Nghiên cứu và đào tạo về phong thủy học trong quy hoạch và kiến trúc

Đó là chủ đề tọa đàm của Viện kiến trúc đô thị, Trường đại học Xây dựng tổ chức vào buổi sáng ngày 9/8 vừa qua với sự có mặt các nhà nghiên cứu phong thủy đến từ các đại học, trung tâm khoa học, doanh
Phong thủy là môn khoa học lâu đời, đã ứng dụng rộng trong lịch sử, trong đời sống, đến nay thấy cần được tổng hợp phát triển thành môn khoa học, đưa vào giảng dạy cho sinh viên ngành kiến trúc quy hoạch và sinh viên cao học.

Chúng ta dậy như thế nào, bắt đầu từ đâu? Thực tiễn cho thấy, khi chúng ta làm từ việc nhỏ đến việc lớn đều cần sự hợp lí. Lạm dụng phong thủy làm mất đi giá trị khoa học của phong thủy.

TS.KTS Doãn Quốc Khoa khái quát một số vấn đề nghiên cứu - ứng dụng – đào tạo phong thủy hiện nay: Ngành xây dựng phát triển, nhu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu về phong thủy công trình nội thất, ngoại thất gắn với không gian để phát triển bền vững. Tài liệu về phong thủy thất truyền, các tài liệu biên soạn khoảng 100 đầu sách, hàng chục Website nhưng thiếu nguồn tin cậy, trùng lắp,… cần được kế thừa, phát huy. Nghiên cứu - ứng dụng – đào tạo phong thủy là nhu cầu của đời sống. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chưa có chiều sâu, thiếu kinh phí, các đề tài phong thủy rất ít, hiện tôi biết có luận văn Ths của KTS. Nguyễn Thúy Hải (1994), nghiên cứu của Doãn Quốc Hoa (2004). Hiện trường đại học Xây dựng có một Ths đang làm luận án tiến sĩ về phong thủy ở đại học bên Trung Quốc, một số hội thảo trong nước được tổ chức năm 2007 và 2009. 




                                                 Đại biểu dự tọa đàm- ảnh MN

Đào tạo phong thủy tự phát của doanh nghiệp và một số trường với thời gian ngắn, đối tượng tự do,… và hành nghề phong thủy rất nhiều nhưng không rõ tính chuyên môn, nhiều người lạm dụng, lừa bịp. Chúng tôi mong muốn đào tạo về phong thủy ở nhiều quy mô, cho nhiều đối tượng. Các cơ quan nghiên cứu cần có tiếng nói để phát triển môn khoa học này…

TS. KTS Doãn Quốc Khoa cho biết: Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị đã soạn thảo chương trình đào tạo. Đối tượng các học viên đã tốt nghiệp đại học, các nhà nghiên cứu, tư vấn, doanh nghiệp. Chương trình gồm 3 cấp độ: Khóa cơ bản (A); Các khóa chuyên sâu (B); Khóa chuyên sâu (C).

ThS. Nguyễn Mạnh Linh trình bày về tình hình nghiên cứu - ứng dụng và đào tạo về phong thủy trên thế giới: Nhiều quốc gia có hội nghiên cứu phong thủy như Trung Quốc, Malayxia, Singapore, Mỹ Anh, Phần Lan, Australia,…Trung quốc có Viện thiết kế phong thủy với hội viên lớn nhất và có cả hội viên nước ngoài. Hội phong thủy thế giới đặt tại Hồng Kông. Các hội thảo, diễn đàn phong thủy tổ chức thường xuyên. Đại hội Văn hóa phong thủy quốc tế năm 2010 tổ chức ở Cống Châu, Giang Tây – quê hương Dương Quân Tùng; Trung Quốc đang vận động để UNESCO công nhận là di sản văn hóa.

Các cổ thư hán học về phong thủy đã được dịch ra các tiếng phổ thông trên thế giới, các tạp chí phong thủy phát hành định kỳ. Các thiết bị chủ yếu là la bàn cơ và la bàn điện tử trên điện thoại, máy đo tia đất… Các công trình hiện đại như công viên, tòa nhà, thành phố Đại Liên, Hợp Phì,… đã ứng dụng phong thủy; Đào tạo phong thủy ở đại học Thanh Hoa, Thâm Quyến, Trung Sơn, Nam Kinh...


Đại biểu đại học Nông nghiệp Hà Nội: Phong thủy đã được ứng dụng trong một số quy hoạch ở Hòn La, khu cửa khẩu Bờ Y- Ngọc Hồi. Đại học Nông nghiệp đã ứng dụng phong thủy trong đào tạo thạc sĩ quản lí đất đai (13 lớp). Quy hoạch nông nghiệp hiện nay cần 3 trong 1: Đất đai, sản xuất, nông thôn mới. Việc quy hoạch phân lô bán nền có sử dụng kiến thức phong thủy. Việc đào tạo chuyên về phong thủy cần thiết, bổ sung kiến thức cho những người có nhu cầu ứng dụng trong công việc.

Chuyên gia tia đất Vũ Bằng nói về phong thủy là nói về thiên nhiên và con người phải hài hòa, tương kế tương sinh: Tôi thấy cần đưa môn học này vào một số trường. Tại sao chưa ra đời môn học? Phải chăng cách nghĩ của chúng ta về phong thủy là huyền bí! Thực chất phong thủy là kiến thức của nhân loại mà chúng ta chưa thấu. Do vậy, cần khai thác, nghiên cứu, “gạn đục khơi trong”, chứng minh được đó là môn khoa học. Tôi ủng hộ ra đời môn học này. Chúng tôi đã viết sách “Phong thủy hiện đại”.

Tia đất là bức xạ từ thứ cấp - một vấn đề chúng tôi quan tâm. Những dị thường dưới mặt đất ảnh hưởng đến con người, đó là các kiến tạo tự nhiên, các công trình xây dựng, những vật chất trở về đất. Bản chất của tia đất là bức xạ từ thứ cấp mà chúng tôi đã tìm được bản chất của nó và chế tạo được thiết bị đo, tìm được tia đất mà mắt thường không thể nào nhìn thấy. Máy hiện nay đã nhập được dữ liệu, đưa vào máy tính để tính toán để thấy rõ hơn trong lòng đất kể cả những hài cốt, các vật thất lạc, kết cấu các công trình ngầm… mà chúng tôi đã ứng dụng thành công. “Đẹp nhất và sâu xa nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí” chuyên gia Vũ Bằng dẫn lời bác học Anhxtanh, ai mất cảm xúc đó thì “sống cũng như không”. 


Đào tạo phong thủy ở Việt Nam cần hài hòa kiến thức truyền thống và hiện đại: Có lí thuyết, thí nghiệm, các thiết bị chuyên dùng, tác nghiệp trên thực địa- chuyên gia tia đất bổ sung cách đào tạo.

Một vị giáo sư bày tỏ: Đưa môn phong thủy vào năm cuối của khoa Kiến trúc quy hoạch; thành lập Câu lạc bộ phong thủy; Xây dựng Website trao đổi về chuyên môn; Cần giải mã phong thủy, dùng các khoa học khác để giải thích.

Ông Doãn Phú- chuyên gia phong thủy của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người: Phong thủy là văn hóa phương Đông, không phải của Trung Quốc. Năm 1945 đã có lớp học về phong thủy, dựa vào sách cổ để hiểu phong thủy. Trong phong thủy có mức độ cao đó là “thuật phong thủy” để giải quyết các vướng mắc!

Ông Bá Minh – chuyên gia dự báo của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Tôi đã tìm kiếm và chứng minh môn phong thủy là khoa học về môi trường sống theo tư duy triết học phương Đông. Môi trường sống của thành phố, khu dân cư khác môi trường sống của một con người; Nhiều nhà cao tầng đã quên không xây dựng khu cây xanh trên các tầng cao; Mỗi người có trường sinh học khác nhau cần sự phù hợp với môi trường.

Thượng tọa  Thích Thọ Lạc : Chúng tôi đang quy hoạch chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ ở Nghệ An, các nhà phong thủy đã đến tư vấn, có ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy thế đất đẹp, địa linh sinh nhân kiệt. Phong thủy không quyết định vận mệnh con người, con người còn nhiều yếu tố khác như học tập, rèn luyện... Mong muốn của chúng tôi, kiến trúc mang giá trị của thời đại phát triển…

Ông Phạm Quang Anh- Đại học Khoa học tự nhiên: Sách phong thủy hiện nay dùng nhiều từ cổ không giải thích theo khái niệm khoa học; Các sách triết học cũng có hạn chế về dung lượng có tính áp đặt và mâu thuẫn, thiếu tính liên thông với các môn khoa học khác. Thực tế đời sống vẫn tin vào phong thủy nhưng không rõ giá trị khoa học. Sự sống theo 3 quy luật của tư nhiên đó là lí- hóa- sinh và tồn tại ở ba mặt: thực – siêu hình và ảo. Coi phong thủy là khoa học cần cho học sinh nhập môn để tốt nghiệp trung học phổ thông có thể hiểu được những giá trị căn bản của phong thủy để các em học tập và ứng xử hợp lí trong đời sống. Phong thủy là môn khoa học sinh thái nhân văn, để con người sống tốt đẹp hơn. Tôi ủng hộ môn học, tập hợp các nhà phong thủy để có tài liệu tốt hơn để giáo dục.

Ông Nguyễn Tuấn Năng- Phó Hiệu trưởng đại học Kiến trúc: Phong thủy là khoa học, yếu tố phong thủy trong kiến trúc rất quan trọng. Hàng năm, Trường tổ chức các chuyên đề cho sinh viên.

Ông Phạm Hùng Cường – Phó Hiệu trưởng đại học Xây dựng – Trưởng bộ môn quy hoạch đô thị: Phong thủy đã phổ cập trong đời sống làng xã Việt Nam. Nhiều lí luận phương Tây không tương thích với Việt Nam. Các di sản văn hóa truyền thống ở Việt Nam là minh chứng khoa học phong thủy như làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội… Rất sai lầm nếu chúng ta không tìm ra giá trị truyền thống để phát triển mà du nhập kiến thức phương Tây. Chúng ta cần có bước đi cho môn phong thủy, từ các bài giảng chuyên đề tiến tới thành giáo trình.

Tóm tắt: Khẳng định phong thủy là môn khoa học phương Đông, Việt Nam có nét riêng; Cần đưa môn học phong thủy vào trường đại học, trước hết cho khoa kiến trúc và quy hoạch, trực tiếp là ứng dụng vào xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tiếp cận phong thủy có nhiều cách, trong đó có cả những thiết bị là công cụ nghiên cứu, thực nghiệm. Một bộ giáo trình cần có sự đóng góp của các nhóm chuyên gia từ các trường, viện nghiên cứu và thực tiễn.

Bình luận của người viết bài này: Trong dân gian có câu nhắc nhở hành động, tư duy con người không được “vô ý vô tứ” nhất là đối với con gái, hoặc “ăn trông nồi ngồi trông hướng” dường như muốn nhắc đến sự hợp lí, hài hòa của đời sống vật chất và tinh thần; Triết học duy vật có nguyên lí về “mối liên hệ phỏ biến” để mỗi sự vật đạt được sự tồn tại và phát triển tích cực. Vào mùa khô, các thành phố có hiện tượng nhà nhà sửa chữa, nâng cấp nơi ở vừa mới xây dựng được 5 – 10 năm, phải chăng khi xây dựng chúng ta thiếu kiến thức “phong thủy”, và các dự án phục hồi giá trị kiến trúc nhà cổ, nhà xây dựng từ 100 năm trước?

  • Tags: