Nghiên cứu tổng quan về logistics và đề xuất các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam

NCS. VƯƠNG THỊ BÍCH NGÀ (Cơ sở 2, Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu giới thiệu và phân tích các khái niệm logistics thường được dùng, từ đó hệ thống hóa quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện khái niệm logistics. Bên cạnh đó, tác giả cũng tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến ngành Logistics, đề xuất mô hình nghiên cứu về các yếu tố tác động đến phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam.

Từ khóa: logistics, phát triển bền vững, logistics bền vững.

1. Đặt vấn đề

Logistics bắt đầu xuất hiện trong các cuộc chiến tranh của đế chế Hy Lạp và La Mã khi các binh sĩ vận chuyển, phân phối các nhu yếu phẩm như: lương thực, vũ khí, thuốc men,… đến các doanh trại với sự phối hợp của nhiều người cùng  quy trình quản lý chặt chẽ nhằm tránh sự phá hoại từ đối thủ. Từ đó dần hình thành nên một hệ thống mà hiện nay gọi là quản lý logistics.

Vai trò của logistics ngày càng được khẳng định khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Điều này đã được Mỹ và các đồng minh thực hiện vô cùng tốt khi cung cấp vũ khí, đạn dược, quân trang đúng thời điểm một cách tối ưu. Chiến tranh thế giới thứ hai đã thúc đẩy và tạo ra nhiều ứng dụng về logistics được phát triển đến ngày nay.

Cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bước tiến lớn của cách mạng công nghiệp 4.0, logistics dần trở thành một công cụ, một công việc không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Khi logistics hoạt động không hiệu quả, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian. Chính vì vậy, đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm đưa ra một khái niệm, phương diện hoạt động và các yếu tố tác động đến sự phát triển của logistics, nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế được bất cập trong quy trình quản lý logistics của doanh nghiệp, từ đó hạn chế được các bất cập tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do vậy, bài viết sẽ giới thiệu và phân tích các khái niệm logistics thường được dùng, từ đó hệ thống hóa quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện khái niệm logistics, đề xuất mô hình nghiên cứu về các yếu tố tác động đến phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam.

2. Khái niệm logistics

2.1. Quá trình hình thành và phát triển khái niệm logistics

Logistics là thuật ngữ chuyên ngành, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, theo đó trong tiếng Việt từ tương đương gần nhất là “hậu cần”. Logistic có khái niệm bắt nguồn từ nhu cầu quân sự trong việc cung cấp cho quân đội trong quá trình di chuyển của các đoàn quân từ căn cứ ra tiền tuyến. Trong thời Hy Lạp cổ đại, Đế chế Roman và Byzantine đã có những sỹ quan đảm nhận vai trò “logistikas”, là người chịu trách nhiệm đến các vấn đề về tài chính cũng như cung cấp phân phối.

Logistics có khái niệm liên quan đến kinh doanh bắt nguồn từ những năm 1950. Điều này chủ yếu do sự gia tăng việc cung cấp, vận chuyển trong một thế giới toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có những chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiểu một cách đơn giản, logistics là một phần của chuỗi cung ứng, bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm: đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản, cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Một cách chi tiết hơn, logistics là một trong những ngành “dịch vụ hậu cần”, được hiểu đơn giản nhất là quá trình chuẩn bị hàng hóa, sắp xếp, đóng gói, kẻ kí mã hiệu và bảo quản hàng hóa, vận chuyển hàng hóa ra cảng và làm thủ tục thông quan xuất khẩu hoặc nhập khẩu cho hàng (Tào Thị Hải, 2020).

Năm 1988, Hội đồng Quản trị logistics Hoa Kỳ (LAC - The US. Logistics Administration Council) đưa ra khái niệm: “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin có liên quan, từ khâu mua sắm nguyên vật liệu cho đến khi được tiêu dùng, với mục đích thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng”.

Năm 1998, Christopher định nghĩa logistics như sau: Logistics là quá trình quản lý chiến lược mua sắm, vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu, các bộ phận và hàng tồn kho thành phẩm cùng luồng thông tin có liên quan thông qua tiến trình tổ chức và thực hiện các kênh tiếp thị. Logistics không dừng lại ở việc xử lý hay vận chuyển, mà còn bao gồm tổ hợp các hoạt động như truyền thông, dịch vụ khách hàng, nội địa hóa, hậu cần (Stock và Lambert, 2001) và lập kế hoạch có liên quan mật thiết đến thương mại và sản xuất (Grant và cộng sự, 2006).

Năm 1999, giáo trình Logistics and Supply Chain Management của Trường Đại học Hàng hải Thế giới (World Maritime University) đã đưa ra khái niệm “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và vận chuyển các tài nguyên hay các yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát là nhà cung ứng, thông qua các nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”.

Năm 2001, Hội đồng các chuyên gia Quản trị Chuỗi cung ứng Hoa Kỳ (CSCMP - Council of Supply Chain Management Professionals) đưa ra một khái niệm chính xác và toàn diện. Theo đó, “Logistics được định nghĩa là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm các quá trình hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả việc dự trữ và lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, thông tin hai chiều giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Năm 2003, trong tác phẩm Supply Chain Strategy, Chủ tịch Học viện Nghiên cứu Logistics Georgia, Hoa Kỳ, ông Edward Frazelle đã nhận định: “Logistics là quá trình lưu chuyển của vật tư, thông tin và tiền tệ từ người cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng”. Cũng trong năm 2003, tại Việt Nam, GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân đã định nghĩa trong tài liệu “Logistics - Những vấn đề cơ bản” như sau: “Logistics là quá trình tối ưu hóa các hoạt động vận chuyển và dự trữ hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”. Theo đó, logistics là các hoạt động (dịch vụ) liên quan đến hậu cần và vận chuyển, bao gồm các công việc liên quan đến cung ứng, vận tải, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục phân phối, hải quan,… Hay hiểu theo cách khác, logistics là tập hợp các hoạt động của nhiều ngành nghề, công đoạn trong một quy trình hoàn chỉnh.

Năm 2004, theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, còn được biết đến với tên gọi Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD - United Nations Conference on Trade and Development) cho biết: “Logistics là có được thứ cần thiết tại địa điểm và thời gian đúng nhất”. Mặc dù được dùng tương đối phổ biến, song theo tác giả, đây không phải là một định nghĩa chuẩn, bởi nó chưa trình bày được nội hàm, nội dung các hoạt động, nghiệp vụ của khái niệm logistics. Việc dùng định nghĩa này cũng là một trong các nguyên nhân khiến logistics trở nên mơ hồ, dẫn đến sự thiếu hiểu biết, hay những nhầm lẫn phổ biến về logistics như hiện nay.

Năm 2005, tại kỳ họp thứ 7, khóa XI, ngày 14/6/2005, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam  đã thông qua Luật Thương mại 2005, trong đó có qui định cụ thể khái niệm dịch vụ logistics. Tại điều 233 - Mục 4 - Chương VI của Luật Thương mại quy định: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Năm 2015, trong Luận án Tiến sĩ Quản lý nhà nước đối với dịch vụ Logistics ở Cảng Hải Phòng, tác giả Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: “Logistics là một chuỗi các hoạt động liên tục, có quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống qua các bước nghiên cứu, hoạch định, tổ chức, quản lý, thực hiện, kiểm tra, kiểm soát và hoàn thiện các hoạt động, bao gồm các công việc liên quan đến cung ứng, vận tải, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục phân phối, hải quan,... Do đó, logistics là quá trình liên quan tới nhiều hoạt động khác nhau trong cùng một tổ chức, từ xây dựng chiến lược cho đến các hoạt động chi tiết, cụ thể để thực hiện chiến lược”.

Năm 2020, Tào Thị Hải, trong bài nghiên cứu “Phát triển đô thị cảng Đà Nẵng với dịch vụ logistics trong thập niên 2020-2030” cho thấy: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn, bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi kí mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao” (Tào Thị Hải, 2020).

2.2. Hướng tiếp cận phổ biến hiện nay

Hiện nay có rất nhiều ý kiến cho thấy khó có thể tìm được một từ tương đương trong tiếng Việt thay thế cho khái niệm logistics trong tiếng Anh, vì thế người ta vẫn giữ nguyên thuật ngữ logistics trong các nghiên cứu và tài liệu chuyên môn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, khái niệm về logistics không ngừng thay đổi và phát triển theo hướng mở rộng cả về mức độ và phạm vi hoạt động trên tinh thần kế thừa, phát huy và kiện toàn các khái niệm đã được giới thiệu trước đó. Nói cách khác, khái niệm chính thức về logistics vẫn đang dần được hoàn thiện. Tuy vậy, có thể khái quát và phân loại khái niệm logistics thành 2 hướng tiếp cận: (1) Nhóm định nghĩa hẹp và (2) Nhóm định nghĩa rộng.

Nhóm định nghĩa hẹp cho rằng: dịch vụ logistics chủ yếu dừng lại ở các dịch vụ liên quan đến hàng hóa. Các khái niệm trong nhóm đều cho rằng bản chất của dịch vụ logistics là việc tập hợp các yếu tố hỗ trợ cho quá trình vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Tiêu biểu nhất là khái niệm logistics được đề cập trong Luật Thương mại 2005. Tuy vậy, định nghĩa trong Luật Thương mại 2005 vẫn được đề cập theo hướng mở. Cụ thể, bên cạnh việc liệt kê một cách có hệ thống các phương diện của khái niệm logistics, Luật vẫn để ngỏ “các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa” cho công tác quản lý trong tương lai. Nhóm định nghĩa hẹp nhấn mạnh sợi dây liên kết đến nhiều yếu tố như vận tải, lưu kho, lưu bãi,... Hơn nữa, người cung cấp dịch vụ logistics không có quá nhiều sự khác biệt so với người cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức (Nguyễn Xuân Viễn, 2020).

Nhóm định nghĩa rộng gắn logistics với 2 giai đoạn cụ thể: (1) quá trình nhập nguyên vật liệu đầu vào và (2) hàng hóa được cung ứng đến tay người tiêu dùng. Nhóm định nghĩa rộng phân định rõ ràng vai trò của từng nhà cung cấp các dịch vụ đơn lẻ như: dịch vụ vận tải, dịch vụ giao nhận, dịch vụ khai hải quan, dịch vụ tư vấn pháp lý, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, dịch vụ phân phối hàng hóa,... Có thể thấy, nhóm định nghĩa rộng có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phân định rõ ràng giữa một bên là các nhà cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ với bên còn lại là một nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, cũng chính là người đảm nhận toàn bộ các khâu trong quá trình hình thành và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng (Tào Thị Hải, 2020).

3. Các yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam

3.1. Khái niệm phát triển bền vững

Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (World Commission on Environment and Development - WCED) giới thiệu trong tác phẩm Our Common Future xuất bản năm 1987: Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ trong tương lai (WCED, 1987).

Còn theo UNESCO: Phát triển bền vững có thể được xem như một tương lai, trong đó tầm quan trọng của các yếu tố về môi trường, xã hội và kinh tế được cân bằng, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống (UNESCO, 2000).

Nhiều nghiên cứu định tính và định lượng trên thế giới đã cho thấy phát triển bền vững là khái niệm bậc 2, được đo lường thông qua 3 phương diện cụ thể là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và phát triển môi trường (Bansal, 2005; Chen và Chow, 2012; Lee và Saen, 2012).

3.2. Các nghiên cứu nước ngoài về phát triển ngành logistics

Nghiên cứu của viện Nomura: Trong số các nghiên cứu về logistics Việt Nam của các tác giả nước ngoài, nghiên cứu “Vietnam logistics development, trade facilitation and the impact on poverty reduction” của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) công bố năm 2002 là một trong những nghiên cứu phổ biến nhất. Nghiên cứu của Viện Nomura đã chỉ ra các nhà cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện tại chỉ mới đáp ứng được 25% nhu cầu cơ bản của thị trường logistics. Nghiên cứu này cũng đưa ra nhận định giá cả dịch vụ logistics rẻ là một lợi thế của Việt Nam, nhưng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, sự kém phát triển của các công ty giao nhận địa phương chính là những khó khăn lớn cho thị trường logistics trong nước.

Nghiên cứu của Samaras: Steven A. Samaras (2000) đã tiến hành nghiên cứu “Competing upstream: Inbound logistics as a source of competitive advantage” với mục tiêu nghiên cứu về các yếu tố giúp cải thiện và nâng cao lợi thế cạnh tranh dịch vụ logistics đầu vào (inbound logistics). Đối tượng tham gia khảo sát bao gồm 80 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại thời điểm nghiên cứu. Kết quả trình bày trong nghiên cứu định lượng cho thấy, có đến 65 trên tổng số 80 doanh nghiệp (tức chiếm 81,25% doanh nghiệp được khảo sát) đồng ý chi phí, tốc độ giao hàng và lợi thế khách hàng có mối liên hệ mật thiết đến chất lượng các dịch vụ logistics. Trong đó 11% đến từ sự khác biệt về lợi thế chi phí, 4,81% sự khác biệt được ghi nhận về lợi thế khách hàng và 4,42% về tốc độ giao hàng.

Nghiên cứu của Blancas và cộng sự: Trong nghiên cứu “Efficient Logistic - A Key to Vietnam’s Competitiveness”, Blancas và cộng sự đã tập trung nghiên cứu và đề xuất 5 nhóm giải pháp với mục tiêu cải thiện, tăng cường, nâng cao độ tin cậy và hiệu suất trong hoạt động vận tải, kho vận và tổng thể chuỗi cung ứng nội địa, quốc tế của Việt Nam. 5 nhóm giải pháp lần lượt được trình bày bao gồm: (1) hiện đại hóa song song với việc đồng bộ hệ thống hải quan; (2) nỗ lực tăng cường tính minh bạch; (3) tăng cường công tác quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện hành lang vận tải đa phương thức nói chung và vận tải đa phương thức quốc tế nói riêng; (4) chú trọng quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường bộ; (5) nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, tạo điều kiện hội nhập với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nghiên cứu của Ruth Banomyong: Trong nghiên cứu “Formulating regional logistics development policy: The case of ASEAN”, R. Banomyong đã lần lượt trình bày hệ thống đánh giá năng lực cạnh tranh ngành Logistics của các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Theo đó, bộ tiêu chí bao gồm 4 yếu tố: (1) tiềm lực phát triển cơ sở hạ tầng logistics; (2) sự kiện toàn và phát triển của khung thể chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý logistics; (3) năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và (4) năng lực của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics đánh giá dựa trên quy mô doanh nghiệp, tập quán kinh doanh, các hệ thống logistics được thiết kế, khả năng tiếp cận với các dịch vụ logistics khác,…

Nghiên cứu của Sullivan: Sullivan (2006) trong nghiên cứu “Vietnam Transportation and Logistics: Opportunities and Challenges” đã chỉ ra thực trạng, những cơ hội và thách thức mà lĩnh vực vận tải và logistics của Việt Nam đang đối mặt. Trong nghiên cứu này, tác giả lần lượt phân tích các cơ hội và thách thức của ngành Vận tải hàng hóa, liên quan đến các hình thức vận tải phổ biến tại Việt Nam như vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, vận tải đường hàng không và vận tải đường thủy. Trên cơ sở phân tích, tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp kiến nghị đến các cơ quan hữu quan nhằm nắm bắt cơ hội và giải quyết căn cơ những khó khăn, thách thức.

Nghiên cứu của ADB: Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB), trong nghiên cứu quy mô lớn “Development Study on the North - South Economic Corridor” (2007) đã đưa ra quan điểm về hệ thống logistics quốc gia như sau: Một hệ thống logistics được cấu thành từ 4 thành phần chính: (1) những người sử dụng dịch vụ logistics, tức là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà thương mại, người chuyên gửi hàng và nhận hàng; (2) các nhà cung cấp dịch vụ logistics công cộng và tư nhân; (3) các thể chế, chính sách - pháp luật và quy định liên quan đến logistics do quốc gia và chính quyền địa phương ban hành; (4) kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và thông tin liên lạc. ADB cũng nhận định, thực tế hiệu quả hoạt động của hệ thống logistics được đánh giá bởi 4 tiêu chí cụ thể, bao gồm: hiệu quả về chi phí, mức độ thuận tiện, mức độ tin cậy và mức độ an toàn.

Nghiên cứu của Business Monitor International: Tổ chức Business Monitor International (Vương quốc Anh) đã xuất bản các báo cáo liên quan đến Vận tải hàng hóa ở Việt Nam trong 2 năm 2009 và 2011. Những báo cáo này tuy không phân tích chi tiết toàn bộ hệ thống logistics của Việt Nam, nhưng tập trung đánh giá tình hình vận tải hàng hóa Việt Nam theo các phương thức vận tải như: vận tải đường bộ, vận tải đường hàng không, vận tải đường sắt, vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, tình hình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam trong thời gian nghiên cứu diễn ra cũng được xem xét và đánh giá một cách có hệ thống. Bằng phương pháp phân tích SWOT, các báo cáo này đã tiếp cận và trình bày nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở những phân tích nêu trên, các báo cáo của Business Monitor International đã góp phần đưa ra những khuyến cáo cụ thể và chi tiết để khắc phục tình trạng chậm phát triển của hệ thống hạ tầng logistics tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Zhang và Lu: Sử dụng mô hình SWOT, PEST, mô hình phân tích thứ bậc (AHP - Analytic Hierarchy Process) và mô hình chức năng, nhóm tác giả đã tiến hành xem xét và phân tích những điểm mạnh và hạn chế về năng lực logistics của các quốc gia trong vùng. Nghiên cứu đề xuất 12 tiêu chí nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành logistics tại các quốc gia. Trong đó bao gồm 7 nhân tố cơ bản và 5 nhân tố nâng cao. Các nhân tố cơ bản bao gồm: (1) vị trí địa lý; (2) phân bổ tài nguyên; (3) phân bố dân cư; (4) hệ thống pháp luật; (5) nguồn nhân lực và các hệ thống giáo dục đào tạo; (6) hạ tầng cơ sở liên quan đến logistics; (7) đặc trưng khí hậu và thời tiết. Nghiên cứu cũng đề cập đến 5 nhân tố nâng cao cần được xem xét khi đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành, bao gồm: (8) nhu cầu về dịch vụ logistics; (9) tác động dịch vụ logistics đến nền kinh tế; (10) dịch vụ logistics; (11) khả năng cải tiến dịch vụ và (12) tiềm năng phát triển của dịch vụ logistics trong tương lai.

3.3. Các nghiên cứu trong nước về phát triển ngành Logistics

Luận án Tiến sĩ “Hoàn thiện phương pháp lựa chọn container trong vận tải đa phương thức ở Việt Nam” (2000) của Tiến sĩ Vũ Thế Bình: Trên cơ sở tổng hợp và phân tích kết quả từ các khảo sát liên quan đến các hoạt động vận tải, kết hợp với nghiên cứu thực trạng hoạt động cảng và bến container tại Việt Nam, tác giả Vũ Thế Bình đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị trong việc lựa chọn container hợp lý. Theo đó, việc lựa chọn container cần tương thích với các đặc trưng cơ bản của tàu, đảm bảo nằm trong các giới hạn cho phép để phát triển đội tàu container phù hợp với tuyến liner, đảm bảo chấp hành tốt các thông lệ quốc tế hướng đến mục tiêu hiệu quả cao nhất trong vận tải đa phương thức sử dụng container tại Việt Nam.

Luận án Tiến sĩ “Hoàn thiện thủ tục giao nhận hàng hóa trong vận tải đa phương thức tại Việt Nam” (2007) của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vân: Trên cơ sở phân tích một cách có hệ thống các vấn đề dưới giác độ lý luận và giác độ thực tiễn liên quan đến các thủ tục giao nhận hàng hóa trong loại hình dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Hồng Vân đã đưa ra những đánh giá về thực trạng thủ tục giao nhận hàng hóa. Theo đó, tác giả cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện và kiện toàn thủ tục giao nhận hàng hóa trong vận tải đa phương thức ở Việt Nam.

Luận án Tiến sĩ “Các giải pháp cơ bản hoàn thiện công tác quản lý và khai thác cảng container phục vụ vận tải đa phương thức ở Việt Nam” (2008) của Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương: Tác giả đã tiến hành nhiều phân tích chuyên sâu, qua đó đánh giá một cách cụ thể và chuẩn xác tình hình quản lý và khai thác vận hành các cảng container điển hình của Việt Nam. Trong bối cảnh ngành logistics trong nước chịu áp lực thay đổi lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài và bài toán tối ưu hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước, tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ trong công tác quản lý và khai thác cảng container nhằm hướng đến mục tiêu đáp ứng tốt hơn các tiêu chí: nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu và rút ngắn thời gian lưu cảng. Bên cạnh đó, luận án cũng trình bày nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển vận tải đa phương thức quốc tế ở Việt Nam.

Nghiên cứu “Phát triển các dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế” (2011) của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đình Đào: Nghiên cứu đã chỉ ra thực tế cho đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, logistics mới chỉ dừng ở mức được công nhận là một hoạt động thương mại trong Luật Thương mại sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2006). Song, vì tính chất bao phủ rộng, có tính liên ngành, giao thoa giữa các ngành giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, hải quan và công nghệ thông tin nên các quy định hiện hành vẫn tồn tại nhiều khoảng trống, cũng như nhiều vấn đề quản lý quan trọng vẫn đang bị bỏ ngỏ. Việc điều tiết các hoạt động logistics trên thị trường, nhất là các nội dung quản lý nhà nước về logistics, phân công, phân cấp trong quản lý,... vẫn chưa được xác định rõ ràng làm cho cấp địa phương có tình trạng chồng chéo giữa Sở Giao thông Vận tải và Sở Công Thương.

Luận án Tiến sĩ “Phát triển logistics ở Việt Nam hiện nay” (2013) của Tiến sĩ Đinh Lê Hải Hà:Dựa trên tư duy duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kết hợp với phương pháp nghiên cứu tại bàn và tại hiện trường, tác giả đã phân tích và đánh giá thực trạng phát triển của hệ thống logistics trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến 2013, xét trên các khía cạnh về cơ chế (chính sách - pháp luật logistics), kết cấu hạ tầng logistics (hệ thống cung ứng logistics) và môi trường cạnh tranh. Logistics là một chuỗi các hoạt động rất phức tạp có liên quan tới toàn bộ quá trình chuyển giao hàng hóa và thông tin từ nhà sản xuất hoặc tổ chức đầu nguồn đến người sử dụng cuối cùng. Chính vì thế, các hoạt động này có thể cùng một lúc chịu tác động của nhiều hệ thống các quy định, tập quán, thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế cũng như hệ thống văn bản luật pháp quốc gia. Các yếu tố này có thể được chia thành: Luật pháp, thông lệ và tập quán quốc tế, các cam kết quốc tế của WTO cũng như các hiệp định song phương về dịch vụ logistics, các quy định của luật pháp quốc gia liên quan đến dịch vụ và hoạt động logistics.

Luận án Tiến sĩ “Tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” (2015) của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hảo: Tác giả đã tiến hành nghiên cứu 6 nhóm yếu tố dịch vụ logistics tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 6 yếu tố (chất lượng dịch vụ của các nhà phân phối, chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp vật tư nguyên liệu, chất lượng dịch vụ các nhà cung cấp dịch vụ logistics khác, mức độ sử dụng dịch vụ cơ bản, mức độ sử dụng dịch vụ gia tăng, mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài) đều có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Theo đó, mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài chỉ xếp sau chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Chất lượng dịch vụ của các nhà phân phối đứng thứ 3 đến mức độ hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều hạn chế về chất lượng cơ sở hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cùng nhiều giải pháp hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp logistics.

Nghiên cứu “Giải pháp logistics phát triển đường sắt Việt Nam” (2017) của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đình Đào: Theo nghiên cứu, cơ sở hạ tầng logistics hiện chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ các địa phương. Dù đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của toàn ngành, nhưng sự yếu kém trong đầu tư hạ tầng logistics đã dẫn tới hàng loạt hệ quả như chi phí logistics đang cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống giấy tờ và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics như thủ tục thông quan, cảng biển,… còn phức tạp, gây mất thời gian và khiến chi phí tăng cao.

Luận án Tiến sĩ “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” (2018) của Tiến sĩ Bùi Duy Linh: Tác giả đã tiến hành khảo sát 423 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhóm nhân tố tác động đến năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam bao gồm: (1) sự phát triển hạ tầng cơ sở logistics; (2) sự phát triển của khung thể chế, pháp lý, điều chỉnh hoạt đồng logistics; (3) chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics; (4) chi phí logistics; (5) tính hiệu quả của các quy trình, thủ tục, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics; (6) nhu cầu và tiềm năng phát triển của dịch vụ logistics. Nghiên cứu cũng chỉ ra chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống chính sách pháp luật là 2 yếu tố tác động mạnh nhất đến năng lực cạnh tranh ngành Logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc giảm chi phí logistics và yếu tố chất lượng dịch vụ logistics có mức độ ảnh hưởng tương đối thấp.

Luận án Tiến sĩ “Nghiên cứu về pháp luật Việt Nam đối với dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử” (2018) của Tiến sĩ Tạ Thị Thùy Trang: Trong nghiên cứu, tác giả đã xem xét thực trạng và chỉ ra pháp luật trong các hoạt động thuộc dịch vụ logistics có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Các tác động này đã và đang diễn ra song song với sự phổ biến và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, liên tục của thế giới số. Vì lý do đó, dịch vụ logistics được xem là bệ phóng vững chắc cho sự bùng nổ và khẳng định giá trị kinh tế - xã hội của nền thương mại điện tử.

Nghiên cứu “Các yếu tố tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (2019) của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nga: Tác giả đã tiến hành nghiên cứu định lượng, thông qua phương pháp phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy đa biến đã chỉ rõ 4 yếu tố tác động đến phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả khảo sát từ 331 doanh nghiệp logistics có hoạt động kinh doanh tại khu vực đã chỉ ra 4 nhóm yếu tố tác động như sau: (1) yếu tố về chính sách của địa phương; (2) yếu tố về môi trường kinh doanh; (3) yếu tố về vốn; (4) yếu tố về năng lực nội tại của doanh nghiệp. Kết quả phân tích định lượng cho thấy, yếu tố môi trường kinh doanh và yếu tố chính sách của địa phương có tác động đáng kể lên khả năng phát triển của các doanh nghiệp. Yếu tố năng lực nội tại và yếu tố về vốn lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 4 về mức độ tác động.

Nghiên cứu sự phát triển hệ thống logistics Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Đoàn Ngọc Ninh, 2019): Nghiên cứu đã chỉ ra Chính phủ Trung Quốc luôn có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hệ thống logistics, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia đầu tư vào hệ thống logistics quốc gia. Từ những thành tựu đó, tác giả đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho dịch vụ logistics tại Việt Nam.

3.4. Đánh giá chung về tình hình logistics tại Việt Nam thông qua các nghiên cứu trên

Nhìn chung, Logistics có thể coi là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, có vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Logistics Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển từ những năm 1990, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển mạnh mẽ và dần khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện thị trường logistics Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia, có thể kể đến các doanh nghiệp lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics,… Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, tập trung vào: giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, quản lý hàng và vận tải quốc tế,... Trong đó, vận tải là dịch vụ quan trọng nhất trong hệ thống logistics của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành Logistics tại Việt Nam tương đối cao, đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 4 - 5% GDP.

Có thể thấy dịch vụ logistics tại Việt Nam đang không ngừng thay đổi qua từng năm. Từ một hệ thống nghèo nàn, lạc hậu và rời rạc của những năm 2002 (qua nghiên cứu của viện Nomura), logistics Việt Nam đã từng bước chuyển mình, dần đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và thích nghi với xu thế phát triển của toàn cầu.

Tuy vậy, ngành Logistics Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa được tiếp cận và nghiên cứu một cách có hệ thống. Chính vì những lý do đó, cần có những giải pháp hợp lý để khắc phục những vấn đề này trong thời gian tới. Qua đó, các cơ quan hữu quan cũng như các doanh nghiệp có thể theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững ngành Logistics.

4. Mô hình nghiên cứu đề xuất các yếu tố tác động đến phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam

4.1. Mục tiêu đề xuất mô hình nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Logistics ở Việt Nam hiện nay. Mục tiêu này được xây dựng dựa trên các vấn đề cấp bách mà ngành dịch vụ logistics đang gặp phải cũng như kế thừa kết quả từ các nghiên cứu đi trước, bao gồm các vấn đề chính như:

- Hệ thống chính sách - pháp luật chưa đồng nhất, còn nhiều vấn đề bị trùng lặp giữa các cơ quan quản lý của Nhà nước;

- Cơ sở hạ tầng logistics còn nhiều bất cập, chưa thực sự được đổi mới và hiện đại hóa;

- Thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics;

- Sự phát triển của công nghệ thông tin trong logistics;

- Thương mại hàng hóa trong và ngoài nước.

4.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Căn cứ trên thực tiễn phát triển ngành Logistics Việt Nam và việc tổng hợp một cách có hệ thống các nghiên cứu về các yếu tố tác động đến ngành Logistics Việt Nam, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam.

Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả tổng hợp và đề xuất

5. Kết luận

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở tổng hợp và hệ thống hóa quá trình hình thành, phát triển và kiện toàn của khái niệm và các yếu tố tác động đến ngành Logistics nói chung và phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở mô hình nghiên cứu đề xuất, tác giả kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng chuyên sâu về chủ đề phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam. Qua đó, góp thêm nhiều kiến nghị và giải pháp kịp thời mang tính định hướng và thực tiễn trong công cuộc nâng cao vị thế cạnh tranh ngành Logistics Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Asian Development Bank, ADB (2007), Development Study on the North - South Economic Corridor. [Online] Avalabile at https://www.adb.org/projects/documents/greater-mekong-subregion-development-study-north-south-economic-corridor
  2. Banomyong, R., P. Cook and P. Kent (2008), Formulating regional logistics development policy: the case of ASEAN. International Journal of Logistics, 11(5), 359-379.
  3. Blancas Luis C., Isbell John, Isbell Monica, Tan Hua Joo, Tao Wendy. (2014), Efficient Logistics: A Key to Vietnam’s Competitiveness. Directions in Development - Countries and Regions. Washington, DC: World Bank.
  4. Bùi Duy Linh (2018), Nâng cao năng lực của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án Tiến sĩ, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
  5. Business Monitor International (2011), Vietnam Freight Transport Report 2011, include 5 - year forecast to 2015. United Kingdom: ResearchAndMarkets.com.
  6. Christopher, M. (1998), Logistics and Supply Chain Management. New York: McGraw - Hill.
  7. Đặng Đình Đào (2011), Phát triển các dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế, Đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  8. Đặng Đình Đào (2017), Giải pháp logistics phát triển đường sắt Việt Nam. Truy cập tại http://vlr.vn/ logistics/news-3329.vlr
  9. Đặng Đình Đào, Nguyễn Minh Sơn (2012), Dịch vụ logistics ở Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia.
  10. Đặng Đình Đào. Vũ Thị Minh Loan, Nguyễn Minh Ngọc, Đặng Thu Hương, Phạm Thị Minh Thảo (2011), Logistics: Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam (sách chuyên khảo). Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  11. Đinh Lê Hải Hà (2010), Thực trạng và các giải pháp phát triển các dịch vụ logistics chủ yếu ở nước ta trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyên đề số 15, thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Phát triển dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”, Mã số ĐTĐL 2010T/33, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  12. Đinh Lê Hải Hà (2013), Nghiên cứu về phát triển logistics ở Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ, Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương.
  13. Đoàn Ngọc Ninh (2019), Nghiên cứu sự phát triển hệ thống logistics Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-su-phat-trien-he-thong-logistics-trung-quoc-va-bai-hoc-kinh-nghiem-cho-viet-nam-69702.htm
  14. Đoàn Thị Hồng Vân (2003), Logistics - Những vấn đề cơ bản. Hà Nội, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  15. Edward Frazelle (2003), Supply Chain Strategy (Logistics Management Library). New York: McGraw - Hill.
  16. Nguyễn Hồng Vân (2007), Hoàn thiện thủ tục giao nhận hàng hóa trong vận tải đa phương thức tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Hàng hải.
  17. Nguyễn Quốc Tuấn (2015), Quản lý nhà nước đối với dịch vụ logistics ở cảng Hải Phòng. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
  18. Nguyễn Thị Phương (2008), Các giải pháp cơ bản hoàn thiện công tác quản lý và khai thác cảng container phục vụ vận tải đa phương thức ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Hàng hải.
  19. Nguyễn Thị Tuyết Nga (2019), Các yếu tố tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Tài chính, 701, 101-105.
  20. Nguyễn Xuân Hảo (2015), Tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  21. Nomura Research Institute (2002). Vietnam logistics development, trade facilitation and the impact on poverty reduction. [Online] Avalabile at https://documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/ documentdetail/622581468776113788/vietnam-logistics-development-trade-facilitation-and-the-impact-on-poverty-reduction
  22. Quốc hội (2005). Luật số 36/2005/QH11: Luật Thương mại, Điều 233, ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005.
  23. Quốc hội (2017). Luật số 05/2017/QH14: Luật Quản lý Ngoại thương, Điều 105, ban hành ngày 12 /6/2017.
  24. Samaras, Steven Andrew (2000). Competing upstream: Inbound logistics as a source of competitive advantage. ETD collection for University of Nebraska - Lincoln, USA.
  25. Singapore Logistics Association (2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011). Annual Report on Singapore Logistics Development. Singapore.
  26. Sullivan, F. (2006), Vietnam transportation and logistics: opportunities and challenges. APL Logistics.
  27. Tạ Thị Thùy Trang (2018), Pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics trong hoạt động thương mại điện tử. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 17(369), 48-53.
  28. UNCTAD. (2004). Trade Logistics and Facilitation: An Exercise in International Cooperation.
  29. UNCTAD. (2005). Negotiations on transport and logistics services: issues to consider.
  30. Vũ Thế Bình (2000). Hoàn thiện phương pháp lựa chọn container trong vận tải đa phương thức ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Hàng hải.
  31. Zhang, Chengmin; Lu, Chuan. (2013). An Evaluation Approach for Regional Logistics Abilities, University of Gavle. [Online] Avalabile at https://www.diva-portal.org/smash/get/diva2:634364/FULLTEXT01.pdf

RESEARCH OVERVIEW ON LOGISTICS AND

PROPOSE FACTORS AFFECTING SUSTAINABLE

DEVELOPMENT VIETNAM LOGISTICS INDUSTRY

• Ph.D’s student VUONG THI BICH NGA

Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This paper analyzes logistics concepts in order to present an overview about the establishment and development of the logistics concept in the world in general and in Vietnam in particular. This paper also introduces factors affecting the logistics industry, proposes a research model and introduces some research directions on the factors affecting the sustainable development of Vietnam's logistics industry.

Keywords: logistics, sustainable development, sustainable logistics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]