Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời các hãng giao dịch năng lượng cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho những tháng mùa Đông tới đây và xa hơn nữa. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Mặc dù nhu cầu nhập khẩu LNG của các nước châu Á trong 7 tháng đầu năm nay sụt giảm tương đối so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá LNG giao ngay tại châu Á hiện dao động quanh mức 40 USD/mmBtu, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho đến trước năm 2020, giá LNG giao ngay tại châu Á chỉ đạt trung bình 5 USD/mmBtu.

Nguyên nhân chủ yếu do Liên minh châu Âu (EU) đang thu gom mọi nguồn cung khí đốt có thể trên thị trường nhằm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Nga cũng đã giảm mạnh lượng khí đốt cung ứng cho EU trong thời gian gần đây, khiến nhiều nước EU phải áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho mùa Đông sắp tới. Giá khí tự nhiên tại châu Âu hiện đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội tại đây.

Giá khí TTF
 Diễn biến giá khí tự nhiên giao tháng 9/2022 trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) trong 1 năm qua (Nguồn: barchart.com)

 

Giới phân tích nhận định việc Nhật Bản và Hàn Quốc phát đi các tín hiệu tăng cường dự trữ LNG sẽ khiến nổ ra cuộc “chạy đua” giành nguồn cung LNG giữa châu Á và châu Âu trong những tháng tới đây và đẩy giá mặt hàng năng lượng này lên cao hơn nữa trên toàn cầu.

Trao đổi với tờ Financial Times, giám đốc điều hành một công ty khí đốt tại châu Á cho biết “Những gì chúng tôi đang thấy là một cuộc tranh giành để đảm bảo nguồn cung LNG đến cuối năm nay và sang năm 2023. Nó vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến giá cả, nhưng kịch bản đó sẽ xảy ra vì bên chậm chân sẽ là những người chịu gánh nặng đó”.

Ông Toby Copson, Trưởng bộ phận kinh doanh và cố vấn toàn cầu của hãng giao dịch khí đốt Trident LNG (Hoa Kỳ), cho biết các khách hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang đẩy nhanh việc ký kết các hợp đồng kỳ hạn theo dải (strip contract). Loại hợp đồng này cho phép việc mua – bán diễn ra liên tiếp trong các tháng, người mua và người bán có thể chốt giá trong toàn bộ khung thời gian.

“Chính phủ Nhật Bản cũng như chính phủ Hàn Quốc đang lo ngại về an ninh năng lượng. Họ thực sự lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới. Và trong năm nay và trong quý đầu tiên của năm sau, sự cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu sẽ khiến giá LNG trên thị trường tăng vọt”, ông Toby Copson cho biết. 

Bà Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí tự nhiên tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ), nhận định rằng mùa Đông tới sẽ là thời điểm mà cuộc đua tranh giành nguồn cung khí trở nên căng thẳng hơn. Nhiều quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cần nạp đầy kho dự trữ. Và khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phục hồi rõ ràng hơn, cán cân cung - cầu LNG sẽ thay đổi đáng kể. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Nếu nguồn cung cho châu Âu bị giới hạn, khu vực này sẽ phải tìm cách giảm nhu cầu sử dụng năng lượng nhiều hơn nữa.

Châu Á từng là thị trường LNG lớn nhất thế giới và giá mặt hàng này ở châu Á thường cao hơn so với châu Âu. Tuy nhiên, giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu trên sàn giao dịch TTF (Hà Lan) hiện cao hơn đáng kể so với giá trên thị trường châu Á, phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt nghiêm trọng tại châu Âu.

Giá ở châu Âu cao hơn đồng nghĩa với việc dòng chảy LNG sẽ dần chuyển hướng đến thị trường này khi các hãng giao dịch khí đốt tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Mức chênh lệch giá giữa thị trường châu Âu – châu Á hiện ở hấp dẫn đến mức trong một số trường hợp, các nhà giao dịch theo hợp đồng dài hạn với châu Á có thể cắt hợp đồng hiện tại, tiến hành nộp phạt mà vẫn có thể kiếm lời nếu bán lại các lô khí cho châu Âu.

Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 7, Chính phủ Nga đã quyết định quốc hữu hoá Dự án Sakhalin-2 vốn có sự tham gia của các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản. Qua đó, buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải rút lui. Dự án này chiếm khoảng 4% tổng sản lượng LNG toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí LNG cho các quốc gia khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Một số nhà quan sát nhận định động thái này của Nga có thể gây ra những đảo lộn mới trên thị trường LNG toàn cầu vốn đang trong trạng thái căng thẳng nguồn cung nghiêm trọng. Lượng LNG nhập khẩu từ Nga hiện đáp ứng 10% tổng nhu cầu sử dụng khí LNG hàng năm của Nhật Bản và phần lớn nguồn cung này đến từ dự án Sakhalin-2 với các hợp đồng cung ứng dài hạn.

Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp LNG mà cả châu Âu và châu Á tranh giành tiếp cận. Trong 4 tháng đầu năm nay, nước này đã xuất khẩu 74% tổng lượng LNG xuất khẩu của mình sang châu Âu, cao hơn gấp đôi mức 34% trong năm ngoái. Trong khi đó, châu Á lại là thị trường xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ trong năm 2020 và 2021.

Các nhà phân tích cảnh báo việc chạy đua giành nguồn cung LNG giữa châu Á - châu Âu sẽ khiến các nước đang phát triển tại châu Á trở nên dễ tổn thương hơn, đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Các quốc gia có tiềm lực tài chính tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể chịu được mức giá LNG cao ở một ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan sẽ gặp nhiều vấn đề nếu giá LNG tiếp tục tăng.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Kepler (Singapore), lượng LNG được Pakistan nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này cũng ngưng bỏ thầu 10 lô hàng LNG dự kiến được nhập khẩu trong khoảng tháng 7 – tháng 9 do giá tăng. Khí đốt chiếm khoảng 46% nguồn cung điện của Pakistan.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết “Pakistan không đủ khả năng tài chính để mua LNG ở mức giá cao như hiện tại do sự hạn chế trong nguồn dự trữ ngoại tệ phân bổ cho nhiên liệu”.