TÓM TẮT:
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng nhân giống Thù lù cạnh qua khả năng nảy mầm hạt sau khi xử lý hạt bằng ngâm nước ở các nhiệt độ khác nhau (nhiệt độ thường, 250C, 450C, 600 C, 1000 C) trong 3 giờ rồi vớt ra: 1) Ủ trên đĩa pertri, 2) Gieo hạt trực tiếp trên giá thể đất nền vườn ươm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nảy mầm trung bình của hạt giống Thù lù cạnh ngâm ở nhiệt độ 450C trong 3 giờ và sau 10 ngày gieo trên đĩa petri là cao nhất, dao động từ 53,33-58,00%, còn tỷ lệ này với hạt giống ngâm ở nhiệt độ thường và 250C chỉ dao động từ 24.53-48.27%. Ở điều kiện tối ưu này, tỷ lệ nảy mầm trung bình cao nhất của hạt giống xuất xứ Bến Tre và An Giang tương ứng là 58.00% và 53.33%. Tương tự, khi sử dụng giá thể đất nền vườn ươm, hạt giống xuất xứ Bến Tre và An Giang cho tỷ lệ nảy mầm đạt tương ứng là 88.00% và 83,33%. Kết quả này bước đầu cho thấy hạt được thu thập ở các vùng sinh thái khác nhau có tỷ lệ nảy mầm không khác nhau nhiều khi gieo trên cùng điều kiện thí nghiệm, bên cạnh đó tỷ lệ nảy mầm cũng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng và môi trường. Hạt giống xử lý trong điều kiện tối ưu là nhiệt độ 450C trong 3 giờ. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để nghiên cứu tiếp theo trong việc phát triển các tiêu chuẩn cao về chất lượng hạt giống.
Từ khóa: quản lý kinh tế, kinh tế nông thôn, Thù lù cạnh, tỷ lệ nảy mầm của hạt, hạt giống, nông nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Thù lù cạnh (Physalis angulata L.) thuộc họ Cà (Solanaseae) còn có tên khác như Tầm bóp, Đèn lồng là cây thân thảo nhất niên, mọc và ra hoa kết quả quanh năm. Cây có nguồn gốc tại vùng Amazone nhiệt đới, mọc hoang tại nhiều nơi ở các châu Mỹ, Phi, Á và đã được thổ dân dùng làm thuốc từ thời xa xưa. Quả Thù lù cạnh cũng được sử dụng làm thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt có giá rất cao như ở Nhật Bản. Ở Việt Nam cây mọc hoang ở nhiều nơi. Theo kinh nghiệm y học cổ truyền, Thù lù cạnh có vị ngọt, tính bình; có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, tiêu đờm, làm êm dịu cổ họng (Đỗ Tất Lợi, 2004). Cây chứa một số hoạt chất loại flavonoid và alcaloid như withaminimin, withangulatin A, withanolide D và T, withaphysanolide; các secosteroid trong đó quan trọng nhất là các whitasteroid như physalin A tới K, physagulin A tới G, physagulid, sitosterol, vamonolide. Ngoài ra, còn có a xít chlorogenic, cholin, ixocarpanolide, myricetin, phygrine (Ramachandra Row et al., 1980, Chen et al.,1990, Basey et al., 1992 và Shingu et al., 1992). Dịch chiết ethanol của Thù lù cạnh biểu hiện hoạt tính kháng úng thư, giải độc gan, kháng viêm giảm đau, điều hòa hệ miễn dịch, chống dị ứng; hoạt tính kháng khuẩn, vi rút và ký sinh trùng đặc biệt kháng sốt rét (Ayodhyareddy et al., 2016). Các hoạt chất quan trọng trong Thù lù cạnh như physalin F và physalin D có hoạt tính diệt tế bào trên các dòng tế bào ung thư như HA22T (ung thư gan), He La (ung thư cổ tử cung), KB (mũi khí quản), Colo 205 (ung thư ruột) và Calu-1 (ung thư phổi) (Chiang HC et al., 1992).
Cây Thù lù cạnh hiện đã được trồng tại nhiều nơi ở các châu Mỹ, Phi, Á. Nghiên cứu kỹ thuật canh tác Thù lù cạnh trên đất đồi thường trồng rau ở vùng Đông Bắc của Brazil cho thấy độ sáng 30% có tác dụng tốt nhất để cây phát triển chiều cao còn khi độ sáng đạt 50% lại kích thích quá trình ra lá (Freitas et al., 2006). Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, cho đến nay nghiên cứu về kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc cây Thù lù cạnh còn rất hạn chế. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ nảy mầm của hạt Thù lù cạnh để góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển loài cây này ở nước ta.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Vật liệu, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Vật liệu nghiên cứu
Hạt Thù lù cạnh được thu hái trên cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại từ các vùng khác nhau ở Tây Nam Bộ (tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách ở Bến Tre và xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên ở An Giang).
Quả Thù lù cạnh thường được thu hái vào tháng 4 - tháng 7 hàng năm sau khi có hoa và đậu quả; quả chuyển sang màu vàng. Ở vùng Tây Nam Bộ, quả Thù lù cạnh được thu hái vào tháng 6 - tháng 9 hàng năm khi quả chín. Loại bỏ vỏ quả, thịt quả để lấy hạt và phơi khô để thu hạt Thù lù cạnh khô sử dụng cho thí nghiệm. Tổng số hạt được lấy tối thiểu 1.000 hạt ở mỗi địa điểm.
Thời gian nghiên cứu: Tháng 4/2019 - Tháng 8/2020
Địa điểm nghiên cứu: Cồn Phú Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre với Công ty Agarvina và xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Kế thừa tài liệu nghiên cứu nhân giống với các yếu tố như nhiệt độ, thời gian ngâm hạt giống, thể nền gieo ươm hạt, quan sát từ khi gieo đến khi hạt nảy mầm được tham khảo trong tài liệu Kỹ thuật trồng cây thuốc (Nguyễn Minh Khởi và ctv., 2013).
Nghiên cứu quá trình nảy mầm của hạt theo 2 công thức thí nghiệm khác nhau. Mỗi công thức thí nghiệm nẩy mầm sử dụng 100 hạt được lặp lại 3 lần.
Đầu tiên hạt đều được xử lý bằng cách ngâm vào nước ở các nhiệt độ khác nhau là nhiệt độ thường, 250C, 450C (nước pha 2 sôi 3 lạnh), 600C (nước pha 3 sôi 2 lạnh), 1000C (nước sôi). Ngâm hạt trong 3 giờ. Vớt ra rửa sạch cho hạt khỏi nhớt. 1) Ủ hạt trên đĩa pertri trong 10 - 20 ngày. 2) Ủ hạt trên khay nhựa sử dụng đất nền vườn ươm trong 7 - 20 ngày. Sau đó, tiến hành đếm tỷ lệ nảy mầm để xác định tỷ lệ % nảy mầm của hạt.
2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được thu thập bằng cách theo dõi và đếm số hạt nảy mầm của hạt giống theo từng thí nghiệm. Tất cả số liệu thu thập được xử lý trên phần mềm Excel và SPSS (Nguyễn Hải Tuất và ctv., 2006).
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả thu hạt giống Thù lù cạnh
Cây Thù lù cạnh khỏe mạnh, không sâu bệnh, mọc tự nhiên tại Cồn Phú Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre với Công ty Agarvina và xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được Tiến sĩ Sinh thái học Trần Văn Hải (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) giám định sơ bộ đúng loài thực vật vào tháng 4/2019. Quả Thù lù cạnh bắt đầu vàng khi mùa mưa bắt đầu vào đầu tháng 6. Quả được thu hái khi chín rải rác dần dần từ cuối tháng 6 và kết thúc chín vào tháng 9. Ngày thu hái quả là những ngày nắng khô để thu được quả khô. Quả Thù lù cạnh chín đều, màu vỏ quả đã chuyển sang màu vàng và được tiến hành thu hái từ cuối tháng 6 đến tháng 9. Kích thước trung bình của mỗi quả là 8 mm x 10 mm (dài x rộng). Cây Thù lù cạnh mẹ sau khi thu hái hết quả chín được thu mẫu, làm khô và giám định lại tên loài thực vật. Kết quả giám định cho thấy các cây được thu quả đều là cây Thù lù cạnh.
Quả sau khi thu còn tương đối ẩm được làm sạch tạp chất ngay rồi cho vào túi vải ủ 2 - 3 ngày để quả chín đều. Sau khi ủ xong, cho quả vào rổ rá tiến hành chà xát cho vỏ ngoài của quả nát để thu quả Thù lù cạnh giống. Quả Thù lù cạnh giống đã tách hết vỏ. Kích thước trung bình của mỗi quả bị loại bỏ vỏ ngoài là 6mm x 4mm. Sau khi loại vỏ ngoài, tiếp tục xát nhẹ để làm nát vỏ trong và thịt quả. Tách vỏ trong đã nát và phần thịt bằng cách rửa sạch trong nước để đãi bỏ phần vỏ quả, thịt quả lấy hạt Thù lù cạnh. Hạt sau đó được rải lên rổ hay tờ giấy để nơi râm mát cho khô và thu làm hạt giống. Các hạt giống khi khô có màu vàng sáng và kích thước hạt rất nhỏ. Kết quả thu hoạch hạt giống cho thấy việc thu hạt cây giống hết sức quan trọng để nhân giống bằng hạt cũng như lưu giữ một phần hạt bằng các biện pháp khác nhau.
3.2. Nghiên cứu Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của hạt Thù lù cạnh trên đĩa petri
Tỷ lệ nảy mầm là một đặc điểm quan trọng nhất của hạt giống được sử dụng trong trồng trọt. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng nảy mầm của hạt Thù lù cạnh trên đĩa petri thể hiện qua kết quả ở Bảng 1.
Bảng 1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỷ lệ nảy mầm của các mẫu hạt giống Thù lù cạnh trên đĩa petri sau 10 ngày
Nguồn: Tác giả thực hiện
Kết quả Bảng 1 cho thấy hạt giống xử lý ở các nhiệt độ khác nhau và gieo trên đĩa petri sau 10 ngày cho tỷ lệ nảy mầm khác nhau. Với cùng loại hạt giống Thù lù cạnh, xuất xứ khác nhau ở nhiệt độ thường, nhiệt độ 250C tỷ lệ nảy mầm của hạt tăng dần, đạt cao nhất ở nhiệt độ 450C và lại giảm dần khi nhiệt độ cao 600C và 1000C. Khi nhiệt độ xử lý giảm xuống ở nhiệt độ thường và 250C, tỷ lệ nảy mầm của hạt giảm. Chẳng hạn, xử lý hạt trong nước sạch ở nhiệt độ thường cho tỷ lệ nảy mầm của hạt giữa các xuất xứ giảm thấp dao động khoảng 8,20 - 11.00% còn ở nhiệt độ 250C thì đạt từ 29.00 - 30,6%. Khi tăng nhiệt độ ngâm hạt lên 600C và 1000C, tỷ lệ nảy mầm của hạt có xu hướng giảm, tương ứng là 28,50%, 8,12% ở xuất xứ An Giang; 29,70%, 7,10% ở xuất xứ Bến Tre. Ở nhiệt độ 450C, tỷ lệ nảy mầm cao nhất cho tất cả các hạt có xuất xứ khác nhau và dao động từ 53,33% (xuất xứ An Giang) đến 58% (xuất xứ Bến Tre). Kết quả cho thấy, nhiệt độ ngâm hạt khác nhau ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ nảy mầm của hạt, tỷ lệ hạt nảy mầm ở các điều kiện nhiệt độ thường, 250C đều thấp hơn so với nhiệt độ 450C. Kết quả này phù hợp nghiên cứu của Gopi và ctv. (2006) cho thấy nhân giống bằng hạt ở nhiệt độ thường có tỷ lệ nảy mầm hạt giống thấp ≤ 10%. Quá trình, xử lý hạt giống ở 450C cho tỷ lệ hạt nảy mầm thích hợp hơn so với các nhiệt độ khác do ở ngưỡng nhiệt độ này có thể hạt có sự hấp thu hơi nước tốt, làm cho lớp áo hạt nở ra và vỡ đi ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa và phát triển tế bào tạo điều kiện thuận lợi cho phôi phát triển nên hạt nảy mầm tốt hơn. Ở các nhiệt độ thấp hơn ngưỡng trên, lớp áo của hạt chưa đủ để nở ra và vỡ đi nên giảm đi tốc độ chuyển hóa và phát triển của tế bào, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống giảm do chưa đủ để phá vỡ trạng thái tiềm sinh. Ở nhiệt độ cao hơn 450C có thể làm cho tế bào và phôi trong hạt chết hoặc teo lại vì vậy chúng làm giảm tỷ lệ nảy mầm. Ở ngày thứ 10 sau khi gieo, hạt cho lệ nảy mầm cao nhất.
Kết quả này chứng tỏ rằng nhiệt độ ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của hạt giống Thù lù cạnh. Ở các công thức nhiệt độ từ 250C tới 450C cho tỷ lệ nảy mầm Thù lù cạnh tốt hơn so với ở điều kiện nhiệt độ thường. Ở nhiệt độ 450C cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất, qua kiểm tra giữa các điều kiện nhiệt độ xử lý p < 0,001, chứng tỏ giữa các công thức nhiệt độ có tỷ lệ nảy mầm của hạt khác nhau rõ rệt. Vì vậy điều này cũng chứng minh rằng, tùy thuộc vào từng mẫu giống, hạt giống có khả năng này mầm khác nhau do nguồn gốc của từng lô hạt khác nhau, nên sức sống của hạt giống khác nhau. Qua kiểm tra tỷ lệ nảy mầm giữa các xuất xứ p < 0,001, chứng tỏ rằng giữa xuất xứ thí nghiệm có sự khác nhau rõ rệt.
3.3. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỷ lệ nảy mầm các mẫu giống Thù lù cạnh trên giá thể đất
Tỷ lệ nảy mầm của hạt giống là yếu tố quan trọng trong việc thể hiện sự phân bố và khả năng thích nghi với môi trường sống. Trong nghiên cứu này các mẫu hạt giống được lấy từ các vùng khác nhau cho khả năng nảy mầm khác nhau.
Bảng 2. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỷ lệ nảy mầm của các mẫu hạt giống Thù lù cạnh trên giá thể đất 10 ngày
Nguồn: Tác giả thực hiện
Kết quả xử lý hạt giống trên giá thể ở các nhiệt độ khác nhau thể hiện trong Bảng 2 cho thấy xử lý hạt giống, ủ trên khay nhựa sử dụng đất nền vườn ươm trong 7 - 20 ngày ở các công thức nhiệt độ khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm khác nhau. Ở công thức nhiệt độ 450C có tỷ lệ nảy mầm cao nhất cho tất cả các xuất xứ, dao động từ 83.33% ở xuất xứ An Giang đến 88% ở xuất xứ Bến Tre. Khi các công thức nhiệt độ xử lý giảm xuống ở điều kiện nhiệt độ thường và 250C cũng như để xử lý tăng nhiệt độ lên 600C và 1000C tỷ lệ nảy mầm của hạt giảm dần. Cụ thể, xử lý hạt trong nước sạch ở điều kiện nhiệt độ thường, tỷ lệ nảy mầm của hạt giảm còn rất thấp giữa các xuất xứ dao động khoảng 35% đến 40,2% và đạt từ 39 đến 40,7% ở nhiệt độ 250C, 33% đến 38,15% ở nhiệt độ 600C và 25% đến 26,2% ở nhiệt 1000C trong các xuất xứ. Kết quả này cho thấy tỷ lệ hạt nảy mầm ở các công thức trong điều kiện nhiệt độ thường, 250C, 600C và 1000C đều thấp hơn so với công thức nhiệt độ 450C. Hạt giống ở Bến Tre xử lý trong nước ở 450C và 250C rồi gieo trên giá thể đất sau 15 ngày có tỷ lệ nảy mầm tương ứng đạt 88.00% và 40,70% còn tỷ lệ nảy mầm cao hơn ở An Giang tương ứng là 83,33% và 39,00%.
Tuy nhiên, khi so sánh với tỷ lệ hạt nảy mầm của các xuất xứ được xử lý ở 450C trong điều kiện phòng thí nghiệm tỷ lệ hạt nảy mầm cao nhất đạt trung bình từ 53% đến 58% trong các xuất xứ, nhưng hạt giống gieo trực tiếp trên giá thể đất có tỷ lệ nảy mầm cao hơn đạt từ 83 đến 88%, điều này do trong hạt Thù lù cạnh chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, khi gieo trực tiếp xuống giá thể đất hạt duy trì độ ẩm giữ được hàm lượng dinh dưỡng trong hạt, nên sức nảy mầm của hạt tốt hơn. Ngược lại, khi gieo hạt trên đĩa petri hàm lượng dinh dưỡng trong hạt mất dần, có thể đây là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ nảy mầm của hạt giống được gieo ở đây. Vì vậy, khi hạt giống được gieo trực tiếp trên giá thể đất, các yếu tố độ ẩm của đất và điều kiện môi trường bên ngoài tác động trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt, làm cho sức sống của hạt giống trong các xuất xứ có khả năng nảy mầm tốt hơn. Kết quả này có thể là thuận lợi và có tín hiệu tốt hơn cho sản xuất Thù lù cạnh trên đơn vị diện tích và đây cũng là vấn đề cần thiết cho nghiên cứu tiếp theo về việc phát triển tiêu chuẩn chất lượng và cất trữ hạt giống Thù lù cạnh đảm bảo trong tương lai.
4. Kết luận
Nhiệt độ xử lý ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt giống Thù lù cạnh. Trong các công thức thí nghiệm nhiệt độ, hạt giống ngâm ở trong 3 giờ điều kiện nhiệt độ nước thường, 250C, 450C, kết quả chỉ ra ở nhiệt độ 450C cho tỷ lệ nảy mầm của hạt giống cao hơn so với các công thức nhiệt độ khác đạt từ 53% đến 58% ở các xuất xứ sau 10 ngày gieo trên đĩa petri. Vì vậy, hạt giống được xử lý ở các công thức nhiệt độ khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm của hạt giống khác nhau.
Hạt giống ở các xuất xứ khác nhau ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ nảy mầm của hạt giống Thù lù cạnh. Trong các xuất xứ, hạt giống được gieo trực tiếp trên giá thể đất vườn ươm, tỷ lệ hạt nảy mầm cao nhất là Bến Tre (88%) cao hơn so với các mẫu giống khác An Giang (83%). Tương tự, hạt giống gieo trên đĩa petri, tỷ lệ hạt nảy mầm giữa các xuất xứ khác nhau, cao nhất xuất xứ Bến Tre (58%). Vì vậy, hạt giống lấy ở vùng sinh thái khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm của hạt giống khác nhau có thể do điều kiện môi trường, yếu tố di truyền, dinh dưỡng của cây mẹ, tuổi của cây mẹ trong giai đoạn thu hái hạt, nên sức nảy mầm của hạt giống ở các xuất xứ có tỷ lệ nảy mầm khác nhau.
Trong nghiên cứu này, hạt giống của các xuất xứ được gieo trực tiếp trên giá thể đất vườn ươm có tỷ lệ nảy mầm cao hơn so với hạt giống được gieo trên đĩa petri xử lý ở 450C trong điều kiện phòng thí nghiệm do các yếu tố môi trường, độ ẩm ảnh hưởng đến sức sống, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống trong các xuất xứ. Tuy nhiên, kết quả này chỉ là bước đầu làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu về thí nghiệm xử lý hạt giống của các xuất xứ ở các nhiệt độ khác nhau trên các giá thể và điều kiện môi trường khác nhau là cần thiết để đảm cho việc nhân giống bằng hạt Thù lù cạnh trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội.
- Freitas, T. de A.; Rodrigues, A. C. da C.; Osuna , J. T. A. (2006). Cultivation of Physalis angulata and Anadenanthera colubrina [(Vell.) Brenan] species of the Brazilian semi-arid. Rev. Bras. Pl. Med., 8, 201-204.
- Ramachandra Row L, Sambi Reddy K, Subrahmanya Sarma N, Teruo Matsuura and Ruka Nakashima (1980). New physalins from Physalis angulata and Physalis lancifolia. Structure and reactions of physalins D, I, G and K.
Phyto Chemistry,19, 1175-1181. - Chen CM, Chen Z, Hsich C, Zin W, Wen S. (1990). Withangulatin A new Withanolide from Physalis angulata Heterocycles, 31(7), 371-375.
- Basey K, Mcgaw BA, Woolley JG. (1992). Phygrinean alkaloid from Physalis Phyto Chemistry, 31 (12), 4173-4176.
- Ayodhyareddy, P. Rupa (2016). Ethno Medicinal, Phyto Chemical and Therapeutic Importance of Physalis angulata L.: A Review. International Journal of Science and Research (IJSR), ISSN (Online): 2319-7064, 5 (5). Impact Factor (2015): 6.391.
- Nguyễn Minh Khởi, Nguyễn Văn Thuận, Ngô Quốc Luật (2013). Kỹ thuật trồng cây thuốc. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
- Nguyễn Hải Tuất, Ngô Kim Khôi, Nguyễn Tiến Hinh (2006). Phân tích thống kê trong lâm nghiệp. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
A STUDY ON THE SEED PROPAGATION OF PHYSALIS ANGULATE – SOLUTION TO IMPROVE THE ECONOMIC VALUE OF AGRICULTURE AND DEVELOP RURAL ECONOMY
PHAM THI THANH HUONG
National Academy of Public Administration
ABSTRACT:
This study evaluated the propagation ability of Physalis angulate through the germination rate of seeds. In this study, Physalis angulate seeds were soaked in water at different temperatures (room temperature, 25oC, 45oC, 60oC and 100oC) for 3 hours, then they were (1) incubated on the pertri dish, and (2) sown directly into the nursery substrate. The study finds out that seeds which were soaked in water at 45oC for 3 hours, then were sown on the pertri dish for 10 days have the highest germination rate from 53.33 to 58.00%. Meanwhile, the germination rates of seeds which were soaked at room temperature and at 25oC range from 24.53-48.27%. At optimal conditions, the highest average germination rates of seeds from Ben Tre Province and An Giang Province are 58.00% and 53.33%, respectively. For seeds which were sown into the nursery substrate, the highest average germination rates of seeds from Ben Tre Province and An Giang Province are 88.00% and 83.33%, respectively. These results initially reveal that seeds from different ecological regions have not much different germination rates when they are sown under the same experimental conditions. In addition, the study’s results show that the germination rate of seeds also depends on temperature, humidity, nutrition and environment. The optimal treating condition of seeds is 45oC for 3 hours. This study is expected to provide useful information for further researches on developing high standards for seed quality.
Keywords: economic management, rural economy, Physalis angulata, germination percentage, seed, agriculture.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 23, tháng 10 năm 2021]