Tóm tắt:

Đề tài nghiên cứu nhằm mục đích tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội đảo Phú Quốc, từ đó đề ra các giải pháp tăng cường thu vốn đầu tư trong thời gian tới. Mô hình phân tích khám phá (EFA) được sử dụng và điều tra 230 mẫu thu thập từ các doanh nghiệp có vốn trong và ngoài nước đang hoạt động tại Phú Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc gồm: Cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý, chính sách đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện môi trường sống, chất lượng dịch vụ công, xúc tiến thương mại và marketing địa phương. Để tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc trong thời gian tới, cần phải có một số giải pháp, như: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện chính sách và môi trường đầu tư, cải thiện môi trường sống, có biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên, tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại địa phương, cuối cùng là cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Từ khóa: Thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đảo Phú Quốc.

1. Đặt vấn đề

Phú Quốc là huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc và là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế nhất là lĩnh vực du lịch, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Do sở hữu những tiềm năng đặc biệt, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2020, Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng. Để thực hiện được điều đó đòi hỏi Phú Quốc cần phải có một giải pháp hoàn chỉnh ngay từ ban đầu để thu hút vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế nhất là vốn từ thành phần kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài, có như vậy mới tạo ra được một tầm nhìn trong dài hạn giải quyết vấn đề về vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc là cơ sở để tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm huy động vốn đầu tư hiệu quả, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc trong thời gian tới.

2. Tổng quan lý thuyết liên quan đến vấn đề nghiên cứu

Theo Kangning Xu (2010), nghiên cứu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các quốc gia đang phát triển: trường hợp nghiên cứu của Mozambique. Tác giả đã dùng mô hình hồi quy đa biến để phân tích. Tác giả cho rằng, để thu hút nhà đầu tư đầu tư vào một quốc gia đang phát triển như Mozambique thì các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư bao gồm: (1) Vị trí địa lý và mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng; (2) Quy mô thị trường; (3) Chính sách xuất khẩu của quốc gia; (4) Tài nguyên thiên nhiên của quốc gia; (5) Nguồn lực về lao động có đáp ứng được hay không; (6) Rủi ro về môi trường kinh tế và chính trị của một quốc gia.

Na & Lightfoot (2006), dựa vào mô hình phân tích khám phá nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến sự mất cân đối trong phân bổ dòng vốn FDI vào các địa phương của Trung Quốc là: (1) Quy mô thị trường, (2) Sự tích tụ, (3) Chất lượng lao động, (4) Chi phí lao động, (5) Mức độ mở cửa và quá trình cải cách.

Nguyễn Thị Thu Hà (2016), nghiên cứu về sự hài lòng của nhà đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh. Dựa vào mô hình phân tích khám phá (EFA) để phân tích, theo tác giả có 8 nhân tố ảnh hưởng đến thu hút nhà đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh, gồm: (1) Cơ sở hạ tầng; (2) Chính sách đầu tư; (3) Môi trường sống; (4) Lợi thế đầu tư; (5) Chất lượng dịch vụ công; (6) Thương hiệu địa phương (7) Nguồn nhân lực và (8) Cạnh tranh chi phí đầu vào.

Nghiên cứu thực nghiệm dựa trên dữ liệu thứ cấp của Hoàng Thị Thu (2008) chỉ ra rằng các nhân tố có tác động đến dòng vốn FDI vào một địa phương của Việt Nam, gồm: (1) Quy mô thị trường; (2) Tốc độ tăng trưởng của thị trường; (3) Nguồn vốn nhân lực; (4) Sự phát triển của cơ sở hạ tầng; (5) Mức độ mở cửa, địa lý; (6) Chính sách khuyến khích đầu tư.

Hà Nam Khánh Giao & ctg (2013) dựa trên mô hình phân tích khám phá để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, qua phân tích nhóm tác giả chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, gồm: (1) Quá trình ra quyết định liên quan đến thủ tục đầu tư; (2) Chính sách hỗ trợ từ Cơ quan quản lý liên quan đến nhà đầu tư; (3) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật; (4) Tài nguyên; (5) Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; (6) Cơ sở hạ tầng xã hội; (7) Tiềm năng thị trường; (8) Lợi thế chi phí đầu vào.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng khảo sát: Đối tượng khảo sát của nghiên cứu gồm các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước hiện đang có hoạt động đầu tư tại Phú Quốc.

Phương pháp và quy trình nghiên cứu: Nghiên cứu thông qua 2 bước, (1) Nghiên cứu khám phá bằng phương pháp nghiên cứu định tính: Thực hiện thảo luận với các cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Phú Quốc. Nghiên cứu này là cơ sở để thiết lập các thang đo lường các yếu tố ảnh hưởng việc thu hút vốn đầu tư để sử dụng cho nghiên cứu định lượng tiếp theo, (2) Nghiên cứu chính thức bằng phương pháp nghiên cứu định lượng sử dụng dữ liệu sơ cấp: Thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Phú Quốc thông qua bảng câu hỏi được thiết kế dựa trên kết quả của các bước nghiên cứu trước. Nghiên cứu nhằm mục đích đo lường các yếu tố về môi trường đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng vào sự hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Xây dựng thang đo và mô hình nghiên cứu đề xuất: Các thang đo và các biến quan sát sử dụng thang điểm Likert 5 mức độ (Likert R.A.,1932). Trên cơ sở các lý thuyết liên quan đến thu hút đầu tư vào một địa phương, cũng như đặc điểm của đảo Phú Quốc, tác giả đề xuất biến phụ thuộc đánh giá mức độ hấp dẫn thu hút vốn đầu tư vào Phú Quốc (SAT) gồm 7 nhóm yếu tố tác động: Nhóm yếu tố cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý; nhóm yếu tố chính sách đầu tư; nhóm yếu tố môi trường sống; nhóm yếu tố tài nguyên; nhóm yếu tố xúc tiến thương mại và marketing địa phương; nhóm yếu tố nguồn nhân lực và nhóm nhân tố chi phí đầu vào.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu thu thập 230 mẫu thông tin từ 230 doanh nghiệp tại tất cả các xã trên địa bàn đảo Phú Quốc gồm 1 DNNN chiếm 0,4%, 226 doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 98,3%, còn lại 3 doanh nghiệp có vốn ĐTNN chiếm 1,3%.

4.2. Kết quả phân tích khám phá và phân tích hồi quy về các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư cho phát triển KTXH của đảo Phú Quốc

- Kết quả phân tích khám phá:

Các thang đo lường và các biến quan sát để tiến hành phân tích nhân tố khám phá được mô tả chi tiết trong Bảng 2 gồm 7 yếu tố tác động (biến độc lập) với 34 biến quan sát mới (trước điều chỉnh là 36 biến) và 3 biến phụ thuộc thể hiện mức độ hấp dẫn nhà đầu tư (SAT), tất cả đều có hệ số Cronbachs Alpha > 0,6 và có hệ số KMO = 0,771 (0,5 < KMO < 1, điều đó chứng tỏ thang đo tổng quát về các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư có ý nghĩa phân tích).

- Kết quả phân tích hồi quy:

Trong Bảng 3, R2 hiệu chỉnh là 0,739 cho biết 73,9% sự hấp dẫn của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư trên địa bàn Phú Quốc được giải thích bởi các biến độc lập.

Bảng 4 cho biết biến F1, F2, F3, F4, F5, F6 có ý nghĩa với độ tin cậy 95%, F7 không có ý nghĩa với mức hấp dẫn nhà đầu tư (SAT). Hiện tượng đa cộng tuyến (Vif < 10), tự tương quan, phương sai sai số thay đổi đã thực hiện cho thấy không có hiện tượng vi phạm.

4.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Bằng việc sử dụng mô hình phân tích khám phá (EFA), qua phân tích các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội đảo Phú Quốc, kết quả đã đưa ra được kết luận các yếu tố có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư vào Phú Quốc theo thứ tự gồm: Cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý, chính sách đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện môi trường sống, chất lượng dịch vụ công, xúc tiến thương mại và marketing địa phương. Đây là một kết luận quan trọng nhằm giúp các cấp chính quyền đưa ra chính sách, cũng như giải pháp đúng đắn nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc thời gian tới.

5. Gợi ý chính sách

5.1. Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý

Trong các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư vào Phú Quốc thì yếu tố cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý là có mức ảnh hưởng lớn nhất. Thời gian tới, Phú Quốc cần phải nhanh chóng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, đặc biệt là tuyến đường vòng quanh đảo là tuyến đường huyết mạch của đảo Phú Quốc nối liền Bắc và Nam đảo; mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2 và cảng biển quốc tế An Thới để đáp ứng cho nhu cầu khách quốc tế có thể dễ dàng đến Phú Quốc bằng cả đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, về phía Ban Quản lý và Phát triển đảo Phú Quốc cần phải có quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc thời gian tới một cách rõ ràng, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan không hiệu quả, hoặc đã lập quy hoạch xong lại điều chỉnh làm mất cơ hội cho nhà đầu tư.

5.2. Nhóm giải pháp về chính sách đầu tư

- Giải pháp về chính sách đất đai:

Về tiền thuê đất nên giảm đơn giá thuê đất so với giá do Chính phủ qui định và phải ổn định trong vòng bao nhiêu năm để nhà đầu tư nắm thông tin và tránh rủi ro trong đầu tư; cần cụ thể hóa quyền của các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Phú Quốc để họ thấy được quyền lợi của mình khi tham gia đầu tư.

- Giải pháp về chính sách thuế:

Hiện nay, những quy định về thuế đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài chưa được chú ý mạnh mẽ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tại địa phương như Phú Quốc. Tỉnh cần có các kiến nghị với Trung ương để có những chính sách ưu đãi riêng cho vùng kinh tế biển đảo, vùng biên giới có chiến lược về an ninh quốc phòng… Mọi quy định và thay đổi về chính sách thuế, những ưu đãi về thuế phải được thông tin nhanh nhất đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Nâng cao ý thức phục vụ người dân của cán bộ thuế tránh tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, làm khó cho doanh nghiệp hoặc sự bắt tay giữa doanh nghiệp và cán bộ thuế làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Cải cách thủ tục hành chính:

Cải cách thủ tục hành chính là giải pháp đột phá nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Điều này càng quan trọng hơn đối với Phú Quốc là đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh Kiên Giang có khoảng cách so với trung tâm hành chính tỉnh khoảng 150km, do đó, việc cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn và phân cấp mạnh cho địa phương, Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện tại chỗ là điều cần thiết.

5.3. Nhóm giải pháp về môi trường sống

Trước hết phải xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; Quan tâm hơn nữa đến việc nâng cấp hệ thống trường học, cơ sở y tế đáp ứng được nhu cầu của địa phương, đặc biệt là tăng cường cho giáo dục nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người dân.

5.4. Nhóm giải pháp về tăng cường bảo vệ tài nguyên

Tài nguyên là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư quan tâm, do đó, để tăng cường thu hút vốn đầu tư Phú Quốc, bên cạnh phát triển kinh tế cần phải kết hợp với việc bảo vệ nguồn tài nguyên của đảo. Nguồn tài nguyên của đảo rất phong phú bao gồm núi, rừng, biển, nguồn lợi hải sản và nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Chính điều này đã tạo cho Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch được nhiều người biết đến. Một số biện pháp như giữ được tỷ lệ che phủ rừng theo mục tiêu là 63,5% đến năm 2020; khai thác có kế hoạch nguồn lợi hải sản của địa phương; tránh khai thác đá, cát bừa bãi làm tổn hại đến tài nguyên và vẻ đẹp tự nhiên của địa phương.

5.5. Nhóm giải pháp về tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu địa phương

Nghiên cứu đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia ở một số nước như Mỹ, Singapore, Nga… hiện đang có doanh nghiệp đầu tư tại Phú Quốc; chú trọng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các đối tác lớn... để họ có thêm nhiều dự án mới đầu tư cho phát triển. Nên thành lập riêng trung tâm xúc tiến thương mại cho Phú Quốc để chuyên về xúc tiến đầu tư cho địa phương. Hiện tại, công tác xúc tiến đầu tư của Phú Quốc chủ yếu do Trung tâm Xúc tiến thương mại của Tỉnh đảm nhiệm nên chưa đạt hiệu quả cao, còn mang tính dàn trải và chưa có sự trọng tâm và đầu tư đúng mức.

5.6. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo hướng cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu về lao động trong các ngành nghề, bảo đảm hợp lý giữa đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương, nhất là lao động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Nên có các chương trình, dự án về nâng cao trình độ và năng lực tiếng Anh cho cán bộ, lao động, cũng như người dân địa phương để họ có thể làm việc hoặc giao tiếp được với nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế khi đến làm việc hoặc tham quan tại địa phương.

6. Kết luận

Qua phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội đảo Phú Quốc cho thấy các yếu tố có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư bao gồm cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý, chính sách đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện môi trường sống, chất lượng dịch vụ công, xúc tiến thương mại và marketing địa phương. Dựa trên các nhân tố ảnh hưởng, tác giả đề ra một số giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thời gian tới như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện chính sách và môi trường đầu tư, cải thiện môi trường sống, có biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên, tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại địa phương, cuối cùng là cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

1. Đinh Phi Hổ (2011). Phương pháp nghiên cứu định lượng, Nhà xuất bản Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

2. Hà Nam Khánh Giao, Lê Quang Huy và Nguyễn Thị Cẩm Hồng (2013). “Khảo sát các yếu tố thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Trị”, Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp, Số 3 (tháng 6/2013, trang 19 - 30).

Tiếng Anh

3. Nguyen Thi Thu Ha (2016). “Factors Affecting the satisfaction of Forein Investors - Quantititive Analysis and Policy Implications to strengthen the FDI Attraction in Bac Ninh Province of Vietnam”, Journal of Economic, Vol 4. No 6, June 2016.

4. Dunning. J. H. (1973). “The determinants of international production”, Oxford Economic Papers 25.

5. Na Lv & W.S. Lightfoot (2006). “Determinants of foreign direct investment at the regional level in China. Journal of Technology Management in China”, Vol. 1, No. 3, pp. 262-278.

6. Hoang Thi Thu (2008). “Regional determinants of foreign direct investment inflows in Viet Nam”. PhD Dessertation, Faculty of Economics. Chulalongkorn University, Thai Land.

7. Kangning Xu (2012). “Attracting Foreign Direct Investment in Developing Countries: Determinants and Policies-A Comparative Study between Mozambique and China”. International Journal of Financial Research, vol 3, no 4.

Analyzing the factors affecting the attraction of investment capital for socio-economic development of Phu Quoc island

MA. NGO VAN THIEN

Kien Giang University

Abstract:

The current study is conducted to investigate factors affecting the circumstance of investment attraction for the socio-economic development of Phu Quoc Island, thereby, putting forward solutions to enhance the investment attraction in the future. In a design of exploratory factors analysis (EFA), 230 samples were collected from domestic and foreign enterprises operating in Phu Quoc Island. The findings reveal that there six following factors, namely, the quality of infrastructure and geographical location, the policy of investment, the quality of human resource, the conditions of living environment, the quality of public service, the promotion of commerce and local marketing were factors affecting the investment attraction for socio-economic development of Phu Quoc Island. Through the findings, it is suggested that solutions to improve the quality of infrastructure, policy and environment of investment, living conditions, human resources, solutions to protect natural resources in order to qualify the developmental needs and solutions to promote the local trade and brand should be taken into consideration so as to enhance the investment attraction for socio-economic development of Phu Quoc Island.

Keywords: Investment attraction, socio-economic development, Phu Quoc island.