Pháp luật về sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần và các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam

NCS. PHAN NGỌC HÀ (Phó Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) được biết đến như một định chế tài chính mà đặc trưng là cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính với nghiệp vụ cơ bản là nhận tiền gửi, cho vay và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ khác nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu về sản phẩm dịch vụ của xã hội. Bài viết sẽ đề cập đến pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP và một số yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP tại Việt Nam.

Từ khóa: ngân hàng, thương mại, sáp nhập, pháp luật.

1. Đặt vấn đề:

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2008, làn sóng sáp nhập được trải đều các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông,... Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, đỉnh điểm là năm 2015, tình hình sáp nhập các ngân hàng TMCP diễn ra sâu rộng, phát triển rộng lớn về số lượng nhưng chưa phát triển về chất lượng. Đa số các ngân hàng TMCP đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, chất lượng dịch vụ sản phẩm, trình độ đội ngũ nhân viên còn yếu kém so các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, các ngân hàng TMCP tại Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Do đó, sáp nhập ngân hàng là một trong những giải pháp tối ưu để giúp các ngân hàng TMCP Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, đồng thời sẽ giúp tạo ra những giá trị mới nhằm có lợi cho cổ đông.

Song song với hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP, pháp luật về sáp nhập các ngân hàng TMCP trong thời gian qua đã hình thành, giải quyết được một số vấn đề cơ bản tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán,... Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP tại Việt Nam.

2. Pháp luật về sáp nhập ngân hàng Thương mại Cổ phần

2.1. Nguyên tắc sáp nhập ngân hàng TMCP

Nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan; bảo mật thông tin nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập trước khi Đề án sáp nhập được cơ quan có thẩm quyền quyết định của tổ chức tín dụng thông qua. Các hồ sơ tài liệu liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, trung thực, chính xác.

Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc sáp nhập. Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng bị sáp nhập hết hiệu lực khi tổ chức tín dụng sau sáp nhập đăng ký doanh nghiệp.

2.2. Điều kiện sáp nhập ngân hàng Thương mại Cổ phần

Điều kiện sáp nhập ngân hàng TMCP là không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Luật Cạnh tranh; có Đề án để sáp nhập; ngân hàng TMCP nhận sáp nhập sau khi sáp nhập đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật hiện hành.

2.3. Thẩm quyền quyết định sáp nhập ngân hàng Thương mại Cổ phần

2.3.1. Về thẩm quyền của cơ quan Nhà nước

Về thẩm quyền của cơ quan quản lý ngân hàng TMCP, trước hết thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của ngân hàng và thẩm quyền của ngân hàng trung ương. Khác với hoạt động sáp nhập doanh nghiệp bình thường, cơ quan chấp thuận sáp nhập đối với ngân hàng TMCP sẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đứng đầu là Thống đốc. 

2.3.2. Thẩm quyền quyết định tại nội bộ ngân hàng TMCP

 Phải là chủ sở hữu (cổ đông), đại hội cổ đông. Cơ quan có thẩm quyền quyết định của các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia sáp nhập thông qua quyết định về việc sáp nhập theo điều kiện, thể thức họp và biểu quyết theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định sáp nhập, về quy trình tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông (thời điểm tổ chức cuộc họp lập danh sách cổ đông có quyền dự họp, mời họp).

2.4. Quy định về hợp đồng sáp nhập và đề án sáp nhập

2.4.1. Hợp đồng sáp nhập

Hợp đồng sáp nhập được thực hiện bao gồm thông tin về 2 ngân hàng tiến hành sáp nhập. Hai ngân hàng thống nhất theo những điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng và thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khi được sáp nhập thì 2 ngân hàng phải hoàn tất các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Lúc đó, ngân hàng bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại ngân hàng nhận sáp nhập hưởng các quyền lợi hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm về các khoản nợ khác chưa thực hiện trước đây.

2.4.2. Về đề án sáp nhập

 Phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định của các TCTD tham gia sáp nhập thông qua và được người đại diện hợp pháp của các TCTD tham gia sáp nhập cùng ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm. Đề án sáp nhập tối thiểu phải có các nội dung như: tên, địa chỉ, trang thông tin điện tử (nếu có) của TCTD tham gia sáp nhập; lý do sáp nhập; lộ trình sáp nhập; phương thức và thời gian chuyển đổi vốn góp, vốn cổ phần; các hình thức chuyển đổi vốn góp, vốn cổ phần và tỷ lệ chuyển đổi tương ứng; quyền lợi, nghĩa vụ của các TCTD tham gia sáp nhập các tổ chức và cá nhân có liên quan (nếu có); phương án xử lý đối với người lao động làm việc tại TCTD tham gia sáp nhập; danh sách và tỷ lệ góp vốn của cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD sau sáp nhập; dự kiến về sơ đồ tổ chức, nhân sự, mạng lưới hoạt động và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của TCTD sau sáp nhập.

2.5. Quy định trình tự, thủ tục sáp nhập ngân hàng Thương mại Cổ phần

Đối với trình tự, thủ tục sáp nhập ngân hàng TMCP được thực hiện theo hình thức tự nguyện thì trình tự, thủ tục trong việc xây dựng văn bản để trình lên cơ quan có thẩm quyền quyết định của chính ngân hàng TMCP đó tham gia xem xét, thông qua; trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh; trình tự, thủ tục sẽ chấp thuận nguyên tắc sáp nhập.

Đối với trình tự, thủ tục sáp nhập ngân hàng TMCP được thực hiện theo hình thức bắt buộc, khi xác định ngân hàng TMCP yếu thì NHNN sẽ quyết định sáp nhập bắt buộc; NHNN hay ngân hàng TMCP được chỉ định sáp nhập sẽ tiếp quản ngân hàng TMCP bị sáp nhập; NHNN hay ngân hàng TMCP được chỉ định sáp nhập sẽ thực hiện cấp đủ vốn điều lệ đối với ngân hàng TMCP bị sáp nhập; NHNN hay ngân hàng TMCP được chỉ định sáp nhập cùng các bên có liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý của liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ngân hàng TMCP bị sáp nhập.

Ngân hàng TMCP tham gia sáp nhập phối hợp xây dựng đề án sáp nhập. Nội dung đề án sáp nhập phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua. Một trong những nội dung chính của đề án là xử lý nợ xấu. Vì vậy, NHNN đã tiến hành phân loại hệ thống các TCTD Việt Nam thành 3 nhóm để xác định mức độ rủi ro. Cụ thể: Nhóm thứ nhất gồm các ngân hàng TMCP có tình hình tài chính tốt, quy mô lớn để tiếp tục phát triển; Nhóm thứ hai là các ngân hàng TMCP có tình hình tài chính quy mô nhỏ, các tổ chức tín dụng loại này sẽ được NHNN quy định lĩnh vực hoạt động để bảo đảm phù hợp với thị trường; Nhóm thứ ba là nhóm TCTD đang có tình hình tài chính khó khăn, phải thực hiện tái cơ cấu, mua lại hoặc sáp nhập [4].

Đề án sáp nhập là một phần quan trọng nhất của việc sáp nhập ngân hàng TMCP. Đây là nội dung quyết định để cơ quan thẩm quyền có đồng ý để cho các bên tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo khác. Đề án sáp nhập ngân hàng TMCP phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định của TCTD tham gia sáp nhập thông qua. Đề án sáp nhập ngân hàng TMCP phải được Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng TMCP tham gia sáp nhập cùng ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm đối với nội dung Đề án sáp nhập. Ngân hàng TMCP tham gia sáp nhập có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc đề nghị được hưởng miễn trừ đối với trường hợp sáp nhập bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Đánh giá tình hình tài chính để xây dựng đề án sáp nhập: Việc đánh giá này có vai trò làm cơ sở cho các bên quyết định các vấn đề tiếp theo như phương án kinh doanh, lộ trình sáp nhập, phương thức và thời gian chuyển đổi vốn cổ phần; các hình thức chuyển đổi vốn cổ phần và tỷ lệ chuyển đổi tương ứng.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị trên đây phải có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung được đề nghị, gửi cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị nêu trên, cơ quan tham gia, giám sát ngân hàng thẩm định hồ sơ, đề suất ý kiến, trình Thống đốc xem xét chấp thuận nguyên tắc hoặc từ chối chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập ngân hàng TMCP. Trường hợp từ chối chấp thuận nguyên tắc, phải nêu rõ lý do.

Chấp thuận sáp nhập: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thống đốc kí văn bản chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập ngân hàng TMCP, ngân hàng TMCP tham gia sáp nhập phải lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định của TCTD để thông qua các nội dung thay đổi tại Đề sáp nhập và các vấn đề có liên quan khác (nếu có); phối hợp lập hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập để ngân hàng TMCP nhận sáp nhập gửi NHNN (cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) xem xét chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhập đủ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm địh hồ sơ, đề xuất ý kiến, trình Thống đốc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận việc sáp nhận ngân hàng TMCP. Trường hợp từ chối chấp thuận, phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày quyết định chấp thuận sáp nhập có hiệu lực, ngân hàng TMCP bị sáp nhập phải hoàn tất các thủ tục rút Giấy phép thành lập và hoạt động, đăng bố cáo theo quy định của pháp luật có liên quan; ngân hàng TMCP nhận sáp nhập phải hoàn tất cả các thủ tục về đăng kí kinh doanh và đăng bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thống nhất hợp đồng sáp nhập giữa các bên: Bên cạnh vấn đề thẩm định tài chính để xây dựng đề án sáp nhập thì vấn đề thống nhất hợp đồng sáp nhập giữa các bên cũng có vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện sáp nhập của ngân hàng TMCP. Khi tiến hành sáp nhập các bên phải giao kết hợp đồng để quy định về nội dung cần thực hiện của thương vụ cũng như các vấn đề có liên quan. Hợp đồng sẽ là nơi ghi nhận sự ràng buộc quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia sáp nhập, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh nếu có trong quá trình thực hiện sáp nhập.

Thủ tục thông báo, thủ tục bố cáo: Thông báo cho cơ quan quản lý cạnh trạnh; chấp thuận nguyên tắc sáp nhập và chấp thuận sáp nhập: Theo đó, quy trình chấp thuận nguyên tắc sáp nhập cũng bao gồm các bước cụ thể.

Chuyển giao tài sản: Dựa trên giá trị sổ sách, các báo cáo quản lý, tài chính đã được kiểm toán bắt buộc và được NHNN chấp thuận, bên ngân hàng nhận sáp nhập sẽ nhận chuyển giao và kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, các khoản nợ, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của bên ngân hàng được sáp nhập.

Hậu sáp nhập: Việc giải quyết tranh chấp sáp nhập ngân hàng TMCP gồm các nội dung chính như xác định nội dung tranh chấp; thời hiệu, thời hạn giải quyết tranh chấp; phương thức giải quyết tranh chấp; thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, việc định giá tái sản, lãi suất tiền gửi và tiền vay, chứng khoán,... cũng nằm trong diện việc giải quyết tranh chấp sáp nhập ngân hàng TMCP.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật và thực hiện pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP

Với chính sách như đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,… hy vọng Nhà nước sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới như mở rộng phương thức sáp sáp nhập ngân hàng TMCP. Điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan ngại nhất khi đến với thị trường sáp nhập ngân hàng TMCP ở Việt Nam là sự thiếu nhất quán trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư, vướng nhiều thủ tục hành chính khiến cho thời gian của các giao dịch luôn bị kéo dài quá dự kiến, làm đội chi phí lên cao. Thậm chí, lường trước được khó khăn này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào các giao dịch của mình nhiều tư vấn luật chuyên nghiệp, song họ vẫn không thể chắc chắn được thương vụ sẽ được hoàn tất theo đúng thời gian đã đặt ra. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong hoạt động sáp nhập ngân hàng TMCP hiện nay là vấn đề định giá. Đây là bài toán nan giải từ lúc bắt đầu giao dịch cho đến lúc thẩm định, cũng như khi có các vấn đề phát sinh khác, yêu cầu phải điều chỉnh mức giá.

Sự ra đời các tổ chức tư vấn sáp nhập TMCP ngày càng nhiều tại Việt Nam là yếu tố hỗ trợ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sáp nhập của các ngân hàng TMCP thực hiện hoạt động này. Bởi vì, khi thiết lập giao dịch sáp nhập, vai trò của các tổ chức tư vấn rất quan trọng để đảm bảo cho giao dịch đúng giá, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền lợi và lợi ích của cả hai bên.

Như vậy, xu hướng sáp nhập phù hợp với chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, việc sáp nhập sẽ tăng năng lực cạnh tranh là con đường tất yếu của các ngân hàng TMCP Việt Nam trong quá trình hội nhập. Đây là những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến pháp luật về sáp nhập ngân hàng TMCP diễn ra ở Việt Nam hiện nay.

4. Kết luận

Để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật đối với việc thành lập, hoạt động và tổ chức lại ngân hàng thương mại nói chung và việc mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại nói riêng cần phải hoàn thiện đồng bộ các đạo luật có liên quan. Các giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2007), Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc “Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam”.
  2. Chính phủ (2006), Nghị định số 41/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 về “Ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng”.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 về việc “Góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”.
  4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/4/2005 về việc “Ban hành quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
  5. Phan Diên Vỹ (2013), “Sáp nhập, hợp nhất và mua bán Ngân hàng TMCP Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Thị Như Mai (2012), “Chính sách và xây dựng pháp luật”.
  7. Võ Đình Toàn (2014), “Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam”, NXB. Công an Nhân dân.

 Vietnam’s regulations on the merger of commerical banks and

factors affecting the enforcement of these regulations.

 Ph.D student Phan Ngoc Ha

Vice Dean, Faculty of Law, Duy Tan University

ABSTRACT:

A joint stock commercial bank is a financial institution which provides a wide range of financial services. The fundamental services of a joint stock commercial bank is to receive deposits, lend money and provide payment services. A joint stock commercial bank also offers other financial services to meet the demands of customers. This paper dicusses Vietnam’s regulations on the merger of commerical banks and examines some factors affecting the enforcement of these regulations.

Keywords: bank, commerce, merger, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]