Nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo giữa Việt Nam - Nauy

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam mong muốn hợp tác với Na Uy về năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực, phát triển hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, lắp đặt các công trình điện gió ngoài khơi.

Ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen.

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Na Uy về năng lượng tái tạo
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn hợp tác với Na Uy về năng lượng tái tạo và nâng cao năng lực, phát triển hạ tầng cảng biển...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy đã phát triển mạnh mẽ trong nửa thế kỷ qua. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi Na Uy là một trong những đối tác quan trọng về kinh tế, thương mại và mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.

Đồng tình với quan điểm này, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết, Na Uy tự hào là một trong các nước phương Tây đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

“Các công ty Na Uy sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng vì lợi ích chung và sự phát triển bền vững”, Đại sứ Na Uy Grete Lochen nhấn mạnh.

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Na Uy về năng lượng tái tạo
 Đại sứ Na Uy Grete Lochen nhấn mạnh, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng vì lợi ích chung và sự phát triển bền vững

Tại buổi làm việc, bà Grete Lochen đã trao đổi nhiều nội dung cụ thể liên quan đến tình hình phát triển năng lượng trên thế giới, tại Na Uy cũng như tại Việt Nam; Quy hoạch phát triển điện giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam...

Đại sứ Na Uy cho biết thêm, Tập đoàn Equinor - Tập đoàn lớn nhất của Na Uy trong phát triển điện gió ngoài khơi đang tìm hiểu về thị trường Việt Nam và mong muốn có cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang ở giai đoạn phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ giảm mạnh, các giải pháp về công nghệ tích hợp lưới điện thông minh phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam chuyển dịch năng lượng, từ nguồn năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững như điện mặt trời, điện gió trên bờ, ngoài khơi, nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam tính từ bờ biển ra khơi khoảng 200 km là 475 GW. Điện gió ngoài khơi có hệ số công suất khá cao, sản lượng điện biến đổi theo giờ thấp và giá công nghệ hiện đang trở nên cạnh tranh hơn.

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Na Uy về năng lượng tái tạo

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Na Uy về năng lượng tái tạo

Tại buổi làm việc, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen đã trao tặng Bộ Công Thương Việt Nam ấn phẩm Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy (1971 – 2021).

Bộ trưởng khẳng định, Báo cáo Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho phát triển điện gió tại Việt Nam là ấn phẩm rất cần thiết và hữu ích để Bộ Công Thương tham khảo trong quá trình hoàn chỉnh lộ trình phát triển, xây dựng chính sách, đồng bộ với kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, việc Equinor quan tâm đến đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là phù hợp với định hướng chính sách về phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, chuyển dịch năng lượng. Do đó, Bộ Công Thương sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp của Na Uy cũng như Tập đoàn Equinor trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của phía Na Uy nhằm nâng cao năng lực, phát triển hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, lắp đặt các công trình điện gió ngoài khơi.

An Hạ