TÓM TẮT:

Nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ của tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế khi mà tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, mà ảnh hưởng tới giá trị danh mục đầu tư và lợi nhuận. Kết quả cho thấy, có sự tồn tại mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô và 5 loại tỷ giá hối đoái. Cụ thể, tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng bởi cán cân thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu, giá vàng và chỉ số VN Index. Tỷ giá và sự ảnh hưởng của yếu tố vĩ mô được phân tích trong nội dung bài viết dưới đây.

Từ khóa: tăng trưởng tiền tệ, lạm phát, tỷ giá, đầu tư nước ngoài, biến số kinh tế vĩ mô.

1. Tổng quan lý thuyết

Nghiên cứu tại Nigeria, Danmola (2013) thu thập dữ liệu chuỗi thời gian từ năm 1980 đến năm 2010, tiến hành kiểm định nghiệm đơn vị bằng kiểm định Augmented Dickey Fuller (ADF) và PhillipPheron (PP), sau đó chạy hồi quy OLS và kiểm định nhân quả (Granger) để kiểm tra tác động ngắn hạn giữa mối quan hệ của biến động tỷ giá và dòng vốn vào, độ mở thương mại. Kết quả là những ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, tác giả đề xuất, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và độ mở thương mại cần được Chính phủ củng cố thông qua việc cải thiện xuất khẩu của quốc gia, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô trong lĩnh vực sản xuất. Bằng cách này, Nigeria có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ sự biến động tỷ giá hối đoái, xét trên cán cân thương mại.

Trái ngược với kết quả của Danmola (2013), một nghiên cứu của Trung Quốc đưa ra kết luận rằng mức độ mở cửa có ảnh hưởng ngược chiều đến giá trị đồng nội tệ. Chi (2012), đề xuất dựa trên tập dữ liệu hàng quý từ năm 1994 đến năm 2010 tại Trung Quốc nhằm khám phá mối liên hệ giữa tỷ giá và các biến số vĩ mô (bao gồm mức độ mở, chi tiêu Chính phủ, cung tiền và tăng trưởng kinh tế). Sau khi tiến hành kiểm định đồng liên kết, kiểm tra xếp hạng và mô hình hiệu chỉnh sai số (ECMs), ông nhận thấy rằng, những biến vĩ mô trên có ý nghĩa tiêu cực với trạng thái cân bằng dài hạn của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ (RMB).

Due & Sen (2006) đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái của đồng Rupee Ấn độ so với tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng (REER của 36 quốc gia khác), và mức độ dòng vốn, các chỉ số chính sách tài khóa và tiền tệ, thặng dư tài khoản vãng lai trong giai đoạn 1993-2004 (theo quý). Trước tiên, họ kiểm định nghiệm đơn vị (Unit root), sau đó áp dụng mô hình VAR để kiểm tra  mối quan hệ giữa các biến. Cuối cùng, họ sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số (VECM) để kiểm tra xem từng biến riêng lẻ có gây ra nhân quả Granger với REER hay không. Due & Sen nhận thấy rằng REER đồng liên kết với mức độ luân chuyển vốn, chi tiêu chính phủ, thặng dư tài khoản vãng lai và cung tiền. Ngoại trừ Cung tiền có quan hệ ngược chiều với tỷ giá hối đoái, những biến còn lại đều thể hiện mối quan hệ cùng chiều. Một điều lưu ý rằng tất cả những biến được xem xét có tác động lâu dài đến tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng.

Quan tâm đến xu hướng về giá vàng, Tsen (2004) thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ của tỷ giá hối đoái và giá vàng ở Malaysia. Dữ liệu được thu thập hàng quý từ năm 1976 đến năm 2012, áp dụng mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL). Kết quả cho thấy có mối quan hệ trong dài hạn giữa tỷ giá hối đoái và giá vàng. Ngoài ra, trong ngắn hạn, giá vàng có tác động đáng kể đến tỷ giá hối đoái. Vàng là một lựa chọn thay thế cho việc nắm giữ tiền tệ, đặng biệt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khi mà tiền bị mất giá lớn.

Dựa trên lý thuyết cơ sở, giả thuyết được đưa ra:

Ha: Các chỉ số kinh tế vĩ mô có tác động đến tỷ giá hối đoái

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Mẫu và thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung vào phân tích dữ liệu chuỗi thời gian của 11 nhân tố kinh tế vĩ mô tại Việt Nam, đó là: Biến độc lập là tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thu & chi ngân sách nhà nước (GREVENUE & GEXPENSE), xuất khẩu (EXPORT), nhập khẩu (IMPORT), cán cân thương mại (BOT), tăng trưởng tiền tệ (MSGROWTH), giá vàng (GOLD) và chỉ số VN Index. Những biến trên được cho là có tác động đến sự thay đổi giá trị tỷ giá hối đoái đồng nội tệ  (VND) so với 5 loại đồng ngoại tệ là Đô la Mỹ (USD) , Euro (EUR), Yên Trung Quốc (CNY), Yên Nhật (JPY) và Đô la Singapore (SGD).

Dữ liệu là dữ liệu thứ cấp hàng tháng trong 10 năm, từ năm 2009 đến năm 2018.

2.2. Ma trận tương quan

Nghiên cứu này kiểm tra mối tương quan giữa các biến ở mức ý nghĩa 5%.  Nhìn chung, hầu hết các biến số kinh tế có mối tương quan với tỷ giá hối đoái ở các mức độ khác nhau (thấp hoặc cao, cùng chiều hoặc ngược chiều). Tỷ giá USD/VND có hệ số tương quan 0.686 và 0.6198 với chỉ số VN index và BOT_USD với Sig.value < 1%. Những biến vĩ mô khác cũng thể hiện mối tương quan thuận với tỷ giá USD/VND ở hệ số lần lượt là 0.53, 0.52, 0.6, 0.57 cùng biến chi tiêu Chính phủ GREVENUE GEXPENSE, xuất nhập khẩu EXPORT IMPORT.

Về đồng EUR, tỷ giá EUR/VND có mối tương quan với biến giá vàng GOLD và CPI. Giá vàng có mối tương quan ở mức trung bình là 0.58 với Sig.value <1%. Giả định được đặt ra, đồng Euro là một trong những lựa chọn tiền tệ thay thế quan trọng nhất cho đồng USD. Thông thường sẽ có một mối quan hệ thuận giữa giá vàng và đồng Euro: cả 2 tài sản này đều có mối tương quan ngược chiều với đồng USD, nhưng không hoàn hảo bởi vàng không chỉ đơn thuần là một sự thay thế của đồng USD.

Tỷ giá JPY/VND, như chúng ta đã biết, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư tiềm năng tại Việt Nam, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi dòng vốn FDI và tỷ giá này có mối tương quan ngược chiều là -0.18 ở mức ý nghĩa 5%. Tương tự như FDI, chỉ số VN index cũng thể hiện mối tương quan ngược chiều là -0.3226 với Sig.value < 1%. Nhìn vào tỷ giá CNY/VND, mức độ tương quan là trung bình với các biến GOLD, VN index, EXPORT và IMPORT (Sig.value <1%). Đặc biệt, hệ số giữa tỷ giá CNY/VND và cán cân thương mại BOT_CNY cho thấy một giá trị âm ở mức -0.411. Điều này gợi ý rằng, khi cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thặng dư, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn cho Trung Quốc, nhu cầu của đồng VND sẽ tăng so với đồng CNY.

Tỷ giá hối đoái cuối cùng, SGD/VND, có nhiều biến số vĩ mô có quan hệ với tỷ giá này như là GREVENUE, GEXPENSE, EXPORT, IMPORT. Giá vàng GOLD cũng thể hiện hệ số tương quan cao ở mức 0.6275.

Sơ bộ, có thể thấy rằng các biến độc lập có mối quan hệ tương quan với biến phụ thuộc và có thể đưa vào mô hình hồi quy để giải thích cho biến tỷ giá.

2.3. Kiểm định nghiệm đơn vị

Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị cho 20 biến ở I(0), sai phân bậc 1 I(1) và sai phân bậc 2 I(2). Trong đó, MSGROWTH, EUR/VND và SGD/VND có tính dừng tại I(0). Tiếp tục kiểm tra tính dừng ở sai phân bậc 1 I(0) của các biến còn lại, hầu hết các biến có tính dừng. Các biến USD_VND, JPY_VND, CNY_VND, GOLD, CPI, VN_INDEX, BOT_JPY, dGDP, BOT_EUR là chuỗi dừng ở sai phân bậc 1. Cuối cùng, tại sai phân bậc 2 I(2), 8 biến còn lại có tính dừng.

2.4. Kiểm định nhân quả Pairwise Granger

Kiểm định nhân quả Pairwise Granger được thực hiện để xem xét mối quan hệ nhân quả giữa các biến, rất hữu ích cho việc phân tích mối quan hệ trong ngắn hạn. Do đó, kiểm định này mang đến một cái nhìn cho việc áp dụng mô hình ARDL sau này, kiểm định đồng liên kết trong dài hạn. Trong nghiên cứu này, kiểm định nhân quả Granger được thực hiện với độ trễ bằng 2, ở mức ý nghĩa 5%.

Tỷ giá USD/VND có quan hệ nhân quả 1 chiều với MSGROWTH với p-value bằng 0.0106, có nghĩa rằng MSGROWTH được dự đoán tốt hơn dựa trên giá trị quá khứ của MSGROWTH và giá trị quá khứ của tỷ giá USD/VND. Tỷ giá USD/VND cũng có nhân quả một chiều với các biến cán cân thương mại (BOT) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, châu Âu và Singapore. Có thể giải thích rằng, việc tiền tệ mất giá có tác động đến cán cân thương mại giữa các quốc gia, tùy thuộc vào sự khác biệt về phát triển kinh tế.  Sự mất giá của đồng nội tệ có thể cải thiện cán cân thương mại trong dài hạn.

Kết quả kiểm định cũng cho thấy, cả 5 loại tỷ giá hối đoái đều có quan hệ nhân quả Granger với biến CPI. Nhiều học giả đã nghiên cứu về cách thức chuyển động của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng như thế nào với chỉ số giá tiêu dùng. Có một điều lưu ý rằng, bất kỳ biến động (phần trăm thay đổi) trong tỷ giá hối đoái sẽ dẫn đến biến động tỷ lệ phần trăm trong giá tiêu dùng, theo như mức chuyển qua của tỷ giá hối đoái “không hoàn chỉnh”.

Về tỷ giá JPY/VND và SGD/VND, 2 tỷ giá này có quan hệ nhân quả Granger với GOLD ở giá trị p-value lần lượt là 1,00E-05 và 0,0104. Thực tế này cũng được hỗ trợ bởi kết quá tương đồng trong ma trận tương quan. Chỉ số VN Index cũng có quan hệ nhân quả với FDI. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Khi chỉ số chứng khoán đang tốt, lợi nhuận kỳ vọng từ đầu tư cao và giá trị đầu tư sẽ tăng đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

2.5. Mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL) và hiệu chỉnh sai số (ECM)

Mô hình EUR/VND: Trước hết, để đảm bảo rằng, các biến đồng liên kết và tồn tại mối quan hệ dài hạn, kiểm định đường bao F-Bound được thực hiện. Giá trị thống kê F-test của mô hình bằng 4.1406, cao hơn giá trị đường bao trên, vì vậy giữa các biến trong mô hình có quan hệ dài hạn với nhau, và có thể áp dụng mô hình ARDL. Kết quả cuối cùng cho thấy, ngoại trừ chi ngân sách Chính phủ, tất cả các biến kinh tế khác đều có ảnh hưởng tới tỷ giá đồng VND so với EUR. Tuy nhiên, thời gian càng dài thì tầm ảnh hưởng của các biến tới tỷ giá càng giảm.

Mô hình USD/VND: Bước đầu tiên được thực hiện đó là tính giá trị F-test trong kiểm định đường bao F. Kết quả thu được là 8.5877, cao hơn giá trị tới hạn của đường bao trên là 3.83 với mức ý nghĩa 5%. Do đó, các biến có đồng liên kết. Áp dụng mô hình ARDL, kết quả cho thấy, hầu hết các biến đóng vai trò là biến giải thích cho tỷ giá USD- VND ngoại trừ doanh thu Chính phủ và cán cân thương mại Việt Nam, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có vẻ như các biến số kinh tế vĩ mô tác động đến tỷ giá USD_VND trong thời gian dài.

Mô hình CNY/VND: Trước hết, thử nghiệm đường bao F được áp dụng để kiểm tra liệu mối quan hệ dài hạn có tồn tại giữa các biến. Kết quả giá trị F-test bằng 4.0190, cao hơn giá trị tới hạn đường bao trên tại mức ý nghĩa 5%. Vậy có tồn tại mối quan hệ dài hạn và đồng liên kết. Kết quả mô hình ARDL thu được là, sự thay đổi của tỷ giá CNY/VND có thể được giải thích bởi các biến số kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, mô hình cho thấy trong khi biến đó có thể dẫn đến giảm giá đồng nội tệ tại thời điểm hiện tại, thì tại các độ trễ muộn hơn có thể dẫn đến việc tăng giá đồng nội tệ (như biến thu nhập Chính phủ GREVENUE).

Mô hình JPY/VND: Như thường lệ, kiểm định đường bao F được thực hiện để phát hiện mối quan hệ dài hạn giữa các biến giải thích và tỷ giá hối đoái. Kết quả kiểm tra giá trị F-test bằng 5.6483, cao hơn giá trị tới hạn đường bao trên là 3.83 ở mức ý nghĩa 5%. Tiến hành áp dụng mô hình ARDL, kết quả là, các chỉ số kinh tế tại Việt Nam có ảnh hưởng tới tỷ giá của đồng VND so với đồng JPY, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều, thể hiện bằng hệ số nhỏ trong mô hình.

Mô hình SGD/VND: Giá trị F-test bằng 4.0986, cao hơn giá trị tới hạn đường bao trên (3.83) ở mức ý nghĩa 5%, thể hiện tồn tại mối quan hệ giữa các biến độc lập và tỷ giá hối đoái. Sau khi áp dụng mô hình ARDL, kết quả thu được, các biến vĩ mô có tác động tới tỷ giá SGD/VND trong cả thời gian ngắn hạn và dài hạn, mức độ tác động của các biến ở mức trung bình.

3. Kết luận và đề xuất

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tồn tại mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn giữa các biến số kinh tế vĩ mô và tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng bởi cán cân thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu, giá vàng và chỉ số VN index. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng loại tỷ giá hối đoái cụ thể, tác động của chúng sẽ là ngay lập tức hay cần thời gian để ảnh hưởng. Đồng nội tệ sẽ giảm giá so với ngoại tệ nếu nhập khẩu tăng. Ngược lại, khi VN index tăng điểm, đồng nội tệ có cơ hội tăng giá so với đồng ngoại tệ. Xét về mức độ ảnh hưởng của các biến tới tỷ giá, đồng USD và EUR dường như có mối tương quan rõ ràng hơn với các biến. Đối với đồng CNY và JPY, các biến thể hiện mối tương quan  với tỷ giá ở độ trễ thấp hơn nhưng với hệ số khá thấp. Cuối cùng, các biến vĩ mô có tác động tới tỷ giá hối đoái SGD_VND ở mức trung bình.

Nghiên cứu khảo sát mối quan hệ trong dài hạn và ngắn hạn giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô ở Việt Nam và tỷ giá hối đoái của đồng VND so với 5 loại đồng ngoại tệ USD, EUR, CNY, JPY và SGD. Kết quả của nghiên cứu có thể được xem như tài liệu tham khảo để đưa ra khuyến nghị cho xã hội, người hoạch định chính sách hoặc nhà đầu tư. Thứ nhất, cơ quan hoạch định chính sách cần ban hành chính sách liên quan đến lãi suất, cung tiền, đầu tư và đi vay để khuyến khích thị trường chứng khoán. Bởi từ nghiên cứu này cho thấy, VN index góp phần làm tăng giá đồng nội tệ so với ngoại tệ. Thứ hai, Nhà nước được khuyến khích đưa ra những chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa, dịch vụ về cả chất lượng và số lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam và các nước. Chính sách này có thể làm cho đồng nội tệ mạnh lên so với ngoại tệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi, W. S. (2012). The relationship between exchange rate and macroeconomic variables in China. Proceedings of Rijeka School of Economics, 30(1), 33-56.
  2. Danmola, R. A. (2013). The impact of exchange rate volatility on the macro economic variables in Nigeria. European Scientific Journal, 9(7), 1857-7881.
  3. P. Due., & P. Sen. (2006). Capital flow volatility and exchange rates: the case of India. [Online] Available at https://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.476.4268&rep=rep1&type=pdf
  4. Edwards, S. (2001). Exchange Rate Regimes, Capital Flows and Crisis Prevention. [Online] Available at https://www.nber.org/system/files/working_papers/w8529/w8529.pdf
  5. Nkoro, E, and Uko. A.K. (2016). Autoregressive Distributed Lag (ARDL) cointegration technique: application and interpretation. Journal of Statistical and Econometric Methods, 5(4), 1792-6602.
  6. Tsen. (2014). Exchange rate and gold price: evidence from Malaysia. Wong/Labuan Bulletin of International Business & Finance, 12, 1-18.

ANALYZING THE RELATIONSHIP

OF THE EXCHANGE RATE AND ECONOMIC INDICATORS

IN THE SHORT TERM AND LONG TERM

• Assoc.Prof.Ph.D DAO THI THANH BINH1

• NGUYEN THI VAN ANH1

1Faculty of Business Administration and Tourism Hanoi Univrsity

ABSTRACT:

This study explores the relationship of the exchange rate and economic indicators as the exchange rate plays an important role in the economy. The exchange rate does not only affect imports and exports but also impacts the value and the return of portfolios. The study’s results show that there are short-term and long-term relationships among macroeconomic indicators and five types of exchange rates. Specifically, the exchange rate is affected by trade balance, imports and exports, gold price and VNIndex.

Keywords: currency growth, inflation, exchange rate, foreign investment, macroeconomic variables.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]