Những yếu tố giúp kinh tế Việt Nam hợp thành 3 điểm sáng

Vì sao nền kinh tế nước ta vượt qua cuộc suy thoái mạnh mẽ nhất so với các nước trong khu vực? Hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JRI) đưa ra những nhận định của mình.

Năm 2020 là năm thách thức lớn nhất với kinh tế toàn cầu kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1929-1933.

Nhưng đây cũng là năm mà nền kinh tế nước ta có được cách tiếp cận và hóa giải thành công cuộc suy thoái mang tính toàn cầu này.

Nếu năm 1997-1998 Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Asean thoát được khủng hoảng tiền tệ Đông Nam Á là nhờ nền kinh tế chưa gắn bó nhiều với giao thương thế giới; thì năm 2020 này, khi nền kinh tế có độ mở trên 200% GDP, có 15 FTA với các khu vực trên toàn cầu, việc nền kinh tế tăng trưởng dương 2,91% được coi là một kỳ tích.

Mới đây, một thống kê từ ASEAN Urbanist, tổng kết năm 2020 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất.

5 nước còn lại, nền kinh tế Philippines suy giảm 9,5%; Thái Lan tăng trưởng âm 6,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998 là thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á; Malaysia tăng trưởng âm 5,6%; Singapore tăng trưởng âm 5,4 %; và Indonesia tăng trưởng âm 2,07%.

Đây được coi là điểm sáng thứ nhất. Điểm sáng thứ hai, có mức GDP bình quân đầu người vượt Philippines (3.521 USD so với 3.372 USD).

Điểm sáng thứ 3 là xét về tổng GDP quốc gia, Việt Nam với 343 tỉ USD đã vượt qua Malaysia với 336 tỉ USD. Đồng thời thu hẹp cách biệt với Singapore (350 tỉ USD).

Nếu năm nay, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn Singapore, thì khoảng cách này bị san lấp và vượt qua.

Vì sao nền kinh tế nước ta vượt qua cuộc suy thoái mạnh mẽ nhất so với các nước trong khu vực?

Hãng tư vấn quản lý độc lập Asia Perspective (Mỹ) vừa đăng báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, trong đó nhận định nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý IV/2020 là nhờ sự phục hồi trong ngành chế biến chế tạo.

Cụ thể, trong quý IV/2020, ngành chế tạo sản xuất đã tăng trưởng ở mức 8,63% so với cùng kỳ năm trước.

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả và EVFTA có hiệu lực, ngành chế biến chế tạo của Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,82% trong năm 2020, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, giá trị gia tăng của lĩnh vực công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020.

Bên cạnh đó là xuất khẩu, năm 2020, xuất khẩu tăng 7% với thặng dư thương mại đạt 19,95 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Đặc biệt, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam tăng từ 117 điểm trong quý II/2020 lên 121 điểm vào quý IV/2020.

Do đó, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng trong nước vào quý IV/2020 đạt xấp xỉ 60,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với quý III/2020 và 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản (JRI) cũng có nhận định tương tự: Các yếu tố giúp nâng cao ưu thế và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm qua là xu hướng dịch chuyển sản xuất và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tích cực.

Tuy nhiên, JRI lại nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam vững vàng chính là xuất khẩu. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu tính theo USD năm 2020 là 7%, cao hơn hẳn so với các quốc gia ASEAN khác.

Dù JRI và Asia Perspective có những nhận định không hoàn toàn giống nhau, nhưng tựu chung lại, những yếu tố giúp tăng trưởng ở Việt Nam là công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu và tiêu dùng.

Long Thành