Nghiên cứu mối quan hệ dự định áp dụng giá trị hợp lý và nhận thức áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán tại các doanh nghiệp xây lắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long

ThS. HUỲNH TẤN KHƯƠNG (Khoa Kinh tế, Luật, Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực hiện nhằm đo lường mối quan hệ dự định áp dụng giá trị hợp lý (GTHL) và nhận thức áp dụng GTHL trong kế toán tại các doanh nghiệp xây lắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả kiểm định mô hình cho thấy mối quan hệ giữa dự định áp dụng giá trị hợp lý với các nhân tố, như: (1) Nhận thức về lợi ích của GTHL, (2) Năng lực kỹ năng chuyên môn của kế toán viên, (3) Ảnh hưởng tổ chức, tư vấn nghề nghiệp, (4) Môi trường pháp lý, (5) Môi trường kinh doanh và (6) Nhận thức về bất lợi của GTHL.

Từ khóa: giá trị hợp lý, kế toán, doanh nghiệp xây lắp, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, việc tổ chức triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam cho tất cả các doanh nghiệp theo Quyết định số 345/QĐ-BTC đang dần trở thành một chủ đề được quan tâm từ các bên, với mục tiêu từng bước thay đổi, áp dụng công cụ đo lường trong kế toán, nhằm đảm bảo sự phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ kế toán quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hạch toán tại các doanh nghiệp chưa có sự thống nhất áp dụng các công cụ đo lường nhằm đảm bảo phản ánh chính xác các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính (BCTC). Cụ thể là phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa sử dụng GTHL để đánh giá các đối tượng kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Trong khi chuẩn mực BCTC quốc tế số 13 - Đo lường giá trị hợp lý đã được Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành vào năm 2013, nhằm thiết lập các kỹ thuật để đo lường GTHL, yêu cầu thuyết minh về cách đo lường GTHL. Việc áp dụng GTHL trong kế toán sẽ đảm bảo thông tin về giá trị tài sản được phản ánh khá gần với giá trị thực của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao tính tin cậy của thông tin cung cấp. Nhưng sự thiếu vắng của thông tin thị trường trong ngành, các dữ liệu quan sát trực tiếp khi áp dụng các kỹ thuật xác định GTHL là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng GTHL trong kế toán chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Cùng với đó, các nghiên cứu hành vi của con người trong việc chấp nhận áp dụng GTHL trong kế toán còn khá khiêm tốn, các nghiên cứu mới tập trung đánh giá sự cần thiết của GTHL vào việc ghi nhận và trình bày thông tin trên BCTC. Vậy nên, nghiên cứu mối quan hệ dự định áp dụng GTHL và nhận thức áp dụng GTHL trong kế toán tại các doanh nghiệp xây lắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.

2. Mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào các mô hình và công trình nghiên cứu trước đó, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước

Các giả thuyết nghiên cứu cũng được xây dựng dựa trên lý thuyết TPB gồm:

- Nhóm nhân tố “Thái độ”:

H1: Nhận thức về lợi ích của giá trị hợp lý có tác động thuận chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

H2: Nhận thức về bất lợi của giá trị hợp lý có tác động nghịch chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

- Nhóm nhân tố “Áp lực xã hội”:

H3: Ảnh hưởng Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp có tác động thuận chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

- Nhóm nhân tố “Nhận thức về thách thức”:

H4: Môi trường kinh doanh có tác động thuận chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

H5: Môi trường pháp lý có tác động thuận chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

H6: Năng lực kỹ năng chuyên môn của kế toán viên có tác động thuận chiều đến Dự định áp dụng GTHL.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phỏng vấn bằng bảng câu hỏi đã được điều chỉnh từ kết quả khảo sát sơ bộ với 41 phát biểu còn lại để đo lường 6 yếu tố trong mô hình. Chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên đơn giản dựa trên danh sách các doanh nghiệp xây lắp tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, từ tháng 11/2020-10/2021, với số lượng 290 phiếu khảo sát được gửi trực tiếp và online cho doanh nghiệp xây lắp. Số lượng phiếu trả lời thu về đủ điều kiện là 275 phiếu được sử dụng để làm mẫu chính thức.

Các phương pháp phân tích được sử dụng theo trình tự là kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA); nhân tố khẳng định (CFA) và đánh giá sự phù hợp của mô hình thông qua phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Kiểm tra hệ số Cronbach’s Alpha của các biến, gồm: (1) Nhận thức về lợi ích của GTHL, (2) Nhận thức về bất lợi của GTHL, (3) Ảnh hưởng Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp, (4) Môi trường kinh doanh, (5) Môi trường pháp lý, (6) Năng lực kỹ năng chuyên môn của kế toán viên và (7) biến phụ thuộc là Dự định áp dụng GTHL, kết quả trình bày tại Bảng 1.

Bảng 1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha sau loại biến

Kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha sau loại biến

Nguồn: Kết quả khảo sát và phân tích của tác giả, 2021

Theo Bảng 1, giá trị Cronbach’s Alpha của các nhân tố đều đạt yêu cầu theo Hair và cộng sự (1998) là lớn hơn 0,7. Tuy nhiên, đối với nhân tố “Nhận thức về lợi ích của GTHL” có biến quan sát “PA4, PA8”, nhân tố “Nhận thức về bất lợi của GTHL” có biến quan sát “PD2” và 2 thang đo của nhân tố “Môi trường kinh doanh” là “BE3, BE4” với hệ số tương quan biến tổng có giá trị nhỏ hơn 0,3 không đạt yêu cầu, được loại ra và tiến hành kiểm định thang đo lần 2 cho các nhân tố trên. Như vậy, sau khi loại 5 biến quan sát, kết quả kiểm định lần 2 cho thấy tất cả các thang đo của các biến đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s alpha đều lớn hơn 0,7. Điều này cho thấy, các biến quan sát còn lại của thang đo đảm bảo độ tin cậy để thực hiện phân tích nhân tố EFA.

3.2. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Trong 36 biến quan sát đạt yêu cầu để tiếp tục tiến hành phân tích EFA. Phép trích nhân tố được sử dụng là Principal Axis với phương pháp quay Promax, chuẩn Kaiser. Kết quả phân tích nhân tố EFA lần 1 và lần 2 cho thấy, có 2 biến quan sát “OC1” và “IA3” bị loại khỏi mô hình nghiên cứu vì có hệ số tải nhân tố đều nhỏ hơn 0,5 (Đinh Phi Hổ, 2013). Kết quả có 34 biến quan sát được đưa vào phân tích theo tiêu chuẩn Eigenvalue >1, với quy tắc Guttman-Kaiser, có 6 nhân tố được trích rút với tổng phương sai trích 59,557% (>50%) và tất cả các hệ số tải Loading-Factor đều > 0,5. Do đó, các biến quan sát đều phù hợp với thang đo lý thuyết. Như vậy, còn lại 34 biến quan sát thỏa mãn các điều kiện trong phân tích EFA được đưa vào kiểm định trong phân tích CFA.

3.3. Phân tích nhân tố khẳng định CFA

Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA cho các thang đo này có 506 bậc tự do (df = 506), mô hình có độ tương thích với tập dữ liệu nghiên cứu: Chi-square/df = 1,698 < 3 (p = 0,000); GFI = 0,849; TLI = 0,923; CFI = 0,931; và RMSEA = 0,050. Trọng số chuẩn hóa của các biến quan sát đều lớn hơn 0,5 và trọng số chưa chuẩn hóa của các biến đều có ý nghĩa thống kê, nên khẳng định được giá trị hội tụ của các thang đo. Hệ số tương quan của các khái niệm đều nhỏ hơn 1 đơn vị, nên các khái niệm đạt được giá trị phân biệt. Mô hình đo lường phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu, không có tương quan giữa các sai số đo lường, nên đạt được tính đơn nguyên. Kết quả phân tích nhân tố CFA được biểu diễn trong Hình 2.

Hình 2: Kết quả CFA cho mô hình (chuẩn hóa)

Kết quả CFA cho mô hình (chuẩn hóa)

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2021

Ngoài ra, trong nghiên cứu này, tác giả kiểm định các tiêu chí đánh giá khác, như: (1) Tính đơn hướng của các thang đo đều đạt; (2) Các thành phần thang đo trong mô hình đều đạt được giá trị phân biệt và (3) Các thang đo đều đạt giá trị hội tụ tương ứng với các trọng số đạt tiêu chuẩn với mức ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Như vậy, tập dữ liệu nghiên cứu thỏa mãn các điều điện để đưa vào kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính về mối quan hệ của các nhân tố từ nhận thức áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, tới dự định áp dụng GTHL.

3.4. Đánh giá sự phù hợp của mô hình cấu trúc tuyến tính SEM

Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu thông qua phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM cho thấy đạt được độ tương thích với tập dữ liệu nghiên cứu: Chi-bình phương = 859,408, có giá trị p = 0,000, giá trị bậc tự do df = 506, Chi-square/df = 1,698 < 3, RMSEA = 0,050 < 0,06; chỉ số CFI = 0,931; TLI=0,923>0,9 và GFI = 0,849 có thể chấp nhận (Byrne, 2001). Như vậy, các chỉ số còn lại cho thấy mô hình xây dựng phù hợp với dữ liệu nghiên cứu, thang đo đạt tính đơn hướng, phù hợp dữ liệu thị trường.

Hình 3: Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM (đã chuẩn hóa)

Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM (đã chuẩn hóa)

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2021

Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu của mô hình nghiên cứu:

Bảng 2. Kết quả kiểm định mối quan hệ giữa các khái niệm nghiên cứu 

Kết quả kiểm định mối quan hệ giữa các khái niệm nghiên cứu 

Nguồn: Tác giả phân tích,2021

Mô hình các nhân tố từ nhận thức áp dụng GTHL trong kế toán tác động đến dự định áp dụng GTHL có kết quả ước lượng của mô hình cho giá trị R2 = 0,525, nghĩa là có 52,5% sự thay đổi trong dự định áp dụng GTHL phụ thuộc vào các nhân tố tác động trong mô hình; còn lại 47,5% sẽ do các yếu tố khác ngoài mô hình hoặc sai số ngẫu nhiên giải thích, bởi thực tế có thêm nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến dự định áp dụng GTHL mà trong phạm vi nghiên cứu này chưa đề cập đến. Trong đó, hầu hết các nhân tố đều có tác động thuận chiều với dự định áp dụng GTHL, với mức ý nghĩa đều đạt trên 95%, chỉ có nhân tố “Nhận thức về bất lợi của GTHL (PD)” là có tác động ngược chiều và cũng ở mức ý nghĩa trên 95%.

Cụ thể, tác động mạnh nhất là 2 nhân tố “Nhận thức về lợi ích của GTHL” và “Năng lực kỹ năng chuyên môn của kế toán viên” với hệ số Beta chuẩn hóa lần lượt là 0,336; 0,317 và P_value = 0.000; thứ ba là nhân tố “Ảnh hưởng Tổ chức, tư vấn nghề nghiệp” với b3 = 0,227; thứ tư là nhân tố “Môi trường pháp lý” với b4 = 0,189 và P_value = 0,002; tiếp đến là nhân tố “Môi trường kinh doanh” với hệ số b5 = 0,111 và P_value = 0,043; cuối cùng là nhân tố “Nhận thức về bất lợi của giá trị hợp lý” với b6 = - 0,147 và P_value = 0,007.

4. Kết luận

Kết quả nghiên cứu thể hiện rõ vai trò từ 2 nhân tố quan trọng trong việc áp dụng giá trị hợp lý, đó là: Nhận thức về lợi ích của giá trị hợp lý và Năng lực kỹ năng chuyên môn của kế toán viên. Vì vậy, để nâng cao việc áp dụng giá trị hợp lý trong kế toán, các nhà quản trị doanh nghiệp cũng như kế toán viên cần nhìn nhận công tác kế toán không chỉ phục vụ cho mục đích thuế, mà còn hướng đến thông tin trình bày trên BCTC phải có được tính thích hợp và đáng tin cậy cao, đáp ứng nhu cầu ra quyết định của người sử dụng thông tin. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán và hướng dẫn về giá trị hợp lý. Cơ quan thuế cần có hướng dẫn nội dung mà doanh nghiệp cần phải xác định rõ khi tính toán áp dụng giá trị hợp lý (vì bằng chứng của GTHL phải mất thời gian để kiểm chứng và có thể không được sự thừa nhận của cơ quan thuế). Ngoài ra, hệ thống thị trường đang dần phát triển, hiện tại đã có thị trường chứng khoán và các thị trường chuyên ngành, như: thị trường bất động sản, thị trường cà phê, thị trường nông sản,... Các thị trường này cũng đã góp phần cung cấp thông tin cho việc xác định GTHL. Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng và điều kiện để tiếp cận các nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới về GTHL thông qua các hợp tác giao lưu với hội nghề nghiệp kế toán quốc tế, qua đó giúp lãnh đạo doanh nghiệp, kế toán viên giao lưu học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về đo lường GTHL cũng như nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kế toán theo GTHL.

Tóm lại, áp dụng GTHL trong kế toán là sự cần thiết đối với các doanh nghiệp, tiến tới quá trình hòa hợp với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng GTHL trong kế toán tại các doanh nghiệp xây lắp là một thách thức không nhỏ trước sự bất cập về môi trường kinh doanh, hệ thống thông tin ngành chậm phát triển, bất cân xứng thông tin, thiếu tính nhất quán. Để vượt qua trở ngại này, cần có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp, đối tượng xác định GTHL trong kế toán, cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  2. Bui Thi Ngoc. (2020). Impact of factors on fair value accounting: empirical study in Vietnam. Investment Management and Financial Innovations, 17(3), 10-26.
  3. Đặng Ngọc Hùng (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán trong các doanh nghiệp Việt Nam thông qua mô hình SEM. Kinh tế và Kinh doanh, 33(4), 55-63.
  4. IASB. (2011). IFRS 13 - Fair Value Measurement. [Online] Avalibile at: https://www.ifrs.org/issued-standards/list-of-standards/ifrs-13-fair-value-measurement/
  5. Jung, B., Pourjalali, H., Wen, E. and Daniel, S. J. (2013). The association between firm characteristics and CFO's opinions on the fair value option for non-financial assets. Advances in Accounting, incorporating Advances in International Accounting, 29, 255-266.
  6. Nguyễn Thị Minh Thi, Nguyễn Thị Yến Nhi (2020). Một số vấn đề về đo lường giá trị hợp lý theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 13. Tạp chí Tài chính, kỳ 5/2020, 155-158.
  7. Nguyễn Thị Hồng Nga (2017). Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán tổn thất tài sản cố định tại các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán, 117, 42-50.
  8. Tan, C.W., Hancock,  P.  Taplin,  R.  &  Tower,  G.  (2005).  Fair  value  accounting  for  all  financial  instruments:  perception  from  managers  of  Australian  Financial Institutions. Australian Accounting Reievw, 15, 79-88.
  9. Trần Văn Tùng và Nguyễn Thanh Tùng (2016). Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng giá trị hợp lý trong kế toán tại các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 7/2016, 18-23.
  10. Trần Văn Tùng và Ngô Ngọc Nguyên Thảo (2020). Các nhân tố tác động đến vận dụng giá trị hợp lí theo Chuẩn mực kế toán quốc tế trong các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 12, 83-86.

A STUDY ON THE RELATIONSHIPS BETWEEN

THE INTENTION TO APPLY THE FAIR VALUE CONCEPT

AND THE PERCEPTION OF APPLYING THIS CONCEPT

IN ACCOUNTING OF CONSTRUCTION ENTERPRISES LOCATED

IN THE MEKONG DELTA 

• Master. HUYNH TAN KHUONG

Faculty of Economics, Law, Tra Vinh University

ABSTRACT:

This study is to measure the relationships between the intention to apply the fair value concept and the perception of applying this concept in accounting of construction enterprises located in the Mekong Delta. Results from the study’s research model show that the the intention to apply the fair value concept is affected by these following factors: (1) Perception of the benefits of using the fair value concept, (2) Professional skills of accountants, (3) Impacts from consulting firm, (4) Legal environment, (5) Business environment and (6) Perception of the disadvantages of applying the fair value concept.

Keywords: fair value, accounting, construction enterprises, the Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]