Những yếu tố khiến dự báo giá dầu tăng trong tuần tới

Những lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua sau gần ba tuần giảm liên tiếp. Dự báo giá dầu trong tuần tới sẽ có nhiều biến động trước những căng thẳng của tình hình kinh tế xã hội.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô WTI giao tháng 5 tăng 1,4%, ở mức 113,90 USD/ thùng trên đưa mức tăng trong tuần 10,5%. Dầu thô Brent giao tháng 5 tăng thêm 1,62 USD, tương đương 1,4%, ở mức 120,65 USD/thùng tăng gần 12% trong tuần. Khí tự nhiên tăng gần 3,2% tăng gần 15% trong tuần.

Giá dầu thế giới tuần qua bước vào chu kỳ tăng mạnh sau khi giảm liên tiếp gần 3 tuần. Điều đó là do thị trường ghi nhận sự bế tắc của Mỹ, Anh và các nước tiêu thụ dầu lớn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu của Nga. Đồng thời, động lực đẩy giá dầu thô tuần qua tăng còn được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh khi các nước mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế.

Trong điều kiện nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt, điều này sẽ khiến khoảng cách cung – cầu, trong đó cầu vượt cung, được dự báo sẽ ngày một lớn hơn. Theo IEA, thị trường dầu thô có thể sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga bắt đầu tư tháng 4/2022.

Trong khi các cuộc đàm phán chưa cho một kết quả cụ thể nào, Nga được cho là đã sử dụng những loại vũ khí có sức công phá lớn hơn trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Diễn biến này dấy lên lo ngại về khả năng cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ kéo dài và những rủi ro mà nó mang lại đối với kinh tế toàn cầu sẽ ngày một lớn hơn.

giá dầu Brent
Dầu thô Brent tăng gần 12% trong tuần này do lo ngại nguồn cung tiếp tục gián đoạn. Nguồn: Trading economic

Một nhân tố khác khiến giá dầu tăng trong tuần qua là sự sụt giảm tạm thời sản lượng tại một liên doanh lọc dầu của Saudi Aramco- công ty sản xuất dầu lớn của Ả-rập Xê-út - ở Yanbu sau vụ tấn công của nhóm Houthi của Yemen vào Ả-rập Xê-út. Thêm vào đó, áp lực thiếu hụt nguồn cung dầu lại tiếp tục gia tăng sau sự cố đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga và Kazakhstan.

Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên giao dịch sau đó khi thông tin châu Âu đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường thêm trồng trọng, đặc biệt các nước vẫn đang rất bế tắc trong việc tìm kiếm các nguồn cung dầu thay thế.

Tuy nhiên, một số quốc gia trong Liên minh châu Âu không đồng ý với lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga do họ phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước này.  Giới phân tích cho rằng, việc chi phí năng lượng tăng khiến giá cả hàng hoá đắt đỏ hơn sẽ khiến các nước buộc phải sớm tính toán lại việc áp dụng các lệnh trừng phạt đối với đối với Nga, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc cung cứng các mặt hàng năng lượng của nước này.

Theo giới phân tích, Liên minh châu Âu không thể trừng phạt hoàn toàn dầu mỏ của Nga, nhưng cuộc tấn công vào một cơ sở dầu mỏ nhắc nhở các thương nhân rằng phiến quân Houthi của Yemen có khả năng đóng cửa sản xuất ở Ả Rập Xê-út,.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết: “Chỉ có Mỹ và Anh cho biết họ sẽ không mua dầu thô và các sản phẩm của Nga nữa.

Nguồn cung dầu trên thị trường không được cải thiện, thậm chí có chiều hướng suy giảm bởi tình trạng leo thang căng thẳng xung quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine và các cơ sở năng lượng của Saudi Arabia tiếp tục bị tấn công.

Stephen Innes khẳng định, chắc chắn sẽ có nhiều cú sốc về nguồn cung hơn nữa trong tương lai.   Với những diễn biến của tuần trước, giá dầu thô tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục đi lên khi mà những diễn biến gần đây đang cho thấy cuộc xung đột Nga – Ukraine đang có dấu hiệu gia tăng, và nhiều khả năng Mỹ và các nước đồng minh sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.  

Đăng Huy