Nghiên cứu tái cấu trúc doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) - ThS. VŨ CẨM NHUNG (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu thực hiện khảo sát điển hình và điều tra 1.167 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi dưới sự tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kết quả cho thấy doanh nghiệp cần tái cấu trúc theo hướng nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài; đồng thời củng cố năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập của hàng hóa, doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề chung cần tái cấu trúc bao gồm định hướng xuất khẩu, quản lý chất lượng, đổi mới công nghệ, tương tác thị trường, nguồn nhân lực, cơ cấu lại vùng nguyên liệu. Tùy vào đặc thù của từng ngành sẽ đặt vấn đề trọng tâm tái cấu trúc khác nhau.

Từ khóa: Tái cấu trúc doanh nghiệp, năng lực thâm nhập, năng lực phòng vệ.

1. Giới thiệu

Cấu trúc của doanh nghiệp (DN) phù hợp được biểu hiện qua việc tận dụng tốt các cơ hội và tránh né được rủi ro từ môi trường kinh doanh. Khi môi trường kinh doanh thay đổi, đòi hỏi cấu trúc của doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp, lúc đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp (Huỳnh Thanh Điền, 2014). Ở Việt Nam, mặc dù cụm từ “tái cơ cấu doanh nghiệp” được đề cập đến nhiều trong những năm nền kinh tế xảy ra khủng hoảng, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt được các phương pháp, kỹ thuật, thiết kế hệ thống quản lý để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả. Từ đó dẫn đến việc xác định chiến lược, giải pháp thực hiện tái cơ cấu chưa đúng trình tự và trọng tâm, đe dọa đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là nền kinh tế năng động hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước, với sự quy tụ nhiều cảng, kho vận, trung tâm thương mại nguyên phụ liệu, doanh nghiệp công nghiệp; quy tụ đội ngũ chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, viện - trường - trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước. Trong những năm gần đây, với nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới được ký kết, nhiều doanh nghiệp, hàng hoá nước ngoài thâm nhập vào TP. HCM tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp, đặt ra vấn đề cần tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Do vậy, doanh nghiệp rất cần một khung chỉ dẫn cách tiếp cận để nhận diện dấu hiệu và phương pháp thực hiện tái cấu trúc (TCC) để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc bối cảnh hội nhập.Trước hết hệ thống lý thuyết để khái quát mô hình phân tích tái cơ cấu doanh nghiệp. Kế đến là vận dụng mô hình để phân tích nhận diện dấu hiệu cần tái cấu trúc doanh nghiệp tại TP. HCM trong bối cảnh hội nhập với các FTAs thế hệ mới. Từ đó, đề xuất định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp.

2. Khung phân tích tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Nhiều nghiên cứu về tái cấu trúc doanh nghiệp cho thấy mục tiêu tái cấu trúc nhằm vào tận dụng các cơ hội và trách né thách thức từ môi trường kinh doanh (Lawrence & Lorsch, 1967; Kanten & Gurlek, 2015; Jiang, 2011). Hội nhập có tác động thay đổi môi trường kinh doanh thúc đẩy di chuyển qua lại tự do các dòng hàng hóa, vốn (trực tiếp, gián tiếp), lao động và thể chế chính sách. Khi thực thi các cam kết của FTAs thế hệ mới, sẽ dẫn đến môi trường kinh doanh có những thay đổi đáng chú ý như: (1) Thay đổi môi trường vĩ mô sẽ biểu hiện qua việc Chính phủ các nước điều chỉnh các luật lệ, chính sách theo cam kết của FTAs nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa DN nội địa và FDI, nên sẽ không thể áp dụng các chính sách hỗ trợ chỉ dành riêng cho doanh nghiệp (DN) nội địa về tài chính, mua sắm công hoặc áp đặt các điều kiện với FDI hoặc các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài (Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, 2011); (2) Thay đổi môi trường vi mô thể hiện qua các cơ hội tiếp cận khách hàng xuất khẩu tăng, nhưng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và nội địa cũng rất cao; chuỗi cung ứng sẽ có sự thay đổi do cam kết về quy tắc xuất xứ theo hướng các DN sản xuất phụ trợ tìm cách di chuyển nhà máy đến các nước trong khối TPP, các yếu tố đầu vào sẽ tiết kiệm hơn; sự đe dọa từ sản phẩm tiềm ẩn, cạnh tranh về lao động gay gắt hơn (Huỳnh Thanh Điền, 2015); (3) Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành sản xuất sẽ diễn ra nhanh hơn tạo ra những phương thức kinh doanh mới sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhất là các hình thức kinh doanh có sử dụng phương tiện công nghệ thông tin (Denis&Liam, 2015).

Dấu hiệu của tái cấu trúc được xác định khi doanh nghiệp nhận thấy cấu trúc hiện hữu không còn phù hợp để tận dụng cơ hội và tránh né thách thức từ môi trường kinh doanh, đang có xu hướng xấu đi (Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, 2011). Do vậy, bước đầu tiên để xác định dấu hiệu cần tái cấu trúc doanh nghiệp là phân tích sự tương thích giữa cấu trúc nội tại của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh. Nhưng có quá nhiều yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh, cũng như khá nhiều yếu tố thuộc về cấu trúc nội tại nên rất khó nhận thấy được sự tương thích giữa chúng do đó cần xác định các dấu hiệu được biểu hiện qua những chỉ số dễ nhận thấy hơn biểu hiện qua thái độ và hành vi của khách hàng (Kapland & Norton, 1987) như đơn hàng giảm sút, tần suất đặt hàng trên mỗi khách hàng giảm, khách hàng tìm đối tác khác, sự phàn nàn về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng ngày càng tăng.

Nguyên nhân của dấu hiệu cấu trúc không phù hợp trong bối cảnh hội nhập có thể là do sản phẩm, công nghệ, các quy trình sản xuất, công tác kiểm tra chất lượng, hệ thống phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng, trình độ nhân lực, thậm chí là cơ cấu tổ chức bắt đầu xuất hiện những hạn chế. Việc xác định chính xác vấn đền cần tái cơ cấu là việc rất quan trọng để doanh nghiệp xác định mục tiêu và phát triển các phương án tái cơ cấu. Vì lẽ đó, điều cần làm của doanh nghiệp sau khi xác định dấu hiệu cần tái cơ cấu là phải tiến hành khảo sát chi tiết để nhận diện cho đúng khâu nào không tương thích hoặc tất cả các khâu đều không tương thích. Kế đến cần thực hiện tái cấu trúc theo hướng nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa và phát triển mạng lưới kinh doanh ra bên ngoài để tận dụng cơ hội, đồng thời cũng nâng cao năng lực phòng vệ để tránh những thách thức trong bối cảnh hội nhập. Khung phân tích được khái quát như Hình 1.

3. Dữ liệu và phương pháp

Để nhận diện vấn đề cần tái cấu trúc doanh nghiệp TP. HCM trong bối cảnh hội nhập, phương pháp nghiên cứu phỏng vấn sâu với lãnh đạo DN thuộc 6 ngành công nghiệp trọng yếu của TP. HCM được thực hiện. Đồng thời kết hợp dữ liệu điều tra 1.167 DN thuộc chương trình tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. HCM do Cục Thống kê TP. HCM thực hiện năm 2015 để minh chứng cho các nhận định của lãnh đạo DN. Trong số 1.167 DN được điều tra, có 203 DN FDI và 964 DN trong nước.

4. Nhận diện vấn đề cần tái cấu trúc của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

4.1. Tổng quan doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Sản xuất công nghiệp của TP. HCM tập trung chủ yếu vào 4 ngành Công nghiệp trọng yếu bao gồm: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, hóa nhựa cao su; và 2 ngành truyền thống. Sáu ngành Công nghiệp chủ yếu này chiếm 78% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp của TP. HCM. Các mặt hàng có lợi thế của TP. HCM trong khối các FTAs có Việt Nam tham gia chủ yếu là dệt may, giày da với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 60,99%, 62,50% chủ yếu dưới hình thức gia công hoặc được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI. Các mặt hàng không có lợi thế bao gồm cơ khí, điện tử CNTT, cao su nhựa, chế biến lương thực thực phẩm với tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. HCM (Bảng 2); xuất khẩu chủ yếu phần lớn được thực hiện bởi FDI. Hơn nữa, hơn 95% doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực gia nhập chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế; đồng thời thiếu DN dẫn dắt chuỗi giá trị của các ngành (Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, 2016). Với những hạn chế chung này, cho thấy năng lực thâm nhập và phòng vệ nói chung của doanh nghiệp TP. HCM trong khối TPP còn hạn chế. (Xem bảng 2)

4.2. Nhận diện vấn đề cần tái cấu trúc chung của doanh nghiệp

Để tận dụng được cơ hội từ TPP, doanh nghiệp TP. HCM phải đủ năng lực để thâm nhập hàng hóa ra nước ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy 44,7% doanh nghiệp TP. HCM gặp khó với giá thành cao, thương hiệu yếu nên năng lực cạnh tranh kém (33%), do đó gặp khó khăn trong tận dụng cơ hội thâm nhập và mở rộng mạng lưới kinh doanh ra bên ngoài. Nguyên nhân là do năng lực khai thác thị trường còn hạn chế như năng lực tiếp cận thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, hiệu quả truyền thông kém (DN nội địa kém hơn FDI); nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là yếu chuyên môn kỹ thuật và trình độ quản lý. Đồng thời, tỷ lệ DN không áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến còn cao (70% DN không áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng hiện đại như ISO, 5S, Kaizen, Lean); cũng như công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp thu và thích ứng với công nghệ mới thấp, khả năng nghiên cứu, chế tạo công nghệ mới yếu. Bảng 3 cho thấy các khó khăn này của DN trong nước gặp phải nhiều hơn FDI.

Phần lớn các DN đều nhận thức được các hạn chế về năng lực thâm nhập kém trước bối cảnh hội nhập, rất cần thiết phải đầu tư đổi mới công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thiếu vốn. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 54,98 % DN gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó có khá nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư từ chính quyền TP. HCM như chương trình kích cầu, nhưng thủ tục hành chính nói chung và thủ tục tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước còn khá phức tạp, 35,58% doanh nghiệp nội địa, 53,2% DN FDI gặp khó khăn trong tiếp cận với các thủ tục hành chính. (Xem bảng 3)

Bên cạnh những hạn chế về năng lực thâm nhập như phân tích trên, DN của TP. HCM còn gặp phải nguy cơ trước sự thâm nhập của hàng hóa và cạnh tranh với FDI. Kết quả khảo sát cho thấy, năng lực phòng vệ của DN trong nước còn hạn chế trong xây dựng hệ thống phân phối nội địa (7,37% DN khảo sát), sự liên kết của các doanh nghiệp chưa cao (15, 56% DN khảo sát) và tiếp cận mặt bằng sản xuất (30,6%) (xem Bảng 4). Vấn đề mấu chốt của sự phòng vệ là tính liên kết giữa các DN thành chuỗi từ cung ứng hỗ trợ đến sản xuất đầu cuối và phân phối. Tuy nhiên, TP. HCM vẫn chưa hình thành được các mối liên kết đó ở hầu hết các ngành, DN sản xuất phụ trợ rời rạc, hệ thống phân phối dần dần bị thôn tính bởi FDI, thiếu doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi liên kết, vai trò của Hiệp hội còn mờ nhạt (Huỳnh Thanh Điền, 2015). (Xem bảng 4)

4.3. Vấn đề cần tái cấu trúc của từng ngành

Dệt may:

Mức độ cam kết cắt giảm thuế quan trọng ngành Dệt may và Giày da trong khối TPP là lớn nhất, hầu hết thuế quan các các dòng hàng hóa dệt may đều được xóa bỏ hoặc cắt giảm với lộ trình ngắn. Tuy nhiên, để hưởng được các ưu đãi của TPP, DN cần thỏa mãn điều kiện về “xuất xứ từ sợi” (tuy không áp dụng ngay mà thực hiện theo cơ chế linh hoạt “nguồn cung thiếu hụt” theo nguyên tắc cho phép sử dụng các nguyên liệu ngoài khối TPP nhưng phải giải trình về sự thiếu hụt nguồn cung trong nội khối TPP). Trong khi đó, cấu trúc hoạt động của ngành Dệt may TP. HCM với 80% DN hoạt động trong công đoạn cắt may với nguồn nguyên liệu 90% từ ngoài khối, xuất khẩu chủ yếu theo phương thức gia công với sự chỉ định nguồn nguyên liệu bởi các nhà nhập khẩu nước ngoài nên dự kiến sẽ khó có thể tận dụng tốt cơ hội thâm nhập nếu không thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng.

Với nguyên tắc xuất xứ từ sợi, trong thời gian tới dự báo cấu trúc sản xuất nguyên liệu trên thế giới có nhiều thay đổi, nhiều DN di chuyển nhà máy từ quốc gia ngoại khối vào các nước nội khối TPP để được hưởng ưu đãi, lúc đó Việt Nam là lựa chọn của nhiều DN sản xuất sợi vải. Trước bối cảnh đó, DN trong nước gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ FDI trong lĩnh vực sợi, vải mà lợi thế nghiêng về FDI bởi họ có mối liên kết tốt với các hãng thiết kế và phân phối thời trang toàn cầu tốt hơn doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, DN trong nước còn thiếu định hướng và giải pháp chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang tự chủ thiết kế và phân phối các rủi ro từ áp lực cạnh tranh luôn là mối đe dọa lớn (ghi nhận ý kiến từ phỏng vấn lãnh đạo các DN Dệt may, 2015).

Chế biến lương thực - thực phẩm:

TP. HCM có lợi thế về nguyên liệu do gần với các vùng nguyên liệu chế biến, nhưng DN chế biến lương thực - thực phẩm của TP. HCM thiếu định hướng xuất khẩu. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn DN trong nước chủ yếu sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước như: Ngành Bia -Rượu -Nước giải khát có sản phẩm bia, nước tinh khiết, nước ngọt, nước yến, nước trái cây và các nước bổ dưỡng khác được tiêu thụ nội địa gần như 100%; Tỷ lệ tiêu thụ nội địa ngành Bánh kẹo cũng rất cao, từ 60% trở lên tùy theo sản phẩm; Ngành Sữa có tỷ lệ tiêu thụ nội địa gần như 100%; Ngành Chế biến thịt cũng chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và chỉ có một số sản phẩm chế biến được xuất khẩu.

Bên cạnh đó, do thiếu định hướng xuất khẩu, đồng thời yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng nội địa chưa cao, nên DN chưa chú trọng nhiều đến đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng. Do vậy, nếu bước đầu chuyển sang định hướng xuất khẩu thì DN trong nước sẽ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn thâm nhập vào TPP. Trong khi đó, với TPP thì mức độ mở của trong ngành Chế biến lương thực - thực phẩm khá cao như thuế quan giảm rất nhiều, điều kiện đầu tư của FDI cũng thuận lợi hơn nên hàng nước ngoài được nhập về nhiều hơn, đòi hỏi DN trong nước phải củng cố năng lực phòng vệ thông qua đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng hướng đến đạt chuẩn, phát triển hệ thống phân phối và tăng cường các mối liên kết giữa nguyên liệu - chế biến - phân phối nội địa chặt chẽ hơn để phòng vệ trước sự thâm nhập của FDI và hàng hóa nước ngoài.

Hóa chất, cao su, nhựa: DN trong nước có lợi thế gần nguồn nguyên liệu thô như cao su tự nhiên chủ yếu sản xuất nguyên liệu thô và các sản phẩm cao su thông thường, phục vụ cho tiêu dùng nội địa, thiếu định hướng xuất khẩu, còn hạn chế trong sản xuất cao su kỹ thuật để tích hợp với các ngành sản xuất công nghệ cao như điện tử, cơ khí. TPP hứa hẹn mang lại rất nhiều cơ hội cho ngành Cao su nhựa, bởi vì khi thu hút được FDI thì sản phẩm nhựa là nguồn cung ứng đầu vào của rất nhiều ngành, nhất là nhựa kỹ thuật với giá trị gia tăng khá cao. Tuy nhiên, phần lớn DN trong ngành cũng là DN nhỏ và vừa với nhiều hạn chế về công nghệ, quản lý chất lượng nên khó đáp ứng được các tiêu chuẩn thâm nhập vào khối các nước tham gia TPP. Bên cạnh đó, DN muốn phát triển kinh doanh trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật đòi hỏi phải liên kết được với doanh nghiệp FDI sản xuất kỹ thuật cao, nhưng năng lực tiếp cận, khai thác thị trường của doanh nghiệp cao su nhựa của thành phố khá hạn chế, nhất là năng lực tương tác với khách hàng (ghi nhận ý kiến từ phỏng vấn lãnh đạo các DN cao su nhựa, 2015).

Cơ khí:

Với TPP, nhu cầu về sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước tăng lên đáng kể, nhập khẩu dây chuyền máy móc, thiết bị nhất là dây chuyền thiết bị đồng bộ tăng do FDI vào đầu tư lớn. Tuy nhiên, DN trong nước chưa sản xuất được các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, chủ yếu sản xuất được các sản phẩm cơ khí gia dụng, thiết bị điện đơn giản, sửa chữa thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu nên khó có thể cung ứng được cho FDI. Bên cạnh đó, những hạn chế về chất lượng, thời gian giao hàng, giá thành, hệ thống quản trị DN, chăm lo người lao động, cũng như cơ chế chính sách thiếu động lực thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí nội địa,… là biểu hiện của năng lực kiểm soát rủi ro kém (Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, 2016).

Điện tử:

Hiện nay, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam nhằm sản xuất ra các sản phẩm điện tử cung cấp cho thị trường thế giới. Trong thời gian tới, với TPP có hiệu lực, dự báo linh phụ kiện nhập khẩu sẽ có thêm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt là linh phụ kiện từ Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, DN nội địa chủ yếu sản xuất với phương thức gia công, chỉ làm chi tiết đơn giản; chủ yếu sản xuất theo mẫu thiết kế sẵn, hoặc gia công theo mẫu nước ngoài; linh kiện chủ yếu là nhập ngoại và phải liên kết với các doanh nghiệp khác để được cung cấp các sản phẩm. Chỉ một số ít doanh nghiệp FDI sản xuất được bảng mạch điện tử, chế tạo thiết bị điện tử công nghiệp theo đơn đặt hàng (ghi nhận ý kiến của Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, 2014). Qua đó có thể thấy, năng lực cạnh tranh và kiểm soát rủi ro của DN ngành Điện tử còn rất hạn chế.

5. Định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập

Hội nhập sẽ thúc đẩy dòng hàng hóa, vốn đầu tư, lao động di chuyển qua lại giữa các nước tự do hơn bởi các thỏa thuận liên quan đến cắt giảm/hoặc xóa bỏ thuế quan, thực hiện các cam kết về lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ và hội nhập về thể chế kinh tế giữa các nước. Từ đó tác động thay đổi môi trường kinh doanh từ góc độ vĩ mô và vi mô nên doanh nghiệp cần tái cấu trúc theo hướng năng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, đầu tư ra nước ngoài; cũng như nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập của hàng hóa nước ngoài.

Đối với năng lực thâm nhập cần chú trọng đến cắt giảm chi phí, đảm bảo tiến độ giao hàng và thực hiện tốt các cam kết, chủ động nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu quả truyền thông, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhất là yếu về chuyên môn kỹ thuật và trình độ quản lý; đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao khả năng tiếp thu và thích ứng với công nghệ mới, khả năng nghiên cứu, chế tạo công nghệ mới. Đối với năng lực phòng vệ, doanh nghiệp cần tiếp cận khâu phân phối để dễ dàng đưa hàng hóa của họ vào phân phối nội địa do đã thôn tính được hệ thống bán lẻ.

Bên cạnh những định hướng chung, việc tái cấu trúc đối với đặc thù của từng ngành: Dệt may và Giày da cần cơ cấu lại nguồn nguyên liệu nội khối và chuyển đổi phương thức xuất khẩu từ gia công chủ yếu sang tự chủ thiết kế, nguyên liệu; ngành Chế biến lương thực - thực phẩm thì cần có định hướng xuất khẩu, qui hoạch được chuỗi liến kết nguyên liệu - sản xuất - phân phối; ngành Hóa cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang sản phẩm cao su kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu; ngành Cơ khí, Điện tử cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý để đạt chuẩn xuất khẩu, chủ động tiếp cận FDI để liên kết, từng bước học tập và làm chủ công nghệ.

6. Kết luận

Qua nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp TP. HCM hiện nay còn bị hạn chế về năng lực thâm nhập thị trường (chủ yếu do giá thành cao, thương hiệu yếu, chưa áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến). Ngoài ra, khả năng phòng vệ trước sự thâm nhập của hàng hóa và doanh nghiệp nước ngoài vào nội địa còn yếu (do thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi từ cung ứng hỗ trợ đến sản xuất và phân phối). Để nâng cao năng lực thâm nhập và năng lực phòng vệ của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tập trung:

- Đối với năng lực thâm nhập: Cần chú trọng đến cắt giảm chi phí, chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến.

- Đối với năng lực phòng vệ: Cần nâng cao tính liên kết giữa các doanh nghiệp, chú trọng khâu phân phối để chiếm thị phần nội địa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huỳnh Thanh Điền, Năng lực thâm nhập và phòng vệ của doanh nghiệp Việt Nam trong khối TPP. Báo cáo tham luận tại Hội thảo TPP- Cơ hội & Thách thức, Khối thi đua số 13 tổ chức ngày 20/11/2015. TP. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí TP. Hồ Chí Minh: Tiếp cận cấu trúc ngành và nhận dạng nhân tố tác động, Tạp chí Phát triển Kinh tế , 2016, 27(4), 02-20.

3. Nguyễn Trọng Hoài & Huỳnh Thanh Điền, Tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước: Tiếp cận khả năng điều tiết vĩ mô và tác động hỗ trợ. Tạp chí Phát triển Kinh tế, 2011, số 252, trang 22-30.

4.DenisFischbacher-Smith,LiamSmith. Navigating the dark waters of globalisation: Global markets, inequalities and the spatial dynamics of risk.Risk Management. August, 2015, Volume 17, Issue3, pp 179-203.

5.Kaplan R. & Norton D.The Balanced Scorecard.1996, Harvard Business School.

6.Waterman, R. Jr., Peters, T. and Phillips, J.R. “Structure Is Not Organisation” in Business Horizons, June 1980. 23 (3), 14-26.

7.Kanten, P., Kanten, S., & Gurlek, M. The Effects of Organizational Structures and Learning Organization on Job Embeddedness and Individual Adaptive Performance. Procedia Economics and Finance, October 2014, 23, 1358-1366. http://doi.org/10.1016/S2212-5671(15)00523-7

8.Lawrence, P., and Lorsch, J. Differentiation and Integration in Complex Organizations.Administrative Science, 1967, Quarterly 12, 1-30

ANALYZING RESTRUCTURING OF ENTERPRISES WHICH ARE OPERATING AT HO CHI MINH CITY IN THE CONTEXT OF INTEGRATION

Ph.D. HUYNH THANH DIEN

Huynh Thanh Dien

Nguyen Tat Thanh University

Master. VU CAM NHUNG

Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study surveys and investigates 1,167 enterprises operating at Ho Chi Minh City in order to identify signs which show that an enterprise need to be restructured when the business environment is impacted under influences of new generation of free trade agreements. The study’s results show that enterprises need to restructure their business toward improving penetration capacity of their products and expanding their business into foreign markets while strengthening their defense against the entry of foreign goods and companies. This study also introduce general issuses realted to enterprises restructuring including export-oriented business, quality management, technology innovation, market interaction, human resources and restructuring material zone. The focuses of restructuring process would be depended on characteristics of each sector.

Keywords: Corporate restructuring, penetration ability, defensive ability.