TÓM TẮT:

Bài viết phản ánh thực trạng phát triển các cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) ở Việt Nam hiện nay với mục tiêu thúc đẩy các loại hình doanh nghiệp trong CCNLN phát triển. Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách phát triển các CCNLN; định hướng và đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực, lợi thế, nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường; xây dựng năng lực cạnh tranh để phát triển từ các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tập trung phát triển các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nòng cốt.

Từ khóa: cụm công nghiệp, làng nghề, phát triển bền vững.

1. Sự cần thiết phát triển CCNLN tại Việt Nam

CCNLN là sự kết hợp giữa tính chất của “cụm công nghiệp” (CCN) và tính “làng” của các làng nghề ở Việt Nam. Đặc điểm của các CCNLN có nhiều nét tương đồng với CCN như vị trí địa lý, ngành nghề và lao động nhưng CCNLN cũng có những đặc thù riêng biệt như tính liên kết và các mối quan hệ thuộc dòng tộc là những đặc điểm khác biệt rõ rệt của các CCNLN (Tuấn và các cộng sự, 2020). Theo Nguyễn Xuân Hoản (2008), CCNLN là một hệ thống sản xuất địa phương, được đặc trưng bởi sự tập trung theo địa lý các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và dịch vụ có sự chuyên môn hóa trong cùng một hoạt động hoặc một nhóm các hoạt động bổ trợ cho nhau. Sự tập trung theo địa lý của các doanh nghiệp đã tạo ra các thể chế thúc đẩy sự hình thành và phát triển các mối quan hệ, sự hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lãnh thổ, đồng thời tạo ra mạng lưới các nhà cung cấp, mạng lưới khách hàng và tạo ra sự đổi mới, các lợi ích chung cho các thành viên trong cùng lãnh thổ.

Bài học thành công của các nước trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế nông thôn đã cho thấy vai trò quan trọng của việc phát triển các CCNLN, nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh trong cụm. Như vậy, phát triển CCNLN được kỳ vọng là hạt nhân đổi mới sáng tạo tại nông thôn, nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại Việt Nam, mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp là một trong những mục tiêu mang tính chiến lược của Đảng và Chính phủ. Mục tiêu trên đã thúc đẩy quá trình hình thành các CCNLN trong thời gian qua. Việt Nam hiện nay có 2 loại hình công nghiệp hóa nông nghiệp chủ yếu: (i) các khu công nghiệp đa ngành ở các vùng ven đô và dọc các trục đường quốc lộ chính (ii) các làng nghề và các cụm công nghiệp (ở nông thôn, nuôi dưỡng phát triển thành các doanh nghiệp chính thức như một hệ thống đổi mới sáng tạo tại nông thôn.

2. Quan điểm về phát triển bền vững CCNLN

Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển  đưa ra khái niệm “phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Tư tưởng chủ đạo của khái niệm về phát triển bền vững này chính là sự bình đẳng trong một thế hệ và giữa các thế hệ. Theo hướng này, phát triển bền vững là sự phát triển bảo đảm hài hòa được các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Có nghĩa là, sự thành công và phát triển bền vững của CCNLN không nên xét ở góc độ kinh tế.

Theo Bạch Thị Lan Anh (2010), phát triển làng nghề truyền thống là sự phát triển sản xuất - kinh doanh thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Nghiên cứu của Phạm Quốc Tuấn (2018) cho thấy, CCNLN đạt được tính bền vững về mặt kinh tế, có nghĩa là CCN giúp kinh tế địa phương đạt được tính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động được lợi thế sẵn có, nâng cao năng lực sử dụng nguồn nội lực, đồng thời việc phát triển của CCN giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trần Thị Khánh (2009) đề cập các tiêu chí đánh giá bền vững về xã hội của CCNLN bao gồm: (1) Giải quyết việc làm và giảm tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn. Tiêu chí quan trọng đầu tiên biểu hiện sự phát triển của làng nghề có đảm bảo được tính bền vững hay không chính là khả năng giải quyết việc làm của làng nghề, trước hết là giải quyết việc làm cho đội ngũ lao động trong địa bàn. (2) Giảm khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Thông qua việc xem xét mức thu nhập bình quân đầu người từ làng nghề có thể so sánh với mức thu nhập ở thành thị, từ đó, có thể đánh giá được khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn. (3) Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa và truyền thống của địa phương.

Theo Bạch Thị Lan Anh (2010), bền vững về môi trường là bảo vệ môi trường sống, không gây ô nhiễm, tái tạo tài nguyên, chất lượng môi trường sinh thái làng nghề, sử dụng hợp lý vùng nguyên liệu của làng nghề, phòng ngừa hạn chế các bệnh nghề nghiệp, thay thế nguyên liệu tự nhiên bằng nguyên liệu tổng hợp, nhân tạo. Theo Nguyễn Minh Hải (2019), bền vững về môi trường đảm bảo về yêu cầu bảo vệ môi trường xung quanh, khai thác sử dụng có hiệu quả tiết kiệm tài nguyên (đặc biệt tài nguyên đất), giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường, kiểm soát được ô nhiễm, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến môi trường.

Triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 03/9/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động số 124/NQ-CP, trong đó đã xác định 4 nội dung, nhiệm vụ quan trọng nhằm mục tiêu thúc đẩy chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Theo đó, Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được coi là bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng CCN, một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể hóa nhiệm vụ này sẽ góp phần thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, giảm áp lực di chuyển lao động tại các đô thị lớn; cụ thể hóa mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp ngay tại các khu vực hoặc địa bàn có làng nghề, từ đó đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nằm xen kẽ trong khu dân cư, khắc phục và giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề và xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

3. Thực trạng phát triển CCNLN tại Việt Nam

Với số lượng hơn 2.000 làng nghề truyền thống, có từ 100 năm tuổi trở lên, các làng nghề Việt Nam đã sản xuất ra hàng ngàn loại sản phẩm trong nhiều lĩnh vực, đóng góp cho thị trường xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách. Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, việc phát triển làng nghề truyền thống ở nước ta còn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải được quan tâm để có thể phát triển đúng với tiềm năng hiện có, cụ thể là:

- Phát triển ngành nghề trong các làng nghề nông thôn còn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị lạc hậu, vốn đầu tư hạn chế (80% cơ sở không đủ điều kiện đầu tư vốn cải tiến thiết bị công nghệ hiện đại).

- Sản xuất thiếu ổn định, nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ nhu cầu sản xuất còn phụ thuộc và thụ động, chất lượng nguyên liệu bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu.

- Các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn vốn vay làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và cung cấp sản phẩm.

- Sự liên kết giữa các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm, truyền nghề,… chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ.

- Doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tốt các cơ hội, tiềm năng từ các Hiệp định Thương mại thế hệ mới, khai thác mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu còn thiếu ổn định Nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, khả năng cải tiến mẫu mã, kiểu dáng, đăng ký thương hiệu còn rất hạn chế. Công tác đào tạo nâng cao tay nghề và truyền nghề chưa được quan tâm đúng mức, việc giữ gìn, tôn vinh và tuyên truyền bản sắc chưa được coi trọng.

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong phát triển làng nghề ở nông thôn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đề giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách, quy định tạo hành lang pháp lý đối với hoạt động quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh CCN; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý nhà nước đối với CCN nhằm cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy phát triển các làng nghề thành các CCNLN. Tại Điều 2 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định “CCNLN nghề là CCN phục vụ di dời, mở rộng sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương”.

Nhằm nhanh chóng đưa quy định về phát triển CCNLN vào triển khai, ngày 31/8/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, một số nội dung, quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định mới của pháp luật hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc như:

- Các thủ tục quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phát triển CCN còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn,… khiến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng tại các CCN chậm, đặc biệt ở các địa phương khó khăn; hoạt động phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn nhiều hạn chế.

- Việc thành lập Ban quản lý CCN cấp huyện đối với các CCN không có doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng và việc chuyển giao chủ đầu tư hạ tầng CCN cũng còn nhiều khó khăn. Mâu thuẫn trong việc phát triển CCNLN với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Quỹ đất để phát triển CCN hạn chế.

Trước những vướng mắc trong hoạt động phát triển các CCN, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020, theo đó nội dung căn bản của Nghị định là điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung khái niệm, quy định về “quy hoạch cụm công nghiệp” thành “phương án phát triển CCN”. Với quy định này, nội dung cụ thể hóa hoạt động phát triển CCNLN gồm: căn cứ pháp lý, sự cần thiết xây dựng phương án phát triển CCN; đánh giá thực hiện các mục tiêu, nội dung chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; dự kiến mục tiêu, nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu, ưu tiên và dự báo các yếu tố thuận lợi, khó khăn tác động đến phát triển các CCN trong thời kỳ quy hoạch; dự báo nhu cầu mặt bằng của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các CCN.

Ngoài ra, còn có đánh giá hiện trạng, tiến độ xây dựng, hiệu quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn; tình hình thu hút đầu tư, tỷ lệ lấp đầy, quản lý CCN; đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường, biện pháp xử lý môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội của từng CCN; những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Đồng thời, xây dựng các kịch bản phát triển CCN trên địa bàn; trong mỗi kịch bản có thuyết minh đối với từng CCN gồm tên gọi, vị trí, diện tích, hiện trạng đất đai trên nguyên tắc hạn chế sử dụng đất đã quy hoạch trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; ngành nghề hoạt động (định hướng các ngành, nghề có tính liên kết, trong cùng chuỗi giá trị của sản phẩm, dịch vụ); giải trình cơ sở điều chỉnh phương án phát triển CCN; giải pháp thu hút đầu tư, dự kiến tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng, thu hút lấp đầy và tạo việc làm cho người lao động địa phương; đánh giá khả năng kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài CCN và các yếu tố thuận lợi, khó khăn. Đặc biệt, phải có giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN; giải pháp đánh giá, xử lý hiện trạng môi trường, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các CCN dự kiến trong phương án phát triển, đặc biệt CCN đã thành lập, hoạt động trên địa bàn và tổ chức thực hiện.

4. Định hướng và giải pháp phát triển các CCNLN tại Việt Nam theo hướng bền vững

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu rộng đến mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng và đời sống và ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh. Đồng thời xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển KCN, CCN, CCNLN đồng bộ với tốc độ đô thị hóa. Do đó, nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đòi hỏi chính quyền các cấp trung ương, địa phương và doanh nghiệp phải kịp thời đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN, CCNLN.

4.1. Một số quan điểm căn bản để đẩy mạnh hoạt động phát triển CCNLN trong giai đoạn tới

- Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp; sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm phát triển kinh tế hiệu quả; bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các cấp; doanh nghiệp và các bên liên quan để triển khai đồng bộ mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, tập trung vào các hành động có tính đột phá; bổ sung, đồng thời gắn kết các nội dung vào các chương trình liên quan hiện có.

- Phải đổi mới tư duy từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCNLN đến đầu tư sản xuất - kinh doanh trong CCNLN; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCNLN bảo đảm thực chất và phù hợp tình hình.

4.2. Các chính sách và giải pháp phát triển

Thứ nhất, nhóm chính sách và giải pháp quy hoạch không gian, lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo Luật Quy hoạch đối với KCN, CCN, CCNLN để phát triển CCNLN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng vùng, địa phương.

Thứ hai, khai thác tốt các yếu tố lợi thế tự nhiên sẵn có của từng địa phương (gồm vị trí địa lý, địa hình; giao thông; tài nguyên thiên nhiên; chất lượng đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, diện tích; nguồn khoáng sản, thủy sản, chi phí đất đai, diện tích quy mô kinh tế địa phương,...).

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp độ địa phương thông qua hoạt động khai thác sử dụng hiệu quả nguồn lực, lợi thế tự nhiên sẵn có, kiểm soát tốt ô nhiễm, môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, logistic), hạ tầng xã hội; bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống của làng nghề.

Thứ tư, đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư, khai thác, sử dụng, kinh doanh các dự án, công trình kết cấu hạ tầng CCN, CCNLN.

Thứ năm, để cụ thể hóa các giải pháp phát triển làng nghề truyền thống, cần tập trung một số nội dung sau:

(i) Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá sự bền vững về môi trường CCNLN với thực trạng địa phương; lộ trình khắc phục tồn tại, bất cập để nâng cao khả năng kiểm soát bảo đảm sự bền vững.

(ii) Xây dựng tiêu chí tỷ lệ việc làm, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ giàu, tỷ lệ trẻ em đi học, vấn đề di dân (sức ép dân rời vùng tìm việc làm ở vùng khác, tiềm năng du lịch của làng nghề truyền thống).

(iii) Chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách hình thành và phát triển các nhân tố thị trường (thị trường đầu ra, thị trường lao động), nhân tố vốn, nhân tố khoa học công nghệ, nguồn nguyên liệu, kết cấu hạ tầng, thể chế kinh tế, chính sách và sự quản lý của nhà nước.

(iv) Tăng cường kết hợp 6 Nhà: Nhà nước, Nhà sản xuất/hoặc Nghệ nhân (người lao động), Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà mỹ thuật, thiết kế mẫu, giải pháp xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống hướng tới thị trường xuất khẩu; tập trung cạnh tranh nhờ yếu tố giá thấp và sự khác biệt nhờ yếu tố kỹ thuật cá nhân và thiết kế, giải pháp nâng cao nhận thức về nghề thủ công truyền thống tại các làng nghề; phát triển du lịch làng nghề, coi trọng yếu tố văn hóa trong các hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề; quan tâm đến mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa làng nghề trong mọi hoạt động đào tạo, tổ chức sự kiện hay hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh. 

Thứ sáu, tạo mạng lưới liên kết giá trị giúp phát triển bền vững CCNLN theo phương thức: (i) liên kết dọc giữa các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, nhà cung ứng vật tư thiết bị, nhà sản xuất và khách hàng; (ii) liên kết ngang giữa các nhà sản xuất dưới hình thức hợp tác xã, hiệp hội làng nghề hoặc các loại hình công ty liên doanh, công ty cổ phần, (iii) liên kết tương hỗ giữa các cơ sở sản xuất - kinh doanh và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, năng suất và đảm bảo tính bền vững của chuỗi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bạch Thị Lan Anh (2010), Phát triển bền vững làng nghề truyền thồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. H Yer - TTKC (2020), “Tháo gỡ khó khăn trong phát triển cụm công nghiệp, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương phát triển”. Truy cập tại https://socongthuong.daklak.gov.vn/vi/news/tin-thoi-su/thao-go-kho-khan-trong-phat-trien-cum-cong-nghiep-tao-mat-bang-cho-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-cac-dia-phuong-phat-trien-2342.html 3. Bùi Hữu Phú (2020), “Giải pháp nâng cao tính bền vững trong phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-nang-cao-tinh-ben-vung-trong-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-vinh-phuc-329784.html.
  3. Nguyễn Minh Hải (2019), “Đánh giá hiệu quả sử dụng đất của cụm công nghiệp ở thị trấn Lao Bảo”, Luận văn thạc sĩ, Đại học Huế.
  4. Phạm Quốc Tuấn (2018), “Nghiên cứu đề xuất các định hướng điều chỉnh và phát triển quy hoạch chung khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đại Lộc theo hướng bền vững”, Luận án tiến sĩ, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
  5. Tuấn, B. A, Hạnh, N. T. and Nam, V. H. (2020) “Tăng cường liên kết để phát triển các cụm công nghiệp làng nghề ở Việt Nam”. Truy cập tại: http://tapchi.ftu.edu.vn/các-số-tạp-chí-ktđn/tạp-chí-ktđn-số-120-129/tạp-chí-ktđn-số-123/1617-tăng-cường-liên-kết-để-phát-triển-các-cụm-công-nghiệp-làng-nghề-ở-việt-nam.html.
  6. Trần Thị Khánh (2009), “Phát triển bền vững làng nghề ở tỉnh Hà Tĩnh”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Vũ Hoàng Nam (2008) “Một số bàn luận về cụm công nghiệp làng nghề ở Việt Nam,” Tạp chí Phát triển kinh tế, 216, pp. 48-53.
  8. Chính phủ (2020), Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
  9. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững.

Sustainbly developing traditional craft village clusters in Vietnam

Ph.D Nguyen Thu Lan 1

Master. Nguyen Hoang Giang 2

1 National Economics University

2 Department of Planning, Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

This paper presents the current development of traditional craft village clusters in Vietnam in order to promote the development of all types of enterprises in traditional craft village clusters. The paper also hightlights difficulties and obstacles in the implementation of policies on the development of traditional craft village clusters. Based on the paper’s findings, some solutions and orientations are proposed to help traditional craft village clusters effectively take advantage of their resources, enhance their environmental pollution control, develop their competitiveness based on technical and social infrastructure, and focus on the development of small and medium-sized enterprises as the core of growth.

Keywords: industrial cluster, traditional craft village, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]