TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến thực trạng hoạt động kinh doanh đặc sản nước mắm Phan Thiết, đề xuất áp dụng mô hình tập trung các khu vực kinh doanh đặc sản gắn với vùng du lịch, nhằm thuận lợi cho việc quảng bá và phát triển các thương hiệu đặc sản, đồng thời cũng là điều kiện thuận tiện cho chuỗi cung ứng. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp gồm nhóm giải pháp ưu tiên và nhóm giải pháp theo lộ trình.

Từ khóa: đặc sản, đặc sản quà tặng, du lịch, nước mắm Phan Thiết.

1. Đặt vấn đề

Bình Thuận thuộc khu vực miền Nam Trung bộ, có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, trong đó có làng nghề truyền thống nước mắm nổi tiếng. Tính đến nay, trên địa bàn Phan Thiết, vùng sản xuất nước mắm truyền thống chủ yếu tại Bình Thuận có khoảng 150 tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất nước mắm. Với cơ sở hạ tầng du lịch đảm bảo, sở hữu nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và vị trí địa lý, Bình Thuận được xem là một địa phương có tiềm năng du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khu vực Mũi Né - Phan Thiết. Đây là một trong những điều kiện thúc đẩy tăng lượng tiêu thụ cho các mặc hàng đặc sản quà tặng địa phương. Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận ước đón khoảng 1,75 triệu lượt du khách, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn rất nhiều so với trước đây, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 3.700 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã nêu rõ, địa phương cần tiếp tục nỗ lực đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025; đồng thời là ngành có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và sản phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10% - 12%), đạt tổng thu 23.300 tỷ đồng và giữ mức tăng trưởng bình quân từ 10% - 12%/ năm; đến năm 2030 tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định, phấn đấu đón 17,5 triệu lượt du khách (trong đó 10% - 12% là khách quốc tế); ước tính đạt tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 78.000 tỷ đồng. Từ các chỉ tiêu kế hoạch trên, đòi hỏi Bình Thuận cần tìm ra phương hướng, giải pháp cụ thể để phát triển, trong đó có giải pháp tăng cường quảng bá các đặc sản quà tặng, góp phần vào sự phát triển du lịch địa phương. Trong đề tài này, tác giả chỉ tập trung phân tích về sản phẩm quà tặng: nước mắm Phan Thiết.

2. Khái niệm về đặc sản quà tặng

Quà tặng là một thứ gì đó (dạng vật thể hoặc phi vật thể) được trao cho một người một cách tự nguyện và không có tính chất trao đổi. Trong Từ điển Tiếng Việt có giải thích: “quà (danh từ) là vật để hoặc được tặng, biếu để tỏ lòng quan tâm, quý mến”. Quà tặng trong bài nghiên cứu này được hiểu là quà tặng khi đi du lịch về. Quà tặng thường được trao trong những trường hợp phổ biến sau: thể hiện tình cảm trong mối quan hệ tình bạn hoặc tình yêu, thể hiện lòng biết ơn, sự cảm ơn, lòng hiếu thảo, chia sẻ giúp đỡ, tặng quà lưu niệm khi đi du lịch,…

Đặc sản thường dùng để chỉ về lĩnh vực ẩm thực, đặc biệt là những món ăn, thức uống, nguyên liệu, hương liệu, gia vị trong ẩm thực mang tính đặc thù của một địa phương (theo Wikipedia). Đặc sản thường được dùng làm quà biếu trong mỗi chuyến đi, đến từ một vùng miền nổi tiếng về một loại đặc sản nào đó, thường có ý nghĩa trong hoạt động du lịch, thăm hỏi.

3. Thực trạng hoạt động kinh doanh đặc sản quà tặng nước mắm Phan Thiết

Theo công bố của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) về Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021, Bình Thuận có 5 món ngon và đặc sản, bao gồm: lẩu thả, mực một nắng Phan Thiết, nước mắm Phan Thiết, rượu vang thanh long Tazon và thanh long sấy khô Kim Hải. Cũng theo danh sách này, trong tổng số 698 quận, huyện, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đa số các tỉnh, thành phố chỉ có từ 1 - 3 đặc sản, Bình Thuận là một trong ít địa phương được chọn 5 đặc sản cho thấy sự đa dạng, phong phú và độc đáo về đặc sản của Tỉnh. Nếu kết hợp tốt trong khâu khai thác và truyền thông quảng bá, sẽ tạo nên những lợi thế nhất định trong việc tạo dấu ấn và sức hút riêng đến du khách, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Dựa trên đặc điểm đặc sản quà tặng, có thể đưa ra 4 tiêu chí để xem xét công nhận đặc sản Bình Thuận, gồm: được chế biến từ những nguyên liệu đặc hữu của Bình Thuận; được chế biến bởi từ cách thức độc đáo và tinh túy của người Bình Thuận, đạt đến chất lượng tuyệt hảo, mang đặc trưng riêng để phân biệt với các vùng/miền khác; được sản xuất tại vùng địa lý đặc trưng của tỉnh Bình Thuận; được sự công nhận của thực khách và người tiêu dùng.

Thực tế, phần lớn đặc sản Bình Thuận có nguồn gốc nguyên liệu từ biển. Đa phần người dân địa phương là những người lao động chân tay, thường tận dụng những nguồn nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để tạo nên một số nghề truyền thống dân gian. Từ xa xưa, người Bình Thuận cũng đã tiếp thu kỹ thuật làm mắm của người Chăm và biến nó thành một thứ gia vị độc đáo: “nước mắm”. Qua thời gian, về cơ bản, nước mắm vẫn giữ nguyên được vị đặc trưng riêng, dù nguồn nguyên liệu làm nước mắm truyền thống đã trở nên đa dạng hơn cho phù hợp với tình hình và nhu cầu tiêu dùng, cũng như được người dân địa phương biến tấu, nâng tầm, trở thành một loại đặc sản của vùng đất du lịch Bình Thuận: nước mắm Phan Thiết.

Để thuận tiện cho việc vận chuyển, cũng như để tạo dấu ấn thương hiệu và bao bì nhãn hiệu, nước mắm Phan Thiết gần đây được đóng chai với nhiều mức dung tích khác nhau, giá trị dinh dưỡng tùy thuộc vào độ đạm của loại nước mắm đó. Bên cạnh đó, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực sản xuất và kinh doanh đặc sản nước mắm ở thành phố Phan Thiết luôn được chính quyền và các ban ngành chức năng quan tâm.

Theo một đề tài nghiên cứu gần đây nhất của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận năm 2020 về Xây dựng mô hình bảo tồn và khai thác các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực ẩm thực Bình Thuận (bánh canh chả cá, bánh căn, lẩu thả) và đặc sản quà tặng (nước mắm Phan Thiết, mực một nắng, thanh long) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Bình Thuận, với mẫu khảo sát là 500 người, trong đó có 304 du khách và 196 người dân địa phương, thời điểm thực hiện khảo sát vào tháng 9,10/2017. Kết quả cho thấy, đặc sản quà tặng nước mắm Phan Thiết được nhiều người lựa chọn thưởng thức nhất với 496/500, đây là một kết quả khả quan cho thấy độ phổ biến của nước mắm Phan Thiết đối với du khách và người tiêu dùng.

Đặc sản quà tặng và hoạt động du lịch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Du khách ngày càng nâng cao nhu cầu về cơ hội trải nghiệm nhiều hơn với những nét văn hóa của vùng đất mình đi qua, đặc biệt là tìm hiểu văn hóa thông qua đặc sản địa phương. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, không có cách trải nghiệm du lịch nào hiệu quả hơn là tìm hiểu thông qua các loại hình phục vụ đặc sản ẩm thực, đây được đánh giá là yếu tố tạo nên giá trị tăng thêm cho một điểm du lịch. Vì vậy, cần xây dựng mô hình kinh doanh đặc sản quà tặng thành chuỗi giá trị trong việc khai thác, thu hút và phát triển du lịch, dựa trên các tiêu chí: đặc sản quà tặng có thể được chế biến từ những nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm đặc sản của du khách; hình thức bao bì, mẫu mã và sự an toàn trong đóng gói, vận chuyển, thời gian bảo quản; các cơ sở sản xuất phải có văn bản cam kết nhằm đảm bảo tính ổn định chất lượng của sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh; các cửa hàng kinh doanh đặc sản quà tặng có vị trí thuận tiện, dễ tìm kiếm, ổn định lâu dài.

Nhằm tạo niềm tin cho người sử dụng và nâng cao chất lượng thương hiệu “nước mắm Phan Thiết”, UBND tỉnh Bình Thuận đã đưa ra những Chỉ đạo và có những Quyết định nhằm bảo hộ độc quyền tên gọi xuất xứ cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết, cũng như ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” dùng cho sản phẩm nước mắm. Tính đến năm 2019, toàn Tỉnh đã có 57 đơn vị sản xuất được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”. Hoạt động kinh doanh đặc sản quà tặng nước mắm phục vụ du lịch tại thành phố Phan Thiết tập trung chủ yếu ở 3 khu vực chính:

Khu vực Thanh Hải - Phú Hài: tại khu vực này có cửa hàng trưng bày của 2 doanh nghiệp chế biến hàng đầu trong tỉnh là Công ty CP Nước mắm Fisaco và Công ty TNHH Hải Nam, cùng nằm trên tuyến đường giao thông thuận tiện. Khách hàng chính ở khu vực này là khách du lịch theo tour.

Khu vực đường Trưng Trắc và xung quanh chợ Phan Thiết: chuyên kinh doanh các sản phẩm nước mắm đóng chai, mực một nắng, cá khô, mực khô,… của địa phương. Khách hàng chính là các khách du lịch theo tour, khách vãng lai.

Khu vực phía Nam vòng xoay Suối Cát - xã Hàm Mỹ: đây là điểm mua sắm cuối cùng trước khi du khách kết thúc chuyến tham quan, nghỉ dưỡng tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Việc lựa chọn các địa điểm kinh doanh đặc sản nước mắm Phan Thiết phù hợp là rất quan trọng, có thể tính tới mô hình tập trung các khu vực kinh doanh đặc sản gắn với vùng du lịch, nhằm tạo thuận lợi cho việc quảng bá và phát triển các thương hiệu đặc sản Bình Thuận, đồng thời cũng là điều kiện thuận tiện cho chuỗi cung ứng. Các hộ sản xuất nước mắm Phan Thiết tập trung nhiều tại khu vực Thanh Hải, Hàm Tiến và Mũi Né, đây cũng là một lợi thế cần tính tới khi Hàm Tiến - Mũi Né là được xem là điểm du lịch nổi tiếng. Việc phát triển tập trung khu vực kinh doanh đặc sản quà tặng nước mắm Phan Thiết có thể tính tới việc ưu tiên lựa chọn địa điểm này.

Thực tế tại đây đã có cơ sở kinh doanh bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa được đầu tư và xây dựng bài bản, thể hiện rõ được bề dày lịch sử, nét tinh hoa cũng như chất lượng của nước mắm Phan Thiết. Tuy nhiên, lượng du khách tới tham quan và trải nghiệm vẫn còn khiêm tốn vì thiếu các chương trình quảng bá từ phía các cơ quan, ban, ngành, cũng như số lượng các cơ sở kinh doanh hình thức này vẫn chưa nhiều nên chưa tạo được tính phong phú, đa dạng. Cần có nhiều hoạt động quảng bá nước mắm Phan Thiết hơn nữa, thông qua các chương trình hội chợ để giới thiệu các thương hiệu nước mắm nổi tiếng của địa phương; phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin giới thiệu về đặc sản quà tặng, xây dựng các clip đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm tăng mức độ nhận diện thương hiệu hơn đến du khách.

4. Giải pháp phát triển đặc sản quà tặng nước mắm Phan Thiết

Để phát triển hoạt động kinh doanh đặc sản quà tặng phục vụ du lịch và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Tỉnh, dựa trên những điều kiện thực tế tại địa phương, cùng với việc tham khảo các kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp như sau:

4.1. Đối với nhóm giải pháp ưu tiên

  • Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh đặc sản nước mắm về tầm quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên rà soát, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất.
  • Xây dựng các chương trình phối hợp giữa Hiệp hội Chế biến Nước mắm Phan Thiết với các cơ sở kinh doanh đặc sản quà tặng nước mắm và các doanh nghiệp lữ hành để hình thành các tour du lịch trải nghiệm, mua sắm quà tặng đặc sản, nhằm tạo sự hấp dẫn và điều kiện thuận tiện cho du khách.
  • Tổ chức các lễ hội văn hóa ẩm thực địa phương, các chương trình hội chợ truyền thống và tập trung quảng bá cho các thương hiệu nước mắm truyền thống Phan Thiết, có thể thực hiện vào các dịp Lễ Tết hay Ngày du lịch 24/10, Kỷ niệm ngày Thống nhất 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày Quốc khánh 2/9, các sự kiện tuần văn hóa ẩm thực hoặc các dịp tổ chức các giải đấu thể thao biển,…

4.2. Đối với nhóm giải pháp theo lộ trình

Về cơ chế chính sách: chính quyền địa phương cần tập trung đánh giá đúng thực trạng công tác đầu tư các khu, điểm du lịch để từ đó có sự điều chỉnh các khu vực tập trung kinh doanh đặc sản quà tặng phù hợp, tránh đầu tư dàn trải, không hợp lý. Chú trọng ưu tiên xúc tiến đầu tư phát triển các khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, ưu tiên các khu vực, điểm du lịch sinh thái. Tích cực đẩy mạnh tạo điều kiện và cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trong bối cảnh các doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ sụt giảm kinh tế do tác động của dịch bệnh kéo dài; tạo các chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho các cá nhân, chủ thể đăng ký loại hình kinh doanh này. Các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng các kênh thông tin chính thống (truyền hình, báo chí, các mạng xã hội, các trang ẩm thực uy tín,…) để quảng bá thương hiệu và hình ảnh đặc sản quà tặng đặc thù của địa phương.

Về công tác quảng bá hình ảnh thương hiệu: cần xây dựng bộ định vị thương hiệu cho đặc sản quà tặng nước mắm Phan Thiết. Xúc tiến quảng bá cho các thương hiệu và các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn để từ đó nâng cao giá trị của đặc sản quà tặng địa phương trong chuỗi phục vụ quảng bá, phát triển du lịch Bình Thuận. Phát triển hoạt động marketing online nhằm mang lại hiệu quả cao hơn nữa so với các phương tiện truyền thống. Đa dạng các hình thức cung ứng trong quá trình mua bán đặc sản quà tặng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thương hiệu đặc sản quà tặng địa phương, chú trọng về những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực truyền thống lâu đời.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND tỉnh Bình Thuận (2019). Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
  2. UBND tỉnh Bình Thuận (2019). Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Địa chí Bình Thuận (2006). Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận, Bình Thuận.
  4. Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận (2020). Báo cáo tổng kết đề tài Xây dựng mô hình bảo tồn và khai thác các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực ẩm thực Bình Thuận (bánh canh chả cá, bánh căn, lẩu thả) và đặc sản quà tặng (nước mắm Phan Thiết, mực một nắng, thanh long) nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Bình Thuận.
  5. Lê Thị Kim Ngân (2010). Xây dựng mô hình quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý Phan Thiết dùng cho sản phẩm nước mắm. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận.
  6. Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận. (http://www.dulichbinhthuan.com.vn)
  7. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận (https://www.binhthuan.gov.vn)
  8. Nguyên Vũ (2021). Đặc sản Bình Thuận vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Truy cập tại https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35883

 

BUSINESS DEVELOPMENT FOR SPECIAL GIFTS

TO PROMOTE DEVELOPMENT LOCAL TOURISM:

RESEARCH FOR PHAN THIET FISH SAUCE

Master. NGUYEN THI HOAI THANH

Faculty of Natural Resources and Environment Economics

Ho Chi Minh University of Natural Resources and Environment (HCMUNRE)

ABSTRACT:

Special gifts and local tourism have a close relationship. Visitors are increasingly demanding the opportunity to experience more with the cultural features of the land they pass through, especially to learn the quintessence of local specialties. However, the current situation of business in specialty gifts in Binh Thuan has not met the needs of tourists and has not kept up with the growth of tourism in recent years. The article refers to the current situation of specialty business activities of Phan Thiet fish sauce, proposes to apply the model of concentrating specialty business areas associated with tourist areas, in order to facilitate the promotion and development of these specialties, specialty brands, and at the same time convenient conditions for the supply chain; then propose a number of solutions for the group of priority solutions and the group of solutions according to the roadmap.

Keywords: Specialties, Gifts, Tourism, Phan Thiet Fish Sauce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2021]