Hiện tại, chỉ có vài thành viên trong khối OPEC như Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Kuwait và có thể cả Iraq là còn phần công suất dự phòng. Trong đó, Ả-rập Xê-út và UAE chiếm phần lớn. Công suất dự phòng là phần năng lực sản xuất lớn hơn so với mức sản lượng đang được khai thác hiện tại.

Nếu mở rộng ra toàn liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, thì ngay cả Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc nâng sản lượng khai thác. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Tình trạng thiếu hụt đầu tư mở rộng sản xuất và các trở ngại kỹ thuật đang khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc nâng công suất dự phòng cũng như sản lượng khai thác thực tế.

Tình trạng bất ổn tại Kazakhstan và Libya, những quốc gia thành viên liên minh OPEC+, đã cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ gặp cú sốc cung như nào nếu như công suất dự phòng tiếp tục suy giảm. Hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) ước tính mức công suất dự phòng của liên minh OPEC+ sẽ giảm còn 2,3 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2022 – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018.

Trong khi đó,  nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu được nhiều tổ chức kinh tế nhận định sẽ phục hồi về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào cuối năm nay. Làn sóng lây nhiễm mới do biến chủng Covid-19 Omicron gây ra hiện có tác động yếu hơn đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu so với các dự báo trước đây.

dự báo giá dầu
Nguồn cung dầu thô từ Nga nói riêng và liên minh OPEC+ có thể đạt đỉnh ngắn hạn trong vòng 2 tháng tới khi công suất dự phòng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (Ảnh: EURACTIV.com)

Ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận thị trường hàng hoá toàn cầu thuộc ngân hàng đầu tư Bank of America (Hoa Kỳ), nhận định nguồn cung dầu thô từ Nga cũng như từ liên minh OPEC+ sẽ đạt đỉnh ngắn hạn trong vòng 2 tháng tới và giá dầu thô có thể vượt mức 100 USD/thùng trong quý 2/2022.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cũng nhận định giá dầu thô có thể đạt mức 100 USD/thùng trong năm nay và tăng lên 105 USD/thùng trong năm 2023. Theo Goldman Sachs, giá dầu thô sẽ được nâng đỡ bởi tình trạng căng thẳng về nguồn cung, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng mạnh hơn dự kiến và xu hướng chuyển từ khí đốt sang dầu.

Đồng thời, Goldman Sachs dự báo lượng tồn trữ dầu thô của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào mùa hè năm nay sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, mức công suất dự phòng của liên minh OPEC+ sẽ giảm chỉ còn 1,2 triệu thùng/ngày, theo Goldman Sachs.

Trong khi đó, ngân hàng đầu tư JPMorgan (Hoa Kỳ) nhận định giá dầu thô có thể đạt 125 USD/thùng trong năm nay và lên tới 150 USD/thùng trong năm 2023. Hiện tại, một số quan chức OPEC cho rằng giá dầu thô hoàn toàn có khả năng đạt 100 USD/thùng khi liên minh OPEC+ gặp khó khăn trong việc tăng cường nguồn cung.