Phân tích tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của người dân Việt Nam

ThS. HOÀNG THỊ THANH TÂM - Cử nhân ĐINH THỊ HẠNH (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

TÓM TẮT:

Bài viết xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến “mức độ hạnh phúc” của người dân Việt Nam như: Tuổi tác, giới tính, sức khỏe, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, thu nhập, khu vực, các yếu tố thuộc vốn xã hội - như niềm tin, mối quan hệ bạn bè… - của người dân. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra các gợi ý chính sách nhằm nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân Việt Nam.

Từ khóa: Hạnh phúc, xã hội, người dân, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Có rất nhiều khái niệm, định nghĩa về hạnh phúc, tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu trước đây về hạnh phúc chủ yếu mang tính định tính và chủ quan.

“Hạnh phúc” là thuật ngữ chỉ sự thường xuyên có những cảm xúc tích cực, sự hài lòng cao với cuộc sống. Hạnh phúc vốn là một hiện tượng chủ quan nên có thể đánh giá nó qua sự đánh giá chủ quan của khách thể. Do đó, đo lường hạnh phúc là một vấn đề khá trừu tượng, khó nắm bắt vì nó phụ thuộc nhiều vào sự cảm nhận ở trong các hoàn cảnh khác nhau.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về hạnh phúc, như: Feeling Good: The Science of Well-Being của C. Robert Cloninger (2004); Happiness: A New Perspective của James Hadley (2013),… 

Ở Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu về hạnh phúc như: “Cảm nhận hạnh phúc của người nông dân” của Phan Thị Mai Hương (2014); “Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên” của Hoàng Thị Trang (2015), …

Có thể thấy, các vấn đề liên quan đến mức độ hạnh phúc của người dân luôn được xã hội quan tâm. Nghiên cứu về các vấn đề này sẽ góp phần nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân, từ đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, kinh tế của mỗi quốc gia.

Bài viết nghiên cứu mức độ hạnh phúc của người dân với việc so sánh mức thu nhập tương đối cùng với các biến độc lập khác như: Thu nhập trung bình, sức khỏe, y tế, giáo dục,…

2. Số liệu nghiên cứu và các biến số

2.1. Số liệu nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là 3311 chủ hộ của các hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên với phạm vi không gian trên 12 tỉnh là: Hà Tây, Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Long An. Phạm vi thời gian là năm 2016.

Bảng câu hỏi bao gồm thông tin nhân khẩu học như: Vùng, giới tính, tuổi, thu nhập, sức khỏe…, cơ sở hạ tầng, tiếp cận các dịch vụ và chương trình phát triển. Bảng câu hỏi hộ gia đình bao gồm: Danh sách hộ gia đình, đặc điểm chung của các thành viên và nhà ở; việc làm; chi tiêu thực phẩm, tiết kiệm và tín dụng, cú sốc và rủi ro đối phó, di cư, kết nối chính trị và vốn xã hội.

2.2. Các biến số 

Bảng 1. Thống kê mô tả các biến

Thống kê mô tả các biến

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của tác giả

Biến phụ thuộc “Mức độ hạnh phúc” - HP: Là sự tự cảm nhận của người dân về mức độ hạnh phúc với 4 mức: Thất vọng, không hài lòng, hài lòng, rất hài lòng.

Các biến độc lập:

“Mức thu nhập”- TN: Thu nhập bình quân đầu người trong hộ, đơn vị 1.000 đồng/năm.

“Chênh lệch thu nhập”- TN _CL với 2 mức: Nhỏ hơn mức trung bình và lớn hơn mức trung bình so với người dân cùng địa phương.

“Mức đáp ứng về y tế của địa phương”- YTE với 5 mức: Không có dịch vụ, rất thiếu/yếu so với nhu cầu, thiếu/yếu so với nhu cầu, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, đáp ứng tốt.

“Mức đáp ứng về giáo dục của địa phương”- GD với 5 mức: Không có dịch vụ, rất thiếu/yếu so với nhu cầu, thiếu/yếu so với nhu cầu, về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, đáp ứng tốt.

“Chính trị”- CHINH_TRI với 2 mức: Không hài lòng và có hài lòng với cuộc sống.

Ngoài ra, các đặc trưng nhân khẩu học cũng được xem là có ảnh hưởng đến sự cảm nhận về hạnh phúc của người dân:

“Tình trạng sức khỏe”- SK với 4 mức: Rất khỏe, bình thường, không khỏe lắm, rất yếu.

“Tuổi” - TUOI:  Tuổi ở đây được lấy là tuổi của chủ hộ. 

“Giới tính” - GIOITINH: Nữ và nam.

“Học vấn” - HOCVAN là bằng cấp cao nhất của chủ hộ: Không bằng cấp, dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề dài hạn, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

“Hôn nhân” - HONNHAN với các mức: Chưa kết hôn, đang có vợ/ chồng, goá, ly hôn, ly thân.

“Nhân tố bản thân” - BT: Là việc đưa ra quyết định của bản thân về các việc trong hiện tại và tương lai với 4 mức: Hoàn toàn đồng ý, đồng ý, không đồng ý, hoàn toàn không đồng ý.

“Khu vực” - KHU_VUC: Thành thị và nông thôn.

Nghiên cứu đã sử dụng mô hình hồi quy Logit thứ bậc làm công cụ phân tích bởi vì biến phụ thuộc được đo lường bằng thang đo thứ bậc.

3. Mô hình và kết quả ước lượng

Mô hình hồi quy:

HP = f(BT, SK, TNCL, RTE, CHINHTR, TN, KHU_VUC, GIOITINH, TUOI, HONNHAN, HOCVAN)

Biến phụ thuộc là: HP.

Biến độc lập là: BT, SK, TN_CL, YTE, GD, CHINH_TR, TN, KHU_VUC, GIOITINH, TUOI, HONNHAN, HOCVAN.

Sau khi loại bỏ các biến độc lập không có ý nghĩa thống kê, hồi quy lại ta nhận được mô hình:

Bảng 2. Mô hình hồi quy

Mô hình hồi quy

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của tác giả

Kết quả hồi quy cho thấy:

Prob > chi2 = 0.000 cho biết mô hình là phù hợp. Với mức ý nghĩa 5%, các biến TN_CL, TN, SK, BT, GD, CHINH_TR, KHU_VUC trong mô hình trên đều có ý nghĩa thống kê vì P < 0,05. Dấu hệ số của các biến độc lập đều > 0 cho thấy, các biến độc lập trên đều tác động cùng chiều lên biến phụ thuộc HP.

Từ kết quả mô hình hồi quy logit thứ bậc cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc gồm: Chênh lệch thu nhập, thu nhập trung bình, nhân tố sức khỏe, nhân tố bản thân, mức đáp ứng về giáo dục tại địa phương, chính trị và nơi ở của người dân.

Trong tất cả các biến, biến nhân tố sức khỏe có tác động nhiều nhất đến mức độ hạnh phúc của người dân với hệ số là 0,592. Có thể thấy, sức khỏe là một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc cũng như sự hài lòng với cuộc sống của người dân.

Theo kết quả trên, ảnh hưởng của mức chênh lệch thu nhập là 0,339, tương đối cao nhưng không phải là cao nhất. Bởi ở Việt Nam hiện nay, người dân chưa quan tâm nhiều đến mức thu nhập tương đối, họ chủ yếu quan tâm nhiều đến thu nhập tuyệt đối. Họ mới đang quan tâm đến việc so sánh mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền mà chưa quan tấm đến việc làm thế nào, mất thời gian bao lâu để kiếm ra được số tiền đó. Vì vậy, dù nhiều người có nguồn thu nhập cao nhưng lại phải làm việc quá nhiều giờ dẫn đến không hạnh phúc bằng những người có mức thu nhập ổn định, vừa phải nhưng chỉ phải làm số giờ ít hơn, có thời gian nghỉ ngơi, du lịch.

Đối với tỷ số Odds cho biết, ở mỗi phân loại khi biến độc lập tăng lên 1 đơn vị thì biến phụ thuộc thay đổi bao nhiêu.

Bảng 3. Tỷ số odds các biến độc lập là biến độc lập

Tỷ số odds các biến độc lập là biến độc lập

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của tác giả

Mô hình hồi quy Ologit cho thấy:

Biến “Chênh lệch thu nhập của người dân”: Với hệ số 0,339 > 0, nếu mức độ đánh giá “Chênh lệch thu nhập của người dân” tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Ngoài ra, dựa vào tỷ số odds 1,404 > 1 cho thấy, nếu chênh lệch thu nhập được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “thu nhập trung bình” với hệ số 0,001 > 0, nếu mức độ đánh giá thu nhập tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Tỷ số odds 1,001 > 1 cho thấy, nếu thu nhập trung bình được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “tình trạng sức khỏe” với hệ số 0,592 > 0, nếu mức độ đánh giá tình trạng sức khỏe tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Tỷ số odds 1,809 > 1 cho thấy, nếu tình trạng sức khỏe được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “nhân tố bản thân” với hệ số 0,211 > 0, nếu mức độ đánh giá nhân tố bản thân tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Tỷ số odds 1,235 > 1 cho thấy, nếu nhân tố bản thân được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “mức độ đáp ứng giáo dục tại địa phương” với hệ số 0,258 > 0, nếu mức độ đáp ứng giáo dục tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Tỷ số odds 1,295 > 1 cho thấy, nếu mức độ đáp ứng giáo dục được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “tham gia chính trị” với hệ số 0,555 > 0, nếu mức độ đánh giá việc tham gia vào chính trị tăng lên 1 mức thì log-odds thứ bậc của việc thuộc phân loại mức độ hạnh phúc tăng khi các yếu tố khác không đổi. Tỷ số odds 1,742 > 1 cho thấy, nếu việc tham gia vào chính trị được đánh giá cao lên 1 mức thì tỷ số odds ủng hộ phân loại mức độ hạnh phúc cao hơn so với một phân loại mức độ hạnh phúc thấp hơn là lớn hơn 1.

Biến “khu vực” giúp nhận xét được sự khác biệt giữa mức độ hạnh phúc nông thôn và thành thị. Với hệ số 0.330 > 0 cho thấy, người dân ở nông thôn hạnh phúc hơn thành thị.

4. Kết luận và khuyến nghị

4.1. Kết luận

Bằng việc khảo sát các biến độc lập cùng với các yếu tố về nhân khẩu học, qua các bước xử lý số liệu và chạy mô hình hồi Logit thứ bậc trên STATA, có thể đưa ra kết luận:

Các biến “thu nhập”, “chênh lệch thu nhập”, “tình trạng sức khỏe”, “nhân tố bản thân”, “mức độ đáp ứng về giáo dục của địa phương”, “tham gia chính trị”, “khu vực” đều có tác động đến “mức độ hài lòng về cuộc sống hiện tại” hay “mức độ hạnh phúc” của người dân.

Các biến GIOITINH, TUOI, HONNHAN, YTE, HOCVAN không có ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của người dân trong mô hình nghiên cứu này, có thể do các tác động bên ngoài mà sự hạn chế của mô hình không phân tích rõ được mức độ ảnh hưởng.

Thu nhập tuyệt đối quan trọng trong ảnh hưởng đến hạnh phúc, tuy nhiên từ kết quả mô hình trên có thể thấy thu nhập tương đối cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, các biến khác đều phù hợp với mô hình nghiên cứu.

4.2. Khuyến nghị

Qua kết quả phân tích nghiên cứu, để nâng cao mức độ hạnh phúc, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị sau:

- Cần có giải pháp về thu nhập tương đối, giải pháp để tăng cường cơ hội có việc làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn nhằm đảm bảo nguồn thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người dân.

- Cần đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất đi do các rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già.

- Cần cải thiện tình trạng ô nhiễm bởi các hoạt động do con người gây ra, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Cần xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, một xã hội có an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có một nền tự do, dân chủ thực sự, một xã hội công bằng, văn minh.

- Cần cởi mở hơn trong chính sách quản lý các vấn đề tôn giáo, chính trị, đề cao các giá trị văn hóa tinh thần, giá trị của hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế gắn liền với các hoạt động văn hóa giáo dục, xã hội nhằm phát triển cân bằng, tăng cường tiếp cận của người dân đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin.

- Cuối cùng, cần hoàn thiện hệ thống lý luận về an sinh xã hội sao cho phù hợp với bối cảnh hiện tại của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. C. Robert Cloninger. (2004). Feeling Good: The Science of Well-Being. Oxford.
  2. Phan Thị Mai Hương (2014), Cảm nhận hạnh phúc của người nông dân. Tạp chí Tâm lý học, số 8 tr.28-41.
  3. James Hadley. (2013). Happiness: A New Perspective. CreateSpace Independent Publishing Platform.
  4. Hoàng Thị Trang (2015), Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

ANALYZING THE FACTORS AFFECTING

THE HAPPINESS LEVEL OF VIETNAMESE PEOPLE

Master. HOANG THI THANH TAM

• DINH THI HANH

National Economics University

ABSTRACT:

This paper examines the factors affecting the happiness level of Vietnamese people such as age, gender, health, education level, marital status, income, region and other social factors including beliefs, friendships, etc. Some policy recommendations were introduced to improve the happiness of Vietnamese people.

Keywords: Happiness, society, people, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]