TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu thực trạng nguồn phát triển chính thức ODA tại TP. Đà Nẵng nhằm làm rõ tình hình vận động thu hút nguồn vốn, những tác động của nguồn vốn ODA đến các doanh nghiệp, cũng như những khó khăn, thách thức đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng. Từ đó, bài viết đưa ra các kiến nghị giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA tại TP. Đà Nẵng trong thời gian tới.

Từ khóa: ODA, nguồn vốn nước ngoài, TP. Đà Nẵng, viện trợ không hoàn lại.

1. Đặt vấn đề

Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA, viết tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình thức đầu tư nước ngoài. ODA tại Việt Nam đề cập đến những nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của các nước dành cho Việt Nam. Khái niệm về ODA thường nhấn mạnh vào các khoản viện trợ hoặc các khoản vay ưu đãi, nhằm cải thiện phúc lợi tại các nước đang phát triển hơn là nhằm mục đích thương mại hoặc an ninh quốc phòng. Lãi suất thấp (dưới 2%, trung bình từ 0.25%năm). Thời gian cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25-40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8-10 năm). Trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA. Thời gian gần đây, tại Việt Nam, nguồn vốn ODA luôn chiếm khoảng 70% tổng giá trị các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó, giao thông đường bộ là loại hình giao thông vận tải chiếm tỷ trọng vận chuyển hàng hóa lớn nhất và cũng thu hút nguồn vốn lớn nhất.

Với vai trò là một thành phố trung tâm và lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời cũng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam, đô thị loại I, trung tâm cấp quốc gia, Đà Nẵng đã nhận được sự ưu tiên đáng kể của các nhà tài trợ quốc tế. Những thành tựu về kinh tế - xã hội và cải thiện kết cấu hạ tầng mà Đà Nẵng đ ã đạtđược trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của ODA. Và đặc biệt Đà Nẵng trở thành điểm sáng trong sử dụng ODA.

2. Tình hình vận động, thu hút và thực hiện ODA trên địa bàn Đà Nẵng

Ở từng phân ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế trọng điểm của Thành phố như: du lịch - dịch vụ, sản xuất công nghiệp - công nghệ cao,… việc tiếp tục tăng cường hoạt động thu hút đầu tư có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo ra những sản phẩm, tiềm năng sản xuất mới, góp phần đem lại các giá trị gia tăng năm sau cao hơn năm trước cho nền kinh tế thành phố.

Giai đoạn 2011-2016, Thành phố đã thể hiện rõ vai trò làm chủ của mình bằng cách tiếp nhận những dự án phù hợp với định hướng phát triển; đồng thời, luôn bám sát những quy định của Nhà nước về tiếp nhận nguồn viện trợ, cũng như trong công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu triển khai thực hiện các dự án. UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định riêng về quản lý và sử dụng ODA trên địa bàn thành phố. Trong công tác quản lý các dự án ODA đang được triển khai trên địa bàn, UBND Thành phố phân cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối. Đồng thời, tùy theo tính chất của từng dự án, Thành phố thành lập Hội đồng điều hành hoặc Ban quản lý dự án (Ban QLDA), và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh khi thực hiện dự án. Do vậy, các dự án vay vốn ODA ở Đà Nẵng đã được triển khai thuận lợi và đạt được kết quả tốt.

Từ năm 1999 đến năm 2017, Thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn ODA khoảng 426 triệu USD, trong đó: 22 dự án hoàn thành với tổng vốn đầu tư là 86,34 triệu USD; 8 dự án đang được triển khai thực hiện với tổng vốn ODA là 423,68 triệu USD; Các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA tại TP. Đà Nẵng chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông; Xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; Cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao... đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, với 2 dự án sử dụng ODA là Cảng Tiên Sa, dự án hầm đường bộ Hải Vân kết nối vùng và quốc tế cùng các dự án hạ tầng khác, đã góp phần tăng số doanh nghiệp của Đà Nẵng lên gấp 100 lần.

Năm 2018, Đà Nẵng có 4 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý, hiện đang được triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư 420,51 triệu USD, tổng vốn ODA giải ngân ước đạt 358,9 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch năm. Thành phố đã phê duyệt và tiếp nhận 43 khoản viện trợ phi Chính phủ Nhà nước, tổng giá trị cam kết đạt 64,55 tỷ đồng.

Năm 2019, thành phố có 3 dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi, gồm: dự án Phát triển bền vững (WB tài trợ), dự án Trung tâm khu vực miền Trung về y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện Đà Nẵng (Chính phủ Hàn Quốc tài trợ), dự án Cải thiện hạ tầng giao thông Thành phố.

Hình 1: Vốn nước ngoài (ODA) của Đà Nẵng năm 2009

Vốn nước ngoài (ODA) của Đà Nẵng năm 2009

ĐVT: Triệu đồng

Cụ thể, tổng vốn đầu tư của thành phố thu hút được trong năm là 7.610 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 1.834 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Tình hình thực hiện các dự án trong năm là 3.495,5 tỷ đồng, đạt 45,93% tổng mức đầu tư, trong đó tháng 4/2019 thực hiện được 49,7 tỷ đồng; tháng 5/2019 thực hiện 73,5 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện cả năm 2019 đạt 223,2 tỷ đồng, tương đương 27,58% kế hoạch năm.

3. Tác động của ODA đến tình hình hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả các dự án của ODA, điều này đã tạo nên một niềm tin tưởng và có được sự hợp tác tốt, mang lại rất nhiều thuận lợi cho cho các doanh nghiệp, các chương trình và dự án ODA, góp phần cải thiện và phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn. Các khoản vay ODA có mức lãi suất rất thấp, chỉ dao động một vài phần trăm và thời gian vay vốn được kéo dài. Đây thực sự là một ưu thế ở thời điểm hiện nay, bởi tình hình diễn biến của đại dịch Covid-19 đang còn những diễn biến rất phức tạp. Sau khi dịch bệnh đi qua, các doanh nghiệp cần có một nguồn vốn để quay trở lại hoạt động, vì vậy khi có một nguồn vay vốn ODA với lãi suất thấp thì đây là điều rất thuận lợi và cần thiết cho các doanh nghiệp. Mặt khác, thành phố Đà Nẵng có du lịch là ngành mũi nhọn, vì vậy, việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng, bố trí những điểm du lịch là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, những kế hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng được triển khai khá chậm. Có được nguồn đầu tư ODA thì việc triển khai sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn thu hút được nhiều khách du lịch, tạo nền kinh tế vững mạnh.

4. Những khó khăn, thách thức từ thu hút ODA của thành phố Đà Nẵng

Về yếu tố khách quan. Nguồn vốn ODA tiếp nhận chủ yếu được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình trọng yếu, như các tuyến đường giao thông, các công trình năng lượng và công nghiệp, bệnh viện, trường học,… Tình trạng các nhà tài trợ đã, đang giảm dần và sẽ cắt hẳn viện trợ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các công trình đang xây dựng, hoặc làm hạn chế nguồn vốn đầu tư phát triển của nước tiếp nhận. Tốc độ phát triển và khả năng cạnh tranh do đó cũng sẽ bị ảnh hưởng; Hoạt động đầu tư công chưa bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa tuân thủ quy hoạch chung của thành phố. Vẫn còn nhiều công trình, dự án trọng điểm mặc dù quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chưa được quan tâm triển khai thích đáng, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của thành phố. Nhiều đồ án, dự án chưa tuân thủ quy hoạch chung, trong quá trình triển khai thực hiện thì điều chỉnh nhiều lần, tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển KTXH của thành phố.

Về yếu tố chủ quan. Tồn tại bất cập về huy động nguồn lực, cơ cấu, phân bổ, thanh quyết toán theo kế hoạch đầu tư công. Cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Đà Nẵng vẫn chưa vượt trội so với các tỉnh thành khác, dẫn tới chưa tạo được nguồn lực cho đầu tư. Thêm vào đó, thành phố chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động tối đa, hiệu quả những nguồn vốn xã hội; Nguồn vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nguồn thu tiền sử dụng đất đã trở thành nguồn lực chủ yếu (chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển); Cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa tương xứng. Chi cho công tác khai thác quỹ đất, đầu tư các khu tái định cư; chi đầu tư giao thông công chính chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư thời gian qua, nhưng chi cho lĩnh vực khác như văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục còn rất thấp. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thấp, đang bị giảm dần qua các năm (đặc biệt là 03 năm gần đây). Cụ thể, tỷ lệ giải ngân năm 2015 đạt 94%; năm 2016 đạt 84%; năm 2017 đạt 76% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hiệu quả công trình chưa cao. Công tác tư vấn, khảo sát, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán còn nhiều hạn chế; công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán của một số sở, ngành chức năng vẫn còn bất cập; tình trạng việc thẩm tra chỉ mang tính hình thức, chất lượng không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Công tác kiểm tra, giám sát thiết kế, giám sát thi công, tổ chức nghiệm thu chưa chặt chẽ, mang tính hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Nhiều công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng thiếu quan tâm tổ chức thực hiện công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng theo quy định nên xuống cấp nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng.

5. Định hướng giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư ODA tại Đà Nẵng

Nguồn vốn ODA được xác định là một nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Việc sử dụng nguồn vốn này trong đầu tư phát triển có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển của cả nước nói chung, cũng như của thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trong thời gian qua, nhận rõ tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự nghiệp phát triển, thành phố Đà Nẵng đã tích cực đẩy mạnh công tác thu hút, vận động và tăng cường công tác quản lý sử dụng các dự án ODA. Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu hút đầu tư ODA tại Đà Nẵng trong thời gian tới, Thành phố cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Thành phố. Tập trung chủ yếu vào các nhân tố then chốt, như: Xây dựng chiến lược thu hút và sử dụng các nguồn vốn vay và tài trợ quốc tế một cách hoàn thiện; Tập trung quản lý các dự án sử dụng nguồn ODA vào một đầu mối; Tăng cường công tác kế hoạch hóa nguồn vốn ODA: Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và lập các dự án sử dụng các nguồn vốn vay và tài trợ quốc tế; Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý; Tăng cường công tác đánh giá và theo dõi dự án ODA; Cải thiện mối quan hệ giữa các nhà tài trợ và phía tiếp nhận; Thúc đẩy tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Cụ thể là:

+ Tập trung một số dự án ODA có quy mô lớn, góp phần quan trọng vào việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng của thành phố. Ngoài ra, các dự án này còn góp phần cải thiện hệ thống, mạng lưới cấp nước; cải thiện điều kiện y tế về trang bị máy móc thiết bị tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để Thành phố 5 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực cấp nước, môi trường, quy hoạch giao thông, biến đổi khí hậu đã giúp tư vấn, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm bổ ích và góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ công chức các sở ngành của Thành phố.

+ Hỗ trợ kết nối Thành phố trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức kinh tế lớn ngoài các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời cần chú ý đến các nước khác như Đức, Anh, Hoa Kỳ...; đồng thời, giúp vận động và giới thiệu các tập đoàn lớn, thực sự quan tâm đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên là công nghệ cơ khí chính xác, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

+ Nghiên cứu khả năng đối ứng vốn và khả năng trả nợ khi sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi và vốn ODA cho các dự án thành phố đang đề xuất, đồng thời cân nhắc khả năng huy động nguồn vốn khác để thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Tập trung chủ yếu vào các nhân tố then chốt như: Nâng cao chất lượng chuẩn bị văn kiện dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; rút ngắn thời gian đàm phán ký kết, chuẩn bị thực hiện và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA; Hài hòa hơn nữa chính sách, quy trình và thủ tục về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, mua sắm và đấu thầu và quản lý tài chính giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.

Thứ ba, tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ kêu gọi đầu tư.

Tóm lại, cho đến nay, nguồn vốn ODA đã thực sự trở thành “nguồn vốn nước ngoài có ý nghĩa quan trọng”, góp phần to lớn vào quá trính phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng trong những năm qua. Các nguồn vốn vay và tài trợ quốc tế có một vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của Thành phố như cải tạo hệ thống cấp nước, thoát nước, giao thông; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông; cung cấp trang thiết bị y tế kỹ thuật cao,.... Nhờ sử dụng và quản lý vốn ODA đạt hiệu quả cao, thành phố Đà Nẵng đã tạo dựng được mối quan hệ vững chắc, tin cậy với nhà tài trợ, trở thành điểm sáng sử dụng vốn ODA. Nhiều dự án ODA có mức vốn đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng đô thị đã được thực hiện ở Đà Nẵng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhờ vậy, diện mạo của Thành phố ngày càng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong tương lai, để đạt được những mục tiêu phát triển như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển chung của Thành phố và các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn đã xác định, cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng đô thị, làm cho Thành phố xứng đáng là một thành phố hiện đại và trung tâm phát triển của miền Trung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Chính phủ (2016). Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ngày 16/3/2016.
  2. Chính phủ (1997). Nghị định số 87-CP về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, ngày 05/8/1997.
  3. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng (2018). Phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025, Đà Nẵng.
  4. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội TP. Đà Nẵng (2003). Báo cáo 10 năm tiếp nhận và thực hiện ODA.
  5. http://www.gso.gov.vn/
  6. http://www.mpi.gov.vn
  7. http://www.danangcity.gov.vn/

THE OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE OF DA NANG CITY

• DO VAN TINH

Duy Tan University

ABSTRACT:

This paper studies the current status of official development assistance (ODA) in Da Nang City in order to understand the ODA mobilization situation, the impacts of ODA capital on businesses, and difficulties and challenges to the socio-economic situation of Da Nang City. Based on this paper’s findings, some recommendations are presented in order to help Da Nang City attract more the ODA in the coming time.

Keywords: ODA, foreign capital, Da Nang City, non-refundable aid.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]