Phân cấp quản lý ngân sách địa phương nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng

TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trường Đại học Hải Phòng)

Tóm tắt:

Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu kết quả tác động của phân cấp ngân sách địa phương (NSĐP) trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương. Qua thu thập, khảo sát thực tiễn công tác quản lý NSNN tại thành phố Hải Phòng trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ ra những bất hợp lý, những hạn chế trong phân cấp NSĐP tại thành phố Hải Phòng. Qua bằng chứng về phân cấp quản lý NSĐP tác động đến cải thiện phân bổ nguồn lực, hạn chế tham nhũng, tăng tính minh bạch, hiệu suất của chính quyền địa phương, bài viết đưa ra hàm ý chính sách về quản trị công, mục tiêu dài hạn, khả năng giải trình, nâng cao năng lực, trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quản lý NSNN.

Từ khóa: Phân cấp ngân sách, thu ngân sách, chi ngân sách, ngân sách địa phương.

1. Giới thiệu

Sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế là một thực tế khách quan, Chính phủ có thể dùng chính sách tài khóa để can thiệp vào nền kinh tế bằng các công cụ thuế và chi tiêu công. Theo Keynes (1936), hệ thống thuế khóa và công trái nhà nước là các công cụ tạo ra nguồn lực quan trọng cho NSNN. Trong quản lý NSNN, việc thực hiện phân cấp ngân sách cho từng cấp chính quyền cũng cần được xem xét thận trọng. Phân cấp nghĩa là thực hiện chuyển một phần quyền lực của chính quyền cấp trên cho chính quyền cấp dưới. Đây thuộc một phần trong nhóm giải pháp cải cách khu vực công nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cấp chính quyền trong việc cung ứng hàng hóa công tối ưu cho xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Bahl & Linn, 1992; Bird & Wallich, 1993).

Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, lý thuyết về quản lý NSNN chỉ ra rằng phân cấp quản lý NSNN nhiều hơn cho các cấp chính quyền thấp nhất sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giảm đói nghèo và bất bình đẳng thông qua phân bổ nguồn lực hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện chất lượng quản trị nhà nước của chính quyền các cấp (Sử Đình Thành và cộng sự, 2012).

Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu kết quả tác động của phân cấp quản lý NSNN đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương. Qua đó cho thấy bằng chứng về phân cấp quản lý NSĐP tác động đến cải thiện phân bổ nguồn lực, hạn chế tham nhũng, tăng tính minh bạch, hiệu suất của chính quyền địa phương. Những lý thuyết trên được tiến hành thu thập, khảo sát thực tiễn công tác quản lý NSNN tại Thành phố Hải Phòng trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ ra những bất hợp lý, hạn chế trong phân cấp NSĐP tại thành phố Hải Phòng và đề xuất những gợi mở chính sách.

2. Cơ sở lý thuyết có liên quan

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương. Phân cấp quản lý ngân sách là việc xác định phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách trong việc quản lý ngân sách nhà nước phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội.

Bản chất của NSĐP là các mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương, giữa chính quyền địa phương với các chủ thể khác như tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước và các cấp chính quyền địa phương với nhau trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ NSĐP.

Thu ngân sách địa phương: Các quốc gia đều có quy định cụ thể về phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương. Thông thường, ngân sách trung ương (NSTW) và NSĐP có những khoản thu hưởng 100% và có những khoản thu chia sẻ giữa NSTW, NSĐP. Nguồn thu NSTW hưởng 100% thường là các nguồn thu lớn như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thu từ dầu mỏ,… Nguồn thu NSĐP hưởng 100% thường là những nguồn thu nhỏ và gắn với các lợi ích trực tiếp của các dịch vụ mà chính quyền địa phương cung cấp như thuế tài sản, các khoản thu từ đất, một số loại phí và lệ phí,… Nguồn thu được chia sẻ sẽ đảm bảo tăng tính tự chủ tài khóa cho địa phương nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn huy động vào NSTW.

3. Phân tích kết quả phân cấp quản lý NSĐP trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015

3.1. Công tác thu ngân sách nhà nước

Về tình hình thu ngân sách nhà nước của Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2015 là 244.158 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 46.057 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,6%. Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; cơ cấu thu NSNN được cải thiện theo ổn định, bền vững, nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh trong nước tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2006 - 2010, nguồn thu từ các khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh chiếm tỷ trọng 63% trong tổng số thu; giai đoạn 2011 - 2015, nguồn thu từ doanh nghiệp và hộ kinh doanh chiếm tới 64,2%. Thu tiền sử dụng đất (trừ các khoản ghi thu, ghi chi) có chiều hướng giảm do thị trường bất động sản trầm lắng, giai đoạn 2006 - 2010 chiếm 12,7% trong khi giai đoạn 2011 - 2015 chỉ chiếm 10% trong tổng số thu NSNN.

Hải Phòng là địa phương có nguồn thu từ xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn. Năm 2011, số thu từ XNK đạt 38.082.420 triệu đồng, năm 2015 đạt 39.472.096 triệu đồng. Trong khoảng thời gian 05 năm (2011-2015), thu từ XNK chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng thu NSNN trên địa bàn, chiếm trung bình 70% tổng thu NSNN.

Đối với các đơn vị hạch toán toàn ngành như: điện lực, cảng, bảo hiểm, ngân hàng,… đều sử dụng, khai thác cơ sở hạ tầng tại địa phương để bảo đảm lợi thế về kinh doanh, tuy nhiên việc nộp thuế thực hiện tại Trung ương nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến số thu của địa phương.

Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, còn tình trạng bỏ sót nguồn thu, thất thu thuế, thu chưa đáp ứng được yêu cầu chi.

3.2. Công tác chi NSNN

Tổng chi cân đối ngân sách giai đoạn 2011-2015 của Hải Phòng là 47.220 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 32.849 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tăng chi các chế độ chính sách phát sinh, phần lớn là các chế độ chi cho con người (tiền lương, phụ cấp, trợ cấp,..), dẫn tới mức tăng chi thường xuyên bình quân cả giai đoạn là 17,0%; chi đầu tư phát triển đạt 13.063 tỷ đồng, tăng bình quân là 23,8%/năm (chi đầu tư phát triển năm 2015 tăng gấp đôi năm 2014, do thành phố cơ cấu lại các khoản chi cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2011 - 2014 ngân sách thành phố hụt thu nên phải giảm các khoản chi tương ứng, tốc độ tăng bình quân chỉ đạt 6,2%). Chi thường xuyên trong giai đoạn gấp 2,5 lần chi đầu tư phát triển. Điều này trái với xu thế chung là tăng chi tích lũy, giảm chi thường xuyên. Như vậy, cơ cấu chi chưa hợp lý, chưa tạo được động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng.

Trong giai đoạn 2011-2015, chi đầu tư phát triển đảm bảo bố trí vốn cho các dự án được ghi kế hoạch; thực hiện chủ trương về nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tập trung vốn đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm như Dự án Mở rộng Khu bay - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án Đầu tư xây dựng đường nối giữa quốc lộ 10 với quốc lộ 5, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2, Cầu Khuể, Cầu Rào 2, Đường trục Khu công nghiệp Đình Vũ...; xây dựng nông thôn mới và trả nợ các công trình xây dựng cơ bản. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của thành phố được tập trung xây dựng, tạo nên những phát triển đột phá; triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và nhiều dự án, công trình có ý nghĩa thiết thực khác. Tập trung thu hút các tập đoàn đầu tư trong nước và quốc tế có tiềm lực lớn, có trình độ công nghệ cao như LG, Vingroup, Him Lam, Bitexco..., đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư, thu hút được một số dự án lớn trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp, đô thị và phát triển dịch vụ.

3.3. Một số hạn chế và nguyên nhân trong công tác thu, chi NSNN

- Dự toán chi thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của thành phố

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xác định cho năm đầu thời kỳ và ổn định ngân sách trong cả giai đoạn 5 năm tiếp theo 2011-2015, kéo dài đến hết năm 2016. Trong đó, Trung ương căn cứ vào các tiêu chí chung cho các tỉnh, thành phố trên cả nước như dân số, diện tích, loại đô thị, làm cơ sở để xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương. Trong khi giai đoạn này, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi của các cấp ngân sách; giá cả thị trường, vật tư hàng hóa luôn biến động tăng qua các năm; định mức chưa tính đến các yếu tố tác động khách quan như tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chưa tính đến tiêu chí đặc thù của các địa phương như thành phố trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ, du lịch, đào tạo của vùng, đầu mối giao thông quan trọng... như Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX đã nêu, một số lĩnh vực có mức chi còn eo hẹp, làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi của các đơn vị dự toán và khả năng cân đối chi ngân sách của thành phố.

- Chưa thực hiện triệt để việc khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính

Khi thực hiện cơ chế tự chủ về biên chế và tài chính, các cơ quan, đơn vị chưa chủ động gắn tự chủ về tài chính với tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, chưa xây dựng cụ thể và phân định rõ ràng cơ cấu cán bộ, chức danh, tiêu chuẩn từng chức danh, nhiệm vụ đảm nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm dẫn đến thực tế số lượng cán bộ hưởng lương ngân sách năm qua tiết kiệm thấp và chủ yếu nghỉ theo chế độ. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị hành chính mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thực sự trong việc sử dụng lao động; các đơn vị sự nghiệp công lập liên tục nhận lao động hợp đồng với số lượng lớn, ngân sách hàng năm phải bố trí tăng kinh phí cho trả lương lao động; việc triển khai các dịch vụ đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công ích còn chậm. Trong khi ngân sách của thành phố còn hạn hẹp, cơ cấu chi cho con người chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến các cơ quan, đơn vị không còn nguồn lực để tái đầu tư trang thiết bị và tăng thu nhập cho người lao động.

- Tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng giảm

Với vị trí là cửa ngõ chính ra biển của cả miền Bắc, một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nên nhu cầu chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố là rất lớn, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách thành phố là chưa tương xứng với nhu cầu của thành phố. Nhu cầu vốn để thực hiện tăng lương, thực hiện các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội ngày càng cao, tạo sức ép rất lớn trong cân đối ngân sách thành phố. Chi đầu tư phát triển năm 2015 chỉ đạt 28,5% trên tổng chi ngân sách thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển.

- Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đa phần chậm hơn so với quy định và phải điều chỉnh nhiều lần

Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn thành phố có 155 dự án chuyển tiếp do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư đang được triển khai thực hiện, trong đó có 111 dự án bị chậm tiến độ so với quy định (chiếm 71,6% số dự án chuyển tiếp). Nhiều dự án đầu tư công phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần như: Dự án đường bao phía Đông Nam quận Hải An, dự án tuyến đường trục mặt cắt 100m khu đô thị Lạch Tray - Hồ Đông, dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Khu Nam Đình Vũ, dự án xây dựng Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở II, hệ thống thủy lợi Lai - Sàng - Họng...

- Đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao

Công tác phân bổ, quản lý vốn đầu tư công vẫn chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn: Năm 2016, trên địa bàn thành phố có 371 dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư (phần vốn ngân sách nhà nước) là 38.000 tỷ đồng, như vậy trung bình mỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 102 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm tổng vốn đầu tư công bố trí cho các dự án (sau khi đã cân đối trả nợ, bố trí cho các chương trình thực hiện các Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố) là khoảng 2.200 tỷ đồng, do đó chỉ có thể cân đối bình quân khoảng 5,9 tỷ đồng/dự án/năm. Như vậy, để bố trí đủ vốn cho một dự án thì cần 17 năm, trong khi đầu tư theo quy định đối với dự án nhóm C không kéo dài quá 3 năm, dự án nhóm B không quá 5 năm.

4. Hàm ý chính sách

+ Định hướng quản lý thu chi NSNN địa phương

Phương hướng quản lý ngân sách địa phương trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay cần hoàn thiện theo hướng:

Thứ nhất, phân tách rõ ràng hơn giữa các cấp ngân sách, hướng đến xây dựng một hệ thống phân cấp tài khóa đầy đủ hơn, trong đó các cấp chính quyền địa phương có sự tự chủ và quyền quyết định lớn hơn về ngân sách cấp mình và độc lập tương đối với chính quyền trung ương bao gồm cả nguồn thu và nhiệm vụ chi.

Thứ hai, mở rộng quyền tự chủ của địa phương trong quyết định chi tiêu. Việc mở rộng quyền tự chủ của địa phương trong các quyết định chi tiêu được dựa trên nguyên tắc chi tiêu được thực hiện ở cấp chính quyền nào trực tiếp cung ứng dịch vụ công có hiệu quả nhất. Tránh tình trạng cùng một nhiệm vụ chi được phân ra cho quá nhiều cấp mà không có sự xác định ranh giới rõ ràng, dẫn đến chỗ không rõ về trách nhiệm giải trình và sự chồng chéo, đùn đẩy giữa các cấp chính quyền. Trong điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ trong chi tiêu của địa phương nên bắt đầu ở việc cho phép chính quyền địa phương tự chủ ở một mức độ thích hợp trong việc ra các quyết định chi tiêu theo thứ tự ưu tiên của địa phương. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên của địa phương phải phù hợp với chiến lược và mục tiêu của quốc gia. Đồng thời, cần cho phép địa phương được quyền quyết định các chế độ và định mức chi tiêu theo nguyên tắc về kỷ luật tài khóa tổng thể.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính của chính quyền địa phương. Việc đẩy mạnh phân cấp chỉ có thể đạt được mục tiêu hiệu quả khi gắn liền với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương. Để thực hiện được điều đó cần có các cơ chế thích hợp để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình cả với bên ngoài và nội bộ.

+ Hoàn thiện phân cấp chi đầu tư cho địa phương

Phân cấp đầu tư cần gắn với phân định rõ quyền quản lý, sử dụng tài sản có được do đầu tư của các cấp (gắn với trách nhiệm trách nhiệm giải trình) theo hướng phân loại tài sản cấp quốc gia, có loại tài sản cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tài sản của cấp nào do cấp đó quyết định và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, định đoạt theo quy định của pháp luật. phân cấp đầu tư cũng cần gắn với phân cấp quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước của mỗi cấp chính quyền đối với phần vốn và tài sản nhà nước đầu tư trong các doanh nghiệp.

Phân cấp đầu tư cũng cần gắn với phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công. Chính quyền cấp tỉnh và thành phố quyết định quy hoạch mạng lưới tổ chức, thành lập và quản lý các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công trên địa bàn như: giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ công ích,... và các dịch vụ phục vụ sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công,...); quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể để khuyến khích phát triển và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công ở các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá, thể dục thể thao,... để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân địa phương. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị về kế hoạch, tài chính, nhân lực, tổ chức.

Nên chuyển giao cho chính quyền cấp tỉnh trực tiếp quản lý các đơn vị sự nghiệp hiện do các bộ, ngành đang quản lý, trừ một số đơn vị sự nghiệp đặc thù, phức tạp, có tính chất quan trọng, chính quyền địa phương chưa đủ khả năng, điều kiện quản lý. Chính quyền các thành phố chịu trách nhiệm quản lý các dịch vụ công cộng trên địa bàn đô thị; trực tiếp thực hiện các hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; quyết định chủ trương khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

+ Đẩy mạnh quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra

Đẩy mạnh quản lý ngân sách theo hướng quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Hiện nay, đổi mới quản lý ngân sách theo mô hình mới, dựa theo kết quả đầu ra gắn với tầm nhìn trung hạn đang diễn ra ở hầu khắp các nước phát triển như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ,... Trong đó, điểm nổi bật là sự thay đổi tư duy về cách thức quản lý ngân sách đã dẫn đến các trào lưu đổi mới quy trình lập, phân bổ ngân sách theo khuôn khổ ngân sách trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn, lấy tiêu thức kết quả đầu ra (của quá trình phân phối, sử dụng nguồn lực công) làm căn cứ chủ yếu để lập dự toán, thiết lập quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả sử dụng ngân sách.

+ Nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong điều kiện mở rộng phân cấp quản lý ngân sách

Cùng với thực hiện nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng ở nước ta, sự phân cấp tài khóa đang được thúc đẩy với chương trình cải cách hành chính công, chương trình củng cố, tổ chức lại việc quản lý nguồn lực con người và tài khóa để giải quyết một thực tế là “bộ máy hành chính ở cấp địa phương không thực sự nhiệt tình với người dân”. (Sử Đình Thành và cộng sự, 2012).

Nâng cao năng lực: Chương trình cải cách hành chính công đòi hỏi phát triển một kế hoạch xây dựng năng lực để cung cấp các cơ hội đào tạo tốt hơn ở cấp trung ương cũng như địa phương, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo, sửa đổi nội dung cho gần hơn với các kỹ năng công việc thực tế yêu cầu. Việc tăng cường sự tiếp cận các cơ hội giáo dục sẽ là vấn đề quan trọng để đáp ứng khả năng yếu kém của nhiều địa phương ở Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Kiểm soát tập trung và quản lý phân cấp: Khi tiến hành phân cấp tài khóa, cần phải xác định lại trách nhiệm của trung ương và các địa phương. Trung ương cần đóng vai trò là người hướng dẫn, cung cấp cho cơ quan hành chính địa phương một khung chính sách quốc gia tổng thể và khả thi, tăng cường khả năng đánh giá công việc của các địa phương. Đồng thời, các chính sách phải thống nhất về trách nhiệm và quyền tự quyết của các nhà lãnh đạo địa phương; các cán bộ của họ phải được cụ thể hóa rõ ràng và đi kèm với những nguồn lực và sự linh hoạt đối với các hoạt động cụ thể đáp ứng nhu cầu của công chúng, đồng thời phải đi kèm với các cơ chế đảm bảo trách nhiệm; ngăn chặn việc thâu tóm cán bộ cốt cán.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương: Trong quá trình chuyển giao quyền lực và trách nhiệm cho địa phương, Chính phủ cần phải xem xét khả năng của các đơn vị hành chính nhằm đảm nhận các nhiệm vụ về quản lý và kỹ thuật phức tạp, đồng thời tránh sự phát triển nhanh của các đơn vị hành chính địa phương không có hiệu quả. Cách tốt nhất đối với quá trình cải cách phân cấp, đó là việc phát triển kỹ năng, khuyến khích kết quả công việc và đổi mới được khuyến khích thông qua “việc học qua công việc” nhìn chung có cách tiếp cận bền vững và mang tính cá nhân hóa hơn là các khóa học nghề được tiến hành mà không chú ý đến những công việc cụ thể mà cán bộ công chức phải làm hàng ngày. Mặt khác, theo Prud homme (1995) thì năng lực kém và sự thiếu kinh nghiệm của công chức địa phương có thể là nguyên nhân gây nên sự giảm sút nhanh chóng về chất lượng và hiệu quả các dịch vụ công từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế.

5. Kết luận

Mặc dù ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực quản lý NSNN, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm hoàn thiện hơn nữa vai trò của mỗi cấp chính quyền trong quản lý NSNN. Xuất phát từ các nghiên cứu trước đây, khảo sát thực tiễn công tác phân cấp NSĐP tại thành phố Hải Phòng, những định hướng cơ bản trong quản lý NSNN của Đảng và Nhà nước, bài viết đã hàm ý một số gợi mở chính sách trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình phân cấp. Các hàm ý này mang tính hữu cơ và gắn bó với nhau, tùy từng giai đoạn nhất định cần phải được vận dụng, triển khai đồng bộ phù hợp với tình hình, chiến lược phát triển của địa phương, quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thuế thành phố Hải Phòng (2016), Báo cáo tổng hợp thu nội địa năm giai đoạn 2011 - 2015, Hải Phòng.

2. Vũ Cương, Phạm Văn Vận (2013), Giáo trình Kinh tế Công cộng, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

3. Vũ Cương, Phạm Văn Vận (2013), Giáo trình Kinh tế Công cộng, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

4. Hội đồng nhân dân Thành phố Hải Phòng (2017), Nghị quyết số 152/NQ-HĐND Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương năm 2017, ban hành ngày 13/12/2016.

5. Quốc Hội (2002), Luật NSNN số 01/2002/QH 11, ban hành ngày 16/12/2002.

6. Quốc Hội (2015), Luật NSNN số 83/2015/QH 13, ban hành ngày 25/6/ 2015.

7. Sử Đình Thành - Mai Đình Lâm (2012), Phân cấp chi ngân sách và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 263, tháng 9.

8. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (2017), Báo cáo tổng hợp rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng.

9. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng (2016), Đề án nhiệm vụ, giải pháp tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công, Hải Phòng.

10. Oates, Wallace E, 1993. Fiscal Deceltralization and Economic Developmet. National Tax Journal, Vol 46, No.2: 237 - 243.

11. Oates, W.E, 1972. Fiscal Federalism. Harcourt Brace Javonovich, Inc.

12. Bird & Wallich (1993), Decentralization of the Socialist State. A Regional and Sectoral Study. Washington, D.C. World Bank.

13. John Maynard Keynes (1936), The General Theory of Employment, Interest and Money. Marxists.org, 2002.

14. Bahl & Linn (1992), Urban Public Finance in Developing Countries, New York: Oxford University Press.

The decentrailzation of local budget management: A study in Haiphong City

PhD. NGUYEN THI THANH NHAN

Hai Phong University

Abstract:

This paper presents the impact of decentralization of the local budget management in the national budget management on Haiphong's economic development and social welfare. Through an investigation into the decentralization of the local budget management period 2011-2015, the shortcomings were identified. Through evidences of decentralized budget management having impacts on improving the allocation of resources, reducing corruption, increasing transparency and improving local government efficiency, the article provides suggestion for public administration, long-term goals, accountability, capacity development and accountability for local government in state budget management.

Keywords: Budget decentralization, budget collection, budget expenditure, local budget.