Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương đã cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014.

Mở đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết:

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,6% so với tháng 9 năm 2014 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 10 tháng năm 2014, tăng 6,9%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,4%).

Tình hình tiêu thụ tháng 9 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng 9 năm 2013. Tính chung 9 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Về tình hình nổi bật của một số ngành:

Ngành Điện: Điện sản xuất của cả nước tháng 10 năm 2014 ước đạt 11,92 tỷ kWh, tăng 11,6% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2014, điện sản xuất ước đạt 115,67 tỷ kWh, tăng 12% so cùng kỳ.

Ngành Than - Khoáng sản: Tháng 10, than sạch khai thác của toàn ngành ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 10 tháng năm 2014, sản lượng than sạch ước đạt 32,92 triệu tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Ngành Dầu khí: Sản lượng một số sản phẩm chính đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể: Dầu thô khai thác tháng 10 ước đạt 1,4 triệu tấn, đạt 99,1% so cùng kỳ; 10 tháng ước đạt 14,2 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Xăng dầu các loại tháng 10 ước đạt 564,6 nghìn tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2013, tính chung 10 tháng năm 2014 ước đạt 4,61 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ…

Ngành Dệt may: Tính chung 10 tháng năm 2014 so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 17,62 tỷ USD, tăng 19,3%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 19,1%.

Về xuất khẩu: Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với tháng 10 năm 2013. Tính chung 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 14,5 tỷ USD).

Về nhập khẩu: Tháng 10, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 13,6 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 9 và tăng 8,8% so với tháng 10 năm 2013. Tính chung 10 tháng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Về cán cân thương mại: Nhập siêu tháng 10 ước đạt 400 triệu USD, bằng 2,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 10 tháng năm 2014, xuất siêu xấp xỉ 1,9 tỷ USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13,8 tỷ USD.

Về tình hình phát triển thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 10 năm 2014 ước đạt 251.195 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2014, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng thấp hơn so với mức tăng của năm 2013 là 12,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 đạt mức tăng 6,4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Tháng 10 năm 2014, CPI tăng 0,11% so với tháng trước. Ngoài ra, CPI 10 tháng vừa qua của các nhóm hàng khác phần lớn tăng dưới mức tăng chung (là 4,47%), riêng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,58% do giá cả vật liệu xây dựng có xu hướng giảm.

Về công tác quản lý thị trường: Trong tháng 10 năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 15.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 7.500 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 29 tỷ đồng; 10 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 152.884 vụ, phát hiện xử lý 80.024 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 237,37 tỷ đồng, tổng thu nộp NSNN 325,52 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán là 130,5 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy 53,04 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu theo thị trường (Số liệu: Bộ Công Thương)

Trong khuôn khổ họp báo, Thứ trưởng, Người phát ngôn Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí. Cụ thể như sau:

Phóng viên Ngọ Xuân Quảng - Vietnam Plus hỏi:

Liên quan đến mặt hàng dầu ăn “bẩn” đã nhập vào Đài Loan từ Công ty Đại Hạnh Phúc của Việt Nam, xin Bộ Công Thương cho biết phương án giải quyết của Bộ đối với vụ việc này ra sao? Trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu?

Phóng viên Nguyễn Hà - Báo Tiền Phong hỏi:

1. Xin Bộ Công Thương cho biết thông tin mới nhất về quá trình xử lý vụ việc dầu ăn “bẩn” của Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc vừa bị phát hiện ở TP. Hồ Chí Minh? Vì sao Công ty này tồn tại đã lâu mà vẫn không bị phát hiện, xử lý?

2. Vì sao dầu ăn này chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn xuất khẩu và “qua mắt” được Hải quan?

3. Lâu nay dầu ăn vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng. Liệu Bộ Công Thương có kế hoạch rà soát thị trường không và trên thị trường hiện nay vẫn tràn lan dầu ăn giá rẻ?

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường trả lời:

Ngay khi có thông tin liên quan đến công ty sản xuất “dầu bẩn” không phù hợp với thức ăn dành cho người được bán tại Đài Loan, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo tiến hành rà soát tất cả cửa hàng để phòng ngừa sản phẩm không đủ chất lượng trên địa bàn 6 tỉnh và không phát hiện bất cử sản phẩm nào nói trên xuất hiện tại Việt Nam.

Trong thời gian đó, chúng tôi cũng nhận được văn bản của Bộ Y tế chuyển kiến nghị của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, đề nghị Bộ Công Thương xác minh Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc có liên quan đến việc xuất khẩu mặt hàng "dầu bẩn" này vào thị trường Đài Loan.

Ngay khi nhận được văn bản từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã có ngay văn bản chỉ đạo Sở Công Thương Tp. Hồ Chính Minh và cử 02 đoàn kiểm tra đến Công ty này. Qua đây, chúng tôi xác minh doanh nghiệp này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp giấy phép kinh doanh trong các lĩnh vực như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, sản xuất dầu thực phẩm (nhưng không ghi rõ dành cho đối tượng nào) và bán buôn thực phẩm và các mặt hàng lâm sản như gỗ…

Hai đoàn kiểm tra bắt đầu từ hồ sơ lưu của doanh nghiệp, đối chiếu hồ sơ của cơ quan nhà nước và được biết, từ tháng 01/2011 đến tháng 9/2014, doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang Đài Loan 276 lô hàng dầu mỡ, chủ yếu mỡ cá, mỡ heo,… có ghi trong hợp đồng dành cho thức ăn gia súc xấp xỉ 43.000 tấn. Cũng từ tháng 01/2012 đến tháng 6/2014, doanh nghiệp này đã xuất khẩu xen kẽ cùng với các lô hàng ghi là thức ăn gia súc thì có thêm 42 lô hàng ghi là phù hợp cho người, xấp xỉ 6.000 tấn.

Tuy nhiên doanh nghiệp này chỉ có duy nhất Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo Luật An toàn thực phẩm, điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp được sản xuất các mặt hàng thực phẩm là phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này được quy định tại Khoản 10 Điều 5, cấm doanh nghiệp chưa có chứng nhận an toàn thực phẩm sản xuất. Chiếu theo quy định này, Công Ty TNHH Đại Hạnh Phúc đã vi phạm pháp luật. Đây được đánh giá là hành vi cố tình, bởi đến tháng 6/2014, doanh nghiệp này mới dừng sản xuất lô hàng ghi sản phẩm dành cho người. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài.

Sau khi xác minh, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ban ngành tiến hành thanh tra toàn diện cơ sở này và xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh thực phẩm và chế biến dầu mỡ vì đã vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Bộ cũng đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu doanh nghiệp này dừng ngay việc sản xuất kinh doanh dầu mỡ. Bộ Công Thương cũng thông tin cho Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội các thông tin liên quan theo đề nghị của phía Đài Loan, Trung Quốc.

Quan kiểm tra hồ sơ cho thấy, doanh nghiệp chỉ xuất sang Đài Loan, không bán tại thị trường nội địa. Bộ cũng đã thông báo Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp xử lý các bước tiếp theo.

Như vậy, khi nhận được văn bản của Bộ Y tế và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội vào ngày 08/10/2014, Bộ Công Thương đã phối hợp ngay với các sở, ban ngành có văn bản xác nhận với các Bộ ngành liên quan về vụ việc này.

Giải thích câu hỏi tại sao để tình trạng này kéo dài, Bộ Công Thương cho biết:

Thứ nhất, trong giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp chỉ đăng ký sản xuất thức ăn kinh doanh gia súc và không bán trong thị trường nội địa.

Thứ hai, trong hợp đồng mua bán với Đài Loan chỉ nói mua thức ăn gia súc mà phía bạn cũng không kiểm tra về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chúng tôi có thể khẳng định hành vi của doanh nghiệp này là cố tình và rất tinh vi diễn ra trong một thời gian dài. Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh triển khai thanh tra toàn diện doanh nghiệp này.

Qua sự việc nêu trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục rà soát, kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu sẩn phẩm thực phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng sản phẩm kém chất lượng đưa vào lưu thông, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Như vậy, liên quan đến vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để xác minh, đề ra biện pháp giải quyết trong thời gian sớm nhất. Có thể khẳng định, hành vi vi phạm của Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc là rất nghiêm trọng, tinh vi… gây ra nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (cụ thể ở đây là người dân Đài Loan, Trung Quốc) và ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước), Bộ Y tế, UBND Tp. Hồ Chí Minh (Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành…) để xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

(Ảnh minh họa)

Phóng viên Ngọ Xuân Quảng – Vietnam Plus hỏi:

Ngày 03/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2014. Xin Bộ Công Thương cho biết, những điểm mới trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu? Cách thức điều hành mới có thay đổi gì so với cách điều hành cũ không?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời:

Thứ nhất, tiếp tục nhất quán tư tưởng của Nghị định 84 và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là chuyển quản lý xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo các yếu tố hình thành phải thể hiện rõ trong giá hàng hóa và giá phải phù hợp theo giá thị trường. Nghị định 83 đi theo đúng chỉ đạo này. Nghị định 83 có điểm mới nhằm hướng tới tạo ra môi trường ngày càng cạnh tranh thông qua những quy định về điều kiện tham gia thị trường.

Việc tham gia thị trường đối với thương nhân đầu mối, bên cạnh những quy định về các điểu kiện ban đầu, Nghị định quy định lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh xăng dầu hàng năm nhằm lựa chọn được các nhà đầu tư tốt nhất tham gia thị trường. Một thị trường tốt, mạnh và có sự cạnh tranh trong tương lai là một thị trường ngày càng có nhiều doanh nghiệp mạnh tham gia. Trước đây, Nghị định 84 nêu ra những quy định thương nhân có thể thuê mượn cơ sở hạ tầng của nhau để tham gia thị trường. Nghị định 83 yêu cầu phải có cơ sở vật chất và vốn sở hữu nhất định. Chính phủ và bộ ngành muốn tạo ra thị trường tốt hơn, cạnh tranh hơn trong tương lai.

Thứ hai, cạnh tranh tốt hơn thông qua việc tạo thêm nhiều loại hình thương nhân cùng tham gia. Theo quy định mới này, bên cạnh những thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý, còn có thêm loại hình thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Thương nhân phân phối có thể được mua hàng từ nhiều thương nhân đầu mối khác để có thể tự quyết định giá, tự chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng hàng hóa của mình. Hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối để thực hiện việc bán lẻ theo hợp đồng nhượng quyền thương mại. Đây sẽ là điều kiện quan trọng quyết định tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, một trong những điều kiện vận hành theo cơ chế thị trường là yếu tố điều hành giá. Theo Nghị định 83, ở mức độ giá biến động nhất định (trong phạm vi đến 3%), doanh nghiệp được chủ động trong việc điều chỉnh giá, nhưng phải theo đúng những nguyên tắc, trình tự, cơ cấu tính giá... do Nhà nước quy định và tiến hành hậu kiểm. Có nhiều ý kiến cho rằng với quy định này, Nhà nước đã buông lỏng giá xăng dầu để doanh nghiệp tự quy định giá bán nhưng thực tế không phải. Việc điều chỉnh giá phải theo đúng quy định của Nhà nước. Đây là cách để tập dượt, đi đến cạnh tranh thực sự. Thị trường thực sự là cạnh tranh nếu việc quy định giá là do doanh nghiệp, do thị trường quyết định. Nghị định 83 thiết kế để tiến đến mục tiêu đó.

Điểm mới nữa là cách tính giá, trước đây ta tính bình quân chu kỳ tính giá là 30 ngày, tương ứng 30 ngày dự trữ lưu thông. Do đó, khi giá xăng dầu biến động, việc tăng giảm không theo kịp. Do đó, sau khi trao đổi với các bộ ngành, các nhà khoa học, thương nhân đầu mối... Ban Soạn thảo đã trình Chính phủ theo phương án rút ngắn thời gian điều chỉnh chu kỳ tính giá xuống còn bình quân 15 ngày dự trữ. Cách này có ưu điểm bám sát giá thế giới, cho nên việc giảm giá sẽ nhanh hơn nhưng cũng sẽ làm cho giá xăng dầu trong nước tăng nhanh hơn khi giá thế giới tăng cao.

Để kiềm chế việc tăng giá, trong phần quy định về ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu, Nghị định 83 đưa ra quy định được sử dụng Quỹ bình ổn khi giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tuy nhiên, Quỹ bình ổn chỉ được dùng khi giá xăng dầu tăng đột biến làm thị trường xăng dầu, thị trường năng lượng bị tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Các loại yếu tố khác như các sắc thuế sẽ được áp dụng theo Luật Thuế, theo nguyên tắc đảm bảo nguồn thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh xăng dầu ổn định.

Thứ tư, Nghị định 83 nhấn mạnh đến việc công khai, minh bạch giá xăng dầu. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công khai, minh bạch giá xăng dầu, Nghị định 83 có các quy định rõ về công khai, minh bạch trong điều hành kinh doanh và giá xăng dầu. Hiện nay, theo quy định, trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương có một mục riêng về công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu, trong đó có cách tính giá xăng dầu. Với cách làm này, thông tin sẽ thực hiện minh bạch nhất. Người tiêu dùng có thể vào đây để xem những thông tin về xăng dầu để nếu thấy có những điều gì bất hợp lý có thể góp ý để Liên Bộ điều chỉnh kịp thời, đảm bảo thông tin minh bạch cao nhất. Bên cạnh đó tất cả quy chế về sử dụng xăng E5 hoặc tăng cường kiểm tra kiểm soát những thương nhân đầu mối… sẽ được phản ánh kịp thời. Rút kinh nghiệm từ Nghị định 84, Nghị định 83 sẽ điều hành mọi thứ minh bạch hơn. Bên cạnh tăng cường quản lý nhà nước, bản thân các thương nhân phân phối phải có trách nhiệm theo dõi các phương tiện vận chuyển, theo dõi sự phân phối của các thương nhân của mình, theo dõi sự biến động giá để công khai, minh bạch, rõ ràng nhất cho người tiêu dùng....

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Nội dung chủ đạo của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 2014 là hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước phải bám sát giá xăng dầu thế giới, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, người tiêu dùng đã có những băn khoăn, thậm chí bức xúc không hiểu có phải xăng dầu trong nước tăng giá là do giá thế giới tăng, mức tăng trong nước có tương ứng với mức tăng thực tế của thế giới hay không? Tương tự, khi giá xăng dầu trong nước giảm thì mức giảm đã tương ứng với mức giảm của thế giới hay chưa?... Vì vậy, trong thời gian tới, để người dân hiểu rõ về vấn đề này, chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, kinh doanh xăng dầu là hết sức quan trọng. Đây cũng là một nội dung được Bộ trưởng Bộ Công Thương hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt (ngày 22 tháng 4 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 11/CT-TC về việc Tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu).

Hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường cũng cần phải tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian qua, nhiều phóng viên, nhà báo sử dụng từ “Độc quyền” trong kinh doanh xăng dầu hiện nay là chưa chính xác, vì hiện cả nước đã có 19 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương là có thể tiếp tục tăng số lượng, bổ sung đầu mối kinh doanh xăng dầu có chất lượng đáp ứng các quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP; rà soát loại bỏ các đầu mối kinh doanh xăng dầu không đủ năng lực, không tuân thủ các quy định hiện hành… để tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhằm mang lại lợi ích chính đáng và công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người tiêu dùng.

Phóng viên Thanh Hoàn - Báo An ninh Thủ đô hỏi:

Được biết, doanh nghiệp đang lãi 1.067 đồng/lít, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì có thể giảm giá xăng dầu, Liên Bộ đã có yêu cầu doanh nghiệp giảm giá xăng chưa?

Phóng viên Thành Tâm - Báo điện tử VnExpress hỏi:

Theo chu kỳ thì trong ngày hôm nay, giá xăng có được điều chỉnh hay không? Chi phí xăng dầu định mức được tính gần 200 đồng. Liệu có tính chi phí này vào giá xăng để điều chỉnh tăng hoặc không giảm giá hay không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Nếu theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì đến ngày hôm nay (03/11/2014), giá xăng dầu sẽ được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và có hiệu lực từ ngày 01/11/2014, theo đó, giá cơ sở sẽ được tính theo chu kỳ 15 ngày. Vì vậy, theo quy định của Nghị đinh 83/2014/NĐ-CP, sớm nhất đến ngày 16/11/2014, giá xăng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Tuy nhiên, vì quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, để chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu (hiện nay có diễn biến giảm giá) sớm hơn, trước ngày 16/11/2014.

Phóng viên Nguyễn Tuyền - Báo Dân trí hỏi:

Xăng dầu giảm 8 lần liên tiếp, tại sao giá thực phẩm, giá vận tải… không giảm? Thời gian tới có thể giảm giá thực phẩm không? Bộ Công Thương có biện pháp gì?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Tôi cũng là một người tiêu dùng. Vì vậy, tôi cũng bức xúc với việc mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thì rất nhiều mặt hàng khác cũng đẩy giá tăng theo (kể cả những mặt hàng chưa bị ảnh hưởng ngay, trực tiếp với giá xăng dầu, như mặt hàng bánh mì, rau quả…) nhưng trong thời gian qua khi xăng dầu giảm giá 8 lần liên tiếp với tổng số giảm đến 3.300 đồng/lít thì chưa thấy nhóm hàng thực phẩm giảm. Bộ Công Thương sẽ cố gắng thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để điều hành linh hoạt giá xăng dầu theo sát với giá thị trường. Việc điều hành các hàng hóa thiết yếu khác cũng phải bám sát theo giá thị trường thông qua các Chương trình bán hàng bình ổn, đưa hàng Việt về nông thôn… đã và đang tích cực triển khai.

Phóng viên Cầm Văn Kình - Báo Tuổi trẻ hỏi:

Thông tư Quy định cấp phép nhập khẩu tự động phân bón của Bộ Công Thương nhiều doanh nghiệp cho rằng không thể đáp ứng nổi các điều kiện. Phải chăng Thông tư quá chặt, “ngăn” hàng nhập khẩu giúp các doanh nghiệp vẫn lãi lớn như đạm Phú Mỹ, Cà Mau không phải giảm giá xuống mức cần thiết?

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Dương Phương Thảo trả lời:

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCT quy định về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2013, lượng nhập khẩu phân urê của Việt Nam vào khoảng gần 800.000 tấn, nhập khẩu phân NPK gần 421.000 tấn. Lượng phân urê chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc; phân NPK từ Nga, Philippines, Trung Quốc…

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, các doanh nghiệp trong nước đã đảm bảo nguồn cung về phân urê, phân NPK đã đảm bảo và có một phần xuất khẩu, hiện nay chỉ cần nhập khẩu một số loại phân như phân SA và Kali (100%)…

Theo con số chúng tôi vừa công bố, chủ yếu 2 nguồn phân bón chúng ta đang đủ đáp ứng nhu cầu trong nước là phân NPK và phân urê thì đang nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang giảm thuế xuất khẩu vào Việt Nam nên giá phân bón nhập khẩu đang ở mức rất cạnh tranh so với các loại phân bón được sản xuất trong nước. Do đó, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho rằng cần có động thái để duy trì sản xuất trong nước. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCT quy định về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón.

Thực tế, Thông tư này chỉ quy định chế độ cấp phép nhập khẩu tự động, có nghĩa là doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ chứng từ theo đúng quy định của Thông tư 35 thì trong thời gian 7 ngày làm việc có thể được cấp phép. Chúng tôi hoàn toàn không tạo ra rào cản. Tất cả những văn bản, chứng từ đều là những văn bản chứng từ xuất nhập khẩu cơ bản. Chúng tôi đang triển khai thực hiện việc cấp phép này. Cụ thể, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể đăng ký cấp phép nhập khẩu tự động tại Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương. Các đơn vị phía Nam đăng ký tại Văn phòng Cục tại Tp. Hồ Chí Minh. Chúng tôi đảm bảo rằng các doanh nghiệp đủ chứng từ sẽ nhận được đủ giấy tờ trong thời gian hợp lý. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng các biện pháp này sẽ quản lý việc đăng ký số lượng nhập khẩu chứ không tạo ra rào cản cho doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Phóng viên Thành Tâm – Báo điện tử VnExpress hỏi:

Vừa qua, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đưa ra 04 phương án cung ứng nguồn điện cho năm 2015. Bộ cho biết trong năm 2015 có thiếu điện không? Cơ sở nào để A0 khẳng định nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ giảm tối thiểu từ năm 2015?

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Phạm Quang Huy trả lời:

Về Kế hoạch cung cấp nguồn điện năm 2015 hiện nay, EVN chưa có Kế hoạch trình chính thức, vì vậy chúng tôi vẫn đang xem xét trên cơ sở trao đổi phương án. Báo cáo về bốn phương án của EVN vẫn đang xem xét trên phương án cơ sở cân đối các nguồn điện mới sẽ vào vận hành trong năm 2015 bao gồm các nhà máy điện tổng công suất khoảng 2.500 MW; tốc độ tăng trưởng phụ tải năm 2015 dự kiến sẽ đạt 11,16 % và cân đối giữa nhu cầu điện và khả năng cung cấp điện thì hoàn toàn có khả năng đảm bảo an ninh cung cấp điện trong năm 2015. Phương án nhập khẩu điện từ Trung Quốc trong năm 2015 cũng sẽ được xem xét trên cơ sở Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2015 được EVN tính toán và trình chính thức.

Phóng viên Nguyễn Văn Chương - Tạp chí Đồ uống Việt Nam hỏi:

Ý kiến của Bộ về quy định dán tem bia trong Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh bia? Nhiều doanh nghiệp kêu dán tem sẽ tốn chi phí lớn mà không mang lại hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Đây mới là Dự thảo và cũng mới chỉ là đề xuất của một đơn vị thuộc Bộ Công Thương, hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan. Hiện nay, Bộ Công Thương chưa có ý kiến chính thức về nội dung Dự thảo. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, các ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội, người dân… sẽ được tổng hợp và xem xét tiếp thu nhằm xây dựng Dự thảo Đề án có chất lượng để trình Chính phủ và khi được ban hành sẽ có nội dung đảm bảo các yêu cầu trong việc quản lý nhà nước và có tính khả thi, phù hợp với thực tế cuộc sống.

Phóng viên Thùy Linh - Báo Lao Động hỏi:

Trong khi giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh, giá sữa trong nước vẫn không có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp được hưởng siêu lợi nhuận còn người dân lại chịu thiệt. Vậy, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính là đầu mối chịu trách nhiệm quản lý giá, xác định yếu tố cấu thành giá, giám sát giá của các doanh nghiệp khi đưa hàng hóa, sản phẩm ra thị trường, trong đó có mặt hàng sữa. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính: Thứ nhất, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa có niêm yết giá và bán đúng theo giá do Bộ Tài chính quy định hay không (ở Bộ Công Thương đầu mối là Cục quản lý thị trường phối hợp với các Chi cục Quản lý thị trường địa phương). Thứ hai, kiểm soát liệu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có cạnh tranh không lành mạnh hay không, có việc cùng bắt tay nâng giá hay không?... (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương). Tôi cũng đề nghị các phóng viên, nhà báo, người tiêu dùng… cùng chúng tôi giám sát, phản ánh, có tiếng nói chung về vấn đề này.


Phóng viên Xuân Tiến - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC hỏi:

Theo Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ và Quốc hội, năm 2015, dự kiến chỉ tiêu nhập siêu là 5%. Trong khi đó, 3 năm liên tiếp (2012-2014), Việt Nam lại xuất siêu. Đề nghị Bộ Công Thương cho biết, tại sao lại có kế hoạch trình Quốc hội như vậy?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:

Việt Nam xuất siêu trong 3 năm liên tiếp từ năm 2012 đến năm 2014, nhưng theo tính toán và dự báo của Bộ Công Thương thì đến năm 2015 sẽ nhập siêu (dự kiến 5% kim ngạch xuất khẩu), điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 (nhập siêu ở mức dưới 10% vào năm 2015). Một số nguyên nhân tác động đến cán cân thương mại cụ thể như sau:

Thứ nhất, thặng dư cán cân thương mại thời gian qua chủ yếu dựa vào đóng góp của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi cán cân thương mại của khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu (năm 2012 nhập siêu 11,6 tỷ USD, năm 2013 là 13,7 tỷ USD và năm 2014 ước 16,9 tỷ USD).

Qua theo dõi những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI đang có xu hướng giảm dần (xuất khẩu của khu vực FDI năm 2012 tăng 31%; năm 2013 tăng 22%; năm 2014 ước tăng 12,9%); do năng lực sản xuất của khối doanh nghiệp này gần đạt đỉnh; công suất đã tới hạn, gần hết công suất thiết kế (mặt hàng điện thoại di động xuất khẩu năm 2012 tăng 120,6 % so với năm 2011, năm 2013 tăng 45,3% so với năm 2012 và 10 tháng năm 2014 ước tăng 6% so với cùng kỳ; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu năm 2012 tăng 77,3% so với năm 2011, năm 2013 tăng 30,6% so với năm 2012 và 10 tháng năm 2014 bằng với cùng kỳ năm trước).

Thứ hai, năm 2015 được đánh giá là năm sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, xuất khẩu chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng để thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; nhóm hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến đã đến ngưỡng về năng lực sản xuất nên tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm; đồng thời là chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô gồm dầu thô, quặng sắt...

Thứ ba, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư để đón bắt những cơ hội từ các Hiệp định sắp được ký kết, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ cho các dự án đầu tư mới.

Thứ tư, trong thời gian vừa qua, trước những bất ổn về chính trị trong quan hệ với Trung Quốc, yêu cầu chúng ta phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị; tăng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu từ các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Những sản phẩm, hàng hóa này có chất lượng tốt hơn và giá cũng cao hơn, làm cho tổng kim ngạch nhập khẩu tăng.

Thứ năm, trước triển vọng phát triển thị trường xuất khẩu thông qua sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và hiệu quả mang lại từ các FTA sắp ký kết là động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất, làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đầu tư mới và nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thứ sáu, năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, những nhà máy này sẽ sử dụng một phần than nhập khẩu; Bên cạnh đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng dự kiến nhập khẩu thêm dầu thô để phục vụ cho sản xuất (dự kiến nhập khoảng 15% tổng nhu cầu).

Với những phân tích, nhận định nêu trên, dự kiến năm 2015, xuất khẩu ước đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, nhập khẩu ước đạt khoảng 170 tỷ USD, nhập siêu ước khoảng 6 - 8 tỷ USD (chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Do thời gian cuộc họp, những câu hỏi chưa được trực tiếp trả lời, trao đổi trong thời gian họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ trả lời bằng văn bản sau họp báo.