TÓM TẮT:

Công nghiệp 4.0 được xác định như một chiến lược chuyển đổi các nhà máy sản xuất thông minh, nhằm giải quyết và khắc phục những khó khăn từ vòng đời sản phẩm ngắn hơn, cá nhân hóa sản phẩm theo yêu cầu khách hàng và sự cạnh tranh gay gắt trên toàn thế giới. Bài viết nhằm nghiên cứu mô hình Maturity, đồng thời  đề xuất ứng dụng triển khai cho quá trình chuyển đổi Công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Từ khóa: Công nghiệp 4.0, mô hình trưởng thành, lộ trình triển khai, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, làn sóng công nghệ đang mang đến những thay đổi vô cùng mạng mẽ, các doanh nghiệp từ nhà xưởng truyền thống chuyển thành nhà máy thông minh (Smart Factories); Hệ thống sản xuất chuyển từ tính chất nhận diện và thay đổi theo ngữ cảnh (context-aware manufacturing systems) sang tự động hóa và tối ưu theo mô hình kinh doanh [2]; Các yếu tố trong sản xuất, như: quản lý nhân lực, quản lý sản phẩm, quản lý máy móc, quản lý quy trình công nghệ, quản lý thông tin, chuyển sang số hóa và tự động hóa. Công nghiệp 4.0 và cách mạng công nghiệp lần 4 đang ngày càng phát triển với các công nghệ “xương sống”, như: nhà máy thông minh (Smart Factories), hệ thống không gian mạng thực - ảo (Cyber Physical Systems - CPS), internet vạn vật (Internet of Things - IoT) và mạng lưới internet dịch vụ (Internet of Services  - IoS) hứa hẹn sẽ thay đổi toàn bộ mô hình sản xuất, mô hình kinh doanh hiện nay [3, 4].

Công nghiệp 4.0 mô tả về một làn sóng chuyển đổi hướng tới xây dựng một mạng lưới cung ứng lấy dữ liệu số và trao đổi thông tin được tích hợp sâu và rộng làm trọng tâm (Information and communication technologies - ICTs) giúp tăng cường tự động hóa và cập nhật dữ liệu thông tin liên tục cho người quản lý [10]. Sự ra đời của mô hình tiên tiến này cùng với những công nghệ đột phá (IoT, IoS, CPS) trong sản xuất giúp đem đến những giải pháp cải tiến, nâng cao năng suất, tăng tính hiệu quả, tinh gọn, nhanh chóng và linh hoạt (Lean and Agile) với mục đích hướng tới triển khai thành công chiến lược sản xuất linh hoạt theo nhu cầu khách hàng với quy mô lớn (Mass customization strategy) [5, 6]. Công nghiệp 4.0 cũng giúp giảm bớt các rào cản giữa các công ty trong cùng một chuỗi cung ứng (SCs), giúp các công ty cùng chuỗi hợp tác tốt hơn trong việc chia sẻ các điểm mạnh, năng lực và nguồn lực của mình. Từ đó, giảm mức độ biến động trong chuỗi [10], tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của chuỗi [8], cho phép phát triển mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo [10], tạo điều kiện phát triển kinh tế tuần hoàn (Circular economy) [8] và xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững cho xã hội [9]. Việc triển khai Công nghiệp 4.0 về căn bản sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc tái cấu trúc trong tổ chức và thay đổi mạnh mẽ chuỗi giá trị doanh nghiệp [7].

Công nghệ “xương sống” đầu tiên trong Công nghiệp 4.0 có thể kể đến là hệ thống không gian mạng thực-ảo (Cyber Physical Systems - CPS). CPS cho phép tương tác hai chiều và đồng bộ hóa giữa không gian thực (gồm con người, sản phẩm, máy móc) với không gian số. Hệ thống có khả năng nắm bắt, vận hành và truyền tải thông tin, đưa ra các quyết định phân quyền, thậm chí là tự động triển khai sản xuất thông qua một loạt các thiết bị, hệ thống thông minh có khả năng tương tác lẫn nhau, các công nghệ mới như là in 3D, các cảm biến, nhãn nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID tags), các giao diện máy và máy, người và máy và các thiết bị truyền động…[5, 6].

Công nghệ “xương sống” thứ hai là internet vạn vật (Internet of Things - IoT). IoT cho phép kết nối liên tục giữa các thiết bị trên thông qua hạ tầng mạng hiện hữu như mạng internet, điện toán đám mây, các thiết bị đầu cuối, các thiết bị thu phát tín hiệu,… Công nghệ này cũng góp phần phục vụ khách hàng trong việc truyền tải các yêu cầu điều chỉnh về sản phẩm của khách hàng (product customization) đến toàn bộ khối dịch vụ trong nội bộ công ty và khối dịch vụ liên công ty trong cả chuỗi cung ứng, thông qua giao dịch trên app điện thoại hoặc website. Qua đó, khi triển khai những thay đổi này, tổ chức sẽ nhận được sự tăng tiến theo cấp số nhân về dữ liệu đa nguồn. Dữ liệu này có thể xử lý được thông qua những thuật toán về dữ liệu lớn (big data) giúp phân tích dữ liệu quá khứ và dự báo dữ liệu tương lai [8].

Quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Doanh nghiệp còn gặp một số rào cản như: Cơ sở hạ tầng hiện tại còn nhiều điểm chưa phù hợp với nền tảng công nghiệp 4.0, nên khi triển khai sẽ phát sinh chi phí cao. Lợi ích của công nghiệp 4.0 chưa được lượng hóa và còn nhiều điểm chưa được rõ ràng, minh bạch. Lo ngại về việc thay đổi cấu trúc doanh nghiệp cũng như những rủi ro về bảo mật công nghệ thông tin (CNTT) đều là những bất cập lớn khiến doanh nghiệp khó khăn triển khai công nghiệp 4.0 trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là nền tảng công nghệ chưa đáp ứng và lo ngại về thay đổi cấu trúc doanh nghiệp. Công nghiệp 3.5 như một bước chuyển tiếp, như mô tả trong Bảng 1, thay vì hướng thẳng đến mục tiêu của công nghiệp 4.0 với những thay đổi nhiều về cấu trúc và chi phí chuyển đổi lớn, doanh nghiệp nên có bước chuyển đổi từng bước trên cơ sở các điều kiện hiện tại.

Bảng 1.  Tiến trình phát triển từ công nghiệp 3.0 đến công nghiệp 4.0

Đặc điểm

Công nghiệp 3.0

Công nghiệp 3.5

Công nghiệp 4.0

Khái niệm cốt lõi

Hệ thống tự động hóa cao

Có khả năng tự cải tiến theo môi trường

Nhà máy thông minh với CPS và IoT

Chiến lược sản xuất

Sản xuất số lượng lớn

Sản xuất linh hoạt (chia sản phẩm thành các lot nhỏ)

Sản xuất linh hoạt theo NCKH với quy mô lớn

Kiểm soát chất lượng

Kiểm soát quy trình thống kê

Kiểm soát quy trình nâng cao

Tự nhận biết, tự dự đoán

Quản lý nguồn lực

Quản lý nguyên vật liệu, quản lý nhân lực,…

Quản lý tổng thể nguồn lực

Tự định hình, tự tối ưu hóa

Ưu tiên phát triển

Đầu tư phần cứng

Tích hợp khả năng phân tích dữ liệu và kinh nghiệm quản lý

Xây dựng CPS và IoT

Như vậy, yêu cầu đặt ra về một mô hình hoàn thiện hơn cần có một lộ trình và cách thức triển khai phù hợp. Hơn nữa, về các giai đoạn trưởng thành trong quá trình chuyển đổi Công nghiệp 4.0 cần có giai đoạn chuyển tiếp từ công nghiệp 3.0 và công nghiệp 3.5, khi doanh nghiệp đang ở trong điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng, năng lực quản trị chuyển đổi và rủi ro chi phí.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2020, Việt Nam có khoảng 756.610 doanh nghiệp, trong đó có 97,2% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Như vậy, có thể thấy nhóm các DNNVV là một lực lượng rất quan trọng đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, với những hạn chế của mình, các DNNVV Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi sản xuất sang công nghiệp 4.0. Do đó, bài viết này sẽ tập trung đề xuất một số định hướng chuyển đổi số và hướng đến công nghiệp 4.0 cho các DNNVV tại Việt Nam.

2. Tiềm năng và những rào cản cho Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin (VINASA) cho thấy, quá trình chuyển đổi số và tiếp cận công nghiệp 4.0 ở Việt Nam phụ thuộc 77,7% vào nguồn nhân lực, 70,4% vào quyết tâm của Nhà nước, 59,1% hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Topology (Đài Loan), trong thị trường sản xuất thông minh toàn cầu, Việt Nam là thị trường nhỏ nhưng triển vọng và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Không những vậy, Chính phủ Việt Nam cũng có những định hướng và chiến lược mạnh mẽ nhằm tiếp cận và phát triển công nghiệp 4.0.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi nhanh sang công nghiệp 4.0 tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các DNNVV. Một số khó khăn điển hình được nhiều nghiên cứu chỉ ra gồm: Mức độ sẵn sàng của khu vực DNNVV cho quá trình chuyển đổi là không rõ ràng; Hạ tầng viễn thông mặc dù có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng tập trung ở một số nhóm và khu vực; Nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực DNNVV còn tương đối hạn chế khi chỉ có khoảng 24% tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp là được qua đào tạo ở trình độ cao; Các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 của khu vực DNNVV tương đối thấp. Chính vì vậy, để có thể chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 thành công ở khu vực này cần có một lộ trình và chiến lược phù hợp. Bảng 2 tổng hợp những khó khăn, hạn chế của các DNNVV khi chuyển đổi sang công nghiệp 4.0.

Bảng 2. Những hạn chế của DNNVV Việt Nam khi chuyển đổi sang công nghiệp 4.0

STT

Chỉ tiêu

Mô tả

1

Năng lực quản trị và nhận thức

Phần lớn các DNNVV chưa có nhận thức rõ ràng và đầy đủ về bản chất của công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi sang 4.0.

Ngại thay đổi và ứng dụng các công nghệ mới.

2

Cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin

Phần lớn các DNNVV tại Việt Nam có nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp 4.0. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 (WEF), các chỉ số về giáo dục, khoa học và công nghệ của Việt Nam thuộc vào nhóm thấp trên thế giới. Do đó, Việt Nam xếp vào nhóm chưa chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

3

Trình độ nguồn nhân lực

Trên 75% lao động trong các doanh nghiệp chưa qua đào tạo. Do đó khả năng sẵn sàng chuyển đổi và vận hành 4.0 còn tương đối hạn chế.

4

Quy mô doanh nghiệp và trình độ công nghệ

Với 97,2% doanh nghiệp là các DNNVV, sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ cũng là một rào cản đưa công nghệ 4.0 vào các ngành sản xuất. Báo cáo của WEF cho thấy, việc đổi mới công nghệ của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 90/100 nước.

Nguồn: Tác giả tổng hơp

3. Đề xuất ứng dụng mô hình Maturity cho quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 tại các DNNVV tại Việt Nam

Mô hình trưởng thành hay mô hình Maturity được xây dựng trên nền tảng mô hình trưởng thành của doanh nghiệp với 2 yếu tố thuộc 9 nhóm gồm: Chiến lược; lãnh đạo; khách hàng; sản phẩm; vận hành, văn hóa, con người; pháp lý; công nghệ. Tiến trình tăng trưởng/trưởng thành của mỗi nhóm yếu tố theo 6 cấp độ trong mô hình Maturity từ cấp độ thấp nhất (rất hạn chế trong việc tiếp cận và sẵn sàng cho chuyển đổi 4.0 - Cấp độ 1) cho đến cấp độ cao nhất (sẵn sàng toàn diện cho chuyển đổi 4.0). (Hình 1)

Trên cơ sở mô hình Matirity (trong hình 1) và những đánh giá hạn chế của khu vực DNNVV tại Việt Nam về khả năng sẵn sàng chuyển đổi sang công nghiệp 4.0, một mô hình điển hình và phù hợp cho các DNNVV về các giai đoạn trưởng thành công nghiệp 4.0 là cần thiết để là căn cứ xác định lộ trình chuyển đổi phù hợp. Theo đó, mô hình 5 giai đoạn chuyển đổi công nghiệp 4.0 gồm: (1) Giai đoạn học tập, (2) Giai đoạn bắt đầu, (3) Giai đoạn triển khai, (4) Giai đoạn chuyển đổi công nghiệp 3.5, (5) Giai đoạn chuyển đổi công nghiệp 4.0. Trong mô hình này, giai đoạn Công nghiệp 3.5 là giai đoạn chuyển tiếp giữa Công nghiệp 3.0 và Công nghiệp 4.0, dùng những công nghệ đột phá, như: AI, Big Data, Quyết định số… nhằm xây dựng hệ thống sản xuất thông minh và chuyển đổi số nguồn nhân lực.

Bảng 3. Mô hình 5 giai đoạn chuyển đổi công nghiệp 4.0 trên nền tảng mô hình Maturity

Giai đoạn

Mô tả

Học tập

Đây là giai đoạn đầu tiên của tiến trình từng bước chuyển đổi sang công nghiệp 4.0. Các DNNVV nên đầu tư các nguồn lực của mình để phát triển các điều kiện về cơ sở hạ tầng và năng lực cũng như trình độ nguồn nhân lực.

Bắt đầu

Doanh nghiệp ở giai đoạn này bắt đầu có ứng dụng chuyển đổi số ở một vài khu vực, phòng, ban và được đầu tư phát triển thông qua các ý tưởng tự phát. Một số quy trình sản xuất được hỗ trợ CNTT, cơ sở hạ tầng hiện tại có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về tích hợp và truyền thông trong tương lai. Môi trường sản xuất của doanh nghiệp bước đầu hình thành trên nền tảng CNTT.

Triển khai

Doanh nghiệp ở giai đoạn này bắt đầu có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, đầu tư vào triển khai công nghiệp 4.0 trên nhiều lĩnh vực và thúc đẩy nhận thức công nghiệp 4.0 thông qua các chính sách quản lý đổi mới sáng tạo định hướng từng phòng ban. Hệ thống CNTT trong sản xuất được liên kết giữa các giao thức và hỗ trợ mạnh mẽ quá trình sản xuất, dữ liệu cốt lõi được tự động thu nhập. Internet và chia sẻ thông tin chéo giữa các bộ phận được tích hợp một phần vào hệ thống. Các giải pháp bảo mật CNTT và điện toán đám mây được lên kế hoạch triển khai mở rộng trong tương lai. Môi trường sản xuất đã có một số chức năng dựa trên nền tảng CNTT liên kết với nhau.

Công nghiệp 3.5

Các doanh nghiệp đạt đến cấp độ Công nghiệp 3.5 đã triển khai chiến lược Công nghiệp 4.0 và đang giám sát đo lường theo các chỉ tiêu thích hợp. Các hoạt động đầu tư vào triển khai Công nghiệp 4.0 mở rộng đến hầu hết các bộ phận và được hỗ trợ thông qua các chính sách quản lý đổi mới sáng tạo định hướng từng phòng ban. Hệ thống CNTT hỗ trợ hầu hết quá trình sản xuất, thu nhập một lượng lớn dữ liệu thông tin, phục vụ cho việc tối ưu hóa. Cơ sở hạ tầng đã đáp ứng mọi yêu cầu về tích hợp trong tương lai, nên kế hoạch mở rộng luôn sẵn sàng.

Các giải pháp bảo mật CNTT được triển khai rộng khắp và CNTT có thể mở rộng qua các giải pháp điện toán đám mây. Công ty triển khai tự động hóa trong sản xuất và xây dựng các quy trình tự phản ứng. Những dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu được khách hàng sử dụng và đóng góp vào doanh thu, có liên kết giữa khách hàng với nhà sản xuất. Phần lớn các bộ phận, nhân viên được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để mở rộng và triển khai Công nghiệp 4.0.

Công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp lúc này đã thực hiện chiến lược Công nghiệp 4.0 và thường xuyên giám sát, đánh giá các chỉ tiêu và liên tục đầu tư trên phạm vi toàn công ty. Hệ thống CNTT toàn diện, quá trình sản xuất tự động và toàn bộ dữ liệu liên quan được thu thập. Cơ sở hạ tầng đáp ứng mọi nhu cầu tích hợp và giao tiếp tích hợp hệ thống giúp việc chia sẻ thông tin và giao tiếp tích hợp hệ thống được triển khai toàn nội bộ công ty cũng như với các đối tác. Giải pháp bảo mật CNTT toàn diện được triển khai và các giải pháp nền tảng điện toán đám mây đem đến một kiến trúc CNTT linh hoạt.

Tự động hóa trong sản xuất và các quy trình tự phản ứng được triển khai tại nhiều khu vực. Quá trình sản xuất được tích hợp chức năng dựa trên nền tảng CNTT nhằm cho phép thu thập và phân tích số liệu trong cả quá trình sử dụng sản phẩm, từ đó hỗ trợ các chức năng như phát triển sản phẩm, bảo trì từ xa và hỗ trợ bán hàng. Những dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu được khách hàng sử dụng và đóng góp đáng kể doanh thu, liên kết chặt chẽ giữa khách hàng với nhà sản xuất.

Nguồn: Tác giả tổng hợp [1]

Như vậy, 5 giai đoạn trưởng thành công nghiệp 4.0 được trình bày trong Bảng 3 cho thấy tương đối rõ những đặc điểm và hình thái của doanh nghiệp tại mỗi giai đoạn. Theo đó, để đạt được tiến trình trưởng thành theo mô hình Maturity, các DNNVV Việt Nam cũng cần xác định một chiến lược chuyển đổi phù hợp với mỗi giai đoạn tương ứng. Trong bài viết này, nhóm tác giả đề xuất lộ trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 cho các DNNVV phù hợp với mô hình 5 giai đoạn được trình bày trong Bảng 3 gồm:

Thứ nhất, thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp trước khi chuyển đổi sang công nghiệp 4.0. Nói cách khác, đây là giai đoạn làm quen với môi trường công nghiệp 4.0, là bước quan trọng để hình thành nhận thức về Công nghiệp 4.0 đến với lãnh đạo doanh nghiệp (người có vai trò quyết định đến sự thành công của quá trình chuyển đổi).

Thứ hai, xác định năng lực công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 để xác định kế hoạch và chiến lược chuyển đổi đồng bộ giữa các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp.

Thứ ba, xác định mục tiêu cần đạt được khi tiến hành chuyển đổi sang công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu, trao đổi, lấy ý kiến của các bộ phận có liên quan và xác định mức độ triển khai mong muốn theo từng yếu tố của mô hình, tùy theo cấu trúc và mức độ ưu tiên của doanh nghiệp.

Thứ tư, sau khi xác định rõ mục tiêu và vai trò trách nhiệm của các bộ phận liên quan, doanh nghiệp cần tiến hành thu thập và đánh giá chi tiết khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng một số kỹ thuật khác nhau nhằm tìm cách phân tích và đo lường được lợi ích và chi phí ước tính đối với từng mục tiêu đưa ra, từ đó xác định nhanh các mục tiêu có thể triển khai trước với lợi ích cao và chi phí thấp. Xác định các thứ tự ưu tiên dựa trên các mục tiêu cũng cần được xem xét để cân đối giữa các nguồn lực của doanh nghiệp một cách phù hợp.

Thứ sáu, xây dựng phương án triển khai và kế hoạch ngân sách dự án triển khai Công nghiệp 4.0. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp nên lựa chọn thí điểm và ưu tiên các mục tiêu phù hợp để triển khai với các thứ tự ưu tiên lợi ích và chi phí đầu tư thấp.

4. Kết luận

Nghiên cứu đã đề xuất định hướng nghiên cứu ứng dụng mô hình trưởng thành (Maturity model) để tiếp cận và chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 cho các DNNVV tại Việt Nam. Theo đó, các DNNVV cần xác định rõ những ưu điểm và hạn chế để xây dựng một chiến lược chuyển đổi sang công nghiệp 4.0 trong điều kiện hạn chế các nguồn lực cũng như trình độ công nghệ, quản lý. Nghiên cứu tiếp theo cần xem xét việc phân chia các giai đoạn trưởng thành và nghiên cứu thực nghiệm trên quy mô rộng đối với các ngành công nghiệp của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Afonso Amarala. (2019). Small medium enterprises and industry 4.0: current models’ ineptitude and the proposal of a methodology to successfully implement industry 4.0 in small medium enterprises. Procedia Manufacturing. 1103-1110.

2. Chen, B et al. (2017). Smart factory of Industry 4.0: key technologies, application case, and challenges. IEEE Access 6, 6505-6519.

3. Hermann, M et al. (2015). Design principles for Industry0 Scenarios: a literature review. Work. Pap. January, 1-16.

4. Kapez, A et al. (2016). A Complex View of Industry 4.0. SAGE Open, 6(2), 1-11..

5. Keller, M et al. (2014). How virtualization, decentralization and network building change the manufacturing landscape: an Industry 4.0 perspective. J. Inf. Commun. Eng. 8, 37- 44.

6. Khaitan, S.K et al. (2015). Design techniques and applications of cyberphysical systems: a survey. IEEE Syst. J. 9, 350-365.

7. Porter, M.E et al. (2015). How smart, connected products are transforming companies. Bus. Rev. 93, 96-114.

8. Reischauer, G. (2018). Industry 4.0 as policy-driven discourse to institutionalize innovation systems in manufacturing. Forecast. Soc. Change 132, 26-33.

9. Sousa Jabbour, A.B.L et al. (2018). When titans meet - Can industry 4.0 revolutionize the environmentally-sustainable manufacturing wave? The role of critical success factors. Forecast. Soc. Change 132, 18-25.

10. Sokolov, B et al. (2018). The impact of digital technology and Industry 4.0 on the ripple effect and supply chain risk analytics. J. Prod. Res. 0, 1-18.

Industry 4.0 transformation for Vietnamese small and medium-sized enterprises: A study on the implementation of Maturity model

Ph.D Nguyen Danh Nguyen 1

Ph.D Nguyen Dat Minh 2

1 School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

2 Faculty of Industrial and Energy Management, Electric Power University

ABSTRACT:

Industry 4.0 is the digital and automation transformation of traditional factories into smart factories, usin modern smart technology to address manufacturing challenges including shortening product life cycles and high product customization, and increase the global business competition. This paper proposes the Maturity model’s implementation roadmap for Vietnamese small and medium-sized enterprises in the transformation of Industry 4.0.

Keywords: Industry 4.0, Maturity model, roadmap, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]