Nhôm làm linh kiện xe máy được đề nghị miễn trừ thuế chống bán phá giá

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được đơn đề nghị miễn trừ đối với sản phẩm nhôm dùng để sản xuất dập nóng linh kiện là bệ đỡ để chân bên trái của xe máy.

Cụ thể, sản phẩm được đề nghị miễn trì là nhôm hợp kim, dạng thanh, mặt cắt ngang hình tròn đặc chưa gia công với quy cách mác nhôm 2014, đường kính Ø30, được phân loại theo mã HS 7604.29.10.

Thành phần hóa học trong sản phẩm bao gồm: Si 0,5~1,2%; Mg 0,2~0,8%; Mn 0,4~1,2%; Fe <0,7%; Cr <0,1%; Ti <0,15%; Cu 3,5~5,0%; Zn 0,25%.

Mục đích sử dụng chính của sản phẩm là dùng để sản xuất dập nóng linh kiện là bệ đỡ để chân bên trái của xe mô tô (xe máy).

Khối lượng đề nghị miễn trừ biện pháp chống bán phá giá là khoảng 30 tấn/năm.

Hiện nay, sản phẩm nhôm mã HS 7604.29.10 có xuất xứ từ Trung Quốc đang chịu mức thuế chống bán phá giá 4,39-35,58%, theo Quyết định số 1282/QĐ-BCT ngày 20/4/2021 của Bộ Công Thương về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mức thuế chống bán phá giá có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày kể từ ngày Quyết định về kết quả rà soát có hiệu lực (tức kể từ 20/4/2021).

Để có căn cứ xem xét đề nghị miễn trừ (có hạn chế về khối lượng, số lượng hàng hóa được miễn trừ, mục đích được miễn trừ) của sản phẩm, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhôm này liên hệ với Cục và cho ý kiến về việc miễn trừ đối với sản phẩm này trước ngày 31/5/2021.

Thy Thảo