Nguyên tắc tự do thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

TS. ĐỖ HỒNG QUYÊN  (Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (HĐMBHHQT) là căn cứ pháp lý cho một loại giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng giữa các bên đều được thực hiện trên nền tảng của quyền tự do hợp đồng (HĐ), của sự bình đẳng và thỏa thuận trong quan hệ dân sự. Điều khoản giải quyết tranh chấp (GQTC) trong HĐMBHH là một loại điều khoản mà được các bên quan tâm, đàm phán, soạn thảo và xây dựng trong nội dung của HĐMBHHQT. Bài viết đề cập đến nguyên tắc tự do thỏa thuận (TDTT) điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT dưới góc độ nghiên cứu các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

Từ khóa: điều khoản giải quyết tranh chấp, Tự do thỏa thuận điều khoản hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Điều khoản GQTC trong HĐMBHHQT là điều khoản được các chủ thể của HĐMBHHQT thỏa thuận, xây dựng nên nhằm xác định phương thức, pháp luật áp dụng để xử lý những xung đột về lợi ích giữa các bên được phát sinh từ HĐ. Điều khoản GQTC là một trong những nội dung của HĐ nên nguyên tắc TDTT điều khoản này thuộc nội hàm của nguyên tắc tự do hợp đồng (NTTDHĐ). NTTDHĐ được hiểu là các bên có quyền TDTT, tự do xác lập các quyền và nghĩa vụ HĐ không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Nội hàm của NTTDHĐ sẽ bao gồm: quyền tự do xác định đối tác; tự do xác định đối tượng HĐ; tự do xác định nội dung hợp đồng (quyền và nghĩa vụ của các bên); tự do xác định các biện pháp  pháp lý do vi phạm nghĩa vụ HĐ; tự do xác định phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh; tự do lựa chọn hình thức HĐ và các quyền tự do khác.

2. Pháp luật quốc tế về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Quyền TDTT điều khoản GQTC thuộc nội hàm của NTTDHĐ, bởi vậy nó đã được đề cập tới trong các văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh quan hệ HĐ nói chung và quan hệ HĐMBHHQT nói riêng, trước hết phải kể đến đó là: Bộ nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Công ước Viên 1980 về HĐMBHHQT (CISG), Bộ Nguyên tắc Luật hợp đồng châu Âu (PECL).   

Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) của Viện Thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) là một văn bản quốc tế có giá trị thống nhất những quy định chung điều chỉnh đối với lĩnh vực HĐ thương mại quốc tế (TMQT). Phiên bản đầu tiên của PICC được ban hành vào năm 1994, do những biến đổi không ngừng của TMQT, cho đến nay PICC đã trải qua 3 kỳ sửa đổi, bổ sung; bản thứ hai được xuất bản vào năm  2004; bản thứ 3 được xuất bản năm 2010 và bản thứ 4 được xuất bản 2016. Tuy nhiên, với cả 4 kỳ xuất bản, PICC vẫn luôn đặt NTTDHĐ ngay tại điều khoản đầu tiên (Điều 1.1) với tên gọi “Freedom of contract”, theo đó: Tự do là một nguyên tắc cơ bản trong bối cảnh TMQT; Người kinh doanh có quyền tự do chọn người mà họ sẽ cung cấp hàng hoá, dịch vụ; TDTT các điều khoản của giao dịch,... Điều đó có nghĩa là các bên trong HĐ được tự do lựa chọn việc tham gia HĐ, tự do lựa chọn đối tác, tự do thống nhất nội dung, tự do thỏa thuận những điều khoản chung và những điều khoản đặc thù đối với HĐ đó. 

Công ước Viên năm 1980 của tổ chức Liên hợp quốc về HĐMBHHQT (CISG), ngày nay được xem là văn bản pháp lý quốc tế thành công nhất góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế, kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/1/1988 cho đến nay CISG đã có 85 thành viên. CISG được xây dựng với 4 phần, 101 Điều khoản, gồm các nội dung chính là: Tiêu chí xác định HĐMBHHQT; Phạm vi áp dụng CISG; Giao kết HĐMBHHQT; Nghĩa vụ của bên bán và bên mua; Các biện pháp khắc phục vi phạm HĐMBHHQT. Mặc dù CISG không xây dựng một điều khoản cụ thể “Freedom of contract”, Công ước tại các Điều 92, 93 và Điều 94 đã cho thấy sự tôn trọng NTTDHĐ rất rõ ràng. HĐ mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của HĐ. HĐ có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả những lời khai của nhân chứng,...[1] Theo đó, các bên trong HĐMBHHQT có quyền vận dụng NTTDHĐ, TDTT các điều khoản để tiến hành giao kết HĐ dưới mọi hình thức.

Bộ Nguyên tắc của Luật hợp đồng châu Âu (PECL) là văn bản pháp lý quốc tế do Ủy ban Luật hợp đồng châu Âu xây dựng với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của Cộng đồng châu Âu. Cũng giống như CISG, PECL được xem là bộ nguyên tắc hữu ích trong việc điều chỉnh HĐ mua bán quốc tế. Tuy nhiên, PECL mới chỉ được áp dụng đối với những HĐMBHHQT có liên quan đến châu Âu.[2] Một trong những nguyên tắc hữu ích điều chỉnh HĐMBHHQT đó là NTTDHĐ, nó được xem là nguyên tắc xuyên suốt trong các quy định của PECL.  

NTTDHĐ được quy định tại Điều 1:102 của PECL, theo đó các bên có quyền tự do giao kết HĐ và quyết định nội dung HĐ, tùy thuộc vào sự thiện chí, tính công bằng và các quy định bắt buộc của PECL. Bên cạnh đó, để tuyệt đối hóa NTTDHĐ, tại Điều 2:301 PECL ghi nhận quyền tự do đàm phán của các bên HĐ của giai đoạn tiền HĐ “không phải chịu trách nhiệm khi không đạt được thỏa thuận” nhưng cũng vẫn có quy định ràng buộc trách nhiệm của một bên, khi bên đó không thiện chí trong đàm phán, phá hủy đàm phán “nếu một bên đàm phán hoặc phá hủy đàm phán trái với thiện chí và công bằng, thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho bên kia”.

Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận HĐTMQT nói chung và HĐMBHHQT nói riêng, các bên trong HĐ có quyền tự do thỏa thuận nội dung của HĐ với nhiều điều khoản khác nhau, trong đó có điều khoản GQTC.

Trên cơ sở NTTDHĐ trong các văn bản pháp lý quốc tế, tự do thỏa thuận điều khoản GQTC trong HĐMBHHQT là quyền hợp pháp của các bên HĐ và đã được pháp luật quốc tế ghi nhận cụ thể tại nhiều văn bản khác như: Công ước La haye năm 1955 về Luật áp dụng trong HĐMBHHQT, Công ước La haye năm 1958 về quyền tài phán của cơ quan phân xử được lựa chọn trong MBHHQT, Công ước La haye năm 1986 về Luật áp dụng cho HĐMBHHQT, Công ước La haye năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn toà án,… Theo đó, các bên HĐ thực hiện quyền TDTT để lựa chọn phương thức cụ thể để GQTC, pháp luật áp dụng cho HĐ. Ví dụ như khi các bên đã lựa chọn cơ quan GQTC là tòa án nào đó thì các tòa án khác có nghĩa vụ từ chối thẩm quyền giải quyết của mình: tòa án quốc gia thành viên không được lựa chọn phải có nghĩa vụ từ chối thẩm quyền khi có thỏa thuận lựa chọn tòa án riêng biệt,… Phán quyết được tuyên bởi tòa án được lựa chọn phải được công nhận và thi hành trên lãnh thổ của quốc gia thành viên khác[3]. Hay đối với nội dung lựa chọn pháp luật áp dụng hợp đồng của điều khoản thì quyền TDTT của các bên HĐ được ưu tiên áp dụng với các quy định cụ thể như: … trong trường hợp không có sự lựa chọn luật của các bên trong hợp đồng thì do luật nước người bán cư trú thường xuyên điều chỉnh hoặc trên cơ sở của nước người bán nơi nhận được đơn đặt hàng[4] hoặc quy định: luật của quốc gia nước người bán hoặc người mua được áp dụng khi không có sự lựa chọn trước đó của các bên[5].

Tuy nhiên, sự tự do HĐ, tự do thỏa thuận điều khoản GQTC sẽ được xem là sự tự do trong khuôn khổ nhất định. Pháp luật quốc tế bên cạnh các quy định về bảo vệ quyền TDTT của các bên cũng còn có các quy định mang ý nghĩa tôn trọng chủ quyền của quốc gia thành viên, như việc xây dựng các quy định về “bảo lưu” trong phần thứ tư của CISG là một ví dụ.

Tại khoản 1, Điều 5 của Công ước La haye năm 2005 về thỏa thuận tòa án có quy định: tòa án được lựa chọn có thẩm quyền GQTC trừ khi thỏa thuận đó vô hiệu theo pháp luật của quốc gia. Theo đó, pháp luật quốc gia sẽ được dẫn chiếu để xem xét tính hiệu lực của thỏa thuận, khi đó tuy rằng quyền tự do lựa chọn của các bên HĐ được pháp luật quốc tế bảo vệ nhưng sự lựa chọn của các bên không trái với pháp luật quốc gia. Ví dụ theo đoạn 1, Điều 21, Luật Tư pháp quốc tế của Vương Quốc Bỉ quy định: “Việc áp dụng một quy định của pháp luật nước ngoài được lựa chọn theo quy định của đạo luật này sẽ bị từ chối nếu hậu quả của việc áp dụng trái với trật tự công cộng”; hay tại Bộ luật Dân sự của CHLB Đức: “Quy định của pháp luật nước ngoài sẽ không được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Đức. Cụ thể sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu việc áp dụng xâm phạm đến các quyền dân sự”; hay quy định tại Đạo luật về tư pháp quốc tế của Liên Hợp Anh đã không có quy định nào “cho phép việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết các vấn đề phát sinh tranh chấp mà trái với nguyên tắc trật tự công cộng[6].

Như vậy, có thể thấy rằng, TDTT điều khoản GQTC trong HĐMBHHQT là được dựa trên nền tảng của NTTDHĐ. Khi mà TMQT ngày càng phát triển, việc bảo vệ NTTDHĐ, TDTT điều khoản của HĐ càng cần được chú trọng không chỉ trong pháp luật quốc tế mà cả trong pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, cần hiểu NTTDHĐ, TDTT điều khoản GQTC là sự tự do trong khuôn khổ của pháp luật.    

3. Pháp luật Việt Nam về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong HĐMBHHQT là điều khoản được các bên chủ thể thỏa thuận xây dựng nên nhằm xác định phương thức, pháp luật áp dụng để xử lý những xung đột về lợi ích giữa các bên. Như vậy, TDTT điều GQTC trong HĐMBHHQT là việc pháp luật quy định các bên có quyền tự do lựa chọn luật áp dụng và phương thức GQTC.

TDTT điều khoản GQTC được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định ghi nhận trong các văn bản pháp lý cụ thể. Nguyên tắc TDTT điều khoản GQTC được pháp luật Việt Nam quy định trên cơ sở của nguyên tắc về quyền tự do giao kết hợp đồng là khá nhất quán, tại các văn bản cụ thể như: Hiến pháp 2013, theo đó “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Cụ thể hóa Điều 33 trên đây, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự[7]; Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định[8] Đối với hoạt động thương mại, quyền tự do hợp đồng được pháp luật chuyên ngành cụ thể hóa tại Luật Thương mại năm 2005: Các bên có quyền TDTT không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó; Và trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào[9].

TDTT điều khoản của HĐ được dựa trên nguyên tắc của quyền tự do hợp đồng, bởi vậy, các bên khi soạn thảo điều khoản GQTC HĐMBHHQT được tự do thể hiện ý chí của mình trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện và thỏa thuận. Theo đó, TDTT điều khoản GQTC HĐMBHHQT được pháp luật Việt Nam ghi nhận ở nhiều văn bản pháp lý khác nhau, không chỉ ở văn bản pháp luật chung mà còn ở cả văn bản pháp luật chuyên ngành.

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng trong HĐMBHHQT được ghi nhận tại khoản 1 Điều 683. Theo đó: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng,... Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng”. Như vậy, quy định này đã ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về luật áp dụng đối với hợp đồng, điều khoản này của BLDS chính là cơ sở đầu tiên để xác định luật áp dụng cho HĐMBHHQ. Điều đó có nghĩa là các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và chỉ khi nào các bên không có thỏa thuận về luật điều chỉnh hợp đồng, thì pháp luật của nước nơi có mối liên hệ gắn bó mật thiết nhất với hợp đồng đó mới là căn cứ để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong trường hợp này, luật nơi gắn bó mật thiết nhất với hợp đồng được xem là luật nước nơi cư trú của người bán (nếu là cá nhân) hoặc là nơi thành lập (nếu là pháp nhân)[10]. Như vậy, với quy định về tự do hợp đồng được ghi nhận trong pháp luật dân sự của pháp luật Việt Nam đã cho thấy sự tương thích và hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đối với việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng.

TDTT điều khoản GQTC hợp đồng còn được pháp luật Việt Nam ghi nhận với các nội dung khác nhau. Đó là các bên có quyền TDTT lựa chọn phương thức, thẩm quyền GQTC. Ví dụ như, Điều 317, Luật Thương mại năm 2005 đưa ra các hình thức GQTC để các bên lựa chọn đó là: “Thương lượng giữa các bên; Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải; Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án”.

Bên cạnh những quy định chung điều chỉnh hoạt động thương mại trong BLDS 2015, Luật Thương mại 2005 còn có một số văn bản luật chuyên ngành khác cũng ghi nhận nguyên tắc TDTT, tự do thể hiện ý chí trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện. Ví dụ như Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 khi quy định về GQTC, tại khoản 3 Điều 108 có quy định: “Các tranh chấp về ngoại thương giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài do các thương nhân giải quyết theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Như vậy, quyền TDTT, lựa chọn của các bên trong quan hệ hợp đồng cũng được pháp luật chuyên ngành tôn trọng.

Đối với phương thức GQTC bằng tố tụng Tòa án, tại khoản 11, Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Theo đó, các đương sự “Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hòa giải do Tòa án tiến hành”; “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này[11]. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng còn có quy định đối với trường hợp các bên hợp đồng có những thỏa thuận ngay tại thời điểm chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể ra quyết định “công nhận sự thỏa thuận của các đương sự[12]. Quy định này cho thấy quyền TDTT của các bên, quyền tự do lựa chọn phương thức GQTC của các bên cũng đã được pháp luật tố tụng tuyệt đối hóa.

Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng có quy định ghi nhận sự TDTT của các bên tranh chấp đối với luật áp dụng GQTC đó là phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, trọng tài chỉ có quyền quyết định khi không có ý kiến của các bên liên quan đến nội dung thỏa thuận này hoặc các bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận đó không có giá trị GQTC. Điều 14 Luật Trọng tài thương mại quy định: “… đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; Nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất…[13].

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bên tham gia HĐMBHHQT có quyền TDTT, lựa chọn pháp luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, lựa chọn phương thức GQTC và xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự tự do lựa chọn đó sẽ được thực thi trong khuôn khổ pháp lý nhất định. Ví dụ như: đối với quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng, tương tự như pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam đã có những quy định hạn chế quyền tự do của các bên hợp đồng, theo đó các bên khi thiết lập quan hệ HĐMBHHQT sẽ bị ràng buộc bởi các quy định về hạn chế áp dụng pháp luật quốc tế (trường hợp bảo lưu) và không áp dụng pháp luật nước ngoài trong hai trường hợp: (1) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; và (2) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng[14]. Theo quy định này, việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong nội dung của điều khoản GQTC trong HĐMBHHQT sẽ bị hạn chế trong trường hợp sau:

Khi có sự khác biệt giữa pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam, việc áp dụng pháp luật nước ngoài có khả năng gây ra những tác động không tích cực, ảnh hưởng tới trật tự pháp luật mang tính nền tảng của pháp luật Việt Nam thì cần thiết phải từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài. Cụ thể pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu sẽ không áp dụng trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp thứ hai là, nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng như đã nêu trên sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam (Điều 670 BLDS năm 2015).

Việc từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ được xem là hợp pháp bởi nó được dựa trên nguyên tắc “bảo lưu trật tự công cộng” trong tư pháp quốc tế Việt Nam, điều này được ghi nhận tại nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam bao gồm pháp luật chung và cả pháp luật chuyên ngành, như BLDS năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005:  “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng[15]; “Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán TMQT nếu pháp luật nước ngoài, tập quán TMQT đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam[16].

Khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sau khi đã thực hiện các biện pháp cần thiết để xác định nội dung pháp luật nước ngoài để áp dụng mà vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật nước ngoài, nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên liên quan thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài nữa mà sẽ vận dụng pháp luật Việt Nam thay thế cho pháp luật nước ngoài với tư cách là pháp luật của nước có liên quan giải quyết vụ việc.

4. Kết luận

Như vậy, việc tham gia giao kết và thực hiện một hợp đồng TMQT nói chung và HĐMBHHQT nói riêng thì các bên có quyền tự do thỏa thuận, lựa chọn một nguồn pháp luật để điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo hợp đồng cũng như là việc tự do thỏa thuận xác định thẩm quyền GQTC khi tranh chấp phát sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại của pháp luật Việt Nam và đó cũng là nguyên tắc phổ biến trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước khác trên thế giới.

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Xem Điều 11, CISG 1980.

[2] Đại học Luật Hà Nội (2014). Giáo trình (dịch từ tiếng Luật Kinh doanh và Thương mại quốc tế)

[3] Công ước La haye năm 2005 về thoả thuận lựa chọn toà án.

[4] Điều 3, Công ước La haye năm 1955 về luật áp dụng hợp đồng MBHHQT

[5] Điều 8, Công ước La haye năm 1986 về luật áp dụng cho hợp đồng MBHHQT

[6] Trần Minh Ngọc, Nguyễn Thu Thủy, (2018), Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của BLDS 2015, NXB Lao Động, tr. 57-58.

[7] Điều 385, BLDS năm 2015

[8] Điều 116, BLDS năm 2015.

[9] Điều 11, Luật Thương mại năm 2005.

[10] Xem Điểm a, khoản 2, Điều 683, BLDS 2015.

[11] Điều 10, BLTTDS năm 2015

[12] Khoản 3, Điều 203, BLTTDS năm 2015.

[13] Điều 14, Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

[14] Xem Điều 670, BLDS 2015.

[15] Xem Điều 666 BLDS năm 2015.

[16] Xem Điều 5 Luật Thương mại  năm 2005.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Nguyễn Minh Hằng (2012). Giáo trình Pháp luật Kinh doanh quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

 2. Nguyễn Thị Hồng Trinh (2010). Nguyên tắc tự do chọn luật cho hợp đồng từ Công ước Rome 1980 đến Quy tắc Rome I và nhìn về Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 6, 52-57.

 3. Bành Quốc Tuấn (2012). Hoàn thiện quy định về quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 19, 44-49.

 4. Trần Minh Ngọc, Nguyễn Thu Thuỷ (2018). Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của BLDS 2015, Nhà xuất bản Lao động.

 5.  Ewelina Kajkowska. (2017). Enforceability of Multi-Tiered Dispute Resolution Clauses Portland, Oregon, USA: Hart Publishing.

 6. Franco Ferarri. (2008). The CISG and its Impact on National Legal Systems. Munich, Germany: European Law Publishers GmbH.

7.  John D. Calamari, Joseph M. Perillo. (1987). The Law of Contracts, Third edition. USA: West Publishing Co.

The principle of freedom of contract in dispute settlement terms of the international sale and purchase of goods contract

Ph.D Do Hong Quyen

Thuongmai University

Abstract:

An international sale and purchase of goods contract is a legal basis for a type of civil transaction with foreign elements. The process of negotiating, drafting and signing a contract between parties is based on the freedom of contract, the equality and the mutual agreement in civil relations. Parties in the international sale and purchase of goods contract also pay attention to dispute settlement terms. This paper is abouut the principle of freedom of contract in dispute settlement terms of the international sale and purchase of goods contract from the perspective of studying the provisions of international law and Vietnamese law.

Keywords: dispute settlement terms, freedom of contract, contracts for the international sale of goods.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]