. Vận dụng các lý thuyết trên với việc phân tích, đánh giá chất lượng thi công trình các dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, Nnhiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo tiến độ và quản lý chất lượng công trình xây dựng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả đã tiến hành thu thập, phân tích các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác quản lý tiến độ và chất lượng công trình xây dựng, tổng hợp, kế thừa các kết quả nghiên cứu từ trước đến nay, nghiên cứu lý thuyết và áp dụng thực tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời, tác giả cũng nghiên cứu, phân tích các tài liệu, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư, quản lý chất lượng xây dựng công trình và các văn bản khác có liên quan;Thực hiện phỏng vấn, tham khảo ý kiến của một số lãnh đạo đang công tác tại các cơ quan quản lý chuyên ngành trên địa bàn tỉnh về công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình xây dựng.

4. Phân tích thực trạng

4.1. Tình hình huy động các nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phân bổ 28.694,281 tỷ đồng cho các dự án do tỉnh quyết định đầu tư để tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp của năm 2015 và mở mới 237 dự án. Trong đó, vốn từ nguồn trung ương là 1.828,756 tỷ đồng và vốn từ nguồn ngân sách tỉnh là 26.865,525 tỷ đồng. Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế, hạ tầng công cộng, môi trường.... phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu phân bổ vốn theo ngành, lĩnh vực như sau: 

 Bảng 1. Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư

cac_linh_vuc_duoc_uu_tien_dau_tu

Nguồn: Báo cáo tổng kết kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020

4.2. Cơ cấu vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 phân theo địa bàn

Bảng 2. Cơ cấu vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020

co_cau_von_dau_tu_cong_giai_doan_2016-2020

Nguồn: Báo cáo tổng kết kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020

4.3. Đánh giá tình hình đầu tư công giai đoạn 2016-2020

4.3.1. Những kết quả đã đạt được

- Về nguồn lực đầu tư huy động, nguồn ngân sách nhà nước so với kế hoạch đề ra: Kế hoạch vốn phân bổ hàng năm nguồn ngân sách trung ương đã cơ bản bảo đảm yêu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã bảo đảm dự án Đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải hoàn thành đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hệ thống cảng biển và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn ngân sách tỉnh huy động và phân bổ là 26.865,525 tỷ đồng cho các dự án tỉnh quyết định đầu tư, so với tổng nguồn huy động dự kiến trong kế hoạch trung hạn được thông qua tại Nghị quyết số 67/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 27.584,0 tỷ đồng (bao gồm cân đối ngân sách hàng năm 23.642 tỷ đồng; bán đấu giá nhà đất là 3.942 tỷ đồng) đạt 97,4%. Nguyên nhân tổng nguồn vốn huy động thấp hơn dự kiến do chủ trương từ năm 2017 không tiếp tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

- Về công tác tổ chức thực hiện, các giải pháp thực hiện: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công và các dự án đầu tư công bảo đảm các quy định của Luật Đầu tư công; các dự án mở mới được tính toán bảo đảm khả năng cân đối vốn; việc phân bổ và rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn được thực hiện tập trung, kịp thời, bảo đảm tiến độ các dự án, không phát sinh nợ đọng.

- Kết quả đạt được so với mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn: Việc phân bổ vốn hàng năm đã tập trung ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm, các dự án bảm đảm an sinh xã hội, xử lý môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn (cấp điện, cấp nước sạch, nâng cấp hồ đập, kênh mương….). Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 134 được bố trí đủ theo yêu cầu tiến độ triển khai chương trình. Kết quả giải ngân hàng năm từng bước được cải thiện, hầu hết các dự án triển khai đúng tiến độ; Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn.

4.3.2.Những mặt còn hạn chế; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:

+ Tiến độ triển khai các thủ tục để khởi công mới các dự án trong năm kế hoạch còn chậm, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công hàng năm đến hết tháng 1 năm sau chỉ đạt khoảng 80%, số vốn còn lại phải kéo dài thời gian thanh toán đến hết năm sau năm kế hoạch. Nguyên nhân do một số nhà thầu tư vấn, xây lắp có năng lực không đảm bảo yêu cầu, một số chủ đầu tư thực hiện công tác nghiệm thu và thanh quyết toán còn chậm so với quy định.

+ Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây ách tắc trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn của dự án: (i) thời gian thực hiện các bước công việc trong quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng còn dài, (ii) chính sách bồi thường không ổn định, dẫn đến tình trạng có chính sách bồi thường khác nhau trong cùng một dự án, nên phát sinh khiếu kiện kéo dài, (iii) việc xử lý, giải quyết các vướng mắc trong chính sách bồi thường và tái định cư còn lúng túng do có những mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật có liên quan.

+ Vốn bố trí cho khoa học công nghệ chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, nguyên nhân chủ yếu là không có dự án khả thi, việc chuẩn bị thủ tục cho các dự án mới còn chậm.

+ Các dự án ODA triển khai chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự chồng chéo trong các thủ tục của phía nước ngoài và Việt Nam.

5. Các giải pháp hoàn thiện

5.1. Hoàn thiện quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu

Quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu thi công xây dựng.

  • Trong quá trình thi công xây dựng công trình:

Sơ đồ 1: Quá trình thi công xây dựng công trình

qua_trinh_thi_cong_xay_dung_cong_trinh

                                                                           Nguồn: Tác giả đề xuất

  • Khi hoàn thành thi công xây dựng công trình (Sơ đồ 2)

Sơ đồ 2: Hoàn thành thi công xây dựng công trình

hoan_thanh_thi_cong_xay_dung_cong_trinh

                                                                                Nguồn: Tác giả đề xuất

5.2. Đối với chủ đầu tư

- Lập kế hoạch dự án: Lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án hàng năm, trong đó phải xác định rõ các nguồn lực sử dụng, tiến độ thực hiện, thời hạn hoàn thành, mục tiêu chất lượng và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện; Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng: Thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống cháy nổ có liên quan đến xây dựng công trình; Tổ chức lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định; Tiếp nhận, giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các công việc chuẩn bị dự án khác.

- Các nhiệm vụ thực hiện dự án: Thuê tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng và trình thẩm định, phê duyệt hoặc tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng (theo phân cấp); Chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có) và thu hồi, giao nhận đất để thực hiện dự án; Tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; Giám sát quá trình thực hiện; Giải ngân, thanh toán theo hợp đồng xây dựng và các công việc cần thiết khác.

- Các nhiệm vụ kết thúc xây dựng, bàn giao công trình để vận hành, sử dụng: Tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành; Vận hành chạy thử; Quyết toán, thanh lý hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và bảo hành công trình.

 - Các nhiệm vụ quản lý tài chính và giải ngân: Tiếp nhận, giải ngân vốn theo tiến độ thực hiện dự án và hợp đồng ký kết với nhà thầu xây dựng; Thực hiện chế độ quản lý tài chính, tài sản của Ban quản lý dự án theo quy định.

- Các nhiệm vụ hành chính, Điều phối và trách nhiệm giải trình: Tổ chức văn phòng và quản lý nhân sự Ban quản lý dự án; Thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc phạm vi quản lý; Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ và lưu trữ thông tin; Cung cấp thông tin và giải trình chính xác, kịp thời về hoạt động của Ban quản lý dự án theo yêu cầu của người quyết định đầu tư và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Các nhiệm vụ giám sát, đánh giá và báo cáo: Thực hiện giám sát đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật; Định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

5.3. Nhà thầu tư vấn khảo sát thiết kế

- Chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề thiết kế xây dựng; Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình; Lập hồ sơ thiết kế xây dựng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, bước thiết kế, quy định của hợp đồng thiết kế xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan; Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết kế do mình đảm nhận, trong đó bao gồm nội dung quy định tại Điều 79 và Điều 80 của Luật này; Chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế của nhà thầu phụ (nếu có).

- Nhà thầu phụ khi tham gia thiết kế xây dựng phải chịu trách nhiệm về kết quả thiết kế trước nhà thầu chính và trước pháp luật; Giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công xây dựng; Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước; Bồi thường thiệt hại khi đề ra nhiệm vụ khảo sát, sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và vi phạm hợp đồng thiết kế xây dựng.

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng thiết kế xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

5.4. Nhà thầu tư vấn giám sát

Thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng. Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng xây dựng. Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.

 Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt. Xem xét và chấp thuận các nội dung do nhà thầu trình và yêu cầu nhà thầu thi công chỉnh sửa các nội dung này trong quá trình thi công xây dựng công trình cho phù hợp với thực tế và quy định của hợp đồng.

Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu về việc giao nhà thầu giám sát thi công xây dựng lập và yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đối với các nội dung nêu trên. Lập đề cương chi tiết thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình. Nội dung đề cương giám sát thi công xây dựng công trình bao gồm: Sơ đồ tổ chức hệ thống giám sát thi công; văn phòng giám sát tại hiện trường; nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung công việc thực hiện của mỗi chức danh giám sát; hệ thống quản lý chất lượng và kế hoạch, quy trình kiểm soát chất lượng; quy trình kiểm tra, nghiệm thu, phương pháp quản lý các tài liệu, hồ sơ; nội dung cần thiết khác liên quan đến giám sát xây dựng công trình.

Nội dung đề cương chi tiết phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ hợp đồng và phải được chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình. Bố trí các văn phòng giám sát tại hiện trường đảm bảo có đủ diện tích làm việc, đủ thiết bị văn phòng, bàn ghế, tủ, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết cho công tác giám sát thi công xây dựng; trang bị đồng phục và đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, an toàn lao động trong thời gian thực hiện nhiệm vụ (ghi rõ tên nhà thầu tư vấn giám sát, người giám sát thi công xây dựng).

Lập hồ sơ theo dõi công tác giám sát thi công hàng ngày cho từng văn phòng và vị trí giám sát để làm cơ sở theo dõi, đánh giá thực hiện và đối chiếu với nhật ký thi công khi cần thiết. Chủ trì và phối hợp với nhà thầu thi công để thống nhất (về quy cách, nội dung) và lập các loại biên bản nghiệm thu, nhật ký thi công, phiếu đề xuất lệnh thay đổi (điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán...), các loại văn bản khác liên quan đến quá trình thi công và quản lý chất lượng thi công, trình chủ đầu tư xem xét, chấp thuận trước khi thi công để áp dụng thống nhất.

Tạm dừng thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố.

5.5. Nhà thầu thi công xây dựng

Đối với nhà thầu thi công xây dựng, việc thực hiện đúng các quy định pháp luật trong quá trình thi công là một trong những nội dung vô cùng quan trọng và đây cũng là trách nhiệm trong quá trình thực thi thi công công trình xây dựng của nhà thầu. Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình, trong đó, quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Đây là nội dung vô cùng quan trọng trong quy định về trách nhiệm đối với nhà thầu xây dựng, bởi lẽ, để việc xây dựng công trình đạt được yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn đã đề ra, nhà thầu phải có được một hệ thống quản lý chất lượng sao cho phù hợp với từng loại công trình lớn hay nhỏ. Việc xây dựng hệ thống quản lý tốt dẫn đến việc thực thi xây dựng sẽ dễ dàng xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng.

Phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa các bên trong trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình và các hình thức tổng thầu khác (nếu có).

Bố trí nhân lực, cung cấp vật tư, thiết bị thi công theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng thì việc bố trí nhân lực sao cho phù hợp cũng thuộc về trách nhiệm của chủ thầu thi công công trình xây dựng. Không chỉ về mặt nhân lực thi công công trình, nội dung về quy định đối với thiết bị thi công theo yêu cầu cũng sẽ là trách nhiệm mà chủ thầu cần phải thực hiện đúng quy định.

5.6. Đối với cơ quan quản lý của nhà nước

Sở xây dựng và các các cơ quan quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố cần quan tâm hơn nữa việc nâng cao năng lực của các phòng, ban chuyên môn có chức năng quản lý hoạt động xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác thẩm định hồ sơ thiết kế - dư toán. Tích cực tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đến các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng công trình.

Tổ chức hướng dẫn quy trình quản lý chất lượng lập dự án, khảo sát, thiết kế cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các tổ chức cá nhân liên quan tham khảo áp dụng. Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình trong lĩnh vực mình quản lý. Tăng cường sử phạt hành chính đối với các chủ thể trong việc vi phạm chất lượng công trình xây dựng.

Việc thực hiện các trách nhiệm đối với chủ thầu trong quá trình xây dựng, thi công công trình đã được quy định rõ ràng và cụ thể. Không chỉ đối với việc thiết lập hệ thống quản lý đến việc bố trí nhân sự hay việc thực hiện theo đúng quy định pháp luật, chủ thầu còn cần báo cáo đầy đủ, liên tục về tiến độ thực hiện, về chất lượng thi công cho bên thanh tra, kiểm tra. Qua đây có thể thấy, nếu đảm bảo được việc thực hiện đúng các trách nhiệm như đã được quy định thì chất lượng công trình mà chủ thầu đảm nhận hoàn toàn được đảm bảo.

6. Kết luận

Thực tế cho thấy, dự án nào có hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, các chủ thể tham gia có đủ trình độ, năng lực và quy trình thực hiện tuân thủ các quy định của Nhà nước ban hành và không vướng công tác giải phóng mặt bằng, thì ở đó công trình đảm bảo tiến độ và phát huy hiệu quả tốt về chất lượng. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất nhóm giải pháp cho thấy đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình xây dựng là mục tiêu hàng đầu cần được quan tâm đáng kể. Nhóm giải pháp này không những có liên quan trực tiếp đến an toàn cộng đồng, hiệu quả đầu tư của dự án mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển có hiệu quả và bền vững tại Bà Rịa - Vũng Tàu của đất nước Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tài liệu khoa học về Quản trị dự án và Quản trị chất lượng.
  2. Quốc hội (2014). Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
  3. Quốc hội (2013). Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013.
  4. Chính phủ (2015). Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
  5. Chính phủ (2015). Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
  6. Bộ Xây dựng (2016). Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
  7. Bộ Xây dựng (2016). Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng.
  8. Bộ Xây dựng (2016). Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
  9. Bộ Xây dựng (2016). Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
  10. Các báo cáo tổng kết về tình hình kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong các năm gần đây.

 

SOLUTIONS TO ENSURE THE PROGRESS AND QUALITY OF

CONSTRUCTION PROJECTS WHICH USE PUBLIC CAPITAL

IN BA RIA – VUNG TAU PROVINCE

Ph.D VU VAN DONG

Vice Rector, Ba Ria – Vung Tau University

TRAN GIAU

Deputy Director, Project Management Unit – Ba Ria – Vung Tau Province

ABSTRACT:

This study is to propose some solutions to ensure the progress and quality of construction projects which use public capital in Ba Ria – Vung Tau Province. This study is expected to contribute to the improvement of Ba Ria – Vung Tau Province’s investment environment. This study consists of six parts, namely (1) Problem statement, (2) Investment project theories, (3) Research methodology, (4) An assessment of the current status of investment projects, (5) Solutions, and (6) Conclusion.

Keywords: project, quality, capital, investment, building, project, construction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]