Phát triển logistics ở tầm cao mới, tránh tụt hậu

Sáng ngày 15/12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh “Phát triển logistics ở tầm cao mới, tránh tụt hậu”.

Diễn đàn logistics lần thứ 5 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Đồng thời, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các Bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn Logictics Việt Nam năm 2017

Các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…

Đại diện lãnh đạo các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận tìm hướng phát triển cho ngành dịch vụ Logistics Việt Nam

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Hoạt động logistics và kết nối hiệu quả, tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc khá nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn

Ở diễn biến khác, Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam đánh giá, sau 5 năm tổ chức Diễn đàn Logistics đã thực sự là không gian tập hợp và kết nối đông đảo cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics trong nước và quốc tế; là diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin về hoạt động phát triển dịch vụ logistics thế giới và Việt Nam.

Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe ý kiến đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp về các chính sách phát triển logistics hiện hành để từ đó có những điều chỉnh phù họp; là cơ hội để doanh nghiệp phản hồi và đối thoại trực tiếp cũng như hiến kế những giải pháp phù hợp, hiệu quả, nhằm thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển, bắt kịp và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới công bố báo cáo Logistics Việt Nam năm 2017

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn. Đây là kênh thông tin trao đổi nhanh và trực tiếp, nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nắm bắt và phản hồi thông tin kịp thời, hiệu quả.

Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 gồm 7 chương, trong đó, chương 1 phác thảo chung về hoạt động sản xuất, đầu tư, xuất nhập khẩu của Việt Nam, các chính sách về logistics, sự phát triển của logistics trên thế giới.

Chương 2 và 3, báo cáo tập trung phân tích về hạ tầng và dịch vụ logistics Việt Nam. Chương 4 và 5, báo cáo đã phác hoạ về bức tranh doanh dịch vụ logistics và vai trò của ngành này trong sản xuất và kinh doanh.

Chương 6 và 7, nói đến vai trò của công nghệ và đào tạo nhân lực cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics.

Lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo trong lĩnh vực logistics có sự tham gia của nhiều trường đại học trên toàn quốc

Đặc biệt, trang thương mại điện tử www.logistics.gov.vn cung cấp những tin tức thời sự về giao thương, có hệ thống cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp tra cứu, từ đó có chiến lược phát triển hợp lý. Trang thông tin cũng tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp vào thảo luận, trao đổi những vướng mắc về logistics.

Cũng tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết các bản ghi nhớ hợp tác quan trọng giữa Vietjet Air Cargo và Viettel, giữa Thép Hoà Phát Dung Quất với Vinalines, Novaon - Bảo Việt, Hiệp hội Logistics và Đại học Quốc gia Hà Nội… nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ Logistics.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Với tinh thần thẳng thắn, hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Tuấn Anh đề nghị các chuyên gia, đại biểu tham dự diễn đàn trao đổi, thảo luận các vấn đề cốt lõi.

Ông Ousmane Dione đưa ra 4 đề xuất được xem là cần ưu tiên để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam: Một là tăng cường kết nối; Hai là tăng cường tạo thuận lợi thương mại; Ba là tăng cường sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp; Bốn là theo dõi, đo lường tiến độ cải cách.

Trong khi đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập và nhấn mạnh đến các vấn đề trọng tâm sau:

Một là, cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics của Việt Nam ở cả ba cấp, từ Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương đến các Hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.

"Chúng ta cùng nhau thảo luận đề xuất, kiến nghị những biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước nói chung và lưu thông hàng hóa trong nước nói riêng", Bộ trưởng Tuấn Anh nêu.

Hai là, kiến nghị các giải pháp để phát triển bền vững ngành logistics xanh của Việt Nam, trong đó logistics phải được coi là một ngành "dịch vụ cơ sở hạ tầng" đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam; cũng như đề xuất kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần hợp tác với nhau, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh như thế nào để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Ba là, cần nghiên cứu trao đổi đưa ra các biện pháp tăng cường hơn nữa việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững trong mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm và các hành lang kinh tế của nước ta một cách đồng bộ, kết nối được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

“Chúng ta cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định.


Hoàng Hòa