Nhà máy alumin Tân Rai: Hiệu quả nhưng không chủ quan

Đánh giá về hiệu quả của dự án Tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là dự án nhà máy alumin Tân Rai) trong chuyến thăm và làm việc tại dự án này mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng địn


Kết quả bước đầu của dự án nhà máy alumin Tân Rai cho thấy chủ trương của Bộ Chính trị về khai thác bauxite để sản xuất ra alumin và từ alumin sẽ là triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng và Tây Nguyên là chủ trương đúng.

Hiệu quả ban đầu

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, sau hơn 1 năm tổ chức vận hành dự án, đã khắc phục các tồn tại của dây chuyền và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Những tháng đầu sau khi nhận bàn giao, nhà máy đã chủ động giảm tải vận hành ở công suất khoảng từ 60-70% so với công suất thiết kế để điều chỉnh khắc phục những tồn tại và vệ sinh công nghiệp.

Đến cuối năm 2014, nhà máy tăng công suất vận hành và có những tháng đã đạt 90% công suất thiết kế. Công suất bình quân cả năm đã đạt 75% công suất thiết kế.

Nhờ đó, sản phẩm alumin sản xuất đều đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí tốt hơn tiêu chuẩn alumin xuất khẩu. Vì vậy, phần lớn sản phẩm alumin của nhà máy được xuất khẩu và hiện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã ký hợp đồng bán alumin với 11 khách hàng từ các nước Thụy Sĩ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Giá bán alumin ngày càng có chiều hướng khởi sắc, bình quân đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn với dự toán ban đầu là 325 USD/tấn.

Đối với thị trường trong nước, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với gần 20 khách hàng để sử dụng cho các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và hóa chất. Nhờ đó, từ khi vận hành đến nay, tổng sản lượng alumin tiêu thụ đạt 663.000 tấn; trong đó xuất khẩu 490.000 tấn, đem lại nguồn thu ngoại tệ xấp xỉ 160 triệu USD. Sản phẩm do nhà máy sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, gần như không có tồn kho.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, cho hay hàng năm, nhà máy đã đóng góp vào sản xuất công nghiệp của địa phương 3.500 tỷ đồng, chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương; nộp ngân sách cho tỉnh 210 tỷ đồng.

Nếu nhà máy hoạt động hết công suất thì con số sẽ tăng tương ứng 4.500 tỷ đồng và nộp ngân sách tăng lên 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiệu quả xã hội rõ nhất của dự án này là giải quyết việc làm cho 1.200 người với mức lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh số lượng lao động làm việc tại nhà máy còn có lực lượng lao động phụ trợ là 12.000 người.

Hiện nay, nhà máy đã thực hiện tái cơ cấu từ mô hình hai cấp về một cấp gồm Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo điều hành, 12 phòng ban và 15 phân xưởng sản xuất với tổng số cán bộ công nhân viên là 1.450 người.

Trong thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục tiếp cận sâu hơn về công nghệ, hạn chế để xảy ra các sự cố, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm dần các chỉ tiêu hao nguyên vật, liệu và xử lý tốt các tình huống công nghệ phát sinh trong thực tế hoạt động. Đồng thời, củng cố cải tiến hoàn thiện toàn bộ dây chuyền đảm bảo duy trì sản xuất ổn định để hoàn thành kế hoạch năm nay sẽ sản xuất 540.000 tấn alumin, phấn đấu năm 2016 nâng công suất thiết kế lên 630.000 tấn alumin.

Không chủ quan về môi trường

Vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất alumin được dư luận rất quan tâm, vì vậy Công ty Nhôm Lâm Đồng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) đã rà soát toàn bộ bổ sung đầy đủ trang thiết bị an toàn cho tất cả các khâu trong dây chuyền sản xuất; hoàn tất các hồ sơ thủ tục pháp lý, xây dựng và triển khai huấn luyện các biện pháp phòng ngừa, ứng cứu sự cố hóa chất.

Cùng với việc quan tâm xử lý vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình vận hành sản xuất, công ty cũng thực hiện quan trắc môi trường định kỳ 4 lần/năm theo quy định.

Các cơ quan quản lý Nhà nước tại Lâm Đồng, Tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường... cũng đã tiến hành kiểm tra định kỳ và kết quả kiểm tra cho thấy các thông số môi trường đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác hoàn thổ ngay trong quá trình khai thác, hoàn nguyên ngay sau khi kết thúc khai thác theo hình thức cuốn chiếu (khai thác xong đến đâu tiến hành hoàn thổ ngay đến đó).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá, đến nay các thông số về môi trường đều ở dưới ngưỡng cho phép và khai thác quặng tới đâu hoàn nguyên tới đó.

Hiện đất đã giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam vì vậy, Tập đoàn có thể lập thêm dự án để cải tạo đất thành vòng khép kín (tức là sau khi hoàn nguyên có thể trồng càphê, cao su và tốt nhất là trồng cao su vì đây là cây công nghiệp dài ngày góp phần đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.)

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, vấn đề lo nhất về môi trường là bùn đỏ nhưng đến nay nhà máy đã làm đến hồ thứ 3 và có thể coi như an toàn nhưng không vì thế chủ quan mà cần phải kiểm soát và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nhà máy đã xử lý thành công về công nghệ nhưng trong bùn đỏ có hàm lượng sắt chiếm từ 40-46% và từ đây có thể sản xuất sắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam phải tiếp nhận vận hành tốt nhà máy vì đây là công nghệ khá hiện đại. Trong năm 2015 cần nâng hết công suất ở mức an toàn để năm 2016 đạt 100% công suất thiết kế.

Ngoài ra, khi nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định cần tiến hành cổ phần hóa, cho tư nhân tham gia và cho các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần để mở rộng quy mô sản xuất nhôm, chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào sản xuất sắt từ bùn đỏ.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn đã làm việc với Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam về sản xuất sắt từ bùn đỏ. Việc nghiên cứu sản xuất sắt từ bùn đỏ dù không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng sẽ góp phần giải quyết vấn đề về môi trường cũng như vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất./.