TÓM TẮT:

Thông tư 200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính được đánh giá là linh hoạt, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; tôn trọng bản chất hơn hình thức; lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành ra quyết định kinh tế của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn và bất hợp lý. Bài viết này chỉ đề cập vấn đề liên quan đến việc ghi nhận các khoản thuế nộp hộ của bên nhận ủy thác nhập khẩu và ghi nhận doanh thu hàng khuyến mãi.

Từ khóa: Doanh thu, hàng khuyến mãi, bên nhận ủy thác nhập khẩu, các khoản thuế nộp hộ, Thông tư 200/2014/TT-BTC.

1. Đặt vấn đề

Kể từ khi Thông tư 200/2014/TT-BTC ra đời, việc áp dụng Thông tư trong công tác kế toán có nhiều điểm chưa phù hợp với mục tiêu của Thông tư. Trong bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề ghi nhận doanh thu khi khuyến mãi hàng không thuộc hàng hóa kinh doanh thông thường và các khoản thuế nộp hộ tại bên nhận ủy thác nhập khẩu. Hiện nay, việc ghi nhận doanh thu trong trường hợp có khuyến mãi cho khách hàng bằng hàng hóa hay dịch vụ mà doanh nghiệp không kinh doanh còn nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó cách ghi nhận các khoản thuế nộp hộ tại bên nhận ủy thác nhập khẩu cũng gây khó khăn cho người làm công tác kế toán. Để phù hợp với mục tiêu của Thông tư 200, bài viết này trình bày những bất cập trong Thông tư liên quan đến hai vấn đề trên và đồng thời đưa ra những quan điểm cá nhân giải quyết những điểm bất cập giúp các nhà chính sách nhìn nhận, sửa đổi những điểm chưa hợp lý nêu trên.

2. Một số điểm chưa hợp lý trong Thông tư 200/2014/TT-BTC được đề cập trong bài nghiên cứu

Thứ nhất, việc ghi nhận các khoản thuế nộp hộ cho bên giao ủy thác nhập khẩu không nhất quán cách ghi nhận. Bên nhận ủy thác nhập khẩu ghi nhận nộp thuế bảo vệ môi trường hộ bên giao ủy thác nhập khẩu, khi xác định số thuế bảo vệ môi trường phải nộp kế toán ghi nhận theo dõi trực tiếp nghĩa vụ này trên Tài khoản (TK) 33381 - Thuế bảo vệ môi trường, trong khi tất cả các sắc thuế còn lại thì theo dõi trên TK 3388.

Theo mục d, điểm 3.10, khoản 3, điều 57 của Thông tư 200 thì thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp hộ cho doanh nghiệp ủy thác nhập khẩu; bên nhận ủy thác được xác định là người đại diện bên giao ủy thác để thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN), nghĩa vụ nộp thuế được xác định là của bên giao ủy thác. Trường hợp này, bên nhận ủy thác chỉ phản ánh số tiền thuế đã nộp vào NSNN là khoản chi hộ, trả hộ cho bên giao ủy thác, không ghi nhận trên tài khoản thuế phải nộp.

Trích điểm đ, khoản 1, điều 52, Thông tư 200, thì TK 333 - thuế và các khoản phải nộp Nhà nước chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác với vai trò trung gian chỉ phản ánh số thuế phải nộp vào NSNN là khoản chi hộ, trả hộ trên TK 3388 - Phải trả phải nộp khác và phản ánh quyền được nhận lại số tiền đã chi hộ, trả hộ cho bên giao ủy thác trên TK 138 - Phải thu khác. Khi nộp tiền vào NSNN, ghi:

Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)

Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)

Có các TK 111, 112

Tuy nhiên, tại mục 3.9.2, điểm 3.9, khoản 3, điều 52, Thông tư 200, qui định cách ghi nhận thuế bảo vệ môi trường nộp hộ bên giao ủy thác nhập khẩu, kế toán bên nhận ủy thác nhập khẩu ghi nhận như sau:

Nợ TK 138 - Phải thu khác

Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường

Như vậy theo nguyên tắc kế toán của TK 333 thì tài khoản này chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác nhập khẩu, trong khi hướng dẫn chi tiết sắc thuế bảo vệ môi trường khi nộp hộ cho bên giao ủy thác nhập khẩu thì được ghi nhận trên TK 33381.

Để tìm hiểu việc vận dụng các giao dịch liên quan đến hạch toán các khoản thuế nộp hộ tại bên nhận ủy thác theo Thông tư 200, trong thực tế, tác giả khảo sát tình hình áp dụng vấn đề này tại các doanh nghiệp có hoạt động nhận ủy thác nhập khẩu và đang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200. Tổng số doanh nghiệp khảo sát là 20 doanh nghiệp, số phiếu hợp lệ là 17, loại bỏ 3 doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC. Kết quả tóm tắt được trình bày ở Bảng 1.

Căn cứ kết quả khảo sát tình hình áp dụng Thông tư 200 liên quan đến các giao dịch nộp hộ các loại thuế tại bên nhận ủy thác nhập khẩu, có 76,47% doanh nghiệp ghi nhận nộp hộ thuế bảo vệ môi trường trên TK 3388, tương tự cách ghi nhận của các khoản thuế khác mà doanh nghiệp nộp hộ bên nhờ ủy thác nhập khẩu, còn lại 23,53% doanh nghiệp thì tuân thủ theo Thông tư 200, tức là theo dõi khoản nộp hộ này trên TK 33381, điều này mâu thuẫn với nguyên tắc kế toán của TK 333.

Thứ hai, việc ghi nhận doanh thu trong trường hợp khuyến mãi cho khách hàng bằng một hàng hóa hay dịch vụ mà không thuộc hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp hiện nay chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán số 14 và mâu thuẫn với điều 18 của Thông tư 200 khi khuyến mãi chưa xác định được khách hàng có đủ điều kiện hưởng hay không thì doanh thu được ghi nhận là doanh thu gộp, trong khi doanh thu được ghi nhận ở đây là doanh thu thuần.

Khuyến mãi trả sau:

Theo mục 1.6.10, điểm 1.6, khoản 1, điều 79 của Thông tư 200 thì khuyến mãi trả sau là khuyến mãi sau nhiều lần khách hàng mua tích lũy đủ chương trình của doanh nghiệp. Khi khuyến mãi cho khách hàng truyền thống thì doanh thu được ghi là tổng số tiền phải thu hoặc đã thu trừ đi giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí hoặc số phải chiết khấu, giảm giá cho người mua. Giá trị của hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí hoặc số phải chiết khấu, giảm giá cho người mua được ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện. Nếu hết thời hạn của chương trình mà người mua không đạt đủ điều kiện theo quy định và không được hưởng hàng hóa dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu giảm giá, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển vào doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ. Khi người mua đạt được các điều kiện theo quy định của chương trình, khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với giá trị hợp lý của số hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số phải giảm giá, chiết khấu cho người mua được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi người mua đã nhận được hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc được chiết khấu, giảm giá theo quy định của chương trình.

Ví dụ minh họa 1:

Trích số liệu tại Công ty CP Vietjet năm 20x0 như sau: Chương trình khuyến mãi cho khách hàng truyền thống như sau: bay 20 lần trong năm sẽ được tặng 1 đêm tại Vinpearl Phú Quốc trị giá 3 triệu đồng, giả định doanh thu chưa thuế GTGT cho mỗi lần bay là 5 triệu đồng, thuế suất thuế GTGT 10%.

Theo qui định của điều 79, Thông tư 200, kế toán ghi nhận như sau:

Khi ghi nhận doanh thu cho từng lần bay, kế toán xác định giá trị hợp lý của hàng khuyến mãi

Nợ TK 131: 5.500.000

Có TK 511: 4.850.000

Có TK 3387: 150.000 (3.000.000/20)

Có TK 3331: 500.000

Doanh thu của 20 lần bay trong năm, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 131: 110.000.000

Có TK 511: 97.000.000

Có TK 3387: 3.000.000

Có TK 3331: 10.000.000

Khi khách hàng đủ điều kiện khuyến mãi, dịch vụ này do bên thứ 3 cung cấp, kế toán ghi nhận như sau:

Nợ TK 3387: 3.000.000

Có TK 511: 3.000.000

Đồng thời, Vietjet phải trả tiền cho Vinpearl Phú Quốc, kế toán ghi nhận chi phí phát sinh như sau:

Nợ TK 632: 3.000.000

Có TK 112: 3.000.000

Ngoài ra, việc xác định khách hàng có đủ điều kiện được hưởng chiết khấu rất quan trọng để ghi nhận doanh thu theo giá trị nào, căn cứ theo điểm 3.3, khoản 3, điều 18 của Thông tư 200 cho rằng nếu chưa xác định được số phải chiết khấu cho khách hàng được hưởng ngay khi bán hàng thì doanh thu được ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu (doanh thu gộp). Như vậy, chúng ta chưa thể ghi nhận giảm doanh thu cho phần khuyến mãi khách hàng truyền thống khi chưa xác định khách hàng có đủ điều kiện hưởng hay không, khách hàng chưa chắc sẽ bay đủ 20 chuyến trong năm.

Theo qui định của điều 18, Thông tư 200, kế toán ghi nhận doanh thu của ví dụ trên như sau:

Khi ghi nhận doanh thu cho từng lần bay, kế toán ghi nhận theo doanh thu gộp như sau:

Nợ TK 131: 5.500.000

Có TK 511: 5.000.000

Có TK 3331: 500.000

Doanh thu của 20 lần bay trong năm, kế toán ghi nhận theo doanh thu gộp:

Nợ TK 131: 110.000.000

Có TK 511: 10.000.000

Có TK 3331: 10.000.000

Khi khách hàng đủ điều kiện khuyến mãi, dịch vụ này do bên thứ 3 cung cấp, kế toán ghi nhận điều chỉnh giảm doanh thu như sau:

Nợ TK 5211: 3.000.000

Có TK 112: 3.000.000

Kế toán sẽ tuân thủ theo điểm 3.3, khoản 3, điều 18 hay điều 79 của Thông tư 200? Chúng ta nên tôn trọng bản chất hơn hình thức. Về mặt hình thức chúng ta sẽ tặng cho khách hàng một đêm tại Vinpearl Phú Quốc nhưng chưa chắc chắn. Vì vậy, kế toán nên ghi nhận doanh thu theo bản chất của giao dịch.

Khuyến mãi trả ngay:

Theo mục 1.6.3, điểm 1.6, khoản 1, điều 79 của Thông tư 200 qui định trường hợp khuyến mãi trả ngay bằng hàng hóa khác loại kèm điều kiện phải mua hàng thì kế toán phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán.

Ví dụ minh họa 2:

Công ty Cổ phần Bánh Kẹo Kinh Đô có chương trình khuyến mãi cho mùa bánh trung thu như sau: Mua 1 hộp bánh trung thu, tặng 1 lồng đèn (lồng đèn không thuộc mặt hàng kinh doanh thông thường, dùng để tặng kèm khi bán bánh). Biết rằng giá bán một hộp bánh là 1.000.000đ/hộp, giá vốn 1 hộp bánh là 800.000đ/hộp, giá trị hợp lý của 1 lồng đèn là 50.000đ/cái, giá vốn của 1 lồng đèn là 40.000đ/cái. Giả sử doanh nghiệp bán được 10 hộp trong kỳ, thu bằng tiền mặt, không đề cập đến thuế GTGT.

Theo Thông tư 200, kế toán ghi nhận như sau:

Nợ TK 111: 10.000.000

Có TK 511 Bánh: 9.500.000

Có TK 511 Lồng đèn: 500.000

Đồng thời, ghi nhận giá vốn:

Nợ TK 632: 8.400.000

Có TK 156 Bánh: 8.000.000

Có TK 156 Lồng đèn: 400.000

Khoản 2, điều 78 của Thông tư 200 có qui định rằng, nếu một hợp đồng kinh tế bao gồm nhiều giao dịch, kế toán phải nhận biết các giao dịch để áp dụng các điều kiện ghi nhận doanh thu phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán “Doanh thu”.

Theo chuẩn mực kế toán số 14 - doanh thu và thu nhập, doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu. Rõ ràng, kế toán phải nhận biết giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi không thuộc hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường của doanh nghiệp thì không thể ghi nhận khoản này vào tài khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Cả hai ví dụ minh họa trên, khi khuyến mãi trả sau hay trả ngay bằng hàng hóa, dịch vụ không thuộc hàng kinh doanh thông thường thì việc ghi nhận doanh thu như trên chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán số 14. Và khi trình bày thông tin trên báo cáo tài chính trong ví dụ minh họa 1, ngoài ngành nghề kinh doanh thông thường thì doanh nghiệp còn trình bày doanh thu lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại Vinpearl Phú Quốc mặc dù không có hoạt động kinh doanh này, thông tin tài chính sẽ không trung thực và hợp lý.

Để tìm hiểu việc áp dụng Thông tư 200 liên quan đến ghi nhận doanh thu hàng, dịch vụ khuyến mãi không thuộc hoạt động kinh doanh thông thường trong thực tế, tác giả khảo sát tình hình áp dụng vấn đề này tại các doanh nghiệp có hoạt động khuyến mãi hàng, dịch vụ không thuộc hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và đang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200. Tổng số doanh nghiệp khảo sát là 20 doanh nghiệp, số phiếu hợp lệ là 16, loại bỏ 4 doanh nghiệp không có áp dụng chương trình khuyến mãi. Kết quả tóm tắt được trình bày ở Bảng 2.

Qua kết quả khảo sát các doanh nghiệp áp dụng Thông tư 200 trong việc ghi nhận doanh thu hàng khuyến mãi không thuộc hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 11/16 doanh nghiệp, tương đương 68,57% tuân thủ Thông tư 200, tức là ghi nhận giao dịch này vào TK 511; còn lại 31,25% doanh nghiệp không tuân thủ Thông tư 200 mà vận theo định nghĩa doanh thu của chuẩn mực kế toán số 14. Như vậy, để giúp các doanh nghiệp thông suốt đối với qui định này, các nhà hoạch định chính sách cần hướng dẫn rõ hàng hơn trong giao dịch hàng khuyến mãi này.

3. Một số đề xuất

* Đối với khoản thuế nộp hộ cho bên nhờ ủy thác nhập khẩu, Thông tư 200 nên hướng dẫn mục 3.9.2, điểm 3.9, khoản 3, điều 52 nhất quán với cách hạch toán cho tất cả các sắc thuế vả phù hợp với nguyên tắc kế toán TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp, như vậy thuế bảo vệ môi trường cũng được ghi nhận trên TK 3388 khi nộp hộ như sau:

Nợ TK 3388 (nộp hộ thuế bảo vệ môi trường)

Có TK 112

·* Đối với hàng khuyến mãi không thuộc hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường, kế toán cần phải nhận biết giao dịch này trong hợp đồng có nhiều giao dịch để áp dụng các điều kiện ghi nhận doanh thu phù hợp với quy định của chuẩn mực kế toán số 14, như vậy giao dịch này ghi nhận vào thu nhập khác, cụ thể như sau:

+ Ví dụ minh họa 1, phần khuyến mãi một đêm nghỉ tại Vinpearl Phú Quốc ghi nhận như sau: Nợ TK 3387/ Có TK 711: 5.000.000, đồng thời ghi nhận số tiền trả cho Vinperal Phú Quốc là Nợ TK 811/ Có TK 112: 3.500.000.

+ Ví dụ minh họa 2, đối với hàng khuyến mãi cũng ghi nhận vào TK thu nhập khác.

* Trường hợp mâu thuẫn giữa các đoạn trong Thông tư 200 như điều 18 và điều 79, chúng ta sẽ ghi nhận theo bản chất giao dịch như yêu cầu của Thông tư 200 trong việc ghi nhận doanh thu.

4. Kết luận

Như vậy để phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu của Thông tư 200 là tôn trọng bản chất hơn hình thức thì Thông tư 200 cần qui định nhất quán trong cách hạch toán các khoản thuế nộp hộ tại bên nhận ủy thác nhập khẩu. Đối với các trường hợp khuyến mãi hàng hay dịch vụ không thuộc hoạt động sản xuất - kinh doanh thông thường thì cần hạch toán đúng bản chất của chúng hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 - Doanh thu và thu nhập khác.

2. Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 22/12/2014 -Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

RESEARCH ON THE RECOGNITION OF TAXES PAID

AT THE ENTRUSTED IMPORT AND PROMOTION

GOODS SALES IN CIRCULAR 200

MA. NGUYEN THI NGOC DIEP

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Circular No. 200/2014 / TT-BTC dated 22/12/2014 of the Ministry of Finance is considered to be flexible, modern, practical, in line with international practice; The objective is to meet the requirements of management and business decision making, but there are still many conflicts and unreasonable points. This article deals only with matters relating to the recognition of import duties paid by the entrusted party and the receipt of promotional sales.

Keywords: Sales, promotion goods, entrusted importers, taxes to pay, Circular No. 200/2014 / TT-BTC.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây