Nghiên cứu về đặc trưng của lãnh đạo doanh nghiệp ảnh hưởng đến đầu tư phát triển trong doanh nghiệp

ThS. LƯU HUỲNH (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Việc nghiên cứu về hành vi, thái độ của lãnh đạo doanh nghiệp, mà cụ thể là của một giám đốc trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp đang là xu hướng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Việc nghiên cứu tập trung vào các hành vi, đặc tính (tuổi, giới tính, học vấn,…) của giám đốc đối với quyết định đầu tư và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ khóa: Giám đốc, thái độ, hành vi, đặc trưng, đầu tư, doanh nghiệp.

I. Vấn đề đầu tư phát triển

Đầu tư là một trong những hoạt động chủ yếu và có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) bởi vì nó quyết định sự tăng trưởng và phát triển của DN trong tương lai. Việc đầu tư của DN là nhằm tạo mới, hoặc bổ sung những tư liệu cần thiết cho hoạt động SXKD của DN. Mặc dù đầu tư là luôn cần thiết đối với DN, nhưng để đáp ứng mục tiêu tối đa hóa giá trị của DN, DN phải tìm kiếm và lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp với DN mình. Nếu không có dự án để tiến hành đầu tư thì về dài hạn DN cũng sẽ không thể tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên, nếu quyết định đầu tư vào những dự án không khả thi, thì khả năng thua lỗ dẫn đến phá sản của DN cũng rất cao. Do đó, DN cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư, có như vậy thì các dự án đầu tư của DN mới thực sự mang lại hiệu quả.

Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt đầu tư cho việc tìm kiếm cơ hội còn rất sơ sài. Theo số liệu điều tra năm 2016 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số 7.450 doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (chiếm 6,23%). Kết quả này cho thấy số lượng các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu đầu tư là rất lớn. Nếu tính tổng vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ thì tỷ lệ đó của các doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 0,2 - 0,5 doanh thu, trong đó đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chỉ khoảng 0,01% doanh thu. Theo một nghiên cứu khác của Tổng cục Thống kê, giai đoạn từ năm 2014 - 2016, trong 728 DN thuộc các ngành Nông nghiệp, Công nghệ thông tin và Y dược được khảo sát trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ đầu tư cho các hoạt động đầu tư phát triển của các DN cũng rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ chi phí cho đầu tư phát triển so với doanh thu của các DN trong ngành Công nghệ thông tin và truyền thông là 2,97%, ngành Nông nghiệp và Thủy sản là 2,92% và ngành Y dược cổ truyền là 2,75%. Trong khi đó, chỉ tiêu này của các ngành khác đạt mức 3,3%.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự hạn chế trong đầu tư phát triển của các doanh nghiệp là do đặc trưng của các giám đốc doanh nghiệp.

II. Đặc trưng giám đốc doanh nghiệp và sự ảnh hưởng đến đầu tư

Kết quả lấy mẫu tại 200 doanh nghiệp cho thấy, có 161 giám đốc được khảo sát là nam (chiếm 76,3%). Độ tuổi trung bình của những giám đốc được khảo sát là 44 tuổi, trong đó người cao tuổi nhất là 73 tuổi và trẻ nhất là 25 tuổi. Khi nghiên cứu về trình độ học vấn của các giám đốc, có 48,82% giám đốc có trình độ đại học, 22,75% đã tốt nghiệp trung học phổ thông, các giám đốc, còn lại có trình độ trung cấp, cao đẳng, sau đại học hoặc chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có 125 giám đốc (chiếm 59,24%) cho biết họ đã từng kinh doanh/quản lý trong cùng lĩnh vực hoặc ngành nghề của DN. Số năm kinh nghiệm quản lý trong cùng lĩnh vực hoặc ngành nghề bình quân của các giám đốc là 10 năm, cao nhất là 40 năm và có giám đốc chưa có kinh nghiệm quản lý trong cùng lĩnh vực hoặc ngành nghề mà DN đang sản xuất - kinh doanh.

Trong tổng số 211 giám đốc thì có đến 93 giám đốc (chiếm 44,08%) có người thân là giám đốc của DN khác, nhưng chỉ có 23 giám đốc (chiếm 10,9%) có người thân là lãnh đạo trong ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Theo như kết quả khảo sát các giám đốc, có 153 giám đốc (chiếm 72,51%) nhận định rằng hiện nay DN có nhiều cơ hội để đầu tư và cho rằng những khoản đầu tư hiện nay của DN mà họ đang quản lý là hiệu quả, 127 giám đốc (chiếm 60,19%) đánh giá môi trường đầu tư hiện nay ở tỉnh là tốt và 166 giám đốc (chiếm 78,67%) quan ngại về đầu tư hiện nay sẽ nhiều rủi ro so với trước.

Cũng theo như kết quả khảo sát, 147 giám đốc (chiếm 69,67%) cho rằng trong tương lai (1 - 3 năm) DN của họ sẽ gặp khó khăn; 130 giám đốc (chiếm 61,61%) vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mới, hoặc đầu tư mở rộng trong tương lai gần (1 - 2 năm) và 151 giám đốc (chiếm 71,56%) kỳ vọng rằng trong tương lai gần (1 - 2 năm) thì môi trường đầu tư của tỉnh sẽ tốt hơn.

Khi so sánh số vốn đầu tư của các DN có giám đốc nhận định khác nhau về các tình huống được đưa ra trong bảng câu hỏi thì có thể nhận thấy, những DN có giám đốc nhận định rằng DN hiện nay có nhiều cơ hội để đầu tư sẽ đầu tư nhiều hơn các DN còn lại (2,41 tỷ đồng so với 0,4 tỷ đồng). Những giám đốc cho rằng các khoản đầu tư của DN hiện nay là hiệu quả cũng đầu tư bình quân nhiều hơn các giám đốc khác (2,48 tỷ đồng so với 0,23 tỷ đồng). Ngoài ra, trong khảo sát này cho thấy có chênh lệch về số vốn đầu tư giữa các lãnh đạo DN có nhận định khác nhau về rủi ro trong đầu tư hiện nay so với trước. Những giám đốc cho rằng đầu tư hiện nay không rủi ro so với trước, sẽ đầu tư bình quân 1,93 tỷ đồng trong khi giám đốc khác cho rằng đầu tư hiện nay có rủi ro so với trước và chỉ đầu tư bình quân 1,57 tỷ đồng.

Hơn nữa, họ còn cho rằng, trong tương lai, DN sẽ gặp khó khăn có số vốn đầu tư bình quân là 2,15 tỷ đồng, cao hơn những DN được quản lý bởi giám đốc cho rằng trong tương lai, DN sẽ không gặp khó khăn (1,19 tỷ đồng). Bên cạnh đó, những giám đốc cho rằng trong tương lai họ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thì số vốn đầu tư bình quân hiện tại của họ là 2,75 tỷ đồng; trong khi số vốn đầu tư hiện tại của các DN được quản lý bởi những giám đốc quyết định không đầu tư trong tương lai chỉ đạt 0,43 tỷ đồng (chênh lệch 2,32 tỷ đồng). Ngoài ra, những giám đốc tin tưởng môi trường đầu tư sẽ được cải thiện trong tương lai thì hiện tại cũng đầu tư nhiều hơn những giám đốc cho rằng môi trường đầu tư sẽ không được cải thiện trong tương lai (2,21 tỷ đồng so với 0,96 tỷ đồng).

Dựa vào kết quả thống kê sơ bộ trên, có thể nhận thấy, những giám đốc tự tin về kết quả đầu tư của mình, lạc quan về cơ hội đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh trong tương lai sẽ đầu tư bình quân nhiều hơn các DN khác. Bên cạnh đó, những giám đốc có thái độ e ngại rủi ro sẽ đầu tư ít hơn. Khi xem xét sự khác biệt về hiệu quả hoạt động của các DN được quản lý bởi các nhóm giám đốc được phân theo các nhận định nêu trên cho thấy, DN được quản lý bởi giám đốcđánh giá cao môi trường đầu tư hoặc cho rằng hiện nay DN có nhiều cơ hội để đầu tư, những đầu tư hiện nay của DN là hiệu quả có ROA cao hơn so với các DN khác. Bên cạnh đó, kết quả thống kê cũng cho thấy những DN được quản lý bởi giám đốc ít lo ngại về rủi ro sẽ đầu tư nhiều hơn các DN khác. Ngoài ra, những DN được quản lý bởi giám đốc lạc quan về tương lai cũng có số vốn đầu tư bình quân cao hơn những DN được quản lý bởi giám đốc kém lạc quan về tương lai.

III. Giải pháp phát triển đầu tư

Một là, mở rộng mạng lưới các mối quan hệ của giám đốc

Về phía các nhà hoạch định chính sách, có thể thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, họp mặt doanh nhân trong tỉnh, trong vùng để giúp tăng cường cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các DN với nhau. Tạo điều kiện để các DN trong ngành hoặc liên ngành thành lập các hiệp hội DN, có cơ chế khuyến khích các hiệp hội này duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động để các doanh nhân trong hiệp hội có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động SXKD.

Các giám đốc DN nên mở rộng mạng lưới các mối quan hệ của mình nhằm có được sự hỗ trợ tích cực khi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường liên kết với các DN trong lẫn ngoài ngành để có thể học hỏi, bổ sung những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Giữ uy tín với các trung gian tài chính, hạn chế tối đa việc đáo nợ, tranh thủ giải quyết đúng kỳ hạn các khoản vốn vay nhằm duy trì sự hợp tác lâu dài với các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Hai là, giám đốc DN cần phải thường xuyên cập nhật và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm.

Các giám đốc DN nên thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, điều hành, thường xuyên cập nhật, tiếp nhận thông tin từ nhiều chiều khác nhau để có thể tự tin đưa ra các quyết định trong quá trình quản lý, điều hành. Đối diện với cơ hội đầu tư, các giám đốc nên chuẩn bị, tìm hiểu kỹ lưỡng về các dự án sắp tới. Một khi đã có được thông tin cụ thể, đa chiều về dự án thì các giám đốc sẽ tự tin hơn khi đưa ra các quyết định của mình.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực DN hoạt động, giám đốc cũng nên cập nhật các kiến thức, thông tin khác nhau đặc biệt là về lĩnh vực tài chính để có thể quản lý tài chính DN hiệu quả hơn và mạnh dạn đưa ra các quyết định đầu tư. Đứng trước các cơ hội đầu tư, mặc dù có sự tham khảo ý kiến từ các thành viên khác nhau trong DN nhưng việc đầu tư nên được quyết định bởi các giám đốc, những người trực tiếp điều hành, quản lý DN, những người nắm được các rủi ro khi kinh doanh và những lợi thế của DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Quản trị dự án đầu tư - Kinh tế quốc dân.

2. Ảnh hưởng của thái độ đối với rủi ro đến quyết định đầu tư - Tạp chí Phát triển kinh tế.

3. Yếu tố quyết định đến đầu tư của doanh nghiệp - Tạp chí Nghiên cứu kinh tế.

4. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư - Tạp chí Khoa học.

ANALYZING THE IMPACTS OF BEHAVIORS AND CHARACTERISTICS OF DIRECTORS ON THE DEVELOPMENT OF ENTERPRISES

Master. LUU HUYNH

Faculty of Business Management, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Studying behaviors and attitudes of directors towards managing enterprises is becoming a major research topic for many researchers. This study is to analyze the impacts of both behaviors and characteristics (such as ages, genders and educational level) of directors on the business performance of his or her enterprises.   

Keywords: Director, attitude, behavior, characteristics, investment, enterprise.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây