Nhật Bản phát tín hiệu sẽ tung ra gói kích thích kinh tế lớn để đối phó sự lan rộng của dịch virus Covid-19

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa phát đi tín hiệu cho biết sẽ có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng, đe doạ tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Nhật trong năm 2020.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết BOJ sẽ giám sát chặt chẽ các diễn biến của thị trường và dịch bện và sẽ cố gắng đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường cũng như sự ổn định của các thị trường tài chính thông qua các nghiệp vụ phù hợp và mua vào các tài sản. Thông báo này cho thấy BOJ sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các khoản tài chính vào thị trường trước khi cân nhắc các bước đi tiếp theo.

Việc duy trì tính thanh khoản trên thị trường về cơ bản là BOJ cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho các ngân hàng để đảm bảo hệ thống ngân hàng sẽ đáp ứng được sự gia tăng đột biến của nhu cầu về tiền mặt. Trong khi đó, việc đẩy mạnh thu mua các loại tài sản sẽ giúp giảm lãi suất trong dài hạn hoặc giúp hỗ trợ giá các loại chứng khoán.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng vừa cho biết nước này sẽ lập một gói chi tiêu khẩn cấp thứ 2 để giúp nền kinh tế nước này đối phó với sự lan rộng của dịch virus Covid-19; chi tiết gói chi tiêu này sẽ được công bố vào khoảng ngày 10/3. Gói chi tiêu khẩn cấp này sẽ được trích từ quỹ dự phòng trị giá khoảng 270 tỷ Yên Nhật (khoảng 2,5 tỷ USD) của Nhật Bản.  

người dân Nhật Bản đối phó với dịch virus Covid-19
 Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng (Ảnh: REUTERS/Ahit Perawongmetha)

Trước đó, Nhật Bản đã tung gói chi tiêu khẩn cấp trị giá 15,3 tỷ Yên Nhật để hỗ trợ nền kinh tế nước này trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19. Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ông Shinzo Abe cho biết chính phủ nước này sẽ thực thi các biện pháp cần thiết bao gồm việc trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối phó với các biến động trên thị trường tài chính.

Chính phủ sẽ cẩn thận theo dõi diễn biến thị trường và thực hiện ngay các biện pháp nếu cần để không cho dịch virus Covid-19 trở thành mối đe doạ với nền kinh tế Nhật”, ông Shinzo Abe khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi thực thi một chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ khổng lồ để kích thích nền kinh tế và khiến lãi suất ngắn hạn xuống mức -0,1%, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%, BOJ gần đây cho thấy đã ngần ngại trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ hơn nữa do lo ngại hệ thống tài chính của nước có thể bị tổn hại.

Nhật Bản hiện đang đối mặt với nguy cơ “suy thoái kỹ thuật” – hai quý liên tiếp tăng trưởng kinh tế ở mức âm trong bối cảnh dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2020 của nước này sẽ rơi xuống mức -0,25% bởi dịch virus Covid-19.

Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị đứt vỡ, gây ra các khó khăn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản; suy giảm lượng khách du lịch Trung Quốc – nguồn thu quan trọng với ngành du lịch Nhật Bản; sụt giảm xuất khẩu sáng Trung Quốc; các sự kiện thương mại bị huỷ bỏ trên khắp Nhật Bản và người tiêu dùng nước này có xu hướng giảm chi tiêu hơn nữa.  

Trong quý 4/2019, tăng trưởng GDP của Nhật Bản đã rơi xuống mức -6,3%, chấm dứt mạch tăng trưởng kéo dài 4 quý liên tiếp.Việc tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% kết hợp với việc thời tiết ấm hơn thường lệ đã làm giảm mạnh nhu cầu mua sắm của người dân Nhật Bản được cho là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng GDP của nước này suy giảm.

Vào cuối năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên đến 239 tỷ USD với kỳ vọng giúp nền kinh tế nước vượt qua các rủi ro nguy cơ tăng trưởng toàn cầu chậm lại do các xung đột thương mại và nguy cơ tiêu dùng giảm do tăng thuế. Đây là gói kích thích kinh tế lớn nhất của Nhật Bản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2003.

Quang Đặng