Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (1975-1990)

Ngay sau khi thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục toàn diện sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí, nguồn năng lượng quan trọng cho phát triển đất nước.

Ngày 6 tháng 8 năm1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu khí trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia.

Ngày 9 tháng 8 năm 1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của Ngành Dầu khí Việt Nam.

 Ngày 20 tháng 8 năm 1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3 tháng 9 năm 1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất…

Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước. Nghị định số 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển Ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.

 Cuối năm 1978, con tàu địa chấn đầu tiên mang tên Bình Minh đã ra đời để thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ.

 Năm 1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel, Gambursev, Malưgin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19 tháng 6 năm 1981 để tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (các lô 09 và 16) và sau này ở mỏ Đại Hùng (Lô 05 bể Nam Côn Sơn). Ngày 24 tháng 5 năm 1984, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 khẳng định dòng dầu có giá trị thương mại tại mỏ Bạch Hổ và ngày 6 tháng 11 năm 1984, Vietsovpetro hạ thủy chân đế giàn khoan cố định MSP-1 tại mỏ Bạch Hổ.

Năm 1988, phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống.

 Từ Đại hội VI (1986), Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động và lãnh đạo công cuộc Đổi mới đất nước. Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 07 tháng 7 năm 1988 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Ngành Dầu khí đến năm 2000 đã khai thông con đường hợp tác đa phương “với các nước và các công ty nước ngoài” và “tích cực xây dựng công nghiệp lọc hóa dầu và sử dụng khí thiên nhiên”. Nhờ có chủ trương và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng, các hoạt động dầu khí đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (1990-2006)

Ngày 06 tháng 7 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 250-HĐBT về việc thành lập Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam dưới sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ Công nghiệp nặng.

Sự ra đời của Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam trên cơ sở Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) họp tháng 8 năm 1987, trong đó chủ trương "chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế".

Đây là sự kiện có tính bước ngoặt của Ngành Dầu khí Việt Nam chuyển từ vai trò vừa quản lý nhà nước và triển khai các công việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác, dịch vụ dầu khí sang quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất-kinh doanh trong khuôn khổ của một tổ chức hạch toán kinh tế. Từ thời điểm này cơ chế hoạt động của Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam có những biến chuyển mạnh mẽ theo hướng mô hình doanh nghiệp nhà nước, phi hành chính hóa, là xu thế chung trong cả nước sau khi đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu được triển khai.

Ngày 14 tháng 02 năm 1992, Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam được đặt trực thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bằng Quyết định số 125/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng; tiếp đó ngày 29 tháng 5 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 330/TTg về việc thành lập Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.

Trong giai đoạn 1990-2006, Ngành Dầu khí Việt Nam có những bứt phá về mô hình tổ chức và hoạt động, trở thành một tổ chức sản xuất kinh doanh-Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nhiều các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Với nhiều mỏ mới được phát hiện, sản lượng dầu khí tăng nhanh, công nghiệp khí Việt Nam phát triển mạnh với 3 hệ thống đường ống dẫn khí ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay-Thổ Chu, Nhà máy đạm Phú Mỹ ra đời, các công trình lọc hoá dầu được xúc tiến, các loại hình cũng như các cơ sở dịch vụ dầu khí, kể cả nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực được phát triển. Về căn bản, Ngành Dầu khí Việt Nam đã khá hoàn chỉnh trong nhiều lĩnh vực và bắt đầu triển khai hoạt động dầu khí ra thế giới (Mông Cổ, Malaysia, Algeria…). Petrovietnam đã đóng góp từ một phần tư đến một phần ba nguồn thu ngân sách Nhà nước hàng năm.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra đời ngày 29 tháng 8 năm 2006 (Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg và 199/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và thành lập Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầu Tập đoàn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, theo kết luận số 41-KL/TW ngày 19/01/2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (từ đầu năm 2007). Đây cũng là lúc cả nước tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010 nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 của đất nước, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong 5 năm (2006-2010), với tinh thần “Đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời” với phương châm “Đồng tâm hiệp lực, hiện đại, hội nhập, tăng tốc phát triển”, Tập đoàn đã đạt những thành tựu cơ bản: Doanh thu tăng bình quân 5 năm đạt trên 22%/năm, tương đương 18-20% GDP cả nước, tăng 3 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 14%/năm, chiếm trung bình 28-30%/năm tổng thu ngân sách nhà nước, tăng gần 2,5 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm, chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 95% so với thực hiện 5 năm 2001-2005; năng suất lao động trung bình tăng 1,6 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; vốn chủ sở hữu tăng 2,4 lần so với đầu kỳ kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu trung bình đạt 20%/năm; hệ số nợ/tổng tài sản là 0,36 - đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư. Với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho dòng sản phẩm đầu tiên từ tháng 02/2009, Tập đoàn đã xây dựng được Ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; đưa thêm 05 nhóm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân, đó là: sản phẩm điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp, hạt nhựa polypropylene và năng lượng sạch.

Giai đoạn (2010-2015), với mục tiêu: “Giữ vững vị trí đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tập đoàn đã đạt được những thành tựu cơ bản: Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 3.675 nghìn tỷ đồng, vượt 2,4% so với kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 10%/năm, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện 2006-2010; nộp Ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 880 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% kế hoạch, tăng 73% so với thực hiện 2006 – 2010; tổng tài sản đạt 800 nghìn tỷ đồng, tăng 334 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010; tổng vốn chủ sở hữu đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 182 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn Chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. Tập đoàn luôn có đóng góp lớn và giữ vai trò quan trọng đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.

Giai đoạn 2015 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá dầu thô giảm sâu, song với tinh thần cầu thị và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách, tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động dầu khí luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao hằng năm.

Các sản phẩm của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh phát triển kinh tế, Tập đoàn góp phần rất tích cực trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông. Chú trọng công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Luôn phát huy hiệu quả vai trò là trụ cột, đầu tàu của kinh tế.

Ngày 23 tháng 7 năm 2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài.

Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn, động lực lớn lao đối với niềm tin và khát vọng của mỗi người Dầu khí. Tiếp đó, ngày 16 tháng 10 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí ngày 6-7-1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 9-6-2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 3-6-2008, tạo ra một khung khổ pháp lý, quy định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các nội dung về đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; thực hiện hoạt động dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí cũng như các quy định quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí.