ha giang

Xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có 97% là dân tộc Tày và đều mang họ Hoàng. Còn lại là dân tộc Kinh từ miền xuôi lên làm kinh tế. Dân cư trong xã sống tập trung thành các thôn: Chang, Trung, Chì, Mới, Tịnh, Kiêu, Then, Quyền, Bản Tát. Nhìn từ trên cao, xã như một lòng chảo, rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Xuân Giang thuộc xã khó khăn vùng II, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong kháng chiến, Xuân Giang là một trong 4 xã của tỉnh Hà Giang vinh dự được Bác Hồ gửi Thư khen ngợi do có thành tích hăng hái ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân trong xã bán lương thực rẻ cho bộ đội, ra sức tiếp tế cho bộ đội, vận tải và giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Từ khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã cùng nhau tự lực, tự cường xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh. Do thành tích trong sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, năm 2011, nhân dân xã đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng III.

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được các hộ nông dân trên địa bàn huyện Quang Bình tích cực hưởng ứng. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Gia đình chị Hoàng Thị Cho, thôn Quyền, xã Xuân Giang là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tổng hợp. Với thế mạnh đất vườn đồi, chị trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Gia đình chị đã xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn khá hiệu quả, mỗi năm chị xuất bán 6 lứa, mỗi lứa trên 1 tấn lợn thịt, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, chị cùng với gia đình cải tạo, trồng vườn cây keo lai với diện tích trên 3ha. Dưới tán keo lai, chị trồng cây ngô, sắn để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và bán ra thị trường. Mỗi năm, thu nhập từ keo lai và gia cầm cũng mang về cho gia đình chị trên dưới 100 triệu đồng.

Tại huyện Quang Bình, ở xã Tân Trịnh, cũng thuộc xã khó khăn vùng II, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có chị  Hoàng Thị Duyên, từ cuộc sống khó khăn đã cố gắng học tập, lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chị vay vốn, xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng rừng. Sau nhiều năm gây dựng, gia đình đã có thu nhập từ hàng trăm con dê, gia cầm, cá, và 6 ha rừng trồng cây keo, mỡ, cam, chè; lạc. Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình, chị Hoàng Thị Duyên còn tích cực vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, góp phần giảm nghèo, làm giàu chính đáng ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Tại xã Vĩ Thượng, chị Nông Thị Hót, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chỉ đạo triển khai sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, thu hút đông đảo hội viên tham gia, nhờ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá trên địa bàn xã. Riêng gia đình chị xây dựng mô hình VAC trên diện tích đất rộng hơn 5ha. Trong đó, gồm khu trồng cam, khu trồng cây lâm nghiệp và hệ thống ao cá thả hơn 1.000 con cá trắm cỏ; cá bỗng, khu chăn nuôi với 2 con lợn nái, lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt. Mỗi năm tổng thu trên 100 triệu đồng.

Hoàng Thị Duyên
Chị Hoàng Thị Duyên, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vừa làm kinh té giỏi vừa tích cực vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Nếu Hà Giang thuộc thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, thì Lào Cai là tỉnh giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Toàn tỉnh có 70 xã khu vực III, 4 xã khu vực II và 64 xã khu vực I trong danh sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Cốc San là xã khu vực I, có chị Hoàng Thị Chắp là hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi cũng như trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Sau gần 10 năm lao động bền bỉ, từ chỗ chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, chị Chắp đã sở hữu một trang trại qui mô lớn với các nguồn thu cho lãi thuần khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Chị Chắp cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ những hộ dân trong thôn, trong xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi để tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Ở bên kia vùng cực Đông của Tổ quốc, chị Lý Thị Gái ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, là xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh,  được Chi hội phụ nữ cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm của Hội phụ nữ. Sau nhiều năm lao động gia đình chị đã có cơ ngơi bề thế, với chuồng trại nuôi gần 2.000 con gà bản Đầm Hà, trên 40 lợn, và các loại cây ăn quả trên diện tích đất đồi của gia đình. Mỗi năm gia đình chị cung cấp ra thị trường trên 3.000 con gà, 40 – 60 con lợn thịt, đồng thời trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm.

Đặc điểm chung của những điển hình nêu trên là chị em đều là dân tộc thiểu số, sinh sống và làm ăn trên các vùng nằm trong danh sách các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời, họ không chỉ được chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mà bản thân chị em, sau khi thoát nghèo đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình với các hộ trong và ngoài địa bàn.

Điều đó cho thấy 2 câu chuyện. Thứ nhất, người nông dân có thể thoát nghèo làm giàu ở những địa bàn khó khăn, địa hình chia cắt, đồi núi dốc đứng, khí hậu khắc nghiệt nếu được hướng dẫn nuôi trồng cây con phù hợp. Thứ hai, những điển hình tiên tiến sản xuất giỏi vừa truyền cảm hứng đến các hộ gia đình khác vươn lên, vừa là thành viên tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch...