Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh

ThS. LÊ THỊ KIM CHI (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung bàn về nội dung nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Thành phố Hồ Chí Minh càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Từ khóa: nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, Thành phố Hồ Chí Minh, hội nhập quốc tế.

I. Nhu cầu cần thiết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập

Sản phẩm của công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Theo đó, nguyên liệu chính của sản phẩm này là chất xám của nguồn nhân lực. Đây chính là thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh. Nguồn lực này được đánh giá là trẻ, năng động, có nền tảng giáo dục tốt. Ngoài ra, cứ sau 5 năm, TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 1 triệu người, còn là nơi tập trung đông đảo các cơ sở giáo dục với 59 trường đại học, 48 trường cao đẳng, và 52 trường trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng thành phố thông minh ở thời điểm hiện tại và tương lai, nhất là về nhân lực công nghệ cao.

Đây chính là động lực cho Thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho mục tiêu kinh tế - xã hội. Con người là lực lượng tiêu dùng của cải, vật chất và tinh thần của xã hội. Vì thế, con người là động lực chính trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Mặc dù sự phát triển của sản xuất quyết định mức độ tiêu dùng, song nhu cầu tiêu dùng của con người lại tác động mạnh mẽ tới sản xuất, định hướng phát triển sản xuất thông qua quan hệ cung - cầu trên thị trường. Thực tế trên thị trường, khi nhu cầu tiêu dùng của một hàng hóa hay dịch vụ nào đó tăng lên, lập tức sẽ thu hút nguồn lực cần thiết sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ đó và ngược lại.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Thành phố xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư.

II. Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực của TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của nước ta. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương, được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam cùng với thủ đô Hà Nội. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính Việt Nam xếp thứ nhất về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), cũng như về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 24 về tốc độ tăng trưởng GRDP. GRDP đạt 1.331.440 tỉ đồng (tương ứng với 52,92 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 154,84 triệu đồng (tương ứng với 6.725 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,30%.

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,06 km². Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm ngày 01/4/2009, dân số Thành phố là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam), mật độ dân số trung bình là 3.419 người/km². Đến năm 2019, con số tiếp tục tăng lên 8.993.082 người. Điều này khiến TP. Hồ Chí Minh trở thành nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước. Giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế nước ta, TP. Hồ Chí Minh chiếm 21,3% tổng sản phẩm (GDP) và 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước.

Triển khai Chương trình hành động số 19 - CTrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng giai đoạn 2016 -2020 và Quyết định số 6252/QĐ của UBND TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2016 về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 10 và Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 -2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản triển khai chương trình nhánh, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2020.

Trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đã được Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X (nhiệm kỳ 2016 - 2020) xác định là nội dung then chốt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cấp chính quyền và các Sở, ban ngành của Thành phố đã chung tay để thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố. Mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực đều xây dựng và ban hành các Kế hoạch hàng năm để triển khai các phần việc của Chương trình, qua đó đã góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng bộ Thành phố thông qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2009 - 2019, toàn Thành phố đã đạt tỷ lệ lao động đang làm đã qua đào tạo nghề là 84,8% và ước đến cuối năm 2020 đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc, với chất lượng đào tạo đạt chuẩn cộng đồng kinh tế Asean. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của Thành phố đạt từ 85 - 90%. Công tác tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục có nhiều khởi sắc, kết quả đào tạo được thị trường chấp nhận.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố - cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ sinh viên, học sinh của Thành phố tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở những lĩnh vực như: Có khoảng 13,56% sinh viên, học sinh tốt nghiệp trong 4 nhóm ngành nghề trọng yếu; có khoảng 50,31% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở 9 nhóm ngành nghề dịch vụ chủ yếup; và có 36,13% sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở các ngành nghề tự do dịch chuyển trong khối Asean. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy ở trình độ Cao đẳng và Trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận, một số ngành nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Điều dưỡng, Dược sĩ, Y sĩ trình độ Trung cấp đã được các cơ sở Y tế công lập tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng đã đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần vào giải quyết việc làm cho thị trường lao động thành phố.

Theo đánh giá mới nhất của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến đầu tháng 7/2020, nhu cầu nhân lực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành như ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng,... đã gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động; trong đó, giải pháp cho lao động giãn việc hoặc nghỉ việc luân phiên được doanh nghiệp lựa chọn cao nhất.

Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp về những khó khăn tại thời điểm dịch bệnh diễn ra thì có tới 39,44% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; 22,89% doanh nghiệp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; 18,31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất; và số còn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Xu hướng việc làm những tháng cuối năm 2020 tập trung ở các lĩnh vực kinh doanh -thương mại, dịch vụ phục vụ, dệt may - giày da, chế biến lương thực - thực phẩm,...

Cho đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh, các doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và tuyển dụng lao động cho hồi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung ở lao động đã qua đào tạo nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo để nhanh chóng ổn định và phát triển.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố cho biết, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng tới thì nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 của TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc.

Theo đó, xu hướng việc làm 6 tháng cuối năm 2020 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại (khoảng 22,7%); dịch vụ phục vụ (7,63%); dệt may - giày da (6,25%); chế biến lương thực - thực phẩm (6,02%); tư vấn chăm sóc khách hàng (5,91%); marketing (5,79%); xây dựng (4,62%); công nghệ thông tin (4,23%); hành chính văn phòng (4,2%); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (3,62%); kinh doanh bất động sản (3,51%)…

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 84,5%. Trong đó, trình độ đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 21%, trung cấp 30%, sơ cấp 13,5%. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ - thông tin và thông thạo ngoại ngữ, đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trao dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, đó là kịch bản khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, và kinh tế - xã hội có những tín hiệu tích cực. Còn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, thì các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải,…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng,…).

Giai đoạn 2019 - 2025, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ cần nhân lực là 300.000 người/năm, ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và Công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất - Hóa dược và mỹ phẩm).

Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao gồm có: Quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; Du lịch - nhà hàng - khách sạn; Marketing - nhân viên kinh doanh; Tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý); Kế toán - kiểm toán; Tư vấn - bảo hiểm; Pháp lý - luật; Nghiên cứu - khoa học; Quản lý nhân sự;…

Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng; dịch vụ - phục vụ; y tế - chăm sóc sức khỏe; du lịch; tư vấn - bảo hiểm,… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như: Cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh,...

Trong tổng nhu cầu nhân lực, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 70%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 28%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 2%.

Trong tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu nhân lực Thành phố tập trung chủ yếu là 04 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ, cụ thể:

Có 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (Các ngành nghề điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa - cơ điện tử, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến lương thực - thực phẩm) chiếm tỷ trọng 21%.

Các nhóm ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực hiện đề án đô thị thông minh, trọng tâm là công nghệ vi mạch, trí tuệ nhân tạo, mạng internet vạn vật và big data; ngành cơ khí chế tạo (phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cơ khí chế tạo thành phố); nhóm ngành hóa chất (trọng tâm là ngành hóa dược); và nhóm ngành chế biến thực phẩm.

Có 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ (Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; Giáo dục - đào tạo; Du lịch; Y tế; Kinh doanh tài sản - bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai; Thương mại; Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin), chiếm tỷ trọng 42%.

Các nhóm ngành dịch vụ - thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, dịch vụ bất động sản, tạo tiền đề để TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh dịch vụ khoa học - công nghệ để trở thành trung tâm khoa học - công nghệ trong giai đoạn 2021 - 2025 thông qua thực hiện đề án đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, trung tâm tài chính khu vực, ứng dụng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, big data,…), đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh.

Các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 37%, gồm: Quản trị kinh doanh (ngoại thương, xuất nhập khẩu, logistic), marketing, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may - giày da, thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thiết kế thời trang, công nghệ truyền thông, chăm sóc sức khỏe (nha sĩ, y sĩ, kỹ thuật y, công nghệ y sinh), khoa học - xã hội - văn hóa - nghệ thuật, công nghệ nông nghiệp (bác sĩ thú y, gây giống cây trồng, sinh vật cảnh, thiết kế cảnh quan), công nghệ sinh học và chế biến thủy - hải sản.

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành Khoa học - tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3 - 5%.

Theo thực tế, các chuyên gia về dân số cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế như: Tâm lý người học vẫn coi trọng bằng cấp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp nên đa phần phụ huynh vẫn còn hướng cho con em vào bậc đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông. Công tác tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, nâng cao tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến, chưa tạo được uy tín đối với người sử dụng lao động, tạo tâm lý e ngại trong việc tuyển dụng lao động sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội trong việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Cùng với đó, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả nên việc giao đất, cấp đất để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các đơn vị.

Ngoài ra, công tác tuyển sinh hàng năm nói chung đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị tuyển sinh đạt dưới 20% chỉ tiêu. Việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra một phần do yếu tố khách quan đã đề cập, và một phần do không xác định đúng nhu cầu học nghề của xã hội và doanh nghiệp mà chỉ chú trọng đào tạo theo năng lực sẵn có.

Bên cạnh đó, vẫn còn tỷ lệ nhà giáo chưa đạt chuẩn theo quy định, công tác tự đánh giá, xếp loại kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện đều khắp các đơn vị; Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo khối giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; Nguồn kinh phí hạn chế;…

III. Những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Thực hiện đạt mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đề ra các mục tiêu và giải pháp phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra như sau: Phấn đấu đạt 87% lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề nghiệp với chất lượng đào tạo được các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp chấp nhận; 100% các trường được lựa chọn các trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm đạt kiểm định theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có ít nhất 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận; 100% nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó về ngoại ngữ có ít nhất 50% nhà giáo đạt trình độ B1 (khung tham chiếu châu Âu) và tương đương trở lên.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thành phố đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận các phương thức quản lý tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Hoàn chỉnh công tác quy hoạch và phát triển giáo dục nghề nghiệp của Thành phố. Tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các trường được lựa chọn trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm và gắn với các nghề mũi nhọn của Thành phố trong thời gian tới như: Công nghệ thông tin - Truyền thông - Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa - Robot, Y tế, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng và Du lịch.

Tập trung đẩy mạnh công tác “Đào tạo kép”, thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động; hình thành tư duy, ý thức khởi nghiệp cho học sinh sau đào tạo nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ. Đàm phán, hợp tác, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới. Hoàn thiện công tác tự đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo làm cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo.

Nghiên cứu, vận dụng và phối hợp với các tổ chức kiểm định quốc tế để kiểm định chất lượng, nhất là các nghề trọng điểm ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, thu hút nhân tài hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thực hiện giao quyền tự chủ hoàn toàn theo quy định pháp luật cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của Thành phố. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với thực tế sản xuất, ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tăng năng suất lao động của Thành phố trong thời gian tới.

Để TP. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực trình độ, chuyên môn cao đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường đầu tư xây dựng các trường chất lượng cao và các trường công lập được quy hoạch nghề trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy các trường này đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngang với các trường trong khu vực và quốc tế; giao quyền chủ động cho Thành phố trong phân bố và triển khai thực hiện kinh phí Chương trình mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm giai đoạn 2020 - 2025 với các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy việc làm bền vững gắn với tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập và phòng ngừa tai nạn lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Kim Anh, (2011). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: thực trạng và nguyên nhân . Hội thảo khoa học: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - Nhu cầu cấp bách, TP.HCM tháng 9/2011. UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Bạch Văn Bảy, (1996). Một số vấn đề biến đổi và phát triển dân số nguồn lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Đàm Nguyễn Thùy Dương, (2004). Nguồn lao động và sử dụng lao động ở TP. Hồ Chí Minh. Luận án tiến sỹ địa lý kinh tế và chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Trần Bá Ngọc - Trần Văn Hoan, (2002), Toàn cầu hóa: Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  5. Bùi Tất Thắng, (2012). Một số vấn đề về phát triển nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 6.

DEVELOPING THE HIGH QUALITY HUMAN RESOURCES

IN HO CHI MINH CITY IN THE CONTEXT OF VIETNAMS

INTERNATIONAL INTEGRATION PROCESS

• Master. LE THI KIM CHI

An Giang University,

Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

This paper focuses on the human resources issue, especially high quality human resources which is consider a decisive role in the socio-economic development of each country. In the context of the rapid development of 4.0 Industry, Ho Chi Minh City has paid great attention to develop high quality human resources to successfully implement the national industrialization and modernization process as well as to solve challenges posed by the country’s international integration process.

Keywords: high quality human resources, human resources, Ho Chi Minh City, international integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]