Báo cáo tài chính quý 4/2022 của công ty mẹ cho thấy Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP – sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 1.407,88 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Nhờ giá vốn hàng bán trong cùng kỳ giảm 17,6% nên lợi nhuận gộp của công ty trong quý 4/2022 đạt 460,6 tỷ đồng, tăng gần 70% so với quý 4/2021; đồng thời, biên lợi nhuận gộp của công ty được cải thiện từ 19,6% lên 33,4%.

Sau khi khấu trừ đi khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4/2022 đạt 245,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong quý 4/2022 đang có dấu hiệu hụt hơi so với các quý trước.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 vào ngày 19/1/2023, mã cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh giảm nhẹ 0,16%, đạt 63.400 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Diễn biến giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh kể từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: FireAnt)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, luỹ kế cả năm 2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.824,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 696,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và tăng 224% so với năm 2021. Nếu so với mục tiêu kinh doanh năm 2022 đề ra, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành mục tiêu doanh thu và thực hiện 155,4% mục tiêu lợi nhuận. Chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2022 của công ty đạt 8.505 đồng.

Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh của Nhựa Bình Minh xem tại đây.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.039,8 tỷ đồng, tăng 7,1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền cùng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt tổng 1.323,5 tỷ đồng, chiếm 43,5% tổng tài sản; hàng tồn kho đạt 570,7 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng tài sản. Đối với nguồn vốn, nợ phải trả của công ty trong năm 2022 đã giảm mạnh 23,5% xuống còn 416,5 tỷ đồng; chủ yếu nhờ nợ ngắn hạn giảm.

Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam, chiếm hơn 45% thị phần tại thị trường miền Nam. Vị thế đầu ngành giúp công ty có sự cạnh tranh cao và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm trong bối cảnh rào cản gia nhập ngành nhựa hiện tương đối thấp.

Bên cạnh đó, công ty mẹ của Nhựa Bình Minh là Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina cũng là một trong những nhà sản xuất hạt nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, qua đó giúp đảm bảo biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh. Đây là lợi thế mà những doanh nghiệp cùng ngành hiện chưa có được.