Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông có 5 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài. Cụ thể, dự án đường sắt Chơn Thành (Bình Phước) - Đắk Nông với tổng vốn đầu tư là 715 triệu USD, dự án Trung tâm logistics hạng II (Đắk R’lấp) với tổng mức đầu tư khoảng 43 triệu USD, dự án Nhà máy điện gió (Tuy Đức) với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD, dự án Nhà máy điện mặt trời (Krông Nô) với tổng mức đầu tư 520 triệu USD và dự án Nhà máy sản xuất cấp điện, thiết bị điện năng lượng tái tạo (Đắk R’lấp) với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông phê duyệt danh mục đầu tư gần 100 dự án trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, 40 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, du lịch và hạ tầng đô thị; 20 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 19 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và 16 dự án thuộc lĩnh vực xã hội hoá.

Tỉnh Đắk Nông luôn khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đắk Nông luôn sẵn sàng "trải thảm đỏ" mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi đến địa bàn tỉnh làm ăn. Tỉnh luôn trân trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, lâu dài.

Với mục tiêu đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn, trước mắt, địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng 1 trung tâm Logistics, vốn thực hiện khoảng 43 tỷ đồng, diện tích khoảng 20 ha tại thôn 6, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Đắk Nông với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Đắk Nông khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn

Đồng thời, Trung tâm Logistics sẽ hỗ trợ kết nối, lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng của các vùng, tiểu vùng, đặc biệt là đối với khu vực Tây Nguyên.

Song song với đó, tỉnh Đắk Nông khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước. Ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, thời gian tới, tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện một số nội dung:

Một là, triển khai các chính sách, pháp luật về logistic, rà soát, ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ logistics cho phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh, nghiên cứ, áp dụng triệt để, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics.

Hai là, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh, trước mắt tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Đắk Nông với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ba là, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: ngành nông sản, thực phẩm… Từng bước tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, lưu thông hàng hóa trong nước, hoạt động xuất khẩu và các ngành dịch vụ khác.

Bốn là, phát triển thị trường dịch vụ logistics, đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ Campuchia qua Cửa khẩu chính Đắk Peur vào Việt Nam và ngược lại. Khuyến khích sự liên doanh, liên kết, giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin…) để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của doanh nghiệp.

Năm là, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành logistic nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường đào tạo để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.

Ngoài ra, việc đầu tư trang thiết bị kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện phục vụ hoạt động logistics. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kế và thu thập dữ liệu thống kê về logistics cũng là nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.