TÓM TẮT:

Pháp luật an sinh xã hội (ASXH) đối với người cao tuổi (NCT) là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cuộc sống của NCT được ổn định, sống vui, sống khỏe, sống có ích. Các chính sách pháp luật về ASXH phù hợp còn tạo năng lượng và động lực, điều kiện cho những NCT vẫn còn sức khỏe, muốn đem sức khỏe của mình tiếp tục công việc để cống hiến và tạo thu nhập cho bản thân. Điều này cũng làm giảm bớt gánh nặng cho xã hội và tạo ra cuộc sống lành mạnh vui tươi cho NCT. Bài viết này khái quát về pháp luật ASXH đối với NCT, phân tích thực trạng pháp luật và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về ASXH đối với NCT.

Từ khóa: an sinh xã hội, người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, pháp luật.

1. Khái quát về pháp luật an sinh xã hội đối với người cao tuổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), NCT là người từ 65 tuổi trở lên, đó là dưới góc độ y học và dựa vào sự đánh giá các biểu hiện suy giảm khả năng tâm, sinh lý và các chức năng vận động. Dưới góc độ kinh tế - xã hội, NCT là người về cơ bản đã hết khả năng lao động cần được nghỉ ngơi. Trong Công ước số 128 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chế độ mất sức lao động, tuổi già và tử tuất (năm 1967), tại Điều 15 quy định độ tuổi được coi là tuổi già hưởng chế độ hưu trí là “độ tuổi không quá 65 tuổi hoặc cao hơn nhưng có thể được ấn định bởi cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhân khẩu học, các tiêu chuẩn về kinh tế, xã hội sẽ được thể hiện qua thống kê của các quốc gia”[1]. Ở Việt Nam, NCT theo định nghĩa tại Luật Người cao tuổi năm 2009 là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên (Điều 2)[2].

An sinh xã hội theo khái niệm của ILO: An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời, đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Pháp luật về an sinh xã hội là tổng hợp những quy định của pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ an sinh xã hội nhằm bảo vệ NCT được thiết lập trên cơ sở các quyền cơ bản của con người. Pháp luật về an sinh xã hội được xây dựng để bảo vệ một trong những nhóm yếu thế của xã hội đó là người cao tuổi. Điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan tới thu nhập, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, chính sách hỗ trợ, trợ cấp đối NCT. Các quy định này nhằm mục đích giảm thiểu tối đa gánh nặng về kinh tế đối với NCT và gia đình họ. NCT trong xã hội hiện đại có sức khỏe tốt hơn do được ăn uống đầy đủ, chăm sóc tốt hơn về y tế nên tuổi thọ trung bình cũng cao hơn, nhiều người vẫn còn đủ khả năng lao động trong một số lĩnh vực. Chính vì vậy, Nhà nước phải có những chính sách, pháp luật về an sinh xã hội để khuyến khích NCT phát huy những kinh nghiệm quy báu của mình góp phần dìu dắt, hỗ trợ thế hệ trẻ để phát triển trong thời đại mới.

Theo thống kê của Liên hợp quốc (2018), tuổi thọ trung bình của nam giới và nữ giới ở Việt Nam tương ứng là 72 và 81 - những con số ấn tượng trong điều kiện một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam vẫn thấp hơn khi so sánh với các nước có cùng chỉ số tuổi thọ khi sinh (như Thái Lan, Malaysia). Tỷ lệ NCT tự đánh giá sức khỏe tốt hoặc rất tốt còn thấp (chỉ khoảng 5%), trong khi có tới hơn 65% cho rằng có sức khỏe yếu và rất yếu[3]. Thống kê trên cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa, tỷ lệ già hóa cao, lại thuộc nhóm già yếu. Như vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ cho NCT để giúp họ ổn định cuộc sống.

Pháp luật an sinh xã hội với NCT được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và quy định khác nhau. Có những quốc gia quy định trong hệ thống pháp luật ASXH bao gồm các lĩnh vực, như: y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách trợ giúp xã hội cho NCT. Có quốc gia lại quy định các chính sách an sinh xã hội cho NCT trong đạo luật riêng về NCT. Dù quy định như thế nào cũng thấy rằng các nhà nước đều muốn bảo vệ chất lượng cuộc sống cho NCT, nhất là trong thời điểm hiện nay, dân số thế giới đang ngày càng già hóa. Pháp luật về về ASXH đối với NCT ở Việt Nam cũng vậy.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; khuyến khích NCT tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT; phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển cơ sở chăm sóc NCT; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của NCT. Mục tiêu đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”[4].

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 Điều 37, khoản 3 quy định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6. Việc quy định bảo vệ, chăm sóc NCT trong Hiến pháp - văn bản Luật cao nhất cho thấy, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, nghiêm túc đối với NCT, bảo vệ quyền được chăm sóc, được yêu thương của NCT; thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng mực của Nhà nước đối với NCT khi họ đã hết tuổi lao động, về nghỉ hưu theo chính sách của Nhà nước cảm thấy an tâm, cuộc sống ổn định thư thái. NCT được Nhà nước đưa ra những chính sách pháp luật về ASXH phù hợp, đúng đắn sẽ làm cho con cái trong gia đình tập trung vào công việc cống hiến cho đất nước, cho xã hội, mà không phải quá bận tâm lo lắng tới cha mẹ mình già yếu không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.

Ngoài Hiến pháp, Luật NCT 2009 còn có rất nhiều văn bản dưới luật khác như Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật NCT; Quyết định số 178/QĐ- TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương khen thưởng. Từ những quy định trên cho thấy Nhà nước đã quan tâm chăm sóc NCT theo lộ trình và có những kế hoạch cụ thể; mỗi bộ, ngành liên quan đều có những quy định, chính sách, chương trình hành động để nhằm hỗ trợ cho NCT.

Có thể thấy rằng, pháp luật ASXH của nước ta về NCT tương đối hoàn thiện, bảo đảm mọi mặt đời sống của NCT, giải quyết những khó khăn của NCT về kinh tế, những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, xã hội,… Các quy định trong các văn bản chính sách góp phần đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của NCT trong vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, nhu cầu an toàn, khám, chữa bệnh và nhu cầu được tự khẳng định bản thân, được tiếp tục học hỏi, tham gia lao động và đóng góp cho xã hội. Trước xu hướng già hóa dân số của Việt Nam, trong thời gian tới, việc ban hành các CSXH dành cho NCT mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tăng cường chức năng phòng ngừa của công tác xã hội, giảm bớt các khó khăn về an sinh xã hội trong tương lai.

2. Thực tiễn thực hiện pháp luật an sinh xã hội đối với người cao tuổi

Một quốc gia có nhiều chính sách an sinh xã hội tốt là quốc gia đó thể hiện được sự vững mạnh trong kinh tế và ổn định trong chính trị, chăm lo đời sống cho NCT cũng là thể hiện sự ghi nhận những năm tháng cống hiến tuổi trẻ của họ, giáo dục thế hệ trẻ biết hướng về nguồn cội và cũng là xây dựng tương lai cho chính họ khi bước vào tuổi xế chiều. Hiện nay, pháp luật về an sinh xã hội của nước ta đã có những cải tiến rõ rệt, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chăm sóc sức khỏe đối với NCT. Chúng ta đang hướng đến bảo hiểm y tế toàn bộ cho NCT. Theo đó, NCT có thể tham gia bảo hiểm y tế do cá nhân tham gia đóng phí, hoặc do chủ thể khác đóng phí để NCT được hưởng chế độ khi ốm đau, bệnh tật. Hiện nay, Nhà nước cũng cố gắng phối hợp với các cơ quan đoàn thể, Hội NCT Việt Nam quan tâm chăm lo sức khỏe NCT, đặc biệt quan tâm đến những NCT không có lương hưu hoặc thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Việc xây dựng và thông qua nhiều văn bản pháp luật về ASXH cho thấy Nhà nước rất quan tâm tới NCT, đặc biệt những đối tượng NCT có công với nước, thuộc diện gia đình chính sách… Trong lúc đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhân dân, đặc biệt là đối với NCT, Chính phủ đã kịp thời có chính sách hỗ trợ NCT. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, NCT phải điều trị Covid - 19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (F1), được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Thứ hai, về trợ cấp xã hội và bảo trợ xã hội đối với NCT. Hiện nay, pháp luật về bảo trợ xã hội đối với NCT được quy định trong nhiều văn bản pháp lý, cụ thể là Điều 17 - Điều 20 Luật NCT năm 2009, quy định riêng về bảo trợ xã hội đối với NCT, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 136/2013 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, NCT còn được hỗ trợ đột xuất hay còn gọi là chế độ trợ giúp 1 lần trong trường hợp gặp rủi ro, hoặc khó khăn bất ngờ, như: thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc chết. NCT được hưởng chế độ 1 lần khi sinh sống tại cộng đồng, cùng gia đình hoặc được hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng.

Thứ ba, chính sách pháp luật đối với các tiện ích công cộng và đời sống tinh thần cho NCT. Nhà nước đã có những quy định liên quan tới việc thực hiện Luật NCT năm 2009 và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP trong việc giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng cho NCT. Bộ Giao thông Vận tải cũng có Công văn số 3873/BGTVT-PC, Thông tư số 71/201/TT-BGTVT quy định hỗ trợ NCT khi tham gia giao thông công cộng được giảm giá vé trên các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và được ưu tiên chỗ ngồi, hỗ trợ trong việc lên xuống các phương tiện và các điều kiện khác với NCT cần được chăm sóc đặc biệt. Việc đưa ra các quy định hỗ trợ NCT tham gia dịch vụ giao thông công cộng là góp phần cải thiện đời sống của NCT, tạo cơ hội cho NCT tham gia các hoạt động cộng đồng, dễ dàng trong việc đi lại, thăm quan du lịch, khám chữa bệnh khi có nhu cầu hoặc ốm đau. Việc NCT được ưu tiên khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn đảm bảo an toàn cho NCT khi tham gia giao thông, giảm bớt khó khăn về kinh tế khi phải chi trả chi phí đi lại. Ngoài ra, đối với các dịch vụ tham quan du lịch, NCT cũng được ưu tiên trả phí bằng 50% mức phí hiện hành. Thông tư số 127/2011/TT-BTC ngày 09/9/2011 của Bộ Tài chính, hay Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết việc hỗ trợ NCT tham gia các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ NCT được tham gia các dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch với mức chi phí hợp lý. Các chính sách của Nhà nước góp phần khuyến khích, động viên và hỗ trợ NCT tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nâng cao đời sống tinh thần cho NCT, tạo sự vui vẻ phấn khởi, từ đó sẽ giảm bớt sự cô đơn khi về già, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Bên cạnh những kết quả được nêu ở trên, pháp luật về an sinh xã hội đối với NCT ở nước ta vẫn còn một số bất cập, cần được hoàn thiện như sau:

Một là, các quy định về đối tượng NCT được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Đối tượng NCT được hưởng các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế, cần mở rộng phạm vi đối tượng, tăng mức trợ cấp và các hỗ trợ khác cho NCT tương ứng với điều kiện kinh tế - xã hội theo giai đoạn phát triển của xã hội và có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn. Ngoài ra, độ tuổi để được hưởng trợ cấp còn cao. NCT đã thuộc diện hộ nghèo hoặc không có người thân phụng dưỡng đa phần là hoàn cảnh khó khăn, không được bồi dưỡng về thể chất, phải tự lao động kiếm sống, vì vậy thể chất không được tốt, khả năng lao động không còn. Đối với họ, quãng thời gian từ 60 tuổi đến 75 tuổi để được hưởng trợ cấp là khá dài.

Hai là, chế độ hưởng an sinh xã hội đối với NCT còn thấp so với mức sống cơ bản, mức trợ cấp đối với NCT hiện nay chưa đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu so với mức lương tối thiểu theo quy định. Pháp luật cũng cần quy định điều kiện tăng mức chuẩn để tính mức trợ cấp cho NCT phù hợp hơn.

Ba là, chính sách chăm sóc y tế cho NCT cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Chính sách hỗ trợ hưởng chính sách chăm sóc y tế của Nhà nước còn hẹp,  chỉ có nhóm NCT thuộc hộ nghèo không có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng,  hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định trên và không có lương hưu được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Với quy định này, NCT từ 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội. So với tình hình thực tế tại Việt Nam, độ tuổi được hưởng trợ cấp quá cao, trong khi độ tuổi trung bình của NCT Việt Nam hiện nay là 72 tuổi, sống chủ yếu ở nông thôn, với tỷ lệ 72.9% phần lớn là lao động chân tay, đời sống khó khăn, thu nhập thấp. Như vậy, NCT chưa đến tuổi được hưởng chính sách chăm sóc y tế của Nhà nước không còn cơ hội được hưởng rất cao. Nhà nước và các cơ quan chuyên môn nên nghiên cứu mở rộng đối tượng NCT được hưởng chính sách chăm sóc y tế miễn phí để tạo nhiều NCT được chăm sóc tốt hơn. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu các quy định về hồ sơ, giấy tờ để NCT dễ dàng tiếp cận với các chính sách chăm sóc y tế của Nhà nước.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Tổ chức Lao động Quốc tế (1967). Điều 15, Công ước số 128 về chế độ mất sức lao động, tuổi già và tử tuất.

[2] Quốc hội (2009). Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009.

[3] Bộ Y tế (2018). Việt Nam còn nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Truy cập tại: https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/viet-nam-con-nhieu-thach-thuc-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi?inheritRedirect=false

[4] Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổ chức Lao động Quốc tế (1967). Công ước số 128 về chế độ mất sức lao động, tuổi già và tử tuất.
  2. Quốc hội (2009). Luật Người cao tuổi năm 2009.
  3. Bộ Y tế (2018). Việt Nam còn nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Truy cập tại: https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/viet-nam-con-nhieu-thach-thuc-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi?inheritRedirect=false.
  4. Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII (2017). Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
  5. Chính phủ (2011). Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 178/QĐ- TTg ngày 22/11/2011 phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
  7. Bộ Y tế (2016). Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025.
  8. Bộ Y tế (2011). Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

 

CURRENT LAWS ON SOCIAL SECURITY FOR THE ELDERLY IN VIETNAM

HA THI HAI YEN

East Asia University of Technology

ABSTRACT:

Laws on social security for the elderly is an important legal framework to ensure a stable, happy, healthy and meaningful life for the elderly. Appropriate legal policies on social security also motivate the elderly who are still healthy and want to continue working to devote themselves to the society and earn income. It also reduces the burden on society, and creates a healthy and joyful life for the elderly. This paper presents an overview of the law on social security for the elderly, analyzes the current state of the law and proposes some solutions to improve the effectiveness of the law on social security for the elderly.

Keywords: social security, the elderly, health care, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 5, tháng 3 năm 2022]