Phân tích thực trạng chất lượng giảng viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội qua tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học

TRẦN THANH XUÂN (Khoa Quản trị văn phòng, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Đối với mỗi quốc gia, giảng viên được xác định là một lực lượng lao động xã hội đặc biệt, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực khác cho xã hội, cho nên vấn đề về tiêu chí chất lượng giảng viên thường được xác định rất cụ thể với những yêu cầu khá cao. Ở Việt Nam, pháp luật quy định khá rõ tiêu chí chất lượng giảng viên theo từng ngạch giảng viên (giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp), bao gồm các nội dung cơ bản: Phẩm chất đạo đức; Trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ; Năng lực nghiên cứu khoa học; Năng lực giảng dạy [1], [2], [4], [7], [8]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích thực trạng chất lượng giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội qua tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học. Bằng phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp thông qua các tài liệu đã công bố, kết hợp với phân tích dữ liệu sơ cấp thông qua điều tra, khảo sát trực tiếp, tác giả góp phần làm sáng tỏ thực trạng chất lượng nhân lực giảng dạy của Nhà trường thông qua tiêu chí đã nêu.

Từ khóa: Chất lượng giảng viên, năng lực nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

1. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên

Năng lực được hiểu một cách khá phổ biến, đó là “đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo, tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn một hay một dạng hoạt động nào đó” [21] hoặc năng lực là “khả năng làm việc tốt nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn” [6]. Theo cách tiếp cận này, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên có thể hiểu là khả năng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao dựa trên những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng của họ. Trên thế giới, nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, bao gồm những khả năng thực hiện và kết quả (sản phẩm) thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Năng lực nghiên cứu khoa học được thể hiện ở số lượng công trình nghiên cứu khoa học, số lượng công trình xuất bản [5]; năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên là sự tổng hợp khả năng và niềm đam mê nghiên cứu và kết quả của nó là những sản phẩm khoa học có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn [9].

Ở Việt Nam, Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT quy định rõ nhiệm vụ, tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên theo định mức giờ nghiên cứu khoa học được giao/năm học đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp của giảng viên. Trên cơ sở những quy định này, các cơ sở đào tạo của Việt Nam cụ thể hóa năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên theo định mức giờ nghiên cứu khoa học/năm học có sự quy đổi từ các hoạt động khoa học đã tham gia hoặc sản phẩm khoa học được công bố: Tham gia tổ chức các hoạt động khoa học; hướng dẫn nghiên cứu khoa học; chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học được giao; công bố kết quả nghiên cứu,... Từ đây, tác giả có thêm cơ sở để cụ thể hóa tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

- Tiêu chí 1. Chủ trì, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn học liệu: Giảng viên có trách nhiệm và tích cực nghiên cứu thông qua việc chủ động đề xuất, đăng ký chủ trì, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn học liệu của cơ sở đào tạo (giáo trình, tập bài giảng,...).

- Tiêu chí 2. Chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học (đề tài, dự án): Giảng viên phải nỗ lực đăng ký, tuyển chọn để chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học (đề tài, dự án) phục vụ cho hoạt động giảng dạy chuyên môn và phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn học liệu của cơ sở đào tạo.

- Tiêu chí 3. Hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học: Giảng viên phải có trách nhiệm và tích cực hướng dẫn người học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - hướng dẫn làm đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học,...: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

- Tiêu chí 4. Công bố kết quả nghiên cứu khoa học: Giảng viên phải chủ động nghiên cứu, có trách nhiệm nghiên cứu và tích cực công bố kết quả nghiên cứu khoa học (sách tham khảo, sách chuyên khảo, bài báo khoa học,…), để vừa khẳng định năng lực cá nhân, vừa góp phần bổ sung nguồn học liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của cơ sở đào tạo. Việc công bố kết quả nghiên cứu không chỉ ở phạm vi trong nước, mà cần hướng đến phạm vi quốc tế.

2. Thực trạng năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

2.1. Khái quát về đội ngũ giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ, được thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội, có chức năng “đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội” [3]. Sứ mệnh và tầm nhìn của Nhà trường được xác định là: “Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu học tập đa dạng với nhiều hình thức đào tạo, đa ngành, đa cấp độ, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của ngành Nội vụ và cho xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Đến năm 2025 trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế…, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng, có uy tín trong nước và khu vực” [17]. Để thực hiện chức năng, sứ mệnh và tầm nhìn nêu trên, việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên - lực lượng lao động trực tiếp (giảng dạy, nghiên cứu) trong hoạt động đào tạo của Nhà trường, đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng cao là vấn đề quan trọng bậc nhất. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức đối với lãnh đạo Nhà trường, trong khi số lượng và chất lượng giảng viên của Nhà trường ở mức thấp: 165 giảng viên/345 viên chức, người lao động (năm 2014, chiếm 47,8%); 249 giảng viên/498 viên chức, người lao động (năm 2019, chiếm 50%); 25 giảng viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi (chiếm 10%)); 51/249 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 20% [13], [15], [19], [20].

2.2. Đánh giá của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên được lý giải dựa trên khả năng thực hiện hoạt động nghiên cứu và kết quả nghiên cứu. Ở trường đại học, năng lực này thể hiện rõ nét nhất qua việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn học liệu; thực hiện đề tài dự án; hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học; công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học phục vụ cho hoạt động giảng dạy chuyên môn.

Thực tiễn tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội những năm gần đây (giai đoạn 2014-2019), Nhà trường quan tâm nhiều hơn đến hoạt động khoa học, công nghệ; kiện toàn bộ phận nghiên cứu, quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu và Phát triển, Phòng Quản lý khoa học - nay là Phòng Quản lý đào tạo Sau đại học), cùng với đó là Đề án chiến lược phát triển giai đoạn 2014-2019 và nay là Đề án chiến lược phát triển giai đoạn 2019-2025, làm cơ sở, nền tảng thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ phát triển, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nhiều hơn vào hoạt động khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Nhà trường.

Theo số liệu báo cáo tổng kết công tác các năm 2014-2019 [11] và nội dung báo cáo thực trạng đội ngũ giảng viên trong Đề án chiến lược phát triển giai đoạn 2019-2025 [20] của Nhà trường: Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên được triển khai đồng bộ hàng năm, có hiệu quả hướng vào các nghiên cứu phục vụ giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu khoa học thể hiện ở con số khiêm tốn, cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Nhà trường vẫn còn hạn chế, được tổng hợp trong Bảng 1.

Bảng 1. Thống kê kết quả nghiên cứu khoa học

của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

thong_ke_ket_qua_nghien_cuu_khoa_hoc_cua_giang_vien_truong_dai_hoc_noi_vu_ha_noi Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục năm 2019 của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội đối với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và một số văn bản quản lý của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội [11], [18], [20].

Số liệu tổng hợp trong Bảng 1 cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2014-2019 với nhiều hình thức, sản phẩm nghiên cứu được công bố, thể hiện sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ giảng viên Nhà trường. Tuy nhiên, số lượng công trình nghiên cứu khoa học tính trên đầu giảng viên của Nhà trường giai đoạn 2014-2019 ở con số thấp và điều đó cũng chưa khẳng định được nhiều về chất lượng giảng viên Nhà trường qua tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học, cụ thể:

a) Kết quả nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn học liệu

Từ năm 2012, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội bắt đầu triển khai đào tạo bậc đại học. Đến năm 2016, Trường bắt đầu đào tạo bậc thạc sĩ và song song với đó là nhiều chương trình bồi dưỡng được thực hiện gắn với chức năng cung ứng dịch vụ công được quy định. Trong suốt thời gian này, giảng viên được huy động tham gia xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, góp phần phát triển mở rộng ngành đào tạo, chương trình bồi dưỡng của Nhà trường. Năm 2014, Nhà trường bắt đầu triển khai đề án “Xây dựng và xuất bản giáo trình, tập bài giảng giai đoạn 2014-2017” [14] với 53 đầu sách giáo trình, tập bài giảng. Đề án đã thu hút sự quan tâm, đăng ký tham gia của đông đảo giảng viên, giúp Nhà trường phát huy được nguồn lực hiện có trong việc xây dựng, phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Bắt đầu từ năm 2015, đã có 2 giáo trình, 3 tập bài giảng được nghiệm thu; năm 2016 có 3 giáo trình, tập bài giảng được nghiệm thu; năm 2017 có 3 giáo trình, tập bài giảng được nghiệm thu; năm 2018 có 5 giáo trình, 6 tập bài giảng được nghiệm thu; năm 2019 có 9 giáo trình, tập bài giảng được nghiệm thu. Mặc dù số lượng giáo trình, tập bài giảng được nghiệm thu chưa nhiều (33 giáo trình, tập bài giảng), chưa đạt mục tiêu đề ra (53 giáo trình, tập bài giảng giai đoạn 2014-2017), song đó là cả sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên Nhà trường những năm qua, cần được tiếp tục phát huy.

b) Kết quả nghiên cứu đề tài, dự án

Giai đoạn 2014-2019, giảng viên Nhà trường đã nỗ lực tham gia thực hiện đề tài, dự án các cấp (cấp trường, cấp bộ, cấp nhà nước). Tuy nhiên, số lượng đề tài, dự án được nghiệm thu hàng năm chưa nhiều - tổng số 136 đề tài, bình quân 0,55 đề tài, dự án/giảng viên/6 năm và còn nhiều đề tài nợ đọng [12], cá biệt còn trường hợp đề tài quá hạn bị thanh lý. Điều đó cũng cho thấy, năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án còn hạn chế, trong khi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để giảng viên tham gia vào các hoạt động thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp[1], đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư[2]…

c) Kết quả hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học

Giai đoạn 2014-2019, Nhà trường quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, không chỉ tạo cơ hội phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên, mà còn tạo cơ hội cho giảng viên phát triển năng lực nghiên cứu khoa học thông qua việc hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học. Kết quả là, đã có 356 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được giao thực hiện và nghiệm thu trong giai đoạn 2014-2019, bình quân 59,3 đề tài/năm; các giảng viên được giao hướng dẫn cũng hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu khoa học của mình. Thông qua đó, giảng viên có thêm cơ hội thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu để hoàn thiện năng lực của mình. Số lượng 59,3 đề tài/năm là không lớn so với tổng số gần 2000 sinh viên/năm và 249 giảng viên của Nhà trường hiện nay. Và trong số đó, nhiều giảng viên cũng chưa từng được giao hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học, nhưng cũng là sự quan tâm lớn của Nhà trường giai đoạn 2014-2019 so với những giai đoạn trước[3]. Đây cũng là vấn đề cho mỗi giảng viên suy ngẫm và tự nỗ lực hơn để khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của mình và để được giao nhiệm vụ hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học với tần suất nhiều hơn.

d) Kết quả công bố sản phẩm nghiên cứu khoa học

Giai đoạn 2014-2019 có 355 bài báo khoa học của giảng viên được công bố, trong đó có 03 bài báo khoa học quốc tế, 352 bài báo khoa học trong nước, bình quân 1,42 bài/giảng viên/6 năm. Số lượng sách tham khảo, chuyên khảo của giảng viên Nhà trường giai đoạn này cũng rất ít - tổng số 22 đầu sách; bình quân 0,09 đầu sách/giảng viên/6 năm. Điều đó cho thấy, giảng viên Nhà trường còn hạn chế lớn về năng lực nghiên cứu khoa học thông qua việc công bố sản phẩm nghiên cứu của mình, không chỉ là hạn chế đối với chính giảng viên, mà còn là hạn chế đối với Nhà trường trong việc xây dựng và phát triển nguồn học liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.

2.3. Kết quả khảo sát của tác giả về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Dựa trên những tiêu chí về năng lực nghiên cứu khoa học được nêu và phân tích trong mục 1, tác giả thiết kế phiếu khảo sát gồm 14 câu hỏi với thang đo 5 mức độ: 1 - Rất không đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3 - Không ý kiến; 4 - Đồng ý; 5 - Rất đồng ý. Tác giả tiến hành khảo sát 249/249 (100%) giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, trong đó có 241/249 phiếu trả lời hợp lệ (96%) và cho kết quả góp phần khẳng định sự hạn chế về chất lượng giảng viên Nhà trường qua tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học, được tổng hợp trong Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả khảo sát chất lượng giảng viên

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội qua tiêu chí năng lực nghiên cứu khoa học

ket_qua_khao_sat_chat_luong_giang_vien

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả năm 2020

Số liệu khảo sát Bảng 2 cho thấy:

- Thứ nhất, giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học thể hiện qua việc chủ trì xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng (2.63 điểm); chủ trì biên soạn giáo trình, tập bài giảng (2.81 điểm); chủ biên sách chuyên khảo, sách tham khảo trong nước, quốc tế (2.70 và 2.41 điểm); công bố bài báo khoa học trong nước, quốc tế (2.84 và 2.54 điểm).

- Thứ hai, việc tích cực nghiên cứu khoa học chỉ được khẳng định qua nội dung tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học (đề tài, dự án) các cấp (4.04 điểm); hướng dẫn người học nghiên cứu khoa học (4.29 điểm). Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Nhà trường theo các nội dung còn lại cũng được khẳng định ở mức thấp (dưới 3.0 điểm).

Đánh giá về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có thể nhận thấy sự hạn chế thể hiện rõ qua số lượng công trình nghiên cứu khoa học còn rất ít, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, tạo hiệu ứng tích cực trong hoạt động khoa học, công nghệ. Theo tổng hợp, tính toán từ số liệu Bảng 1, số lượng công trình nghiên cứu bình quân của giảng viên là 0,13 giáo trình, tập bài giảng/giảng viên/6 năm; 0,55 đề tài, dự án/giảng viên/6 năm; 0,09 sách tham khảo, chuyên khảo/giảng viên/6 năm; 0,24 đề tài sinh viên/giảng viên/năm. Theo đánh giá của Nhà trường: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ khoa học còn chậm, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quá hạn, nợ đọng kéo dài,…; việc biên soạn giáo trình, tập bài giảng còn chậm, số lượng hạn chế, thiếu giáo trình, tập bài giảng phục vụ hoạt động đào tạo của Nhà trường[4]. Sự hạn chế về năng lực nghiên cứu khoa học có tác động ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp, chất lượng của giảng viên Nhà trường. Nguyên nhân của hạn chế này gồm cả chủ quan và khách quan.

- Về nguyên nhân chủ quan, chính là việc nhiều giảng viên chưa nhận thức rõ được vai trò, lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với hoạt động giảng dạy chuyên môn; chưa có sự nỗ lực trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, giảng viên Nhà trường “chưa tích cực tham gia các cuộc thi, giải thưởng nghiên cứu khoa học, sáng kiến”[5] và “nhiều giảng viên còn lên lớp với cường độ cao, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nên số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học chưa đồng đều”[6].

- Về nguyên nhân khách quan, đó là việc Nhà trường chưa có chính sách hỗ trợ hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học đối với việc công bố sản phẩm khoa học (biên soạn, xuất bản sách tham khảo, chuyên khảo; đăng bài tạp chí quốc tế), dẫn đến việc nhiều giảng viên không hăng say, hứng thú với hoạt động này. Bên cạnh đó, Nhà trường “chưa có cơ chế khuyến khích các cá nhân đối với việc tham gia xúc tiến, thu hút các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp nhà nước về cho Trường”[7]. Vấn đề này được chỉ ra từ năm 2016, nhưng đến nay, Nhà trường vẫn chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp.

3. Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

a) Thực hiện chính sách bắt buộc hàng năm đối với giảng viên công bố sản phẩm khoa học trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước

Quy chế quản lý khoa học của Nhà trường hiện hành [16] quy định hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, bao gồm nhiều hình thức thể hiện qua các sảm phẩm: Sách xuất bản, bài tạp chí khoa học trong nước, bài tạp chí khoa học quốc tế, bài hội thảo, nội san và nhiều sảm phẩm quy đổi khác. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc quy định bắt buộc hàng năm đối với giảng viên công bố sản phẩm khoa học trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước là phù hợp. Vì, đây không chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm, mà còn là điều kiện cần thiết, bắt buộc để giảng viên phát triển nghề nghiệp, như: Tham gia thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp; đăng ký xét đạt công nhận tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư,...

Giải pháp trên được thực hiện sẽ tạo sức ép về nhiệm vụ đăng bài tạp chí khoa học hàng năm đối với giảng viên, để thực sự nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của họ. Điều này là bởi vì, bài tạp chí khoa học chuyên ngành, trước hết là bài tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước mang tính phổ quát trong hoạt động khoa học. Và khi giảng viên tích cực viết bài tạp chí khoa học, họ sẽ tự tạo cho mình điều kiện tham gia diễn đàn khoa học trên phạm vi diện rộng để bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

b) Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích viết bài đăng tạp chí khoa học quốc tế đối với giảng viên

Bài tạp chí quốc tế đòi hỏi yêu cầu cao đối với mỗi người viết: Yêu cầu về phương pháp tư duy, tiếp cận vấn đề nghiên cứu; yêu cầu về phương pháp triển khai nội dung nghiên cứu; yêu cầu về sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành,… Đây cũng là tiêu chuẩn bắt buộc đối với giảng viên khi đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư: 3 bài đối với ứng viên phó giáo sư, 5 bài đối ứng viên với giáo sư [10]. Đồng thời, bài tạp chí quốc tế của giảng viên là một tiêu chí quan trọng hàng đầu khi đánh giá, xếp hạng trường đại học. Và trong bối cảnh số lượng bài tạp chí quốc tế của giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2024-2019 rất ít, mới chỉ có 3 bài/249 giảng viên, dự kiến năm 2025 đạt số lượng 08 bài (Bảng 1), thì việc thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích viết bài đăng tạp chí khoa học quốc tế đối với giảng viên là giải pháp cần thiết để thực hiện chiến lược phát triển nhân lực của Nhà trường theo mục tiêu đã đề ra đến năm 2025, cụ thể:

- Thành lập nhóm nghiên cứu viết bài tạp chí khoa học quốc tế: Đây là cách thức huy động được sự tham gia của nhiều giảng viên, giúp Nhà trường xây dựng được đội ngũ nhân lực khoa học tập trung để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia.

- Hỗ trợ tài chính đối với mỗi công trình là bài tạp chí khoa học quốc tế của giảng viên: Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phí đăng bài tạp chí khoa học quốc tế đối với giảng viên để giảng viên hăng say nghiên cứu và có động lực khi nghiên cứu công bố sản phẩm khoa học quốc tế.

Giải pháp này được thực hiện có kết quả, không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, mà còn góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của Nhà trường đến năm 2025 trở thành trường đại học đa ngành, có uy tín trong nước, khu vực và quốc tế.

Để các giải pháp trên được thực hiện có kết quả, cần có nhiều điều kiện phù hợp. Theo đó, Phòng Quản lý đào tạo sau đại học của Nhà trường cần tham mưu cho Ban giám hiệu xây dựng chính sách bắt buộc hàng năm đối với giảng viên công bố sản phẩm khoa học trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước; chính sách hỗ trợ, khuyến khích viết bài đăng tạp chí khoa học quốc tế đối với giảng viên. Đồng thời, Phòng Quản lý đào tạo sau đại học chủ trì, phối hợp với các khoa chuyên môn triển khai thực hiện, kết hợp đánh giá tác động, hiệu quả của chính sách đến chất lượng giảng viên Nhà trường.

4. Kết luận

Trên cơ sở khung lý thuyết về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, tác giả đã phân tích làm sáng tỏ thực trạng chất lượng giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội thông qua tiêu chí này, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời tác giả cũng khuyến nghị cách thức thực hiện giải pháp phù hợp với điều kiện của Nhà trường. Tác giả mong rằng, kết quả nghiên cứu trên góp phần cung cấp thông tin khoa học để lãnh đạo Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tham khảo, nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp trong thời gian tới.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Theo quy định hiện hành, điều kiện để giảng viên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giảng viên lên giảng viên chính là phải chủ nhiệm ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

[2] Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, điều kiện để giảng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư là phải chủ nhiệm ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; đối với chức danh giáo sư là chủ nhiệm ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước hoặc 02 đề tài cấp Bộ.

[3] Số liệu thống kê trong Đề án chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035 (ban hành kèm theo Quyết định số 1039/QĐ-ĐHNV ngày 27/11/2019) cho thấy: Giai đoạn 2010-2013 có 32 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được duyệt, trong khi giai đoạn 2014-2019 có đến 356 đề tài.

[4] Báo cáo số 1831/BC-ĐHNV ngày 30/12/2016; Báo cáo số 1131/BC-ĐHNV ngày 29/6/2020.

[5] Báo cáo số 1831/BC-ĐHNV ngày 30/12/2016

[6] Nội dung trong Báo cáo số 2794/BC-ĐHNV ngày 31/12/2019, được kế thừa từ Báo cáo số 2686/BC-ĐHNV ngày 29/12/2017 và Báo cáo số 42/BC-ĐHNV ngày 09/01/2019.

[7] Báo cáo số 116/BC-ĐHNV ngày 22/01/2016.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Bội vụ (2014), Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư số 47/2014/TTLT-BGDĐT ngày 31/12/2014 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên.
  3. Bộ Nội vụ (2018), Quyết định số 468/QĐ-BNV ngày 03/4/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
  4. Chính phủ (2019), Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
  5. Mulyasa, H.E. (2007), Standar kompetensi dan sertifikasi guru, PT Remaja Rosdakarya.
  6. Nguyễn Lân (2006), Từ điển Từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  7. Quốc hội (2010), Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010.
  8. Quốc hội (2012), Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).
  9. Samsudin, N.H. (2006), Syllable study for the development of Malay speech synthesizer, Master thesis, Universiti Sains Malaysia.
  10. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
  11. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Báo cáo tổng kết công tác các năm 2014-2019: Báo cáo số 14/BC-ĐHNV ngày 07/12/2014; Báo cáo số 116/BC-ĐHNV ngày 22/01/2016; Báo cáo số 1831/BC-ĐHNV ngày 30/12/2016; Báo cáo số 2686/BC-ĐHNV ngày 29/12/2017; Báo cáo số 42/BC-ĐHNV ngày 09/01/2019; Báo cáo số 2794/BC-ĐHNV ngày 31/12/2019.
  12. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2020), Báo cáo số 1131/BC-ĐHNV ngày 29/6/2020 về hoạt động khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ khoa học 6 tháng cuối năm 2020.
  13. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2014), Quyết định số 1099/QĐ-ĐHNV ngày 09/9/2014 ban hành Đề án chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
  14. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2015), Quyết định số 172/QĐ-ĐHNV ngày 27/02/2015 về việc phê duyệt Đề án biên soạn và xuất bản giáo trình, tập bài giảng giai đoạn 2014-2017.
  15. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2015), Quyết định số 265/QĐ-ĐHNV ngày 26/3/2015 giao khối lượng giờ giảng và giờ nghiên cứu khoa học năm học 2014-2015.
  16. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2016), Quyết định số 1399/QĐ-ĐHNV ngày 22/8/2016 ban hành Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
  17. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2016), Quyết định số 2154/QĐ-ĐHNV ngày 21/12/2016 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
  18. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1718/QĐ-ĐHNV ngày 18/7/2019 công nhận sử dụng sách phục vụ hoạt động đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
  19. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 2733/QĐ-ĐHNV ngày 05/11/2019 giao khối lượng giờ giảng và giờ nghiên cứu khoa học năm học 2018-2019.
  20. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (2019), Quyết định số 1039/QĐ-ĐHNV ngày 27/11/2019 ban hành Đề án chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
  21. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa,Hà Nội.

 

ANALYZING THE COMPETENCIES OF HANOI UNIVERSITY

OF HOME AFFAIRS’ LECTURERS VIA THE SCIENTIFIC

RESEARCH COMPETENCIES

TRAN THANH XUAN

Faculty of Office Management, Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Lecturers are viewed as a special social workforce, directly training other human resources for the society, hence there are high requirements for the qualifications and the competencies of lecturers. In Vietnam, the laws clearly stipulate the quality criteria for each rank of lecturers (lecturer, main lecturer and senior lecturer) in terms of ethical qualities, professional qualifications, professional knowledge, scientific research competencies and teaching competencies. This paper analyzes the current competencies of lecturers working for Hanoi University of Home Affairs via their scientific research competencies. This paper’s secondary data sets were collected from published documents. The primary and secondary data sets were analyzed to clarify the current competencies of the university’s lecturers.

Keywords: Competence of lecturers, scientific research competencies, Hanoi University of Home Affairs.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 23, tháng 9 năm 2020]