Phân tích biến động chỉ số an ninh năng lượng Việt Nam giai đoạn 2000 - 2017

PHAN DIỆU HƯƠNG (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hiện nay, an ninh năng lượng (ANNL) đang là vấn đề được quan tâm toàn cầu. Đây được coi là một trong những trụ cột an ninh quốc gia về kinh tế, môi trường và xã hội. Việc lựa chọn, tính toán và đánh giá đầy đủ các chỉ số an ninh năng lượng là đòi hỏi cần thiết nhưng phức tạp do sự khác biệt về khái niệm, sự đa dạng trong khía cạnh đánh giá cũng như sự sẵn có của số liệu liên quan.

Bài viết tập trung tính toán, đánh giá sự biến động một số chỉ số an ninh năng lượng (ESI) của Việt Nam với số liệu thống kê từ giai đoạn 2000 - 2017.   

Từ khóa: An ninh năng lượng, chỉ số an ninh năng lượng, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

An ninh năng lượng (ANNL) là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với hầu hết các nước trên thế giới. Đây được coi là trụ cột có tầm ảnh hưởng lớn đối với an ninh quốc gia (an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh xã hội).

Vấn đề ANNL được nhiều quốc gia, tổ chức, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và phát triển nội hàm cũng như đưa ra các chỉ số đánh giá. Lựa chọn phương pháp nghiên cứu và đánh giá định lượng ANNL là cấp thiết. Bởi vì, chúng không chỉ giúp mỗi quốc gia nhìn nhận khách quan tình hình thực tế cũng như biến động ANNL theo thời gian, theo loại năng lượng mà còn cho phép so sánh tương đối với các nước khác trong khu vực hoặc toàn cầu. Tùy thuộc vào quan điểm, sự ưu tiên cũng như khả năng sẵn có của các dữ liệu mà sự lựa chọn chỉ số đánh giá ANNL của quốc gia có thể thay đổi khác nhau.    

2. Khái niệm an ninh năng lượng và chỉ số an ninh năng lượng

2.1. Khái niệm an ninh năng lượng

Hiện tại, chưa có khái niệm thống nhất hoàn toàn về ANNL chung toàn cầu (Chester, 2009; Winzer, 2012) nên bất kỳ đánh giá ANNL nào cũng cần bắt đầu với việc lựa chọn một định nghĩa thích hợp. Các quốc gia khác nhau về quan điểm và sự quan tâm đến các khía cạnh khai thác, cung cấp hay sử dụng năng lượng sẽ có phát biểu khác nhau về ANNL. Những nhà nghiên cứu về vấn đề này cũng có những thay đổi trong nội hàm theo thời gian và theo mục tiêu nghiên cứu. Có thể điểm lại một số khái niệm về ANNL đã được chấp nhận và sử dụng trong nghiên cứu hay định hướng chiến lược phát triển năng lượng như:

Thuật ngữ ANNL xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ XX (Nguyễn Minh Quang, 2019) và có thể nói, Winston Churchill là người đầu tiên hiểu được lợi thế việc đa dạng hóa năng lượng và đưa khái niệm ANNL vào thực tế (Mauel Centoni, 2016). Khái niệm về ANNL được Churchill đưa ra chỉ là an ninh về cung cấp dầu mỏ. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề ANNL không chỉ gắn với dầu mỏ mà còn đối với năng lượng nói chung. Các định nghĩa đều tập trung vào sự ổn định nguồn cung và giá của dầu mỏ hoặc cung cấp năng lượng như Yergin, Daniel (2006), Bohi và Toman (1993), Jun (2009).

Andrew (2005) đưa ra “Mục tiêu của ANNL là đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ, đáng tin cậy với giá cả hợp lý và theo cách không gây nguy hiểm cho các giá trị và mục tiêu chính của quốc gia”.

Nhiều tổ chức nghiên cứu về năng lượng cũng đưa ra những khái niệm ANNL theo quan điểm riêng hoặc mối quan tâm về sự gián đoạn cung cấp, giá (IEA International Energy Agency, 2007) hay đảm bảo sự phát triển bền vững (GEA Global Energy Assessment).

Những quốc gia khác nhau lại hiểu theo nghĩa khác nhau (Yergin, Daniel, 2006), như sự khác biệt giữa quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu năng lượng. Bên cạnh đó, việc quan tâm nghiên cứu ANNL ở ngắn hạn, dài hạn (ANNL được định nghĩa như một số đo khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai, Andriy Stavytskyy, 2018), hay các khía cạnh trong chuỗi cung cấp năng lượng sẽ đưa đến việc đề cập ESI khác nhau.

Tóm lại, tuy chưa có một khái niệm hoàn toàn thống nhất toàn cầu về ANNL nhưng phần lớn các khái niệm đều có điểm chung là việc đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ, liên tục, với mức giá hợp lý và không ảnh hưởng đến các mục tiêu quốc gia. Sẽ không có dạng năng lượng và nguồn cung cấp năng lượng nào có thể đảm bảo cung cấp tuyệt đối an toàn mọi thời gian, không gian. Do đó, nhiệm vụ cải thiện ANNL có nghĩa là giảm khả năng thiếu hụt đột ngột về cung cấp năng lượng và có sắp xếp dự phòng để hạn chế tác động khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra.

2.2. Khái niệm chỉ số an ninh năng lượng (ESI - Energy Security Index)

Để đánh giá ANNL quốc gia, bên cạnh các nghiên cứu định tính, cần tính toán và phân tích các ESI theo thời gian và có thể so sánh theo không gian giữa các quốc gia hoặc khu vực.

Các ESI được xây dựng có thể là những chỉ số đơn giản hoặc phức tạp tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xây dựng 1 chỉ số bao hàm được tất cả các khía cạnh của ANNL quốc gia và có thể sử dụng đánh giá sự biến động theo thời gian cũng như có khả năng so sánh giữa các nước với nhau là không dễ dàng, vì sự phức tạp và đa dạng của các hệ thống năng lượng cũng như trọng số của các khía cạnh đánh giá ANNL của các quốc gia khác nhau sẽ khác nhau, khó có thể có một ESI chung mà được tất cả các bên chấp nhận. Điều đó cũng xuất phát ngay từ việc chưa có khái niệm chung thống nhất về ANNL như đã đề cập.

Ngoài ra, việc tính ESI còn khó khăn trong dữ liệu cần thu thập khi cần khảo sát hoặc lấy ý kiến chuyên gia. Quá trình xây dựng và lựa chọn ESI cũng mang tính chủ quan và tùy chọn.

Việc thực hiện lựa chọn ESI nghiên cứu cũng tùy thuộc vào phạm vi nghiên cứu của quốc gia hoặc đa quốc gia hay chủ đề quan tâm. ESI có thể đánh giá thông qua một số khía cạnh được lựa chọn và xây dựng. Theo Mauel Centoni (2016), ESI gồm: Sự sẵn có nguồn năng lượng (Availability), Khả năng chi trả (Affordability), Khả năng tiếp cận (Accessibility), Khả năng chấp nhận (Acceptability), Công nghệ và hiệu suất (Technology and Efficiency), Các khía cạnh khác (Others Aspects). Theo Andriy Stavytskyy (2018) cho rằng, ESI gồm: An ninh sản xuất, An ninh tiêu thụ, Thương mại, Phân phối, Hiệu suất và Môi trường. Koyamaka (2011) lại cho rằng, phát triển ESI theo chuỗi cung cấp năng lượng thì ESI gồm: An ninh của nguồn năng lượng, Độ tin cậy của chuỗi cung cấp nội địa và quản lý nhu cầu.

Bên cạnh đó, ESI có thể được xem xét riêng cho từng dạng năng lượng được quan tâm hoặc có ảnh hưởng lớn đến ANNL chung của quốc gia như dầu mỏ. (Bảng 1)

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu lựa chọn phương pháp tiếp cận đánh giá ANNL theo chuỗi cung cấp năng lượng với ESI thành phần liên quan có thể bao gồm tất cả hoặc một số chỉ số đánh giá như sau: (i) Phát triển nguồn trong nước; (ii) Mua nguồn từ nước ngoài; (iii) Độ tin cậy chuỗi cung cấp nội địa; (iv) Quản lý nhu cầu; (v) Chuẩn bị cho sự gián đoạn cung cấp; (vi) Môi trường bền vững.

4. Phân tích biến động chỉ số an ninh năng lượng Việt Nam từ giai đoạn 2000 - 2017

Nghiên cứu đề cập, tính toán và phân tích biến động một số ESI đại diện được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia để có những đánh giá định lượng về ANNL Việt Nam giai đoạn 2000 - 2017, bao gồm:

- Khả năng tự đáp ứng: Hệ số độc lập năng lượng

- Hệ số phụ thuộc năng lượng = 100 - (sản xuất trong nước/TPES)*100

- Đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong TPES (hệ số HHI và SI)

- Đa dạng hóa các nguồn điện (hệ số HHI điện và SI điện)

- Hiệu suất năng lượng: TPES/GDP

- Cường độ CO2: Tỷ số phát thải CO2/TPES; CO2/GDP; CO2/đầu người.

Với số liệu nguồn từ Bảng cân bằng năng lượng (Viện Năng lượng) và số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2017 (https://data.worldbank.org/indicator; https://www.adb.org/; https://www.gso.gov.vn/), thu được các kết quả ESI trong Bảng 2.

Từ kết quả ESI tính được từ Bảng 2 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2000 - 2017, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia độc lập về năng lượng (năm 2000 - năm 2014) thành quốc gia phụ thuộc năng lượng vào năm 2015 (hệ số độc lập năng lượng các năm 2015 - 2017 đều < 100%, tương ứng 97,26%; 68,01% và 81,75%).

Năm 2015, Việt Nam nhập khẩu than với lượng khá lớn 3879Ktoe - chiếm 15,76% so với tổng than cung cấp. Các sản phẩm dầu cũng được nhập khẩu với lượng lớn so với xuất khẩu (11361Ktoe nhập khẩu/1574Ktoe xuất khẩu). Cùng với than và dầu là nhập khẩu điện năng trong năm 2015 cũng tăng mạnh so với xuất khẩu (tương ứng nhập khẩu/xuất khẩu điện là 206Ktoe/70Ktoe). Tổng TPES nhập khẩu so với xuất khẩu là 15446Ktoe/11987Ktoe.

Trong giai đoạn nghiên cứu, nếu đánh giá theo góc độ ANNL, Việt Nam đã bị giảm mức độ ANNL. Có thể thấy rõ điều này qua Hình 1 biểu diễn sự thay đổi hệ số độc lập và phụ thuộc năng lượng Việt Nam (2000 - 2017).

Trong giai đoạn 2000 - 2017, Việt Nam bị tăng phụ thuộc năng lượng do tăng nhu cầu nhập khẩu năng lượng quốc gia nhưng lại tăng sự đa dạng trong tổng cung năng lượng sơ cấp TPES. Điều này thể hiện rõ trong hệ số đa dạng TPES (hệ số đa dạng HHI có chiều hướng giảm theo thời gian nghiên cứu). Kết quả thu được từ hệ số đa dạng TPES thông qua SI cũng cho nhận định tương tự (hệ số SI tăng theo thời gian). Việc đa dạng hóa các nguồn NLSC sẽ làm giảm mức độ ANNL của quốc gia khi phụ thuộc quá lớn vào một vài nguồn năng lượng nhất định. Tuy vậy, tại Việt Nam, từ năm 2000 – 2017, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn trong TPES (trung bình trên 60%). Tương tự, việc phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) trong 2 năm 2016, 2017 đã giúp Việt Nam cải thiện hệ số HHI và SI điện, nhưng còn khá hạn chế.

Đề cập đến ANNL quốc gia hiện nay không thể tách rời tính hiệu quả về năng lượng và đảm bảo môi trường khi sử dụng năng lượng. Hai khía cạnh này đều được đánh giá thông qua chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp (NLSC) và cường độ CO2 tương ứng.

Trong giai đoạn nghiên cứu, cường độ NLSC của Việt Nam có xu hướng giảm theo thời gian. Tuy nhiên, so sánh với một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... thì cường độ NLSC của Việt Nam còn khá cao (sử dụng năng lượng còn kém hiệu quả), trong khi tỷ lệ năng lượng/người lại khá thấp so với nhiều quốc gia đang phát triển và phát triển.

Việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả và tỷ trọng năng lượng hóa thạch cao dẫn đến việc tăng cường độ CO2 theo TPES và dân số. Cường độ CO2 theo GDP tính với giá hiện hành có xu hướng giảm nhưng khi GDP tính theo giá cố định năm 2010 thì cường độ CO2/GDP vẫn tăng. Điều này cho thấy, giai đoạn 2000 - 2017, Việt Nam vẫn tăng cường độ phát thải CO2 do việc sử dụng năng lượng hiệu quả thấp cũng như chưa có thay đổi nhiều về cơ cấu dạng năng lượng sử dụng và tốc độ tăng trung bình GDP thực vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng CO2 phát thải (6,4%/năm so với 9,3%/năm). Điều này đồng nghĩa với việc mức ANNL về đảm bảo môi trường đã bị giảm đi.

Qua phân tích một số ESI của Việt Nam (giai đoạn 2000 - 2017) cho thấy, rõ ràng việc đưa ra 1 chỉ số duy nhất để đánh giá các khía cạnh liên quan đến ANNL và được tất cả các bên chấp nhận là không thể, vì có những khía cạnh mang tính đối lập - như vấn đề phát triển năng lượng tái tạo với hiệu quả kinh tế.

Kết quả phân tích cũng cảnh báo hiện trạng phụ thuộc năng lượng cũng như cường độ phát thải đang tăng lên trong giai đoạn nghiên cứu (giảm ANNL quốc gia trên khía cạnh phát triển nguồn nội địa và đảm bảo môi trường). Đa dạng hóa các nguồn năng lượng chưa thực sự thay đổi mạnh mẽ.

Để tăng cường ANNL Việt Nam trong tương lai cần có những định hướng phát triển đúng đắn và giải pháp cụ thể nhằm hạn chế hoặc khắc phục những yếu tố tác động làm giảm ANNL quốc gia.

5. Định hướng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam

Từ góc độ phân tích một số ESI Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu có thể thấy, Việt Nam cần có định hướng nhằm đảm bảo ANNL quốc gia trong tương lai: (i) Đa dạng hóa nguồn NLSC bằng việc phát triển năng lượng tái tạo; (ii) Phát triển đa dạng và hợp lý nguồn điện tử năng lượng tái tạo; (iii) Nâng cao chất lượng dự báo và quy hoạch năng lượng để chủ động trong kế hoạch xuất - nhập khẩu năng lượng; (iv) Cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng; (v) Tăng cường trong quản lý nhu cầu năng lượng.

6. Kết luận

An ninh năng lượng là vấn đề quan trọng, phức tạp đối với quốc gia và có sự liên kết chặt chẽ đến nhiều khía cạnh như kinh tế, môi trường, chính trị. An ninh năng lượng được đánh giá qua nhiều chỉ số khác nhau nhằm thể hiện sự biến động qua thời gian và không gian.

Hiện tại, không có chỉ số tổng hợp thể hiện được tất cả các khía cạnh cần đánh giá ANNL quốc gia. Lựa chọn chỉ số tùy thuộc mục tiêu nghiên cứu hoặc vấn đề quan tâm. Ngưỡng đánh giá mức độ đảm bảo ANNL phụ thuộc vào quyết định của mỗi quốc gia và có thể thay đổi theo từng thời kỳ.

Trong giai đoạn 2000 - 2017, Việt Nam giảm mức độ ANNL về phía nguồn NLSC (giảm hệ số độc lập năng lượng) cũng như môi trường (tăng cường độ phát thải CO2). Mức độ ANNL quốc gia tăng khi tăng hệ số đa dạng nguồn NLSC, tuy nhiên sự thay đổi còn khá nhỏ. Để đảm bảo ANNL Việt Nam trong tương lai cần chú trọng đảm bảo ANNL không chỉ về phía nguồn cung cấp mà còn cần phát triển ANNL từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] International Energy Agency’s Model of Short-term Energy Security (MOSES)

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Minh Quang (2019), Thực trạng an ninh năng lượng khu vực và thế giới trong bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra, http://cis.org.vn/article., 1/6/2020.

2. Andriy Stavytskyy et all (2018). Estimating the interrelation between Energy Security and macroeconomic factors in European Countries. Journal of International Studies, 11(3), 217 - 238. doi 1014254/2071 - 8330.2018/11-3/18.

3. Bohi and Toman (1993). Energy security: externalities and policies. Energy Policy.

4. Jewell (2010). Measuring energy security: From universal indicators to contextualized framework. The Routledge Handbook of Energy Security, Lund University

5. Manuel Centoni (2016). Energy security: A review of studies of the economic value of energy security. Universita’Degli Studi Di Padova.

6. Yergin, Daniel, 2006, Ensuring Energy Security, Foreign Affair, Vol.18, N0.2, Mar-Apr, pp 69 - 82, biên dịch Trần Thạch, hiệu đính Lê Hồng Hiệp.

Assessing the fluctuation of some energy security indices of Vietnam from 2000 – 2017

PhD. PHAN DIEU HUONG

School of Economics and Management, Hanoi University Science and Technology

ABSTRACT:

Energy security plays an important role in the national security system of each country and it is becoming a global issue. Energy security is considered as a key pillar in maintaining the national economic, environmental and social security. Due to the increasing reliance and linkage among nations, Energy security is not a separate issue for each country. It is necessary for comprehensively selecting, calculating and evaluating energy security indicators. However, these are difficult and complicated tasks due to  differences in concept, assessment aspects and the lack of available data. This paper focuses on calculating and assessing the fluctuation of some energy security indices (ESI) of Vietnam based on statistics from 2000 - 2017.

Keywords: Energy security, energy security index, Vietnam.

Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]