Nguyên tắc bình đẳng trong chế định thừa kế ở Việt Nam

ThS. Nguyễn Thanh Thư (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:
Nguyên tắc bình đẳng là nguyên tắc đầu tiên trong quan hệ dân sự và thể hiện rõ nét bản chất của quan hệ dân sự. Đặc biệt đối với quan hệ thừa kế, nguyên tắc bình đẳng là nguyên tắc cơ sở cho việc xác định những người trong cùng một hàng được hưởng di sản ngang nhau. Ngoài ra, nó còn là cơ sở để rũ bỏ nhiều tư tưởng lạc hậu từ thời kỳ phong kiến, như: tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong chế định thừa kế. Nguyên tắc bình đẳng thể hiện quyền thừa kế như nhau của cá nhân và pháp nhân. Thông qua nguyên tắc này, các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thừa kế có thể đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích chính đáng của mình.  Trong bài viết này, tác giả muốn tập trung vào phân tích nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ thừa kế được thể hiện như thế nào để có thể bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thừa kế.
Từ khóa: Nguyên tắc bình đẳng, thừa kế, quyền thừa kế, bình đẳng quyền thừa kế, bình đẳng giữa vợ chồng, bình đẳng giữa nam nữ.

1. Đặt vấn đề
Quan hệ dân sự là một trong những quan hệ xã hội rất rộng, luôn có sự thay đổi phức tạp và nhanh chóng. Do vậy để các quan hệ dân sự phát triển sống động, mọi chủ thể tham gia vào quan hệ có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của mình thì pháp luật dân sự phải là một công cụ pháp lý tích cực thể hiện rõ nét bản chất của các quan hệ này.
Khi ta xét đến bản chất của quan hệ dân sự là một quan hệ mà các bên chủ thể tham gia vào trên cơ sở bình đẳng, trên cơ sở tự nguyện và tự thỏa thuận. Do vậy, các quy phạm pháp luật dân sự cũng được xây dựng trên tinh thần này. Tại Điều 2 Bộ luật Dân sự 2015 đã khẳng định:“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Từ đó để có thể đảm bảo sự tôn trọng quyền dân sự thì phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể với nhau khi tham gia vào quan hệ dân sự. Trên cơ sở này tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 lại ghi nhận nguyên tắc bình đẳng rất cụ thể: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Quy định tại khoản 1 Điều 3 trong Bộ luật Dân sự 2015 như một lần nữa khẳng định để đảm bảo quyền dân sự của các chủ thể thì phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng. Khi đã có sự bình đẳng, sẽ không có sự phân biệt nào về địa vị xã hội, trình độ học vấn, giới tính, công việc,… được đảm bảo địa vị pháp lý như nhau.
2. Sự thể hiện của nguyên tắc bình đẳng trong Bộ luật Dân sự 2015
Theo quy định trong Hiến pháp 2013 tại Điều 16 “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định tại Điều 3 thể hiện rõ nét sự bình đẳng này. Một nguyên tắc quan trọng và được đặt đầu tiên trong tất cả các nguyên tắc của luật dân sự. Như vậy khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể có quyền bình đẳng tức là không có một sự phân biệt nào về giới tính, dân tộc, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp giữa các chủ thể. Cũng như khi các bên có những quyền và phải gánh vác những trách nhiệm dân sự thì cũng trên cơ sở sự bình đẳng. Song, câu hỏi đặt ra là như thế nào là bình đẳng, tại sao bình đẳng lại là một nguyên tắc quan trọng và đầu tiên trong tất cả các nguyên tắc của pháp luật Dân sự.
Đầu tiên xét về điều kiện cơ sở kinh tế của nước Việt Nam để xác định nguyên tắc bình đẳng. Xuất phát từ bản chất của chế độ chính trị ở nước ta là một Nhà nước xã hội chủ nghĩa, do nhân dân lao động làm chủ, mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, không có một sự phân biệt nào về tôn giáo, chính trị, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị,... Bình đẳng có nghĩa là ngang hàng nhau về địa vị, về quyền lợi. Vậy nội dung của nguyên tắc này thể hiện ở việc khi tham gia vào quan hệ không có sự phân biệt nào về giới tính, dân tộc, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp. Cụ thể thì bình đẳng thể hiện ở các khía cạnh như sau:
Thứ nhất, các bên chủ thể bình đẳng trong việc hưởng quyền dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự. Xét về khía cạnh này khi xây dựng các quy phạm pháp luật dân sự đều phải thể hiện tinh thần bình đẳng trên cơ sở cho mọi người được tự do thỏa thuận, tự do định đoạt. Mặt khác để có được sự tự do thì phải có sự độc lập giữa các chủ thể với nhau, để thể hiện sự độc lập là phải có bình đẳng. Đúng như trong Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử vào năm 1945: “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Từ những lời khẳng định ban đầu này, sau đó khi xây dựng tất cả các ngành Luật, một trong những nguyên tắc cơ bản và nền tảng đó chính là nguyên tắc bình đẳng.
Thứ hai, các chủ thể bình đẳng trong việc gánh vác trách nhiệm dân sự. Chẳng hạn khi có sự vi phạm các chủ thể đều phải gánh chịu trách nhiệm dân sự như nhau, không có đối tượng nào được miễn trừ trách nhiệm dân sự. Chẳng hạn trong trường hợp các đối tượng được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao thực hiện hành vi trái pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không phải trong trường hợp nào họ cũng có thể được miễn trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm dân sự1. Hay trường hợp Nhà nước khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự với tư cách chủ thể cũng sẽ bình đẳng với những chủ thể khác về quyền, nghĩa vụ. Nếu trong trường hợp phát sinh trách nhiệm dân sự, Nhà nước cũng phải gánh chịu trách nhiệm dân sự như những chủ thể khác.
Thứ ba, khía cạnh bình đẳng thể hiện với mọi chủ thể, giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, giữa thủ trưởng với nhân viên,... giữa mọi mặt của các chủ thể. Trong các mối quan hệ xã hội có thể đây là quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ chồng. Song, dù các mối quan hệ trong xã hội có sự đan xen và phụ thuộc nhau về cấp quản lý, về địa vị xã hội, về tư liệu sản xuất, về tình cảm, về hôn nhân gia đình,... họ sẽ vẫn bình đẳng với nhau nếu tham gia vào quan hệ dân sự.
Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, ngang bằng. Trong một số trường hợp, Bộ luật Dân sự có những quy định ưu tiên cho bên yếu thế hơn tham gia quan hệ dân sự. Chẳng hạn, quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khoán. Để bảo vệ cho bên thuê khoán vì đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán thì pháp luật đã quy định bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dù bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ (nếu việc tiếp tục cho thuê khoán không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên này và bên thuê khoán cam kết không vi phạm nghĩa vụ)2.
Quy định về nguyên tắc bình đẳng thể hiện bản chất và tinh thần của xã hội ta là một xã hội bình đẳng cho mọi người. Từ nguyên tắc chung này, tất cả các quan hệ pháp luật dân sự khi xây dựng các quy phạm pháp luật dân sự đều đảm bảo thể hiện tinh thần bình đẳng, không có sự phân biệt nào giữa các chủ thể.
3. Sự thể hiện của nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ pháp luật thừa kế
Trên cơ sở những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, trong chế định thừa kế nguyên tắc bình đẳng được thể hiện như sau: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật” (quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015). Ở đây khi phân tích nguyên tắc này dưới góc độ xem xét tư cách những chủ thể tham gia vào quan hệ, thì sự bình đẳng thể hiện giữa những người để lại thừa kế hoặc giữa những người được nhận di sản thừa kế.
Người để lại di sản thừa kế chỉ có thể là cá nhân, do đó sự bình đẳng ở đây thể hiện ở các khía cạnh sau:
+ Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc để lại di sản thừa kế. Trước đây, pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ nên người phụ nữ bị tước đi tư cách chủ thể khi đã lấy chồng. Chẳng hạn trong trường hợp người vợ chết trước thì người chồng có quyền sở hữu đối với toàn bộ tài sản chung, bao gồm cả phần tài sản riêng của vợ (Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ và Điều 111 Bộ Dân luật Trung kỳ). Nếu người chồng chết trước mà người vợ tái giá thì phải để lại cho con tài sản chung của vợ chồng, phải trả lại cho gia đình bên chồng toàn bộ tài sản riêng của người chồng, người vợ chỉ được mang theo những gì thuộc tài sản của riêng mình (Điều 360 Bộ Dân luật Bắc kỳ và Điều 359 Bộ Dân luật Trung kỳ)3. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hồng Đức cũng có những quy định hết sức tiến bộ, theo Điều 374 và 375 khi người chồng chết, người vợ vẫn được giữ nguyên quyền sở hữu đối với tài sản riêng của mình còn tài sản ruộng đất của hai vợ chồng tạo lập được chia làm hai phần bằng nhau, theo đó vợ sẽ được hưởng một phần. Với quy định hiện nay, chúng ta đã không có sự phân biệt giữa nam và nữ (vợ, chồng bình đẳng với nhau) trong việc định đoạt tài sản chung như lập di chúc, truất quyền thừa kế của người thừa kế,...
+ Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay người hạn chế năng lực hành vi dân sự, có năng lực hành vi dân sự một phần hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi đều có quyền để lại di sản thừa kế mà không có sự phân biệt nào hết. Tuy nhiên, để có thể bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của những người này thì có những người khi muốn để lại di sản thừa kế theo di chúc phải hội đủ điều kiện nhất định như người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi muốn lập di chúc phải được cha, mẹ, người giám hộ đồng ý (được quy định tại khoản 2 Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, nguyên tắc bình đẳng còn thể hiện ở khía cạnh giữa những người được hưởng di sản thừa kế.
+ Đó là vợ chồng có quyền hưởng di sản của nhau khi người kia chết trước. Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức trong mọi trường hợp khi chồng chết, vợ đều là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng trừ trường hợp người vợ đã lấy chồng khác thì sẽ mất quyền thừa kế. Các quy định của pháp luật thừa kế sau này từ Pháp lệnh thừa kế 1990 đến Bộ luật Dân sự qua các giai đoạn 1995, 2005 và hiện nay đều kế thừa quy định tiến bộ này. Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 đề cập đến hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ hoặc chồng của người chết. Những người sẽ được hưởng di sản của nhau và được hưởng ở hàng thừa kế thứ nhất của nhau.
+ Cha, mẹ có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản thừa kế của con, cũng không có sự phân biệt nào hết4. Thậm chí, con riêng của vợ hoặc chồng đối với cha dượng mẹ kế cũng sẽ được hưởng di sản của nhau và ở hàng thừa kế thứ nhất nếu chứng minh được có chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con5.
+ Các con không có sự phân biệt con trong giá thú hay con ngoài giá thú, không phân biệt con gái hay con trai đều có quyền hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ6. Trong Bộ luật Hồng Đức cũng không phân biệt con trai, con gái, như con trai, con gái cũng được hưởng thừa kế tài sản của cha, mẹ: “nếu cha mẹ mất cả thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm phần hương hỏa giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau” (Điều 388), “người giữ hương hỏa nếu có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng” (Điều 391). Nguyên tắc con gái có quyền thừa kế như con trai đã được thiết lập dưới nền pháp chế nguyên sơ và được bảo tồn trong tục lệ. Bởi vậy, mặc dù luật Gia Long không định nghĩa rõ ràng thuật ngữ “con” khi nói về quyền hưởng di sản của người thân thuộc, các thẩm phán thời kỳ thuộc địa vẫn quyết định rằng con trai và con gái có quyền hưởng di sản ngang nhau. Nguyên tắc không phân biệt giới tính trong quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ, con cái được chính thức công nhận trong các Bộ luật dân sự Bắc, Trung kỳ và trong luật viết đương đại.
Nguyên tắc này là một đặc trưng của pháp luật về thừa kế của nước ta hiện nay so với các nước trên thế thế giới. Chẳng hạn ở Pháp, con ngoại hôn (con ngoài giá thú) bao giờ cũng chỉ được thừa kế phần di sản bằng ½ phần di sản mà con chính hôn (con trong giá thú) được hưởng, con nuôi chỉ được hưởng phần di sản bằng ½ phần di sản mà con đẻ chính hôn được hưởng7.
Ngoài ra hiện nay, với sự phát triển của khoa học, sự tiến bộ của xã hội và để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của người phụ nữ thực hiện được thiên chức của mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ khi họ không thể sinh con bằng con đường tự nhiên, pháp luật đã đặt ra quy chế pháp lý trong việc xác định cha, mẹ cho con theo phương pháp khoa học. Theo Điều 21 Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học “con được sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho trứng, cho phôi”. Như vậy, giữa đứa trẻ và người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi không có mối quan hệ cha mẹ và con về mặt pháp lí và không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên, cha mẹ về mặt pháp lý sẽ là những người được hưởng di sản của đứa trẻ và ngược lại.
+ Những người thân thích khác của người chết được hưởng di sản của người đó một cách ngang nhau nếu họ cùng một hàng thừa kế. Chẳng hạn, ông bà có quyền ngang nhau khi hưởng di sản của cháu mà không phân biệt ông hay bà, ông bà nội hay ngoại; các cháu không phân biệt cháu nội hay ngoại, cháu trai hay gái luôn có quyền ngang nhau khi hưởng thừa kế; anh, chị, em ruột có quyền ngang nhau khi hưởng di sản mà không phân biệt anh trai, chị gái, em trai, em gái;… cũng như không phân biệt cô, dì, chú, bác, cậu ruột khi hưởng di sản,…
+ Bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế giữa cá nhân với pháp nhân, với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, với Nhà nước. Đặc biệt với quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự khẳng định vấn đề bình đẳng giữa các chủ thể với nhau trong việc xác định người thừa kế: “người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.” Dù người thừa kế là cá nhân hay là một pháp nhân vẫn sẽ được hưởng di sản thừa kế như nhau căn cứ vào di chúc của người để lại di sản thừa kế. Dù là Nhà nước đóng vai là người thừa kế cũng sẽ chỉ được hưởng phần di sản được định đoạt trong di chúc. Mọi chủ thể như nhau trong vai trò là người thừa kế. Đây là một quy định mới mà trước kia Bộ luật Dân sự 2005 chưa được ghi nhận một cách minh thị.
Ngoài ra, khi đề cập đến nguyên tắc bình đẳng trong chế định thừa kế thì ta phải đề cập đến những khía cạnh khác.
Khi ta bàn đến vấn đề bình đẳng trong việc để lại di sản thừa kế thì ta phải đề cập đến vấn đề bình đẳng trong việc sử dụng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của mỗi một dân tộc để lập di chúc định đoạt di sản thừa kế. Trước khi theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005, “người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”. Bộ luật Dân sự 2005 quy định một cách minh thị trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc để lập di chúc. Quy định minh thị nhằm hướng đến thể hiện rõ sự bình đẳng không phân biệt ngôn ngữ trong lập di chúc. Tuy nhiên hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không còn đề cập đến yếu tố ngôn ngữ trong vấn đề lập di chúc. Khi không đề cập có nghĩa là các chủ thể có thể tự do trong việc lựa chọn ngôn ngữ mà không có một sự hạn chế nào. Không đề cập còn có nghĩa là không phân biệt tiếng Việt với các tiếng của vùng dân tộc khác như tiếng của dân tộc Tày, dân tộc Nùng, dân tộc Ê đê,…
Khi đề cập đến tài sản được nhận thừa kế, chúng ta thấy nếu có thừa kế theo di chúc thì những người nhận di sản thừa kế sẽ được thừa kế theo phần định đoạt trong di chúc. Nếu chia thừa kế theo pháp luật, những người được nhận thừa kế sẽ được hưởng một phần chia theo pháp luật như nhau đối với những người trong cùng một hàng thừa kế. Như vậy ở đây, các chủ thể đã có sự bình đẳng trong việc hưởng giá trị phần di sản mà mình được chia. Không có sự phân biệt nào cả, nếu cùng hàng thừa kế thì sẽ được hưởng phần di sản thừa kế là như nhau.
4. Kết luận
Nguyên tắc bình đẳng về quyền thừa kế là nguyên tắc cơ sở cho việc xác định những người trong cùng một hàng được hưởng di sản ngang nhau. Ngoài ra, nó còn là cơ sở để rũ bỏ nhiều tư tưởng lạc hậu từ thời kỳ phong kiến, như: tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong chế định thừa kế. Thông qua nguyên tắc này, các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thừa kế có thể đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Tài liệu trích dẫn:
1 Pháp lệnh số 25/L/CTN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
2 Điều 492 Bộ luật Dân sự 2015.
3 Thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb. Chính trị Quốc gia, trang 44.
4 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
5 Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015.
6 Điều 651, 653 Bộ luật Dân sự 2015.
7 Thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn ứng dụng, Nxb. Chính trị Quốc gia, trang 45.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp 2013.
2. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945.
3. Bộ Dân luật Bắc kỳ, Bộ Dân luật Trung Kỳ.
5. Luật Hồng Đức.
6. Pháp lệnh Thừa kế.
7. Bộ luật Dân sự 1995, 2005, 2015.
8. Bộ luật Dân sự Pháp.
9. Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học.
10. Pháp lệnh số 25/L/CTN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
11. Thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb. Chính trị Quốc gia.

EQUAL PRINCIPLE IN INHERITANCE LAW OF VIETNAM

LLM. NGUYEN THANH THU

Lecturer of School of Law – Can Tho University

ABSTRACT:

Equal principle is the first important rule in civil relations vaø express the fundamental of civil relations nature. Especially, equal principle in inheritance law is the basic rule to identify heirs at the same level shall be entitled to equal shares of the estate. Besides, it is also the basic to eliminate the discrimination between women and men, wife and husband from the feudal society. Through this principle, every person and legal person have the same rights to inherit estate. Furthermore, this principle ensures that rights of inheritance are recognized, respected, protected and guaranteed under the law. In this article, the author analyzes the principle of equality in inheritance relations as shown in how to best protect the legitimate rights and interests of the subjects involved in the inheritance relationship.

Keywords: Equal principal, inheritance, rights of inheritance, equal principal in inheritance, equality between men and women, equality between wife and husband.