Những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TPP

TS. NGÔ TUẤN ANH (Khoa Kinh tế học – Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua, trong đó có Hiệp định (TPP). Hiệp định TPP được coi là một FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng mà các quốc gia thành viên phải nghiêm túc thực thi. Do đó, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do TPP mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam.

Từ khóa: Thực thi sở hữu trí tuệ, Hiệp định TPP.

1. Giới thiệu

TPP đặt ra một loạt tiêu chuẩn cao với phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Các thành viên sáng lập TPP kỳ vọng Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích to lớn và bền vững cho các nước tham gia, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu và nghiêm túc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, 2010).

Nhìn chung đối với TPP, các nước phát triển nhằm mục tiêu thâm nhập thị trường của các nước đang phát triển, vì vậy quan tâm đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư ở nước ngoài. Ngược lại, các nước đang phát triển nhằm mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, trong Hiệp định TPP, các thành viên TPP đã đồng thuận với những yêu cầu cao trong bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiệp định TPP dành một trong tổng số 30 chương để đưa ra các quy định về sở hữu trí tuệ, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền sở hữu trí tuệ , hướng đến các tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; và TPP đưa ra các yêu cầu các nước cũng cần có cơ chế thực thi hiệu quả việc bộ quyền sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ của nước mình, kể cả tại biên giới và trong môi trường internet, phải có quy định cho phép xử lý hình sự các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới xuất hiện như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử phục vụ sao chép lậu, câu trộm để phát tín hiện truyền hình cáp,... So với cách tiếp cận trong WTO - chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính thì cách tiếp cận này có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn WTO.

Theo Bộ Công Thương cho biết các nghĩa vụ chính về sở hữu trí tuệ trong TPP như sau:

- Nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm;

- Nâng cao mức độ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm;

- Nâng cao mức độ bảo hộ và kéo dài thời hạn bổ hộ quyền tác giả và quyền liên quan;

- Siết chặt thực thi, đặc biệt là đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số;

- Xử lý hình sự các vi phạm bên cạnh xử lý hành chính, mở rộng nội dung xử lý của hải quan.

Việt Nam luôn là quốc gia tích cực hội nhập, ký kết nhiều FTA thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao, trong khi đó các chế tài và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lại ở mức thấp. Do đó, để đảm bảo thực thi các cam kết trong lĩnh vực này đối với Việt Nam là một thách thức lớn, cần phải vượt qua thì Việt Nam mới có cơ sở phát triển bền vững trong dài hạn được.

2. Những thách thức

Thứ nhất, cam kết nhiều nhưng thực thi còn hạn chế

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đồng và phù hợp với các cam kết WTO theo Hiệp định TRIPS mà Việt Nam đã tham gia cũng như các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên như Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp và Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng; Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dưới luật để hướng dẫn thi hành luật này đối với các đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng… hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính trong việc xử lý vi phạm, các thủ tục dân sự và hình sự theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, Việt Nam cũng đã có những biện pháp để thúc đẩy việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như Chính phủ đã ban hành một loại các Nghị định và Thông tư về SHTT, đặc biệt từ năm 2006 như Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định 104/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng; Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; Nghị định 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp… Có thể nói, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu của TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật vì nhiều quy định của luật hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu rất cao của TPP, ví dụ phải xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó quy định rõ tội danh liên quan đến sở hữu trí tuệ và khung hình phạt với nội dung này.

Việc thực thi không nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ cũng chính là một thất bại của thị trường mà Chính phủ phải can thiệp. Việc bảo hộ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa sống còn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc thực thi các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy kinh tế, khuyến khích phát minh kỹ thuật... để tạo ra nhiều việc làm mới và những cơ hội mới. Tăng trưởng kinh tế bền vững phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của chính phủ như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thuế, trợ cấp cho nghiên cứu triển khai, chính sách phát triển kinh tế.

Đối với các FTA và Hiệp định TPP, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật mới ngày càng tinh vi hơn theo các quy định riêng của một số nước. Những rào cản thương mại hiện đang được các nước áp dụng có khả năng gây thiệt hại lớn và lâu dài đến xuất khẩu của Việt Nam và đang có nguy cơ gia tăng, trong đó thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một rào cản mà các quốc gia phát triển đang áp dụng.

Thứ hai, các chế tài xử phạt chưa đủ răn đe

Việc vi phạm tràn lan các tài sản trí tuệ trong thời gian qua như bản quyền phần mềm, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc… thể hiện các chế tài sử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe người và tổ chức vi phạm, dẫn đến nhờn pháp luật, đây là nguy hại lớn trong dài hạn. Hơn nữa, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mới mong được đối tác đối xử như vậy đối với chúng ta.

Hiệp định TPP yêu cầu phải xử lý hình sự một số vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, đây là yêu cầu cao hơn pháp luật hiện hành của Việt Nam mới quy định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó cũng chính là nguyên nhân Việt Nam mới chỉ làm tốt việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhưng việc thực thi lại hạn chế. Khi thực thi TPP, vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chủ sở hữu quyền được bảo hộ cao hơn và đòi hỏi Chính phủ của các quốc gia phải làm những điều tốt nhất cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Trong TPP, các bên đặc biệt quan tâm đến các yếu tố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bí mật thương mại, các nhà cung cấp dịch vụ internet, quyền tác giả và các quyền liên quan. Yêu cầu của TPP là phải xử lý hình sự vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ, do đó cần có sự phân cấp, điều chỉnh các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực này cũng như khung khổ pháp lý liên quan.

Theo Bộ Công Thương cho biết có nhiều khó khăn đối với Việt Nam trong thực thi cam kết TPP về sở hữu trí tuệ, ví dụ, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nếu phải đáp ứng theo các yêu cầu rất cao của TPP về nông hóa phẩm (bao gồm nhiều lĩnh vực như vắc xin thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) thì ngành Sản xuất nông nghiệp của ta sẽ bị ảnh hưởng lớn. Thực tế cho thấy, hàng triệu nông dân Việt Nam phải dành một phần lớn chi phí sản xuất cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… do vậy, tăng cường bảo hộ sáng chế đồng nghĩa với việc gia tăng các chi phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể có nhiều lợi ích về mặt sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia TPP. Doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp, có thể giải quyết thuận lợi. Ngoài ra, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng sẽ được bảo đảm do sẽ có các trung tâm kiểm định của mỗi nước với kết quả được công nhận lẫn nhau góp phần hạn chế những quy trình kiểm định hàng rào kĩ thuật phức tạp.

Thứ ba, ý thức thực thi quyền sở hữu trí tuệ thấp

Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt trong việc sử dụng phần mềm không bản quyền, phim ảnh, tác phẩm âm nhạc… nhưng với TPP, sử dụng phần mềm bản quyền là tiên quyết. Nếu hành vi vi phạm bản quyền được xem xét ở tất cả các khâu liên quan đến sản phẩm như sản xuất, phân phối, quảng bá... Hàng hóa của các doanh nghiệp có thể không được bán tại các quốc gia TPP. Sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ ngăn trở việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với những ngành công nghệ cao và sử dụng công nghệ cao vì để thu hút được đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư phải yên tâm khi tài sản trí tuệ của họ phải được bảo vệ, đây là lợi ích dài hạn sẽ đạt được nếu Việt Nam nghiêm túc thực thi cam kết sở hữu trí tuệ.

Việt Nam là nước hội nhập muộn so với các nước đàm phán TPP, vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Một mặt, luật pháp và các chế tài chưa đầy đủ và không đủ mạnh. Mặt khác, với xuất phát điểm là nền kinh tế chậm và đang phát triển, nếu thực thi đầy đủ các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì người dân sẽ rất khó tiếp cận được với những sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao dân trí và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, khi hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ là cam kết bắt buộc phải thực hiện. Việc thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP có thể gây sức ép trong thời gian đầu đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng thời gian đầu vì chi phí tăng. Tuy nhiên, sẽ rất có ích trong dài hạn vì nâng cao nhận thức được các tầng lớp trong xã hội trong bảo vệ, thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích sáng tạo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

3. Một số khuyến nghị

3.1. Đối với doanh nghiệp

Thứ nhất, để giảm thiểu thiệt hại, các doanh nghiệp rà soát và thực thi ngay việc bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp như đăng ký bảo hộ tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý.

Thứ hai, nghiêm túc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ, đặc biệt sử dụng các phần mềm tin học có bản quyền tránh bị xử lý hình sự hoặc cấm quan hệ thương mại với các nước TPP được bảo vệ cao trong lĩnh vực này.

3.2. Đối với Chính phủ

Thứ nhất, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam mới hình thành, theo chuẩn mực bảo hộ của TRIPS và một số chuẩn mực TRIPS+ của BTA Việt Nam - Hoa Kỳ. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã liên tục có những cố gắng to lớn để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của mình. Tuy nhiên, đối với hiệp định tiêu chuẩn cao như TPP hiện nay để đáp ứng đòi hỏi không phải dễ dàng. Do đó, cần rà soát lại các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến sở hữu trí tuệ, phải điều chỉnh, bổ sung phù hợp với cam kết trong TPP và cần có kế hoạch cụ thể.

Thứ hai, cần có các giải pháp hỗ trợ đối với khu vực sản xuất trong nước đối với các ngành nghề chịu tác động nhiều khi thực thi các cam kết TPP trong đó có sở hữu trí tuệ; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp và người dân biết và có những bước chuẩn bị phù hợp; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương (2016), Nội dung Hiệp định TPP.

2. Bộ Công Thương (2013), Phổ biến các Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam tham gia, Kỷ yếu hội thảo ngày 4/9/2013, Hà Nội.

3. Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (2010), Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tính khả thi của việc tham gia TPP của Việt Nam, kiến nghị chủ trương và giải pháp tham gia TPP”, Hà Nội.

4. Các trang web: http://tpp.moit.gov.vn, cafef.vn

CHALLENGES FOR VIETNAM IN ENFORCING

INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS WHEN JOINING

THE TRANS-PACIFIC PARTNERSHIP (TPP)

Ph.D. NGO TUAN ANH

National Economics University

ABTRACT:

The international economic integration process of Vietnam has accelerated in recent years by joining the World Trade Organization (WTO), signing many Free Trade Agreements (FTAs) with trade partners and participating in negotiating the Trans-Pacific Partnership (TPP). The TPP agreement is considered a new-geeration FTA with deeper and broader economic commitments. In which, members of the TPP have to seriously enforce intellectual property rights. Therefore, it is essential for Vietnam to identify challenges related to the enforcement of intellectual property rights in order to avoid long-term risks and make changes to take advantages of opportunities from the TPP.

Keywords: Enforcement of intellectual property rights, intellectual property, TPP.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây