Pháp có thể giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế

Hãng tin Reuters dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết nước này nên giảm dần các biện pháp hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế trong năm tới khi các biện pháp phòng ngừa Covid-19 dần được dỡ bỏ và nền kinh tế tái mở cửa trở lại.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp
 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết nền kinh tế Pháp có thể tăng trưởng 5% trong năm nay (Ảnh: Business Insider)

Ông Francois Villeroy de Galhau cho biết Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Châu Âu, sẽ không có nguy cơ phát triển quá nóng. Chính phủ Pháp không quá vội vàng khi ngưng các biện pháp kích thích kinh tế nhưng cũng sẽ không ngần ngại khi làm điều này, theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp.

Trước đó, ông Francois Villeroy de Galhau nhấn mạnh nền kinh tế Pháp vẫn đang trên đà phục hồi với mức tăng trưởng dự báo đạt 5% trong năm nay. Bất chấp sự xuất hiện của các biến thể virus Covid-19, việc kéo dài thời gian giới nghiêm cũng như lo ngại về đợt phong tỏa quốc gia lần thứ ba, hoạt động kinh tế Pháp vẫn được duy trì tốt trong tháng 1/2021.

Theo Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), mức tăng trưởng trong tháng đầu tiên của năm 2021 giảm khoảng 4% so với trước khủng hoảng - cụ thể là quý 4/2019 và được đánh giá là ổn định so với tháng 12/2020. Dù các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp giãn cách xã hội như khách sạn, nhà hàng, giao thông, giải trí tiếp tục suy giảm mạnh nhưng các lĩnh vực công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ.

Một số chuyên gia phân tích nền kinh tế Pháp có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong năm 2020, nền kinh tế Pháp đã suy giảm tăng trưởng đến 8,3% dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo ông Francois Villeroy de Galhau, mặc dù lãi suất dài hạn tại Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên khi nước này công bố gói kích thích kinh tế trị giá tới 1.900 tỷ USD nhưng vẫn còn quá sớm để nói về khả năng phát triển quá nóng và sự gia tăng nhanh tại Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ không có nguy cơ xảy ra điều này.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hiện đang thúc đẩy giới lãnh đạo Châu Âu thông qua Quỹ phục hồi kinh tế khu vực trị giá đến 750 tỷ EUR (tương đương 903 tỷ USD) nhằm hỗ trợ tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.  

Ông Francois Villeroy de Galhau, thành viên hoạch định chính sách của ECB, cho biết Liên minh Châu Âu (EU) nên thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng Euro khi mức độ sử dụng đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chỉ bằng 1/3 đồng USD, trong khi quy mô nền kinh tế của Hoa Kỳ và các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) là tương đương nhau.

Quang Đặng (Theo Reuters)