Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nguồn cung hoàn toàn đảm bảo

Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội sáng 22/10/2022 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyên Hồng Diên cho rằng, năng lượng đang là vấn đề khiến cả thế giới “điêu đứng”. Không chỉ khó khăn về nguồn cung, mà biên độ dao động của giá xăng dầu cũng rất cao.

Đơn cử, đối với một nền kinh tế lớn như Nga, dù sở hữu lượng dầu mỏ lớn, chiếm 30-35% dầu lửa thế giới, nhưng giá bán lẻ dầu lửa và khí đốt của Nga hiện vẫn ở mức cao, khoảng 58 - 60 RUB/lít, tương đương 1 - 1,2 USD/lít và trên 30.000 đồng/lít.

Dù vậy, tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu.

“Đến thời điểm ngày 30/9/2022, chúng ta còn hàng dự trữ thương mại (chưa tính đến dự trữ quốc gia) là 2,5 triệu m3. Năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn trong tháng 10 bảo đảm 80% nguồn cung trong nước với 1,3 triệu m3/tháng. Theo kế hoạch phân giao, trong kỳ tháng 10, 34 doanh nghiệp đầu mối trong nước phải nhập 500.000 m3 xăng dầu, như vậy chúng ta đã có hơn 3 triệu m3 ở thời điểm cuối tháng 9 và giữa tháng 10, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 doanh nghiệp sẽ tiếp tục sản xuất gối đầu và nhập khẩu”, Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp giá xăng dầu trong nước đã liên tục giảm nhưng đến thời điểm hiện nay bắt đầu lên. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước lại phải bán giá thấp, dẫn đến bị thua lỗ, khủng hoảng.

“Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước lại phải bán giá thấp, đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng, mà đã lỗ thì không dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức của chúng ta đã lỗi thời, lạc hậu”, Bộ trưởng chia sẻ, cho rằng hiện vẫn tồn tại bất cập trong quy định về lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về kho bãi của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối.

Nhìn nhận đúng về hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Cần nhìn nhận, hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không xảy ra trên phạm vi cả nước mà tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích, thứ nhất, thời gian qua, tại khu vực này, lực lượng quản lý thị trường đã “đánh mạnh” vấn đề xăng dầu trôi nổi, bắt giữ và triệt phá nhiều đường dây buôn lậu xăng dầu cùng các vụ làm giả xăng dầu, lên đến hàng trăm triệu lít.

Trước đây, khi kinh doanh loại xăng dầu này, doanh nghiệp và các đại lý không cần quan tâm đến chi phí định mức, chiết khấu và cũng không cần ký kết hợp đồng mua hàng ổn định với một đối tác nào. Giờ khi không còn nguồn hàng này, kinh doanh xăng dầu chính thống lại bị ảnh hưởng bởi giá thế giới, biến động liên tục, chiết khấu thấp, thì “người ta đang kiếm được rất nhiều tiền, giờ kiếm được ít tiền, thậm chí lỗ thì không ai muốn làm”.

Thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng “cơn lốc” về chứng khoán, bất động sản vừa qua cũng có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư, nguồn tiền của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, room tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu do ngân hàng quy định khi doanh nghiệp được cấp phép, nhưng biến động chi phí và giá xăng dầu liên tục mà room tín dụng vẫn vậy, cũng ảnh hưởng đến nguồn tiền để nhập hàng của doanh nghiệp.

Thứ ba, một số doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở từng khu vực có sự lựa chọn đa dạng về nguồn hàng, có thể cùng lúc ký với nhiều đầu mối, nhưng lại không nhập hàng đều, “bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng không mua của người ta, thì doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối”. Nhất là khi, các doanh nghiệp đầu mối lớn phải ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho hệ thống của mình và các thương nhân phân phối có hợp đồng mua bán ổn định trước.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu vừa qua đã bộc lộ một số khiếm khuyết. Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ và đang trong quá trình cùng các Bộ, ngành nghiên cứu để xem xét, đề xuất sửa đổi.

Dù vậy, trong lúc các quy định pháp luật chưa được điều chỉnh, thì việc điều hành, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn cần làm đúng theo quy định, “sai đâu xử lý đó”.

"Trong thời gian tới chúng tôi đề xuất theo hướng: Lần 1 kiểm tra vi phạm phạt tiền, lần 2 vẫn vi phạm thì phạt tiền cao hơn, lần 3 thì thu hồi vĩnh viễn”, Bộ trưởng cho hay.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Ở góc độ bao quát hơn, đối với mặt hàng chiến lược như xăng dầu thì bên cạnh trách nhiệm của Bộ Công Thương là đảm bảo nguồn cung xăng dầu và quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối cho tới thương nhân phân phối, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và địa phương để công tác quản lý được đồng bộ, hiệu quả.

"Thuế, chi phí định mức, chi phí kinh doanh xăng dầu... trong giá xăng dầu là Bộ Tài chính; Bộ Giao thông - Vận tải đảm bảo lưu thông mặt hàng này; quản lý chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học và Công nghệ; quản lý môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng và các địa phương cũng được giao trách nhiệm này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra.

Đặc biệt, trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng lớp: Doanh nghiệp nhập khẩu (tức doanh nghiệp đầu mối) - Thương nhân phân phối (doanh nghiệp nhận hàng từ đầu mối/ từ các nhà máy sản xuất trong nước) - Tổng Đại lý/ Đại lý - Cửa hàng bán lẻ. Trong đó, với cấp Tổng Đại lý/ Đại lý và cửa hàng bán lẻ, hiện có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý trực tiếp. Vậy nên, để hệ thống phân phối vận hành thông suốt, ổn định thì ngoài công tác quản lý kiểm soát, điều tiết doanh nghiệp đầu mối, rất cần các địa phương vào cuộc kiểm soát và quản lý, xử lý đối với hai cấp độ này.