Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp người đứng đầu OPCW. Thứ trưởng tin tưởng rằng, chuyến thăm và làm việc lần này của ông Ahmet Üzümcü thể hiện vai trò quan trọng của OPCW đối với Việt Nam trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trên thế giới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam ký Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) ngay từ khi Công ước được mở ký vào năm 1993 và phê chuẩn Công ước vào tháng 8 năm 1998. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn tỏ rõ là thành viên tích cực và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, chuyến thăm và làm việc của ông Ahmet Üzümcü thể hiện vai trò quan trọng của OPCW đối với Việt Nam trong việc đảm bảo hòa bình

Cụ thể, trong quá trình tham gia CWC, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia vào năm 2005 và được sửa đổi bổ sung vào năm 2014 (Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 và Thông tư số 55/2014/TT-BCT hướng dẫn thi hành Nghị định số 38/2014/NĐ-CP).

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006, Tổng Giám đốc OPCW tiền nhiệm Rogelio Pfirter đã nhận định “Việt Nam là một trong số những nước có hệ thống quy định pháp lý ở cấp độ quốc gia sớm nhất và đầy đủ nhất liên quan đến việc thực hiện Công ước” và “điều đó thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện những cam kết mà Chính phủ Việt Nam đưa ra khi ký Công ước”.

Kể từ khi phê chuẩn Công ước đến nay, quan hệ hợp tác Việt Nam và OPCW luôn được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về VKHH, cũng như hợp tác đào tạo chuyên gia kỹ thuật.

Quan hệ hợp tác Việt Nam và OPCW luôn được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, tiềm năng như: an toàn, an ninh hóa chất; áp dụng cách tiếp cận hóa học xanh trong sản xuất hóa chất...

Cho đến nay, OPCW đã tài trợ cho Việt Nam (Bộ Tư lệnh Hóa học) máy phân tích sắc ký khí khối phổ (GCMS); hỗ trợ hơn 150 lượt cán bộ đến từ các Bộ/ngành, Viện nghiên cứu, Trường đại học… tham dự các khóa đào tạo, các hội nghị, hội thảo do OPCW tổ chức để nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất.

“Trong thời gian tới, hi vọng ông Ahmet Üzümcü sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động của Công ước CWC, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như: an toàn, an ninh hóa chất; áp dụng cách tiếp cận hóa học xanh trong sản xuất hóa chất…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng.

Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Ahmet Üzümcü đánh giá cao sự tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Cấm Vũ khí hoá học. Ông Ahmet Üzümcü cho biết, OPWC sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực bao gồm cung cấp trang thiết bị, tư vấn, hỗ trợ công tác phòng ngừa sự cố hoá chất vì hòa bình, an ninh thế giới.

 OPWC sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, cung cấp trang thiết bị, tư vấn, hỗ trợ công tác phòng ngừa sự cố hoá chất vì hòa bình, an ninh thế giới

Chia sẻ về cơ cấu tổ chức của OPCW, ông Ahmet Üzümcü cho biết, OPCW bao gồm: Hội nghị các quốc gia thành viên, Hội đồng chấp hành và Ban thư ký kỹ thuật. Tổng số nhân viên OPCW hiện tại khoảng 500 người, ngân sách hoạt động khoảng 60 triệu Euro/năm.

Dưới vai trò giám sát của OPCW, thế giới đã tiêu hủy thành công gần 95% trên tổng số 70.000 tấn VKHH đã khai báo, trong đó hai cường quốc là Nga và Mỹ dự kiến sẽ hoàn thành tiêu hủy kho VKHH vào năm 2020 và 2023. Với những nỗ lực và đóng góp đối với sự nghiệp hòa bình và an ninh quốc tế, OPCW đã vinh dự nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2013.

Bộ Công Thương được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học (CWC). Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giữ chức vụ Giám đốc Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (VNA).

VNA được thành lập theo Quyết định số 76/2002/QĐ -TTg ngày 14 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng thường trực VNA đặt tại Cục Hóa chất (Đầu mối liên hệ là Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh). Cơ cấu tổ chức VNA gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường.

Công ước CWC được mở ký ngày 13/01/1993 tại Paris và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/04/1997. Công ước bao gồm lời nói đầu, 24 điều khoản và 3 phụ lục (tổng cộng gần 200 trang). Nội dung chính bao gồm các quy định cấm các nước phát triển, sản xuất hoặc yêu cầu sản xuất, tàng trữ và sử dụng VKHH; không được chuyển đổi trực tiếp hay gián tiếp VKHH sang nước khác; không tham gia vào các chiến dịch quân sự có sử dụng chất độc hoá học; không tài trợ, khuyến khích hay xúi giục nước khác tham gia vào các hoạt động bị cấm theo Công ước; các quốc gia thành viên được yêu cầu phá huỷ toàn bộ kho VKHH và các cơ sở sản xuất VKHH trong thời hạn không quá 10 năm sau khi thông qua Công ước.

OPCW được thành lập vào ngày 29 tháng 4 năm 1997. Trụ sở chính của OPCW đặt tại thành phố Den Haag, Hà Lan. Hiện nay đã có 192 nước (chiếm tới 98% dân số toàn cầu) trở thành thành viên của OPCW, gồm tất cả ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tất cả các nước có ngành hóa học phát triển và các nước từ mọi châu lục trên thế giới (ngoại trừ 04 quốc gia: Ai Cập, Israel, Bắc Triều Tiên và Nam Sudan).