Phát triển chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn quản lý an toàn thưc phẩm ISO 22000

Lê Thị Thu - Lê Tiến Đạt (Trường Đại học Thương mại)

Tóm tắt:

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) xuất khẩu nông sản (XK NS) Việt Nam còn đang loay hoay trong việc đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường quốc tế, đặc biệt là những yêu cầu khắt khe liên quan tới hàng rào kỹ thuật tiêu chuẩn như tiêu chuẩn ISO 22000. Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực trong DNNVV nhằm có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng tốt nhất các điều kiện đưa ra còn chưa được tập trung và hiệu quả.

Chính vì vậy, vấn đề liên quan đến hỗ trợ đào tạo các DNNVV đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật nói chung, tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 nói riêng trong xuất khẩu nông sản (XK NS) của Việt Nam cần được coi là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Bài viết bàn về phát triển chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu nông sản, tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000.

 1. Tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000

Theo Cẩm nang kiến thức về năng suất chất lượng - Viện Năng suất Việt Nam, ISO 22000 là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu. Một doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung cấp thực phẩm áp dụng và đạt được chứng chỉ ISO 22000 sẽ được nhìn nhận là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn này nhằm cung cấp một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm toàn diện, bao gồm các yêu cầu: Quản lý tài liệu hồ sơ, cam kết của lãnh đạo, quản lý nguồn lực, hoạch định và tạo sản phẩm an toàn (các chương trình tiên quyết, các phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn HACCP), kiểm tra xác nhận, xác định nguồn gốc, trao đổi thông tin và cải tiến hệ thống. Tiêu chuẩn ISO 22000 có thể áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung cấp thực phẩm không phân biệt quy mô.

Bên cạnh đó, việc áp dụng ISO 22000 còn mang lại nhiều lợi ích khác như: Cải thiện sức khỏe và độ an toàn; Cải thiện sự hài lòng của khách hàng; Giúp đáp ứng các yêu cầu, quy định của thị trường và pháp luật; Giúp đáp ứng các tiêu chuẩn và hướng dẫn khác; Tăng tính minh bạch; Cải thiện phản ứng với các rủi ro; Giảm thời gian điều tra các vi phạm an toàn thực phẩm nếu có vấn đề xảy ra.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phát triển các chương trình đào tạo hỗ trợ các DNNVV của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 trong XK NS.

Phương pháp nghiên cứu tại bàn: Tiến hành tổng quan kết quả các công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học đã được công bố trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó, rút ra những vấn đề thực tiễn về năng lực của DNNVV Việt Nam đạt tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000 trong XK NS.

Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp: Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với công cụ phỏng vấn sâu để thu thập dữ liệu từ phía các nhà quản trị DNNVV và từ các cán bộ quản lý nhà nước.

Các dữ liệu định tính sử dụng phương pháp phân tích theo quá trình đề xuất bởi Creswel. Theo đó, nhà nghiên cứu tiến hành tổ chức dữ liệu, đọc lướt qua các bản ghi phỏng vấn, mã hóa, phát triển chủ đề và sắp xếp dữ liệu theo các nhóm chủ đề, diễn giải và trình bày kết quả nghiên cứu.

3. Thực trạng nhu cầu đào tạo của các DNNVV XK NS Việt Nam nhằm đạt được tiêu chuẩn ISO nói chung và ISO 22000 nói riêng

Theo dữ liệu thu thập được thông qua quá trình phỏng vấn sâu với một số DNNVV XK NS về nhu cầu đào tạo tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, một số vấn đề được rút ra như sau:

  • Hạn chế trong áp dụng hệ thống ISO 22000

Hầu hết các chủ DN được phỏng vấn đều trả lời rằng mức độ áp dụng hệ thống ISO 2200 vào quản lý hệ thống an toàn thực phẩm trong DN của họ còn rất hạn chế. Nếu có, họ mới chỉ áp dụng một số chuẩn như: ISO 9001:2008 (Công ty TNHH Agricare Vietnam), HACCP, chứng nhận hữu cơ (H'Biang Coffee), ISO 9000: 2000 (HTX Anh Đào).

  • Nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức về hệ thống quản lý ATTP ISO 22000

Do các DNNVV XK NS được khảo sát hầu như đều chưa áp dụng ISO 22000 nên kiến thức về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm này gần như là không có. Tuy nhiên, các nhà quản trị DNNVV đều khẳng định rằng, nếu hệ thống này có thể thay thế cho nhiều hệ thống cũ khác thì nó sẽ rất cần thiết. Đặc biệt là khi họ tham gia XK NS vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Nhật Bản.

  • Nhấn mạnh nhu cầu đào tạo về các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật nói chung và ISO 22000 nói riêng

Các nhà quản trị DN thể hiện nhu cầu đào tạo về các tiêu chuẩn nói chung, cũng như sự khác nhau khi áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật (bao gồm ISO 22000) ở các thị trường khác nhau. Một nhà quản trị chia sẻ về nhu cầu đào tạo “tiêu chuẩn chung nhưng tùy vào thị trường lại có những yêu cầu khác nhau, thị trường Mỹ khác, châu Âu khác, Nhật Bản cũng khác. Ví dụ như DN Việt Nam là nhóm các DN riêng liên quan đến XK qua Nhật Bản, thì DN cần hiểu sâu các quy định của nước đó, và đó mới là cái mình cần”.

Trong khi đó, từ chia sẻ của các nhà quản trị (NQT), các chương trình đào tạo này còn thiếu và cần đồng bộ hơn trong việc hướng dẫn chi tiết cho các DN. Một nhà quản trị cho biết: “bây giờ các chương trình đào tạo chuyên sâu thì chưa có nhiều, từ các đơn vị nhà nước đến các đơn vị cung cấp khác. Ví dụ như: từ thủ tục làm hải quan như thế nào, văn hóa, các quy định an toàn của nước đó, rồi cách làm việc với nước đó nữa, bây giờ mình nghĩ là còn thiếu. DN cũng thiếu và bên ngoài cung cấp cho mình cũng thiếu.”.

-     Nhu cầu đào tạo cho các đối tượng khác có liên quan

Các NQT cũng nhấn mạnh rằng, các chương trình đào tạo không chỉ nên hướng tới những NQT DN trực tiếp xuất khẩu, mà còn nên đào tạo cho cả những người nông dân - những người trực tiếp canh tác và sản xuất ra sản phẩm.

Trong nghiên cứu này, phỏng vấn định tính cũng đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tình trạng các DNNVV còn hạn chế trong việc áp dụng ISO 22000.

  • Về phía DNNVV XK NS Việt Nam

+ Nguyên nhân đầu tiên được hầu hết các DNNVV nhắc đến là do các yêu cầu, thủ tục và quy định của tiêu chuẩn này khá phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi của cả một hệ thống lớn. Có chủ DN nói rằng, trước đây họ đã từng được chứng nhận chuẩn ISO, nhưng sau 2 - 3 năm, DN được yêu cầu cung cấp lại sổ sách để kiểm định lại tiêu chuẩn đó, họ thấy thủ tục lằng nhằng, phức tạp quá, nên họ đã không tiếp tục theo tiêu chuẩn này.

+ Nguyên nhân tiếp theo là thiếu bộ phận nhân sự chuyên trách, có hiểu biết chuyên sâu về ISO 22000.

+ Nguyên nhân thứ ba được các NQT DNNVV chia sẻ là về vấn đề chi phí. Theo chia sẻ của một NQT DNNVV, “Bởi vì lúc đó anh thấy rằng anh có được chứng nhận đó để làm gì? Anh bỏ ra một trăm mấy chục triệu, anh chứng nhận xong là anh cất vào trong tủ”. Họ cho rằng, bỏ ra một khoản tiền lớn để có được một tờ giấy chứng nhận, nhưng sau đó lại không được dùng nhiều, sẽ là một sự lãng phí lớn.

+ Nguyên nhân thứ tư là do DNNVV tự đánh giá chưa có đủ năng lực về con người và điều kiện kĩ thuật, điều kiện cơ sở vật chất để có thể áp dụng hệ thống ISO 22000.

  • Về phía cơ quan quản lý nhà nước (QLNN)

Các cán bộ QLNN được phỏng vấn cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các DNNVV chưa hoặc không áp dụng được các tiêu chuẩn quản lý (như ISO 22000, HACCP...) là do các DN quá thụ động, không chịu cập nhật các thông tin, kiến thức mới, không chủ động để nắm bắt các yêu cầu của thị trường NK.

Một vấn đề nữa là nhiều DN XKNS chạy theo yêu cầu của khách hàng quá nhiều, gặp khách hàng A yêu cầu một tiêu chuẩn, mất 2 - 3 năm để đạt được chứng nhận đó, chưa xong lại gặp khách hàng B yêu cầu tiêu chuẩn khác, họ lại lo để đạt được tiêu chuẩn mới. Luẩn quẩn mãi, cuối cùng không một tiêu chuẩn nào đạt được. Mà quan trọng nhất là từ phía bản thân các DNNVV chưa có nền tảng kiến thức và sự chuẩn bị tốt cho ISO 22000.

Bên cạnh đó, một lý do khác nữa là bản thân các DN còn có tâm lý e ngại khi phải tiếp xúc với cơ quan nhà nước. Vì thế, những chương trình đào tạo và tư vấn về tiêu chuẩn ISO 22000 còn chưa đến được nhiều với các DN.

4. Đề xuất một số giải pháp cải tiến chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ DNNVV XK NS đạt được tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000

4.1. Giải pháp từ phía cơ quan nhà nước

  • Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành, tránh sự chồng chéo do có nhiều bộ phận liên quan đến hoạt động tư vấn, đào tạo ứng dụng các hệ thống quản lý mới cho DN.
  • Thành lập nhóm cán bộ chuyên trách tư vấn, đào tạo cho từng loại hình DN riêng.
  • Xây dựng cổng thông tin (portal) hoặc website chuyên cung cấp thông tin về các hệ thống/công cụ/tiêu chuẩn/mô hình mà DN NS nên áp dụng (như: HACCP, ISO 22000, Global Gap, ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001...), cũng như các tiêu chuẩn mà đối tác tại thị trường quốc tế thường yêu cầu, để DN XK NS có thể cập nhật tin tức.

4.2. Giải pháp từ phía các cơ sở đào tạo

  • Cần có sự kết nối chặt chẽ với cả DN và cơ quan ban ngành.
  • Tiến hành xây dựng chương trình đào tạo ISO 22000 theo từng nhóm ngành riêng.
  • Các chương trình có thể chia làm 2 gói: Đào tạo trọn gói hoặc đào tạo riêng lẻ, tùy vào nhu cầu của DNNVV.
  • Chia chương trình đào tạo cho các nhóm học viên khác nhau - như NQT DNNVV, cán bộ tham gia trực tiếp vào hệ thống; và thiết kế bài giảng phù hợp với từng đối tượng này.

4.3. Giải pháp từ phía DNNVV XK NS

  • Chủ động thành lập bộ phận chuyên trách về an toàn thực phẩm trong DNNVV, bộ phận này có nhiệm vụ học tập và cập nhật đầy đủ nhất các kiến thức liên quan đến ISO 22000.
  • Xây dựng chương trình đào tạo về nhận thức ISO 22000.
  • Thực hiện tự đào tạo nâng cao nhận thức người lao động, hướng họ đến phong cách làm việc chuyên nghiệp, làm việc theo quy trình.

Tài liệu tham khảo:

  1. NQA. (2019). ISO 2000:2018 Food Safety Management System Implementation Guide.
  2. Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). (2018). ISO 22000:2018 Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm. Hà Nội.
  3. Viện Năng suất Việt Nam, Cẩm nang kiến thức về năng suất chất lượng.

Promoting the training program to support Vietnamese small and medium-sized agricultural products exporters to achieve the food safety management standards ISO 22000

Le Thi Thu - Le Tien Dat

Thuongmai University

Abstract:

Currently, many Vietnamese small and medium-sized agricultural products exporters are struggling to meet requirements of international markets, especially strict requirements related to technical barriers such as ISO 22000. The training of human resources at these enterprises to have sufficient knowledge and skills has not been focused. As a result, the training program to support Vietnamese small and medium-sized agricultural products exporters to achieve technical standards in general, the ISO 22000 in particular should be considered an important content in the human resources training and development strategy of small and medium-sized enterprises as well as in national strategy. This article discusses the development of the training program to support Vietnamese small and medium-sized agricultural products exporters to achieve the food safety management standards ISO 22000.

Keywords: Small and medium-sized enterprises, exporting agricultural products, food safety management standards ISO 22000.