Phân tích tiềm năng phát triển và thực trạng du lịch tại các làng nghề ở Đồng Tháp

ThS. NGUYỄN MINH TRIẾT (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp)

TÓM TẮT:

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều làng nghề được công nhận nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhiều làng nghề đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Khai thác các làng nghề để phát triển du lịch sẽ là thế mạnh để tỉnh Đồng Tháp đa dạng sản phẩm du lịch và thu hút thêm nhiều du khách. Bài viết phân tích tiềm năng phát triển, thực trạng du lịch tại các làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp và gợi ý giải pháp góp phần phát triển du lịch làng nghề một cách bền vững.

Từ khóa: Làng nghề, du lịch, tỉnh Đồng Tháp.

I. Đặt vấn đề

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển tổng hợp các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch về nguồn,... Sự phát triển du lịch trong những năm qua mang tính bền vững, hướng đến các mục tiêu cộng đồng, chú trọng đến giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn là địa phương có nhiều làng nghề nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 44 làng nghề đã được công nhận. Đây được xem là nguồn tài nguyên độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và là nhân tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của tỉnh.

Du lịch làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách và là xu hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, hình thức du lịch này góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo từng vùng miền, địa phương. Mỗi làng nghề trong tỉnh Đồng Tháp đều có nét đặc sắc riêng mà không phải địa phương nào trong vùng cũng có được. Phát triển du lịch làng nghề sẽ là hướng đi mới mang lại lợi ích lâu dài, phù hợp với đề án phát triển du lịch của tỉnh, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa địa phương. Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển làng nghề và du lịch làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

II. Thực trạng làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp

Theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau. Làng nghề được công nhận phải đạt 03 tiêu chí: Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Người dân Đồng Tháp hiếu khách, sống hòa thuận, tình cảm, cùng chung sức khai hoang, lập ấp. Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, con người Đồng Tháp trải qua nhiều khó khăn vất vả đã hun đúc được tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của người dân Nam Bộ. Truyền thống tự nguyện liên kết cộng đồng dân cư trong làng xã có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc khai hoang và giữ nước cũng như trong công cuộc lao động để phát triển cộng đồng. Người dân nơi đây sống dựa vào nghề nông là chính. Mỗi vùng dân cư lại có nét riêng về canh tác, tập quán sinh hoạt, về môi trường thiên nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu của cư dân từng vùng đất mà các nghề thủ công xuất hiện. Những nghề thủ công ấy tồn tại trong môi trường nông nghiệp, nông thôn, theo dòng chảy của thời gian đã phát triển đa dạng thành nhiều nghề truyền thống và những làng nghề. Chính lịch sử khai phá cùng sự sáng tạo của người dân để thích nghi với điều kiện tự nhiên cũng như khai thác tự nhiên phục vụ cho cuộc sống,… đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của các làng nghề. Và chính những làng nghề tạo nên nét hấp dẫn trong văn hóa truyền thống vùng đất Đồng Tháp. Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, những làng nghề vẫn mang đậm dấu ấn của quá trình khai hoang, lập ấp, dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước, gắn chặt với điều kiện tự nhiên và nhu cầu cuộc sống dân cư trong vùng để tồn tại và phát triển.

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều làng nghề nhất khu vực ĐBSCL với 44 làng nghề được công nhận, kế tiếp là: An Giang (20 làng nghề), Bến Tre (18 làng nghề), Vĩnh Long (17 làng nghề), Sóc Trăng, Tiền Giang (13 làng nghề), Bạc Liêu (8 làng nghề), ít nhất là Trà Vinh (3 làng nghề), các địa phương còn lại chưa có làng nghề được công nhận.

Các làng nghề đã được công nhận của Tỉnh khá đang dạng, gắn chặt với cuộc sống và nhu cầu của cư dân địa phương, như: đan đát lục bình (06 làng nghề), đan lợp (03 làng nghề), đan cần xé (01 làng nghề), đan bội (04 làng nghề), đan giỏ xách (01 làng nghề), đan lưới (01 làng nghề), đan thúng, rổ (01 làng nghề), đóng xuồng, ghe (01 làng nghề), dệt chiếu (11 làng nghề), sản xuất chổi lông gà (01 làng nghề), se trân (01 làng nghề), dệt choàng (01 làng nghề), mê bồ (04 làng nghề), trồng hoa (01 làng nghề), làng nghề truyền thống sản xuất bột (04 làng nghề), sản xuất bột (03 làng nghề).

Trên địa bàn tỉnh, huyện Lấp Vò là địa phương có nhiều làng nghề nhất, với 15 làng nghề đã được công nhận, tiếp đó là các huyện: Châu Thành (04 làng nghề), Lai Vung (06 làng nghề), Hồng Ngự (01 làng nghề), Cao Lãnh (03 làng nghề), Thanh Bình (05 làng nghề), Tháp Mười (01 làng nghề), thành phố Cao Lãnh (04 làng nghề) và thành phố Sa Đéc (05 làng nghề). Trong đó, làng nghề dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò) và làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (huyện Lai Vung) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 58 khóm, ấp có nghề, làng nghề (42 ấp có làng nghề, 16 ấp có nghề). Số cơ sở tham gia làng nghề toàn tỉnh là 7.738 cơ sở, chiếm 16,6% số hộ trên địa bàn có nghề, làng nghề. Các sản phẩm của nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, với khoảng 24 loại hình khác nhau gồm những nhóm sản phẩm chính như: đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,…với khoảng 2% số hộ nông thôn tham gia, giải quyết việc làm ổn định cho trên 19.345 lao động nông thôn, thu nhập bình quân từ 750.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng.

Theo Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống giai đoạn 2017 - 2020, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống như dệt chiếu, đan mê bồ, đóng xuồng ghe, trồng hoa kiểng, sản xuất bột,... tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục bồi dưỡng và công nhận 14 làng nghề, làng nghề truyền thống đến năm 2020, cụ thể: đan lục bình (01 làng nghề), sản xuất khô (02 làng nghề), đan lợp cua (01 làng nghề), sản xuất mắm (01 làng nghề), nuôi cá bè (01 làng nghề), làm bánh đa, bánh tráng (02 làng nghề), trồng nấm rơm (01 làng nghề), trồng và chế biến kiệu (01 làng nghề), làm nem (03 làng nghề) và hoa cỏ khô (01 làng nghề). Bên cạnh đó, phát triển thêm nghề mới như trồng nấm rơm ở các huyện có vùng lúa tập trung, nghề làm khô, mắm ở huyện Tam Nông, thị xã Hồng Ngự, nghiên cứu phát triển dịch vụ mua bán, kết hợp kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến xoài, nhãn.

III. Thực trạng và định hướng phát triển du lịch làng nghề ở Đồng Tháp

Trong năm 2016, tổng doanh thu du lịch ở tỉnh Đồng Tháp đạt 487,78 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng lượt khách tiếp đón và phục vụ là 2.663.050 lượt khách, tăng 17,45 % so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 68.714 lượt khách quốc tế. Mặc dù ngành Du lịch Đồng Tháp có bước phát triển đáng kể, nhất là từ khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, nhưng nhìn chung sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong đó, hoạt động du lịch, trải nghiệm tại các làng nghề mới chỉ trong giai đoạn định hướng, thử nghiệm.

Các chương trình du lịch ở một số làng nghề mới chỉ triển khai gần đây như tham quan và tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại làng nghề, kết hợp phát triển quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhìn chung, Đồng Tháp có tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm của làng nghề được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch còn gặp phải nhiều vấn đề, như: nhận thức của người dân về bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề chưa đúng mức; thiếu các tour du lịch đến các làng nghề; sự tham gia phát triển du lịch làng nghề của người dân chưa cao do họ chưa thấy hết những lợi ích mà phát triển du lịch đem lại. Chưa chú trọng khai thác các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề, việc giới thiệu, trình diễn nghề, những dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các làng nghề còn nghèo nàn, thiếu sức hút. Giao thông đến các làng nghề còn khó khăn, môi trường ở các làng nghề còn nhiều bất cập như ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, nguồn nước,… Hộ làm nghề thiếu sự năng động trong khai thác thị trường, còn nặng tâm lý làm nghề chỉ để “kiếm thêm” nên thụ động trong khâu tiêu thụ theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tiêu thụ và người sản xuất còn hạn chế, chưa có sự quan tâm một cách đúng mức của các cơ quan chức năng và một số hạn chế khác như thiếu vốn, nguyên liệu sản xuất, chậm cải tiến mẫu mã theo thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, sản phẩm giá thành cao, sức cạnh tranh thấp,…

Theo Kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đồng Tháp sẽ chú trọng phát triển du lịch gắn với các làng nghề, cụ thể:

- Xây dựng khu trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm nghề đóng xuồng ghe, dệt, đan, các sản phẩm từ hoa cỏ khô, chổi,... kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm.

- Nghiên cứu phát triển nghề trồng hoa kiểng, sản xuất bột gắn với du lịch nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thành phố Sa Đéc.

- Phát triển làng nghề bánh tráng, nem, đóng xuồng ghe, đan bội, đan cần xé, đan lờ lợp gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn quýt hồng Lai Vung, huyện Lai Vung.

- Khôi phục phát triển nghề đan mê bồ tại thành phố Cao Lãnh, gắn du lịch văn hóa về nguồn, thăm khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

- Phát triển các nghề làm khô cá lóc, làm dưa kiệu tại huyện Tam Nông, gắn với du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông.

- Khôi phục phát triển các nghề dệt chiếu, đan lục bình, gắn với du lịch văn hóa về nguồn, thăm khu di tích Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh và khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười.

IV. Đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển du lịch làng nghề tỉnh Đồng Tháp

Để góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, lượt khách du lịch đến Đồng Tháp đạt 3,5 triệu lượt, vươn lên top đầu ĐBSCL về tổng lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch, đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, sản phẩm du lịch có chất lượng cao và trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực ĐBSCL theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn như sau:

- Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, du lịch làng nghề và những giá trị văn hóa làng nghề trên các phương tiện truyền thông địa phương, các bộ ngành và tổ chức khác, đặc biệt là các trang web du lịch, hội chợ xúc tiến du lịch, các ấn phẩm, sách, tạp chí hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các buổi triển lãm, lễ hội nhằm tôn vinh giá trị nghề và làng nghề.

- Nâng cao nhận thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề cho cư dân địa phương. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch làng nghề như cung cấp dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc sản địa phương cho du khách; hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu về tổ nghề, trải nghiệm làng nghề, hướng dẫn du khách tự tay làm các sản phẩm theo ý thích; sản xuất và bán quà lưu niệm làng nghề; cung cấp dịch vụ lưu trú và các hình thức vui chơi giải trí cho du khách,… Cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về lợi ích và trách nhiệm phát triển du lịch, về kỹ năng, nghiệp vụ, cách hướng dẫn, giao tiếp với du khách,… Tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch thành công ở các làng nghề của những địa phương khác.

- Xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề. Ngoài ra, kết hợp du lịch trải nghiệm làng nghề với các loại hình du lịch khác như tham quan các di tích lịch sử, khu sinh thái, homestay, du lịch ẩm thực, quà tặng đặc sản,… sẽ làm chuyến tham quan làng nghề thêm thu hút, hấp dẫn. Hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour tuyến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề.

- Không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm làng nghề, phát triển những sản phẩm đặc thù của địa phương đáp ứng đầy đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường và du khách. Bên cạnh đó, cần chú trọng sáng tạo các sản phẩm quà lưu niệm thủ công truyền thống phục vụ khách du lịch.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và du lịch tại các làng nghề, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông để du khách đến với làng nghề dễ dàng, thuận tiện.

- Hỗ trợ vốn cho các hộ dân làng nghề đầu tư sản xuất và giữ nghề bằng các hình thức thích hợp như ưu tiên nguồn tín dụng cho các làng nghề, ưu đãi lãi suất, cho vay tín chấp,…

- Cần có chính sách tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi lành nghề. Hỗ trợ dạy nghề, học nghề, truyền nghề để thế hệ sau kế thừa và phát huy hơn nữa giá trị làng nghề. Ngoài ra, cần tổ chức các khóa tập huấn để trang bị cho các hộ sản xuất kinh doanh kiến thức về chính sách liên quan đến phát triển làng nghề, phát triển du lịch,… để người dân nắm rõ và thực hiện.

- Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Điều này sẽ trực tiếp tạo động lực cho các hộ sản xuất kinh doanh, đưa nghề truyền thống trở thành nguồn thu nhập quan trọng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân chứ không phải là “nghề phụ” chỉ để “kiếm thêm”. Muốn vậy, cần phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các mô hình liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, điểm tham quan du lịch, xuất khẩu,… Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình hợp tác sẽ khắc phục tình trạng thiếu liên kết ở làng nghề theo kiểu “đèn ai nấy rạng”, manh mún, tiêu thụ khó khăn, nguyên liệu tự lo,...

- Hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả hơn. Nếu không có sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật thì các sản phẩm làng nghề khó mà đứng vững trên thị trường. Trong đó, các nhà khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, thử nghiệm những tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện địa phương và chuyển giao cho người dân.

- Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển làng nghề, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch và xuất khẩu sản phẩm làng nghề.

- Quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường ở các làng nghề. Mỗi hộ sản xuất kinh doanh, mỗi làng nghề cần có phương án bảo vệ môi trường cho cơ sở của mình. Song song đó, cần tuyên truyền du khách du lịch có trách nhiệm, giữ gìn điểm đến sạch đẹp.

V. Kết luận

Du lịch có vai trò quan trọng, không chỉ đối với kinh tế, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hình ảnh và niềm tự hào của nhân dân Đồng Tháp. Những làng nghề trong tỉnh mang nét độc đáo riêng, là nơi lưu giữ, bảo tồn tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện tài năng của các nghệ nhân, mang bản sắc và tâm hồn của dân tộc. Chính vì vậy, cần trân trọng kế thừa, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhiều mô hình phát triển du lịch làng nghề ở các địa phương khác như làng gốm Bát Tràng, khai thác du lịch làng nghề ở Huế, chế tác mỹ nghệ từ dừa, sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre,… không những bảo tồn được giá trị làng nghề, mà còn nâng cao thu nhập cho người dân từ việc phát triển dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn cần được quan tâm, khuyến khích và phối hợp từ nhiều phía. Trong tương lai không xa, du lịch làng nghề sẽ sớm trở thành loại hình du lịch chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006), “Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn”, số 116/2006/TT-BNN.

2. Lê Thị Minh Lý (2003), “Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể”, Tạp chí Văn hóa, số 4.

3. Mai Văn Nam (2013), “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề kết hợp du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Nghiên cứu kinh tế, số 422.

4. Phạm Xuân Hậu và Trịnh Văn Anh (2012), “Giải pháp phát triển làng nghề truyền thống ở Việt Nam phục vụ du lịch”, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 35 năm 2012.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp (2017), “Báo cáo Tình hình hoạt động du lịch năm 2016 - Phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2017”, Số 22 /BC-SVHTTDL ngày 10/02/2017.

6. UBND tỉnh Đồng Tháp (2015), “Quyết định về việc ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020”, Số 03/2015/QĐ-UBND, ngày 15/01/2015.

7. UBND tỉnh Đồng Tháp (2017), “Kế hoạch Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, số 04/KH-UBND ngày 09/01/2017.

8. Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2012), Tuyển tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam (tập 1), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING CRAFT VILLAGE TOURISM IN DONG THAP PROVINCE

MA. NGUYEN MINH TRIET

Dong Thap Industrial Promotion and Industrial Development Consultancy

ABSTRACT:

Dong Thap province has the most recognizabled craft villages in the Mekong Delta. Moreover, many craft villages are ranked as the national intangible cultural heritage. Developing craft village tourism is significantly advantageous for Dong Thap to diversify tourism products and attracting more visitors. This article analyzes the current situation of craft village tourism development and proposes solutions to sustainably develop craft village tourism in Dong Thap province.

Keywords: Craft village, tourism, Dong Thap province.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây