rcep

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký kết Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Từ thuận lợi hóa thương mại…

Điểm nổi bật nhất của “Siêu Hiệp định” Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là quy mô kinh tế. Nếu  USMCA - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có quy mô kinh tế chiếm 27%; EVFTA khoảng 21%, CPTPP khoảng 13,5%, thì RCEP là khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất, chiếm tới 30% GDP thế giới.

Thế nhưng, điều dư luận quan tâm nhất lại là, ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 5 nước đối tác, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, vậy tại sao còn sinh ra RCEP - cũng bao gồm các thành viên tham gia thuộc 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand?

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định RCEP không chỉ có tính chất khác xa so với 5 FTA mà ASEAN đã ký với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, mà cũng khác xa với các FTA thế hệ mới ta tham gia gần đây như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), CPTPP hay EVFTA.

Điểm dễ nhận thấy nhất là, nếu EAEU, CPTPP, EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP hướng đến 2 nội dung cơ bản, khác biệt so với các FTA khác. Một là tạo ra khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại. Hai là tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

Ở nội dung thứ nhất, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

Đây là điểm mà các nước và doanh nghiệp ASEAN đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, Ủy ban Tham vấn chung về thuận lợi hóa thương mại ASEAN đã có rất nhiều cuộc họp. Bên cạnh các cuộc họp nội khối, còn có cả các cuộc họp của Hội đồng Kinh doanh EU – ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN.

Đến nay, các thành viên ASEAN đã nhất trí thực hiện các nguyên tắc chỉ đạo về những biện pháp phi thuế quan. Theo đó, tất cả các thành viên sẽ được thông báo trước khi thực hiện các biện pháp này và mỗi biện pháp sẽ được áp dụng một cách hợp lý vào thời điểm cần thiết. Ngoài ra, các buổi lấy ý kiến công chúng sẽ được tiến hành trước khi thực hiện.

Ủy ban Tham vấn chung về thuận lợi hóa thương mại ASEAN cũng đã đưa ra những khuyến nghị để có thể cắt giảm 10% các chi phí giao dịch thương mại vào năm 2020 theo một nghị quyết của Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN năm 2017.

rcep a
RCEP đã tạo nên dấu ấn, hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN trong kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực.

… đến không gian sản xuất chung

Ở nội dung thứ hai, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Mục tiêu này được đánh giá là khả thi bởi thị trường khu vực RCEP có 2 đặc điểm mà không một FTA khu vực nào có được.

Thứ nhất, đó là thị trường rộng lớn, quy mô kinh tế đứng đầu thế giới như đã nói ở trên.

Thứ hai, quan trọng hơn, thị trường RCEP hết sức đa dạng. Từ các nền kinh tế vào hàng lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản), đến các nền kinh tế có quy vừa nhưng thu nhập đầu người cao (Singapore, New Zealand, Brunei, Australia).

Từ các nước công nghiệp hóa (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc), đến các quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam)… Đây chính là điều kiện để các nước lớn hay nhỏ, trình độ phát triển cao hay thấp đều tận dụng được điểm mạnh của mình để tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực.

Chẳng hạn, trong CPTPP, EVFTA, khả năng tận dụng ưu đãi trong dệt may của Việt Nam có giới hạn. Nhưng với RCEP, nguồn nguyên liệu dệt may vô cùng rộng lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phép Việt Nam vừa mở rộng khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ, vừa tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có của Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội ưu đãi với nguồn cung linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại… từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay linh kiện, phụ tùng ô tô từ Thái Lan, Indonesia… Hoặc với Singapore, một quốc đảo hạn chế về đất đai nhưng có nền nông nghiệp hiện đại, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản mang xuất xứ trong khu vực của Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam để phục vụ xuất khẩu…

Có thể nói, với hai điểm khác biệt: Thuận lợi hóa thương mại và tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn khu vực, RCEP đã tạo nên dấu ấn, hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN trong kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực.

Trong khi thế giới đang chứng kiến sự thay đổi rất lớn bởi những xung đột thương mại của các nước lớn, của xu hướng bảo hộ, thì Hiệp định RCEP đưa các nước ASEAN lên vị trí đi đầu, quyết tâm tạo ra một không gian sản xuất thống nhất, chia đều cơ hội một cách bình đẳng cho doanh nghiệp trong khu vực mở rộng thị trường, cổ vũ cho xu hướng tự do hóa thương mại..